Sổ trắng và những quy định mới nhất năm 2020
Sổ trắng là những giấy tờ nhà đất cũ tuy nhiên vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong các giao dịch hiện nay. Đây là loại sổ có những giới hạn, đặc điểm pháp lý riêng biệt mà không hẳn ai cũng nắm rõ.
Trong các quy định pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ nhà đất cũ đang dần được đồng bộ với mẫu thống nhất hiện nay là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn với đất (sổ hồng mới). Tuy nhiên, trên thực tế, việc thể hiện các quy định có phần phức tạp, gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm, vì vậy, phần lớn người dân vẫn đang nhìn nhận và sử dụng sổ trắng như một loại giấy chứng nhận đầy đủ giá trị pháp lý.
Những quy định mới nhất về sổ trắng năm 2020 sẽ phần nào giải đáp và hướng dẫn chi tiết hơn về loại sổ đặc biệt này.
Sổ trắng là gì? Bản chất pháp lý của sổ trắng
Căn cứ ban hành sổ trắng dựa trên các quy định tại Nghị định 02-CP ngày 04/01/1979 của Hội đồng Chính phủ về ban hành điều lệ thống nhất quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, thị trấn và Pháp lệnh nhà ở ngày 26/3/1991 của Hội đồng Nhà nước.
Theo đó, diện tích ghi trong sổ trắng sẽ ghi theo hồ sơ liên quan về hiện trạng đất ở thời điểm cấp giấy chứng nhận. Như vậy, sổ trắng có thể hiểu đơn giản là giấy tờ về quyền sử dụng đất; là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính.
Những loại giấy tờ nào được gọi là sổ trắng
Sổ trắng trước đây được phân chia thành hai loại, gồm:
- Cấp trước 30/04/1975: Có Văn tự đoạn mại bất động sản, Bằng khoán điền thổ.
- Cấp sau 30/04/01975: Có giấy phép mua bán nhà, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận (hoặc quyết định) của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết những vấn đề nhà đất liên quan đến sổ trắng, giấy trắng, cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương đang ngầm hiểu một số giấy tờ tại Điều 100 Luật Đất đai (có thể) được xem là sổ trắng:
- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993, do Cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính.
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất.
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở, trước ngày 15/10/1993. Nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.
- Giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở, theo quy định của pháp luật.
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
Có bắt buộc chuyển từ sổ trắng sang sổ đỏ, sổ hồng?
Trước đây, theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2008: “Sổ trắng phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất".
Tuy nhiên, sau khi văn bản này hết hiệu lực, việc chuyển đổi sổ trắng được quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này."
Như vậy, việc giao dịch bằng sổ trắng vẫn được chấp nhận và việc chuyển sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất theo mẫu hiện hành không còn là điều kiện bắt buộc. Người dân có nhu cầu sẽ thực hiện thủ tục chuyển sổ trắng sang sổ hồng theo các quy định về cấp đổi Giấy chứng nhận.
Hiểu sổ trắng là gì và cập nhật các quy định mới liên quan sẽ giúp người dân an tâm hơn về giá trị pháp lý của sổ trắng. Tuy nhiên, vì các văn bản này đã cũ, khó tránh được thất lạc hoặc nhòe, mờ; vì vậy, người dân nên sớm chuyển đổi để đảm bảo lợi ích về lâu dài.
Xem thêm: