Hướng dẫn cách làm hồ cá ngoài trời (Kỹ thuật & Phong thủy)

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Hồ cá là tiểu cảnh được nhiều gia đình ưa thích hiện nay. Tuy nhiên, bạn đã biết cách làm hồ cá ngoài trời theo đúng kỹ thuật xây dựng và các nguyên tắc về phong thủy?

Ngày nay, các gia chủ dường như quan tâm nhiều hơn đến không gian sống, nhằm cải thiện chất lượng trải nghiệm, ở nhà nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố về thẩm mỹ, sự nghỉ ngơi, thư giãn. Trong đó, xây hồ cá ngoài trời được lựa chọn khá nhiều, phần vì đúng với sở thích, nhu cầu của số đa người Việt, phần vì thiết lập hệ thống tiểu cảnh đơn giản nhưng đa năng, vừa trang trí vừa giúp điều hòa không khí, cảnh quan đẹp mắt, hài hòa, hỗ trợ dưới phương diện phong thủy.

Tuy nhiên, việc xây hồ cá ngoài trời hiện nay vẫn thường hay được thực hiện một cách “ngẫu hứng”, theo quan điểm của từng người. Dù về mặt thẩm mỹ không ảnh hưởng nhiều nhưng nếu sử dụng lâu dài có thể gây phát sinh nhiều vấn đề hoặc phạm phải những điều cấm kỵ về hướng, hình dạng,... ảnh hưởng không tốt đến gia đình gia chủ. Vì vậy, xây hồ cá, dù quy mô nhỏ hay lớn cũng cần nghiên cứu, tính toán kỹ phương án trước khi thực hiện.

Hồ cá ngoài trời

Dưới đây là tất tần tật cách làm hồ cá chuẩn nhất để bạn đọc tham khảo.

Cách làm hồ cá ngoài trời đúng kỹ thuật

Dự trù chi phí thực hiện hồ cá ngoài trời

Đối với xây hồ cá, lên phương án dự trù chi phí là một bước quan trọng không thể bỏ qua ở giai đoạn chuẩn bị. Khi có mức tài chính cụ thể, chúng ta mới có thể biết cách lựa chọn quy mô, phong cách thiết kế, vật liệu, công thợ,... Thông thường, những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến chi phí là: kiểu dáng, diện tích, mặt bằng giá vật liệu xây dựng tại địa phương, hệ thống lọc khí, lọc nước, tiểu cảnh đi kèm,...

Ngoài ra, gia chủ cũng nên tính toán đến các chi phí khác, như: phí thiết kế (trường hợp hồ cá quy mô lớn, phải thuê đơn vị thiết kế chuyên nghiệp), chi phí vận chuyển. Khi lên mức kinh phí dự trù, nên để sẵn một khoản cho các chi phí phát sinh vì đây là điều không thể tránh khỏi trong xây dựng.

Chuẩn bị về mặt ý tưởng và kỹ thuật

Lên ý tưởng cho hồ cá

Bạn phải định hình được chiếc hồ cá mong muốn, so sánh tương quan với độ rộng của mặt bằng, cũng như hệ thống cảnh quan, không gian của nhà mình. Những hồ cá thiết kế đơn giản thì gia chủ có thể tự mình phác họa, đo đạc. Tuy nhiên, với các mô hình cầu kỳ, phức tạp, tốt nhất nên thuê thợ, tìm đến những đơn vị thiết kế chuyên nghiệp, uy tín để được trợ giúp. Một ý tưởng rõ ràng và bản vẽ khoa học có thể giúp tối ưu phương án tài chính.

Chuẩn bị mặt bằng

Chuẩn bị mặt bằng chính là công việc giải phóng mặt bằng sau khi đã có ý tưởng và bản vẽ. Phần này bao gồm các công việc như:

  • Dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo bề mặt bằng phẳng.
  • Đào sâu nền đất để chuẩn bị cho việc xây dựng hồ cá ngoài trời.
  • Dùng vôi và một số loại thuốc để diệt khuẩn độc hại – nấm mốc xung quanh trước khi xây dựng.

Thi công

Một hồ cá ngoài trời đạt chuẩn cần đảm bảo được nhưng yếu tố:

  • Tạo hình hồ đẹp, bề mặt mịn.
  • Khả năng trữ nước và chống thấm trong ngoài cao
  • Đắp hình non bộ theo thiết kế hoặc theo sáng tạo phù hợp với kích thước hồ, cảnh quan xung quanh.
  • Ít có những điểm nhọn hay sắc gây sát thương cho cá nuôi

Chuẩn bị vật liệu xây dựng

  • Cát vàng, xi măng
  • Vật liệu chống thấm
  • Nilon đen lót nền
  • Đất sét và đất để đổ chân bể
  • Ống dẫn nước, đá xếp, cây cảnh, tiểu cảnh, đồ trang trí, cây cảnh ven bể, …
  • Lưới ngăn, máy bơm nước, hệ thống lọc nước, …
  • Gạch lát M75 với độ bền B5

Chuẩn bị mặt bằng, tạo hình hồ cá

Tạo hình cho hồ cá ngoài trời

Muốn có một hồ cá đẹp thì bước tạo hình phải thật cẩn thận, bắt đầu từ khâu đào đất tạo hình, đến khâu xây gạch và đắp xi măng sau này, đều phụ thuộc vào phần khung tạo sẵn ban đầu. Ngoài ra, khâu tạo hình cũng quyết định đến độ chắc chắn của hồ cá sau này.

Dựa vào bản vẽ để xác định độ rộng, độ nông sâu của bể. Đặc biệt, cần chú ý đến những vị trí đạt độ thoải nhiều hay ít để tạo ra phần lõm cố định của bể đầu tiên.

Có một bước mà rất nhiều người khi thi công bể cá bỏ qua, đó chính là dùng đất sét để tạo độ phẳng cho bề mặt chuẩn bị xây. Đây là bước vô cùng quan trọng, đảm bảo hồ cá có bề mặt tốt nhất, giúp nước trong hơn và ngoài bể không bị thấm.

Tạo lớp chống thấm bên ngoài hồ cá

Bước tạo lớp chống thấm bên ngoài tuy khá đơn giản nhưng không kém phần quan trọng. Ở bước này, chỉ cần thực hiện một công đoạn duy nhất là trải đều lớp vữa xuống nền đất sét đã đắp trước đó. Tuy nhiên, cần lưu ý, nên trộn vữa với những dung dịch chống thấm như silicat, bitum,... để phát huy khả năng chống thấm hiệu quả.

Trường hợp bể cá có diện tích lớn, chỉ nên trải một phần bể để thi công trong khoảng 1 giờ đồng hồ rồi tiếp tục trải để thi công công phần tiếp theo.

Xây gạch – trát vữa bề mặt

Quy trình thực hiện bước này nên làm theo thứ tự xây từ tâm đáy bể lên đến thành bể vì hồ cá ngoài trời hầu hết đều có dạng cong đều từ thành xuống đáy. Cách xây cũng không có gì quá khó, chỉ cần xây tường khoảng 10cm, các mạch cần no vữa và đều. Ở những vị trí cong có thể vỉa gạch nghiêng. Nên nhớ rằng, lớp xi măng trên cùng là quan trọng nhất, tạo độ phẳng cho bề mặt.

Sau khi xây xong, nên để 2 - 3 ngày cho gạch khô rồi mới bắt đầu trát tiếp lớp vữa đầu tiên lên mặt gạch. Sau đó đặt lưới gia cố lực - chống thấm xuôi lên bề mặt. Tiếp đến, trát thêm một lớp vữa có trộn cùng dung dịch chống thấm, hoặc thay bằng màng chống thấm bitum,...

Chống thấm cho hồ cá

Tạo lớp chống thấm nước bên ngoài cùng

Khâu cuối cùng và cũng là khâu quan trọng để hoàn thiện hồ cá, đảm bảo độ bền, tính ứng dụng về lâu dài. Dùng xi măng pha nước ở dạng sệt để đổ lên bề mặt và đưa bay vào, tạo thành lớp phủ bên ngoài mịn nhất có thể. Lớp này có vai trò tạo độ phẳng cho nước, đồng thời ngăn nước từ bể thấm vào thành bể.

Lắp các thiết bị hỗ trợ môi trường và tạo tiểu cảnh

Khi xây hồ cá ngoài trời, không chỉ hoàn thiện phần hồ, gia chủ còn phải kết hợp hệ thống đường ống cấp - thoát nước, các loại máy bơm, cùng những yếu tố tiểu cảnh khác, như vậy mới có thành phẩm đẹp mắt, ấn tượng.

Xếp đá xây hồ cá

Dù ít hay nhiều, hồ cá ngoài trời muốn đẹp thường gắn liền với hệ thống trang trí dạng núi non. Trong đó, đến 95% phải làm chính là công việc xếp đá. Có nhiều cách xếp khác nhau, tùy thuộc vào sở thích, kích thước hồ cá.

  • Xếp đá dưới đáy hồ cá
  • Xếp đá tạo hình phía trên thành hồ
  • Xếp đá tạo hình núi non từ dưới nước lên phía trên
  • Xếp đá tạo hình dạng thác đổ từ trên tường xuống,...

Hoàn thiện sơ đồ lọc nước hồ cá

Có một sơ đồ lọc nước hoàn thiện không chỉ tạo ra môi trường sống tốt nhất cho các loài sinh vật mà còn tiết kiệm được thời gian, công sức dọn dẹp, rửa bể. Gia chủ nên đầu tư vào hệ thống bơm nước, lọc nước tối ưu.

Ngoài hệ thống cấp nước vào, hồ cá ngoài trời cũng cần đến hệ thống phun nước trang trí. Vì vậy, cần có hệ thống dùng để trữ nước, bơm nước tuần hoàn. Thiết kế đẹp nhất là những đường ống mềm tại khu vực hồ nên làm chìm bên dưới hoặc khéo léo luồn vào những khu trang trí đá non bộ.

Thường hồ cá ngoài trời không chỉ lắp hệ thống cấp nước vào. Nó còn có các hệ thống phun nước trang trí. Điều đó cần một hệ thống trữ nước, bơm nước tuần hoàn. Để đẹp nhất thì những đường ống mềm tại khu vực bể cần được làm chìm bên dưới. Hoặc luồn vào những khu trang trí đá non bộ.

Trồng cây thủy sinh và thả cá

Sau khi đã tạo hình khô và lắp đặt hệ thống đường nước, bể đảm bảo sạch sẽ, gia chủ có thể thả cá cũng như trồng thêm những loại cây thủy sinh phù hợp với điều kiện sống ngoài trời.

Một số loài cây thủy sinh thích hợp để trồng ở hồ cá ngoài trời:

  • Cây rong la hán xanh
  • Cỏ cọp
  • Cỏ dùi trống
  • Rong đuôi chó
  • Cây rêu Fissidens fontanus

Ngoài ra, gia chủ có thể trồng thêm những loại cây khác để tạo tiểu cảnh xung quanh hồ, ví dụ như cây bách, tùng nhỏ, hay bất kỳ loại cây xanh nào yêu thích, phù hợp với điều kiện, môi trường tự nhiên.

Sắp xếp tiểu cảnh

Các loài cá thường được nuôi ở hồ ngoài trời:

Bên cạnh cá Koi là loài cá đẹp, được ưa thích bậc nhất hiện nay thì còn khá nhiều lựa chọn thú vị khác:

  • Cá bảy màu.
  • Cá vàng
  • Cá đuôi kiếm
  • Cá xiêm
  • Cá huyết anh vũ
  • Cá rồng.
  • Cá đá
  • Cá chuột hổ
  • Cá lông vũ
  • Cá sặc cảnh
  • Cá mún
  • Cá thần tiên,...

