Phân biệt sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng đơn giản nhất

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng là những thuật ngữ thường được nhắc đến trong các giao dịch, thủ tục về nhà đất. Trên thực tế, nhiều người vẫn lầm tưởng là một, tuy nhiên, chúng lại mang các giá trị và đặc điểm pháp lý khác nhau.

Hiện tại, pháp luật đã điều chỉnh thống nhất bằng việc sử dụng chung một tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thế nhưng, các loại giấy tờ nhà đất cũ, được cấp trước khi quy định mới có hiệu lực vẫn còn tồn tại khá nhiều.

Bài viết này sẽ giúp anh/chị phân biệt sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng đơn giản nhất. Hiểu về các loại sổ này giúp cá nhân đảm bảo được quyền, lợi ích của mình trong việc được pháp luật thừa nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất.

Khái niệm sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng

Phân biệt sổ trắng, sổ đỏ, sổ hồng -1

Trước khi đi vào phân tích tính chất pháp lý, cần có khái niệm để hiểu tổng quan về các loại sổ được nhắc đến.

  • Sổ trắng, hay còn gọi là giấy trắng, dù chưa được quy định chi tiết trong bất kỳ văn bản pháp luật nào nhưng quá trình xử lý thực tiễn tại nhiều địa phương, các loại giấy tờ tại điều 50 Luật đất đai 2003 (điều 100 luật Đất đai 2013) vẫn được “ngầm” hiểu là sổ trắng; dùng để ghi nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà.
  • Sổ đỏ là giấy ghi nhận quyền sử dụng đối với nhiều loại đất, như: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất làm nhà ở thuộc nông thôn. Tên gọi cũng xuất phát một phần từ màu sắc bên ngoài (bìa màu đỏ). Sổ đỏ có tên gọi pháp lý là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
  • Sổ hồng bao gồm 2 loại: sổ hồng cũ và sổ hồng theo luật mới. Sổ hồng cũ là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở. Tuy nhiên, sau thay đổi, sổ hồng là sự hợp nhất của sổ đỏ và sổ hồng cũ, trở thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Phân biệt sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng

Xét về bản chất, sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng đều là những văn bản ghi nhận quyền của chủ sở hữu, chủ sử dụng đối với đất đai, nhà ở. Theo đó, các hoạt động, giao dịch liên quan đến đất, tài sản trên đất đều phải dựa vào đây để tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời điểm ra đời khác nhau dẫn đến mỗi loại sổ kể trên đều có những đặc điểm riêng biệt.

Căn cứ pháp lý các loại sổ

  • Sổ trắng: dựa trên các loại giấy tờ trong điều 50 Luật Đất đai 2003 cũ (Điều 100 Luật Đất đai 2013 hiện hành)
  • Sổ đỏ: Nghị định 64-CP và Thông tư 346/1998/TT-TCĐC về hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
  • Sổ hồng: Nghị định 60-CP về quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở tại đô thị đối với sổ hồng cũ và Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với sổ hồng mới.

Phân biệt sổ trắng, sổ đỏ, sổ hồng -2

Cơ quan có thẩm quyền cấp

  • Sổ trắng:Cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ; Cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam
  • Sổ đỏ: UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
  • Sổ hồng: UBND cấp tỉnh; ngoài ra còn ủy quyền cho UBND quận, thị xã cấp sổ trong phạm vi địa bàn (sổ hồng cũ). UBND cấp tỉnh; một số trường hợp uỷ quyền cho UBND cấp huyện (sổ hồng mới).

Khu vực, loại đất và đối tượng được cấp

  • Sổ trắng: tất cả các loại đất trên phạm vi cả nước, cho bất kỳ ai có đủ điều kiện được cấp giấy
  • Sổ đỏ: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất ở nông thôn ở khu vực ngoài đô thị, chủ yếu cấp cho hộ gia đình.
  • Sổ hồng:
    - Sổ hồng cũ: đất ở đô thị tại nội thành, thị xã, thị trấn cho những ai đủ điều kiện.
    - Sổ hồng mới: tất cả các loại đất trên phạm vi cả nước với trường hợp mọi cá nhân, tổ chức đủ điều kiện.

Hiện nay, các quy định về đất đai đang dần được cụ thể và đơn giản hóa để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng; sớm đồng bộ hệ thống các giấy tờ nhà đất. Do đó, pháp luật khuyến khích các chủ sở hữu, sử dụng sớm thực hiện việc chuyển đổi từ sổ trắng sang sổ hồng, sổ đỏ sang sổ hồng mẫu mới.

Trên đây là cách phân biệt sổ trắng sổ đỏ sổ hồng đơn giản, hiệu quả nhất. Hy vọng thông tin này sẽ hữu ích cho những ai đang còn băn khoăn về giá trị và tính chất pháp lý của các loại sổ trên.

Xem thêm: