Các loại trần nhà phổ biến & cách chọn trần phù hợp

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Tìm hiểu về các loại trần nhà phổ biến hiện nay. Thông qua đánh giá ưu - nhược điểm để lựa chọn loại trần phù hợp nhất.

Trần nhà không được xem là một yếu tố cấu trúc của ngôi nhà, mà chỉ là một bề mặt hoàn thiện nằm dưới cấu trúc mái hoặc mặt sàn của tầng trên. Dẫu vậy, trần nắm giữ vai trò quan trọng trong tổng thể ngôi nhà. Không chỉ là khu vực trang trí giúp căn nhà thêm thẩm mỹ mà trần nhà hiện nay còn đảm nhận thêm nhiều chức năng khác nhau như hấp thụ âm thanh, cách nhiệt, che giấu những kết cấu thiếu thẩm mỹ,...

Dù là nhà cấp 4 thông thường, nhà ống đơn giản hay nhà 1 tầng, nhà 2 tầng, nhà phố, biệt thự, nhà vườn,... thì cũng đều cần chú trọng thiết kế trần nhà.

Xem thêm:

Danh sách các loại trần nhà thông dụng hiện nay

Trần thạch cao

Trần thạch cao là loại trần nhà được làm từ tấm thạch cao. Ngoài tên gọi này, trần còn có tên gọi khác là trần giả - là trần nằm thứ 2 phía dưới lớp trần nguyên thủy.

- Kết cấu, gồm:

  • Khung xương thạch cao: làm khung trụ chính, chỗ bám để treo các mảnh thạch cao giúp gia cố, tăng tính chịu lực cho công trình.
  • Tấm thạch cao: tạo ra mặt phẳng cho trần, được liên kết với hệ khung thông qua vít chuyên dụng.
  • Lớp sơn bả: tạo độ nhẵn mịn, đều màu cho bề mặt trần.
  • Các vật tư phụ liên quan khác.

- Trần thạch cao được chia thành 2 loại chính, đó là:

  • Trần thạch cao nổi (trần thả): Là loại trần thạch cao mà tấm trần và khung xương thạch cao không liên kết với nhau. Sau khi hoàn thiện sẽ thấy khung xương thạch cao với khoảng cách 600x600 hoặc 600x1200.

các loại trần nhà 1

  • Trần thạch cao chìm: Là loại trần thạch cao mà thiết kế của nó không để lộ khung xương và nhìn bằng mắt thường rất khó để phân biệt đây là trần thạch cao hay trần bê tông. So với trần thả, trần chìm được đánh giá cao hơn về thẩm mỹ, sự sáng tạo trong thiết kế, thi công.

các loại trần nhà 2

Ưu điểm Nhược điểm
Trần thả
  • Tiết kiệm chi phí (giá trần thả dao động trong khoảng 140.000 - 400.000 đồng/m2).
  • Thi công nhanh chóng, đơn giản.
  • bảo hành và sữa chữa dễ dàng.
  • Chống cháy, cách âm, cách nhiệt hiệu quả.

  • Độ thẩm mỹ thấp hơn, ít gây ấn tượng hơn so với trần chìm.
  • Sau thi công, dễ bị tác động bởi nhiệt độ, biên độ nhiệt càng cao thì tấm thạch cao càng bị cong, vênh.
  • Không gian bị chia nhỏ, không phù hợp với những căn nhà có diện tích nhỏ.

Trần chìm
  • Đẹp hơn, tính thẩm mỹ cao hơn, mẫu mã đa dạng hơn.
  • Có khả năng nới rộng không gian hơn so với trần thả.
  • Khả năng chống cháy, cách âm, cách nhiệt cao.
  • Chi phí hoàn thiện cao hơn trần thả.
  • Bảo hành, sữa chữa khó khăn và tốn kém hơn.
  • Thời gian thi công lâu hơn, đòi hỏi thợ tay nghề cao.