Nếu chưa có kinh nghiệm, gia chủ nên chọn những loại cá dễ nuôi, dễ sống. Đặc biệt, nếu có ý định nuôi nhiều loại cá khác nhau, cần tìm hiểu xem môi trường sống của chúng như thế nào, có đối chọi nhau hay không,... Thông thường có thể thấy người chơi cá cảnh hay phân ra từ 2 - 3 tầng sống cho chúng: tầng đáy, tầng giữa và tầng trên mặt. Trong đó, tầng đáy dành cho các loài cá ăn phù du và đồ thải của cá lớn; tầng giữa là nơi sống của các giống cá to khỏe và bề mặt là những loài dễ sống, dễ ăn.

Hướng dẫn cách làm hồ cá ngoài trời theo đúng phong thủy

Phong thủy trong làm hồ cá ngoài trời chủ yếu là vị trí, hướng đặt và hình dáng của hồ. Để đảm bảo không phạm phải điều cấm cũng như thu hút nguồn năng lượng tích cực, may mắn cho gia đình, cần lưu ý một số vấn đề sau.

  • Không đặt hồ cá ngoài trời sát với khu vực nhà ở: trước hết, có thể sẽ gây nguy hiểm cho những thành viên trong gia đình, đặc biệt là nhà có người già và trẻ em. Theo phong thủy, bể cá quá sát nhà thì sinh khí tốt sẽ vô tình bị hút ra mạnh và nhanh hơn.
  • Không chọn bể cá có hình vuông hay hình chữ nhật, đặc biệt, tối kỵ để các góc nhọn của bể cá hướng vào cửa.
  • Phải luôn giữ cho nước trong bể sạch sẽ, đặc biệt là chọn hoa sen, hoa súng để tạo tiểu cảnh vì rất dễ phát sinh tà khí.
  • Phía Tây và Đông của căn nhà là 02 hướng không nên chọn để xây hồ cá, hướng này rất dễ gây ra các bệnh liên quan đến thần kinh cho các thành viên trong gia đình.
  • Không nên lạm dụng không gian xung quanh 4 phía căn nhà để làm hồ cá ngoài trời. Theo quan niệm, những chiếc hồ cá lúc này sẽ mang hình tượng của dấu chân hổ hoặc rồng, dễ sinh tà dâm cho người trong nhà.
  • Kỵ xây nhiều hồ cá liền nhau vì sẽ làm phát sinh nhiều tai họa nối tiếp nhau.

Vậy đặt và xây hồ cá ngoài trời như thế nào để có phong thủy tốt?

  • Nếu muốn con cháu trong nhà làm ăn phát tài, học hành thuận lợi, thi cử đỗ đạt thì nên xây hồ cá hình nghiên mực.
  • Hồ cá hình bán nguyệt hỗ trợ về đường tài lộc, tạo sự giàu có, thu hút vận may về tiền bạc cho gia chủ.
  • Hồ cá ngoài trời tốt nhất là thiết kế có dạng hình cong nhẹ, có phần lõm hướng vào căn nhà. Hình ảnh này tượng trưng cho vòng tay ôm lấy và bảo vệ, bao bọc cho căn nhà được bình an.
  • Hướng đặt hồ cá cũng quan trọng không kém gì hướng nhà, nên chọn hướng hợp với tuổi, với mệnh của gia chủ.
  • Hồ cá ngoài trời dù theo một số quan niệm nếu xây trước nhà sẽ không tốt cho đường tài vận. Tuy nhiên, nếu muốn, gia chủ vẫn có thể hóa giải bằng cách chọn hình dáng và hướng hợp với tuổi, mệnh.
  • Khuyến khích xây hồ cá ngoài trời sau nhà, sẽ tránh được những điều đại kỵ hơn so với trước nhà.

Phong thủy hồ cá ngoài trời

Một số lưu ý khác khi làm hồ cá ngoài trời

Sử dụng chân hồ cá bằng gỗ hay dùng gạch men: kinh nghiệm của các chuyên gia về hồ cá chỉ ra rằng, với hồ cá tiểu cảnh thủy sinh ngoài trời, việc lát gạch men dưới đáy bể không được khuyến khích vì chúng không làm nổi màu cá, hồ khó mọc rêu dù nhìn trông rất đẹp. Gia chủ chỉ nên lát gạch men ở mép trên lòng hồ.

Đối với hồ nuôi cá bảy màu, cá vàng, cá dĩa, cá ali, cá betta,... ở ngoài trời: mặt trong của bể có thể để mộc, nhưng tốt nhất vẫn là sơn thêm một lớp đen chống thấm hồ cá, giúp hồ trông sạch sẽ hơn, kết hợp với màu rong rêu, màu sắc của cá trở nên nổi bật, thu hút. Ngoài ra, sơn chống thấm cũng giúp kéo dài việc bảo trì hồ cá.

Chọn kính cho hồ cá: với những gia chủ muốn uốn kính làm bể cá thay vì xây xi măng, hay đã dựng hồ cá bằng xi măng nhưng chưa biết chọn kính gì, mua kính gì để đặt thì nên tham khảo kính cường lực có độ dày khoảng 8mm.

Khi làm hồ nuôi cá ngoài trời bằng kính, bằng bạt, chậu cảnh,... cần chú ý đến độ sâu của bể. Độ sâu này phụ thuộc vào chiều dài của cá, trừ hao kích thước khi chúng lớn.

  • Với cá nhỏ, độ sâu thông thường không quá 80 cm, sâu hơn sẽ khó nhìn được
  • Với cá lớn có kích thước hơn 50cm thì dù là xây bể xi măng nuôi cá nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá chình, hay làm bể cá hải sản, nuôi cá lớn như cá mập… cũng đều cần làm hồ cá sâu hơn.

Dung tích hồ có thể dao động từ 4 đến vài chục mét khối tùy theo mặt bằng, bờ của hồ nên xây cao hơn mặt nước khoảng 30cm để tránh trường hợp cá nhảy ra khỏi hồ.

Đảm bảo hệ thống lọc để có môi trường nước thật tốt cho sự phát triển của cá và các loài sinh vật. Trường hợp nuôi cá Koi, nên cân nhắc việc xây bể lọc hồ cá riêng, tương tự với các loài cá có đòi hỏi cao về lọc nước.

Để quá trình xả tháo nước cho hồ cá được dễ dàng hơn, gia chủ nên xây ống van thu nước cao hơn đáy hồ một chút, phòng trường hợp bộ lọc hư thì vẫn còn nước cho cá sống.

Các vật liệu xây dựng tiểu cảnh hồ cá như lưới ngăn, máy bơm, lọc bể cá sân vườn, lọc nước hồ cá ngoài trời tại các cửa hàng bán đá, gạch xây lát bể, hồ cá, trên toàn quốc. Tuy nhiên, nên chọn nơi cung cấp uy tín, có kinh nghiệm để vừa nhận được tư vấn, vừa chọn được sản phẩm chất lượng.

Mô hình xây thác nước cho hồ cá ngoài trời rất được ưa chuộng và đẹp mắt, hiệu quả trong việc giữa môi trường sạch sẽ cho cá. Tuy nhiên, trường hợp gia chủ làm hồ cá bằng mica, gỗ, thùng xốp, âm đất bằng bạt,... thì mô hình này sẽ khó áp dụng.

Hòn non bộ, tiểu cảnh nên có trong hồ cá ngoài trời, vừa tăng tính thẩm mỹ, vừa tạo môi trường yên tĩnh, tự nhiên cho cá và tránh được ánh sáng mặt trời.

Thả thêm các giống họ bèo để tạo nguồn thức ăn cho cá phong phú, tăng oxy, cũng như có nơi cho cá sinh sản.