Trần gỗ

Trần gỗ là trần nhà được ốp bằng chất liệu gỗ. Gỗ để làm trần có thể là gỗ tự nhiên (gỗ lim, gỗ sồi, gỗ xoan, gỗ thông,...) nhưng cũng có thể là gỗ công nghiệp.

- Kết cấu, gồm:

  • Gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp
  • Lớp bề mặt được phủ 6 lớp UV hoặc PV để giữ màu sắc cho trần
  • Lớp phụ chống trầy và chịu mài mòn
  • Hèm khóa, keo dán kết dính.

các loại trần nhà 3

- Dựa vào chất liệu sản xuất, trần gỗ được chia thành 3 loại:

  • Trần gỗ tự nhiên: Là loại trần được làm từ các loại gỗ tự nhiên như gỗ pơ mu, gỗ lim, gỗ giáng hương, gỗ xoan, gỗ sồi,...
  • Trần gỗ công nghiệp: Là loại trần được lắp ráp từ những tấm ván gỗ công nghiệp, là lựa chọn thay thế tốt nhất khi gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.
  • Trần nhựa giả gỗ: Là loại trần được làm từ chất liệu nhân tạo có thành phần chính là nhựa PVC kết hợp với một số phụ gia, bề mặt được phủ lên một lớp họa tiết giả vân gỗ.
Ưu điểm Nhược điểm
Trần gỗ tự nhiên
  • Độ bền, tuổi thọ cao.
  • Chịu ẩm mốc, mối mọt tốt.
  • Vân gỗ tự nhiên ấn tượng, độc đáo.
  • Màu gỗ tự nhiên, không bị phai theo thời gian, thậm chí còn có khả năng lên màu ngày càng bắt mắt hơn.
  • Đem đến sự sang trọng và đẳng cấp cho không gian.
  • An toàn cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường.
  • Hợp phong thủy.
  • Gỗ ngày càng khan hiếm, không được khuyến khích sử dụng.
  • Giá thành cao, nguồn cung ít.
  • Kết cấu nặng nên chỉ phù hợp với những ngôi nhà có kết cấu chắc chắn, kiên cố.
  • Thời gian thi công lâu.
  • Mẫu mã không đa dạng.
Trần gỗ công nghiệp
  • Giá thành rẻ.
  • Đem đến sự sang trọng cho không gian.
  • Thi công nhanh chóng, đơn giản.
  • Mẫu mã chất liệu, hoa văn, màu sắc đa dạng.
  • Độ bền cao nhờ khung xương và lớp đệm cao su.
  • Khả năng chống nước, mài mòn, mối mọt, cách âm, chống cháy tốt.
  • Dễ dàng vệ sinh.
  • Phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.
  • Tuổi thọ kém hơn gỗ tự nhiên.
  • Tính chân thực, sinh động không bằng gỗ tự nhiên.
Trần nhựa giả gỗ
  • Chống nóng, chịu nhiệt tốt (đạt 90%).
  • Trọng lượng nhẹ, dễ thi công và lắp đặt, phù hợp với nhiều công trình khác nhau.
  • Khả năng chống ồn, cách âm, chịu nước, chịu ẩm tốt.
  • Mẫu mã phong phú, đa dạng.
  • Độ bền cao, tuổi thọ lâu dài (10 năm).
  • Giá thành rẻ hơn rất nhiều.
  • Không được đánh giá cao về độ tinh tế và sang trọng giống như trần gỗ thật.
  • Sau một thời gian sử dụng sẽ bị bám bụi, xuống màu.

Trần nhựa

Trần nhựa là loại trần giả gỗ như nói ở trên. Là loại trần được làm từ nhựa PVC và các chất phụ gia có độ dai và bền.

các loại trần nhà 4

- Có 2 loại trần nhựa chính, gồm:

  • Trần nhựa thông thường (trần không xốp): Được sản xuất theo công nghệ sản xuất trần nhựa của Đài Loan, không có khả năng chống nóng, cách nhiệt.
  • Trần nhựa cách nhiệt (trần có xốp): Là loại trần có khả năng chống nóng, cách nhiệt, cách âm được đánh giá cao.
Ưu điểm Nhược điểm
Trần nhựa thông thường
  • Khả năng chịu nước, chịu nhiệt tốt.
  • Không bị cong vênh, mối mọt, mục nát.
  • Giá rẻ hơn.
  • Mẫu mã đa dạng.
  • Tuổi thọ cao (10 năm).
  • Thân thiện với môi trường và an toàn với con người.
  • Trọng lượng nhẹ hơn so với trần gỗ, trần nhựa.
  • Không có khả năng chống nóng, cách nhiệt.
  • Dễ bị bám bụi hoặc bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
  • Không sang trọng bằng các loại vật liệu khác.
Trần nhựa cách nhiệt
  • Khả năng chống nóng, cách nhiệt, cách âm tốt.
  • Mẫu mã đa dạng.
  • Tuổi thọ cao (10 năm).
  • Thân thiện với môi trường và an toàn với con người.
  • Trọng lượng nhẹ hơn so với trần gỗ, trần nhựa.
  • Giá thành cao hơn. Giá phụ thuộc vào độ dày của xốp.
  • Dễ bị bám bụi hoặc bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
  • Không sang trọng bằng các loại vật liệu khác.

Trần tôn

Là loại trần được làm từ tôn - vật liệu làm từ kim loại cán mỏng thành từng tấm, được phủ thêm bên ngoài 1 lớp kẽm thông qua quá trình nhúng nóng.

Tôn thường được ứng dụng làm mái nhà cho các công trình như nhà ống cấp 4 mái tôn, nhà ống mái tôn, nhà 1 tầng mái tôn,... Đồng thời, tôn còn được dùng để làm trần nhà cho các công trình xây dựng và nhà ở.

các loại trần nhà 5

- Trần tôn được chia thành 3 loại chính, gồm:

  • Trần tôn giả gỗ (trần tôn mạ gỗ): Là loại trần tôn được sơn thêm lớp sơn tĩnh điện có hình vân gỗ.
  • Trần tôn lạnh (tôn mạ nhôm kẽm): Là loại tôn chỉ có 1 lớp và lớp mạ là hợp kim nhôm kẽm, trong đó nhôm chiếm 55%, kẽm chiếm 43,5% và silon chiếm 1,5%.
  • Trần tôn 3 lớp: Là loại trần tôn có 3 lớp là 2 lớp tôn và 1 lớp lõi xốp PU.
Ưu điểm Nhược điểm
Trần tôn giả gỗ
  • Khả năng cách âm, chống nóng và chống cháy tốt.
  • Đem đến sự sang trọng cho không gian.
  • Độ bền cao, sử dụng lâu dài.
  • Dễ dàng thi công, lắp đặt.
  • Tiết kiệm chi phí hơn so với trần khác.
  • Dễ lau chùi, không bị ẩm mốc.
  • Không sử dụng để lợp ngoài trời được.
Trần tôn lạnh
  • Khả năng chống ăn mòn cao giúp bề mặt sáng bóng lâu dài.
  • Có khả năng phản xạ các tia nắng mặt trời tốt.
  • Khả năng kháng nhiệt hiệu quả, giúp nhà luôn mát mẻ.
  • Độ bền được đánh giá cao.
  • Giá thành cao.
Trần tôn 3 lớp
  • Khả năng cách âm, cách nhiệt tốt.
  • Trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển và thi công.
  • Tiết kiệm chi phí.
  • Khả năng chống thấm nước tốt nhờ cấu tạo 3 lớp.
  • Chi phí cao hơn.

Trần nhôm

Trần nhôm là loại trần được làm từ hợp kim nhôm, có bề mặt được sơn tĩnh điện cao cấp, được đục lỗ hoặc có gờ. Trần nhôm còn được gọi với tên khác là trần kim loại.