Để thêm sinh động, gia chủ có thể thiết kế thêm vài cây cảnh bonsai, sen đá, giúp hạn chế sự phát triển của rêu. Thiết kế thêm hệ thống đèn, bàn ghế, đá tảng,... để có thêm không gian thư giãn lý tưởng.

Cách chăm sóc hồ cá sân vườn ngoài trời

Một hồ cá đẹp, ngoài việc hoàn thiện khâu lên ý tưởng và xây dựng, trang trí, việc chăm sóc, cải tạo, làm sạch hồ cá thường xuyên cũng là yêu cầu quan trong, duy trì cảnh quan cho hồ, giúp cá sống và sinh trưởng tốt, đảm bảo các yếu tố về phong thủy.

Dưới đây là một số thông tin về cách chăm sóc, cải tạo bể cá ngoài trời, giữ ấm bể cá ngoài trời, xử lý khi hồ cá ngoài trời bị rêu, bị tảo xanh,... khá đơn giản để thực hiện mà gia chủ có thể tham khảo:

  • Để trị rêu cho hồ cá, sử dụng thuốc diệt rêu bể cá ngoài trời. Loại thuốc này có thể tìm mua dễ dàng tại các cửa hàng chuyên về cá cảnh, thủy sinh.
  • Vệ sinh hồ cá định kỳ để hạn chế rêu, giữ cho nước được trong, hạn chế sự phát triển của các mầm bệnh.
  • Sử dụng các chế phẩm sinh học, thường xuyên thay nước.
  • Trong vòng 3 tuần nên thay khoảng 50% nước, đồng thời loại bỏ phần thức ăn thừa, cặn sau khi cá ăn.
  • Đối với thời tiết quá nắng nóng, cần có lưới chống nắng, cũng như mái che cho cá, nhằm giảm nhiệt độ trong bể bên cạnh tận dụng hệ thống hòn non bộ.
  • Khi mưa lớn, dùng lưới hoặc bạt che để cá không bị trôi ra ngoài.

Thường xuyên chăm sóc hồ cá

Hướng dẫn cách làm trong nước hồ cá

Trong việc chăm sóc hồ cá thì làm trong nước là công việc đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cảnh quan, môi trường, sự phát triển của sinh vật và cả về phong thủy.

Nước là môi trường chính để các loài cá và sinh vật phát triển. Nếu chất lượng nước tốt, đàn cá sẽ khỏe mạnh, việc ngắm nhìn chúng sẽ thuận tiện hơn, có tác dụng rất tốt về mặt tinh thần, giải tỏa căng thẳng. Ngược lại, nếu hồ bị đục, có mầm tảo, rêu xanh,... cá sẽ rất khó để phát triển, chưa kể không có tính thẩm mỹ, mùi hôi tanh, ô nhiễm không khí,...

Nguyên nhân khiến nước hồ cá ngoài trời bị đục

  • Chưa có hệ thống lọc nước hoặc lọc nước hồ cá hoạt động không hiệu quả. Đây chính là lý do vì sao ở cách làm hồ cá ngoài trời, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của phương án thiết kế hệ thống lọc nước ngay từ ban đầu.
  • Trường hợp đã có hệ thống lọc nhưng tình trạng nước không được cải thiện, cần xem xét:
    • Thiết bị, nguyên vật liệu có đảm bảo chất lượng, được sử dụng đúng cách hay chưa.
    • Công suất của trang thiết bị có đảm bảo?
    • Quá trình lắp đặt hệ thống có đạt chuẩn?
  • Mật độ nuôi cá quá dày đặc: người mới chơi, thiếu kinh nghiệm thường “ham” trong khâu chọn cá, muốn nuôi thật nhiều trong hồ mà không quan tâm đến mật độ sống của chúng. Khi mật độ quá dày, tính cạnh tranh tăng lên, tỷ lệ cá chết nhiều hơn, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Không xử lý triệt để chất thải của cá: có thể vì số lượng cá lớn, chất thải phát sinh lớn hơn khả năng làm sạch của hệ thống. Hoặc không xử lý kịp thời các chất như dịch nhờn, phân, nước tiểu,... khiến nước bị bẩn đục. Hoặc đáy hồ tạo độ dốc không phù hợp, khiến quá trình thu gom chất thải gặp khó khăn.
  • Thức ăn thừa bị lắng đọng: chỉ khoảng 60 - 70% lượng thức ăn được cá hấp thụ. Nếu cho cá ăn quá nhiều, không đúng thời điểm thì chắc chắn phần lớn thực ăn sẽ bị dư thừa, chúng lắng xuống đáy hồ và gây ô nhiễm nước.
  • Xác động thực vật ở đáy hồ: lá cây, các con vật rơi xuống hồ,... theo thời gian bị phân hủy tạo ra bùn, cặn, mùi hôi,... Lúc này các vi khuẩn có hại, động vật ký sinh, rêu tảo,... có điều kiện để phát triển.
  • Hồ cá bị thấm, rỉ nước từ bên ngoài vào: lỗi này xuất phát từ quá trình thi công hồ cá, bởi một số lý do như:
    • Thiết kế sai hoặc thi công sai thiết kế
    • Thợ thi công tay nghề yếu, làm cẩu thả
    • Hồ cá không được chống thấm hoặc chống thấm sai cách
  • Quá nhiều ánh sáng chiếu vào hồ: ánh sáng cần cho sự phát triển của cá nhưng nếu quá nhiều, dẫn đến sự phát triển quá mức của rêu, tảo, nước trong hồ sẽ nhanh bị đục, chuyển sang màu xanh lục.

Những cách làm trong nước hồ cá hiệu quả

Đầu tư vào hệ thống lọc nước đạt chuẩn

Hệ thống lọc đạt chuẩn sẽ thực hiện những nhiệm vụ:

  • Vệ sinh và làm sạch chất lượng nước nuôi trong hồ cá.
  • Tạo ra dòng chảy nhỏ trong hồ, hình thành những khu vực đối lưu nhỏ cho cá bơi lội.
  • Hút và loại bỏ các sinh vật, rêu, tảo ở đáy hồ, mặt hồ, thành xung quanh của hồ.
  • Loại bỏ chất thải do phân cá để lại hoặc thức ăn thừa đã bị lắng cặn.
  • Cải thiện môi trường nước, tiết kiệm thời gian và chi phí thay nước hồ bằng phương pháp thủ công.

Điều chỉnh lượng thức ăn cho cá

  • Chia thành nhiều lần ăn trong ngày. Tốt nhất là cho ăn từng chút một, quan sát phản ứng của chúng với thức ăn. Khi cá đã ăn hết mới cho lần tiếp theo vào.
  • Cho cá ăn 2 lần/ngày, để có tự ăn trong vòng 2 - 5 phút; cho ăn vào sáng sớm và chiều mát là tốt nhất.
  • Nếu cá có biểu hiện ngậm thức ăn rồi nhả ra hoặc thờ ơ thì đây là lúc cá đã ăn đủ. Nên cho cá ăn tập trung ở một góc hồ, tránh rải khắp hồ khiến nước bị vẩn đục.

Làm trong nước hồ cá

Trồng thêm cây thủy sinh để lọc nước

Cây thủy sinh vừa có tác dụng tạo tiểu cảnh, làm đẹp cho hồ vừa giúp lọc nước, giữ vệ sinh cho nước hiệu quả. Gia chủ tham khảo những loại cây thủy sinh đã được gợi ý ở phía trên nội dung bài viết.