Trần nhôm là loại trần truyền thống xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng 15 năm về trước. Nhờ sở hữu nhiều đặc tính nổi trội mà cho đến nay đây vẫn là loại trần được yêu thích bậc nhất.

các loại trần nhà 6

Có nhiều cách phân loại trần nhôm, phổ biến nhất là chia trần nhôm thành 2 loại chính dựa vào tấm trần nhôm:

  • Tấm trần nhôm cài Clip-in: Là dạng trần có khung treo ẩn kín tạo cảm giác mảng trần gọn gàng và nguyên khối, sử dụng thiết bị kẹp để giữ 2 gờ đối diện của tấm vào thanh treo giúp tấm trần thẳng hàng và cân đối.
  • Tấm trần nhôm thả Lay-in: Là hệ trần dạng lộ khung, được thả lên trên hệ khung giúp việc tháo lắp, bảo trì, sửa chữa, thay thế đơn giản hơn, đồng thời phù hợp để lắp đặt hệ thống chiếu sáng.
Ưu điểm
  • Độ bền cao (cao hơn nhiều lần trần thạch cao và trần nhựa), ít bị cong, vênh.
  • Dễ dàng sửa chữa, thay thế.
  • Khả năng chịu nhiệt, chịu nắng và mưa gió tốt.
  • Có khả năng chịu lửa, chống thấm nước hoàn hảo.
  • Độ bền màu cao, chống gỉ sét tốt.
  • Trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển và thi công, phù hợp với nhiều công trình khác nhau.
  • Dễ dàng vệ sinh, lau chùi.
  • Giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người.
Nhược điểm
  • Mẫu mã hạn chế, ít kiểu dáng để lựa chọn.
  • Tính thẩm mỹ chỉ ở mức trung bình.
  • Không đảm bảo an toàn về điện, hệ thống máy móc, thiết bị liên quan đến điện.
  • Tạo tiếng ồn khó chịu.

Trần xi măng

Trần xi măng là loại trần được làm từ sự kết hợp các vật liệu như xi măng, cát mịn, vôi, sợi cellulose, hóa chất kết dính để tạo thành những tấm xi măng.

Ngoài làm trần, tấm xi măng còn được dùng để làm sàn giả đúc, gác lửng, vách ngăn chịu nước,...

Tấm xi măng có kích thước rộng 1m22 x 2m44, độ dày từ 3,5 - 20mm.

các loại trần nhà 7

Trần xi măng được phân loại dựa vào loại tấm xi măng sử dụng, gồm:

  • Tấm xi măng Cemboard Thái Lan: tấm xi măng được làm từ vật liệu nhẹ, có khả năng chống cháy, chịu nước, thường được dùng trong xây dựng và trang trí nội thất.
  • Tấm Shera Board Thái Lan: Là tấm xi măng dùng vật liệu cacium silicate được nhập khẩu từ Thái Lan, thường được dùng để lắp ghép sàn nền, vách ngăn, tường trần,...
  • Tấm xi măng Vivaboard Thái Lan: là loại vật liệu nhẹ đa năng phổ biến trong xây dựng, thường được dùng làm sàn giả đúc, tường, vách ngăn, trần nhà, mái nhà,...
  • Tấm Smartboard SCG: Tiếp tục là tấm xi măng của Thái Lan được sử dụng phổ biến tại thị trường xây dựng ở Việt Nam, ứng dụng cho làm sàn, vách ngăn, trần nội ngoại thất,...
  • Tấm Duraflex Việt Nam: là tấm xi măng được làm từ xi măng portland, cát mịn, vôi và sợi cellulose, đặc biệt không chứa sợi amiang gây ung thư, là vật liệu chuyên dùng làm trần nhà, vách ngăn,...
Ưu điểm
  • Trọng lượng nhẹ
  • Có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy, chịu nước, chống mối mọi.
  • Khả năng chịu lực, độ bền cao.
  • Thi công nhanh chóng.
  • Chi phí thấp.
Nhược điểm
  • Khó thi công, đòi hỏi thợ tay nghề cao.
  • Tính linh hoạt thấp, không dễ dàng tháo ráp.
  • Nhạy cảm với dao động của công trình.

Ngoài các loại trần nói trên thì trần sơn hay trần tre, trúc cũng là những loại trần hiện đang được sử dụng hiện nay. Theo đó:

  • Trần sơn là loại trần không sử dụng vật liệu như gỗ, nhựa, thạch cao, kim loại,... mà chỉ dùng sơn để sơn trực tiếp lên bề mặt trần. Cách này thường được ứng dụng trong phòng trà, quán cafe, quán ăn hoặc quán bar,... Còn nhà ở thì có sử dụng nhưng không phổ biến.
  • Trần tre, trúc là loại trần sử dụng vật liệu là tre, trúc để làm trần. Đây là một cách làm sáng tạo để mang đến sự độc đáo cho không gian, đồng thời giúp căn nhà trở nên mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên hơn.

Bảng giá các loại trần cập nhật mới nhất (2022)

Loại trần Giá (đồng/m2)
Trần thạch cao 140.000 - 240.000
Trần gỗ tự nhiên 600.000 - 5.000.000
Trần gỗ công nghiệp Từ 500.000
Trần nhôm 320.000 - 900.000
Trần tôn 46.000 - 88.000 đòng/1,07m2
Trần nhựa 250.000 - 500.000

Lưu ý: Bảng giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, giá trên thực tế sẽ thay đổi dựa vào từng thời điểm, từng đơn vị cung cấp và từng loại trần cụ thể.

Cách chọn, thiết kế trần nhà phù hợp nhất

Sự đa dạng của các loại trần nhà khiến bạn phân vân không biết nên chọn loại trần nào thì phù hợp? Những kinh nghiệm dưới đây chính là lời khuyên giúp bạn biết được đâu là loại trần phù hợp với mình, và chọn trần như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất.

Lưu ý chung khi thiết kế trần nhà

  • Về màu sắc: Nên thiết kế hài hòa với nội thất trong nhà sẽ tạo nên sự ấn tượng cho không gian. Đồng thời, màu của trần nhà cần hài hòa với màu của tường để tạo ra sự phù hợp.
  • Về trang trí: Nên thiết kế hệ thống ánh sáng để làm nổi bật “vẻ đẹp” của trần nhà, đồng thời giúp không gian trở nên ấm áp và gần gũi hơn.
  • Về phong thủy: Trần nhà ảnh hưởng đến phong thủy nhà ở, do vậy bạn cần lưu ý: Tránh xà ngang trên trần nhà; tìm hiểu khi sử dụng đèn chùm, quạt trần, chuông sáo sao cho phù hợp; tránh thiết kế trần thấp, hẹp; đèn trần nhà tránh chiếu thẳng xuống; chiều cao trần nhà đạt từ 3,25 - 4,10m đối với phòng > 30m2, tối thiểu 3,15 đối với phòng nhỏ hơn 30m2; màu sắc trần nhà nên chọn theo tuổi mệnh của gia chủ; tránh lắp gương cho trần nhà;...
  • Về giá cả: Tùy vào khả năng tài chính của mình mà bạn lựa chọn loại trần với giá phù hợp. Xây nhà cần số tiền rất lớn, vì vậy bạn cần lên kế hoạch và tính toán kỹ ngay từ đầu để lựa chọn loại trần vừa “túi tiền” của mình nhất.
  • Về phong cách: Phong cách ngôi nhà cũng quyết định loại trần phù hợp khác nhau. Ví dụ phong cách hiện đại hợp với các loại trần có thiết kế với những đường cắt ấn tượng. Phong cách sang trọng phù hợp với trần giật cấp kết hợp với đèn trần tinh tế, hoặc trần nhà có các đường nét rời rạc, to, rộng để tăng thêm chiều sâu. Hoặc phong cách tân cổ điển thì mẫu trần cũng nên là kiểu tân cổ điển với phào chỉ trang trí và sử dụng tone màu vàng ngà,... Nếu bạn không biết chọn trần phù hợp với phong cách của ngôi nhà thì nên nhờ các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn, tránh chọn sai trần sẽ khiến trần và kiến trúc nhà không ăn nhập với nhau.
  • Về kiểu nhà: Nhà cấp 4 thì chọn trần nào cũng phù hợp, trong đó trần thạch cao, trần tôn, trần nhựa và trần gỗ được đánh giá cao hơn cả. Nhà biệt thự thường sử dụng trần thạch cao hoặc trần gỗ để tăng lên sự sang trọng, bề thế cho căn nhà. Nhà cao tầng thì tùy vào kiến trúc nhà theo phong cách nào mà lựa chọn loại trần sao cho phù hợp như nói trên.
  • Về chiều cao của trần: Chiều cao của trần nhà phụ thuộc vào bậc cầu thang, loại công trình và diện tích đất nền. Thông thường, đối với công trình nhà ở thì chiều cao trần sẽ dao động trong khoảng 3 - 3,4m (trên thực tế có thể cao hoặc thấp hơn con số này). Trong đó, chiều cao trần phòng khách sẽ trong khoảng 3,3 - 3,5m. Còn các phong khách thì từ 3 - 3,2m.

Chọn trần phù hợp với từng không gian

  • Đối với phòng khách: Phòng khách ở những nơi ồn ào như ở gần đường lớn thì nên chọn loại trần có thiết kế dày và có tính năng cách âm. Phòng khách biệt thự hay chung cư thì nên chọn trần thạch cao phong cách hiện đại hoặc châu Âu để giúp căn nhà thêm phần sang trọng. Nhà ống thì nên chọn trần thạch cao có thiết kế cá tính để tạo nên sự mới lạ cho không gian. Đối với phòng khách, trần nhà không chỉ đòi hỏi tính thẩm mỹ mà còn phải phù hợp với phong thủy. Ngoài những kiêng kỵ nói trên thì gia chủ nên chọn màu trần dựa theo tuổi mệnh của mình, chọn màu phù hợp và tránh màu tối như xanh đậm, nâu đất,...

Đối với phòng khách

  • Đối với phòng ngủ: Đây là không gian riêng tư, bạn có thể lựa chọn trần theo sở thích của mỗi người. Tuy nhiên cần lưu ý trần phải hài hòa, tinh tế, hạn chế sử dụng các họa tiết cầu kỳ tránh làm rối mắt. Màu sắc của trần nhà cần đảm bảo thứ nhất là phù hợp với thiết kế chung của căn phòng và thứ hai là phù hợp với tuổi mệnh của chủ nhân căn phòng để mang lại những điều thuận lợi, may mắn.

Đối với phòng ngủ

  • Đối với phòng bếp: Chọn cho phòng bếp không nên chọn theo sở thích, bởi vì phòng bếp là nơi thường xảy ra nhiều “vấn đề” nhất so với các phòng còn lại. Chọn trần cho phòng bếp nên chọn loại trần có khả năng chống cháy, chống hơi nước, chống bám bụi, chống nóng, chịu ẩm ướt tốt,... Khi thiết kế trần cho phòng bếp thì cần lưu ý đến chiều cao căn phòng, ánh sáng và cách bố trí sao cho phù hợp, hài hòa nhất có thể.

Đối với phòng bếp

Tóm lại, các loại trần nhà rất đa dạng, để lựa chọn được loại trần phù hợp với nhu cầu, tài chính và từng không gian không phải là điều đơn giản. Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn, thiết kế trần nhà thì nên nhờ đến sự giúp đỡ, tư vấn của những người có chuyên môn, kinh nghiệm để nhận được lời khuyên tốt nhất, phù hợp với bạn nhất.

Phúc An Group - nơi bạn có thể đặt trọn niềm tin. Chúng tôi có kiến trúc sư chuyên môn giỏi cùng đội ngũ thợ thi công giàu kinh nghiệm, tự tin mang đến cho bạn công trình ĐẸP - AN TOÀN - TỐI ƯU CHI PHÍ.

Không chỉ là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực thi công, xây dựng công trình, chúng tôi còn là nơi tư vấn các kiến thức về lĩnh vực xây dựng. Sự sáng tạo không ngừng của chúng tôi sẽ giúp bạn tạo nên những công trình hợp thời đại nhất!

Liên hệ tư vấn: 0833.022.023