Nuôi cá dọn bể

  • Có nhiều loại cá được nuôi để làm sạch rêu trong hồ cá ở ngoài trời. Loài này sinh sống chủ yếu ở tầng đáy, thức ăn thường là các vi sinh vật cho tới các loại rong tảo bám sát trên bề mặt đá, thành bể, cây thủy sinh…
  • Cá dọn bể tuy không tranh giành thức ăn với các loài cá khác nhưng chúng lại sinh sản và phát triển rất nhanh, cần dựa vào diện tích mặt đáy để thả số lượng phù hợp.

Thay đổi nguồn nước vào hồ, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ

Các chuyên gia nuôi cá cảnh cho biết, việc thay nước cho hồ cá phải thực hiện đinh kỳ. Đồng thời, các thiết bị hệ thống cũng cần phải được kiểm tra và bảo dưỡng theo hàng tuần, hàng tháng.

  • Hàng ngày phải cấp nước mới cho vận hành tràn liên tục dưới 10% dung tích bể chứa
  • Đảm bảo không vứt rác, chất hữu cơ, hoá chất độc hại xuống hồ cá.
  • Xả cặn tại khoang đầu tiên của hệ lọc hàng tuần. Tiến hành xả cặn bằng cách mở van xả cặn trong khoảng 3 – 5 phút tùy thể tích hồ.
  • Kiểm tra vệ sinh các máy bơm sau 2 tháng/lần để đảm bảo không bị tắc do rác hoặc các vật cản khác.

Nuôi dưỡng hệ vi sinh có lợi

Vi sinh được chia làm 2 loại: tự dưỡng (Chemoautotrophic – nguồn thức ăn là tạp chất vô cơ) và dị dưỡng (Heterotrophic – nguồn thức ăn là tạp chất hữu cơ). Hệ vi sinh này nếu phát triển tốt sẽ đảm bảo chất lượng nước, chúng hỗ trợ lọc nước, khử mùi tanh, có thể loại bỏ một số chất độc hại, mầm rêu, tảo,...

Sử dụng đèn chiếu UV để diệt nấm và tảo

Cơ chế hoạt động của tia UV là diệt khuẩn mạnh ở những vùng có bước sóng từ 280 – 200mm, mạnh mẽ trên Nucleo Protein giúp diệt hết vi khuẩn có trong nước. Ngoài ra, không khí sẽ sản sinh ra nhiều Ozon hơn, tăng khả năng nhiệt trừ vi khuẩn nhanh hơn.

Có thể thả trực tiếp các loại đèn UV vào trong hồ nước hoặc đặt trong lắng ở hệ thống lọc.

Dùng các chế phẩm sinh học để làm trong nước cho hồ cá ngoài trời

Bionaqua, Extrabio, Emina, Emzeo… là một số loại chế phẩm sinh học dùng trong việc nuôi cá cảnh là. Các sản phẩm này rất an toàn và không gây hại cho cá. Tuy nhiên, chúng lại có rất nhiều công dụng hữu ích:

  • Giảm mùi tanh hôi, phân hủy chất hữu cơ
  • Làm sạch nước bể cá – làm trong nước
  • Xử lý nước hồ cá bị đục, bị váng
  • Ức chế và tiêu diệt mầm rêu, tảo và các vi sinh vật gây bệnh
  • Phòng chống các bệnh về nấm cho cá cảnh
  • Cung cấp dưỡng chất cho cây thủy sinh
  • Giảm độc tố: NH3, H2S …
  • Tăng cường oxy, cải thiện quá trình trao đổi chất của cá.

Ngoài ra, tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc chung đối với hồ cá, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để hồ vận hành tốt nhất.

Một số mẫu hồ cá ngoài trời đẹp (tham khảo)

Mẫu hồ cá đẹp 1

Mẫu hồ cá đẹp 2

Mẫu hồ cá đẹp 3

Mẫu hồ cá đẹp 4

Cách làm hồ cá ngoài trời không quá khó, nhưng cần tỉ mỉ và chi tiết. Đồng thời, khi đưa vào sử dụng, cần có sự quan tâm, chăm sóc để hồ luôn đẹp, mang lại giá trị cao về thẩm mỹ và phong thủy.

Xem thêm: