Kiến thức về bóc tách khối lượng trong xây dựng (cho người mới)

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Bóc tách khối lượng sẽ giúp bạn biết được khối lượng chính xác của từng hạng mục là bao nhiêu, từ đó xác định chi phí và chuẩn bị vật tư, nhân công đầy đủ.

Bóc tách khối lượng là công việc cần phải làm của một kỹ sư xây dựng. Đối với kỹ sư chuyên nghiệp thì việc bóc tách khối lượng bản vẽ là công việc hàng ngày, quen thuộc nên không thể làm khó được họ. Nhưng đối với những người mới - là những kỹ sư tương lai thì bóc tách khối lượng là một công việc cực kỳ khó, nó đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm của người thực hiện. Để có thể thực hành bóc tách khối lượng thì trước hết bạn phải nắm được các kiến thức chung sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Bóc tách khối lượng là gì? Để làm gì?

- Khái niệm

Bộ Xây dựng định nghĩa về khái niệm bóc tách khối lượng như sau: “Là việc xác định khối lượng công tác xây dựng cụ thể được thực hiện theo phương thức đo, đếm, tính toán, kiểm tra trên cơ sở kích thước, số lượng quy định trong bản vẽ thiết kế (thiết kế cơ sở, thiết kế kttc, thiết kế bản vẽ thi công) hoặc từ yêu cầu triển khai dự án và thi công xây dựng, các chỉ dẫn có liên quan và các iêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam”.

Nói một cách dễ hiểu hơn thì bóc tách khối lượng (hay còn gọi là tính tiên lượng hoặc đo bóc tiên lượng) là việc xác định khối lượng các công tác xây dựng, các hạng mục của công trình trước khi thi công.

Bóc tách khối lượng 1

Việc bóc tách sẽ được dựa vào kích thước, số lượng thể hiện trên bản vẽ thiết kế, thuyết minh thiết kế hoạc các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng.

Công việc này sẽ được thực hiện trước khi thi công để chốt vật liệu, tính chi phí và tránh những tranh chấp sau này của hai bên trong quá trình làm việc với nhau.

- Mục đích

Bóc tách khối lượng là việc làm quan trọng nhằm mục đích:

  • Làm căn cứ xác định chi phí đầu tư;
  • Tránh tình trạng thiếu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hoặc thừa gây lãng phí;
  • Là cơ sở để ký kết hợp đồng;
  • Là cơ sở để kiểm soát chi phí thanh toán cho hợp đồng xây dựng;
  • Là cơ sở để những người tham gia vào hoạt động thi công biết được cách sử dụng đúng định mức nguyên vật liệu cần sử dụng;
  • Chủ động hơn trong việc chuẩn bị vật tư, nhân công phù hợp và là cơ sở để tính chi phí cho toàn bộ dự án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.

2. Các nguyên tắc bóc tách khối lượng theo quy định của pháp luật

Thông tư số 17/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình quy định về nguyên tắc đo bóc khối lượng xây dựng công trình như sau:

  • Được thực hiện theo phương thức đo, đếm, tính toán, kiểm tra trên cơ sở kích thước, số lượng quy định trong bản vẽ thiết kế, thuyết minh thiết kế hoặc từ yêu cầu triển khai dự án, thi công xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, các hồ sơ, chỉ dẫn khác có liên quan và các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
  • Phải phù hợp với mục đích sử dụng, phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định.
  • Khối lượng bóc tách phải thể hiện được tính chất, kết cấu công trình, vật liệu chủ yếu sử dụng và biện pháp thi công, đảm bảo đủ điều kiện để xác định chi phí xây dựng.
  • Đối với những bộ phận, công tác hay hạng mục chưa thể bóc tách được khối lượng chính xác thì có thể đưa ra “khối lượng tạm tính". Khối lượng tạm tính được xác định khi công việc có trong hồ sơ thiết kế, yêu cầu thực hiện của dự án nhưng không thể xác định được khối lượng chính xác theo quy tắc bóc tách. Khối lượng tạm tính sẽ được bóc tách lại khi nghiệm thu, thanh toán và quyết toán.
  • Việc xác định khối lượng trong nghiệm thu, thanh toán và quyết toán chi phí xây dựng sẽ được thực hiện theo các quy định trong hợp đồng và các nguyên tắc bóc tách nói trên.

3. Các phương pháp bóc tách khối lượng phổ biến

- Phương pháp bóc tách theo chủng loại

Theo đó, từng chủng loại của đối tượng sẽ được bóc tách cụ thể. Ví dụ như bóc cột thì sẽ bóc tất cả các loại cột, bóc móng thì sẽ bóc tất cả các loại móng,... Phương pháp này được giới chuyên gia đánh giá khá cao về tính tiện lợi khi tra giá theo chủng loại đối tượng. Tuy nhiên nhược điểm là phải lật nhiều bản vẽ dễ dẫn đến sai sót, không đồ bộ.

Bóc tách khối lượng 2

- Phương pháp bóc tách theo trình tự bản vẽ

Nói một cách dễ hiểu là phương pháp mở bản vẽ ra tới đâu thì bóc tới đó. Theo đúng thứ tự của bản vẽ thì thông thường sẽ phải bóc hạng mục kết cấu trước, sau đó đến hạng mục kiến trúc, điện, nước,... Phương pháp này có ưu điểm là tiện lợi trong quá trình tra cứu thông tin, không phải lật giở nhiều. Tuy nhiên nhược điểm là dễ bị bỏ sót đầu công việc.

- Phương pháp bóc tách theo trình tự thi công

Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay nhờ ưu điểm có thể kể được hết đầy đủ tên các đầu công việc, đồng thời giúp người xem dễ dàng hình dung được một quá trình thi công cụ thể ra sao.

Bóc tách khối lượng 3

Cụ thể, bạn sẽ bóc tách khối lượng công trình theo trình tự sau đây:

Phần ngầm, gồm có:

  • Phần móng: đào móng, bê tông lót móng, bê tông lót dầm móng, ván khuôn móng, cốt thép móng, bê tông móng;
  • Phần cọc: sản xuất cọc, ép cọc, nối cọc, đập đầu cọc;
  • Phần dầm móng, cổ móng, giằng cột: ván khuôn, cốt thép, bê tông;
  • Xây tường chắn đất, thi công bể nước, bể phốt, đắp đất hố móng, đắp cát tôn nền đầm chặt;
  • Bê tông lót nền và bê tông nền nhà (nếu có).

Phần kết cấu công trình, gồm có:

  • Phần cột, dầm, sàn: ván khuôn, cốt thép, bê tông;
  • Phần lanh tô: ván khuôn, cốt thép, bê tông, lanh tô đúc sẵn;
  • Phần cầu thang: ván khuôn, cốt thép, bê tông, dầm chân, xây bậc, dầm chiếu nghỉ;
  • Phần bổ trụ: ván khuôn, cốt thép, bê tông cột;
  • Phần giằng tường: ván khuôn, cốt thép, bê tông dầm.

Phần kiến trúc và hoàn thiện, gồm có:

  • Xây các bộ phận: Tường, tam cấp, trụ gạch, hộp gen, tim lên mái;
  • Trát các chi tiết: tường trong, tường ngoài, cột, dầm và trần;
  • Bả matit: tường, cột, dầm và trần;
  • Sơn: tường trong, tường ngoài, cột, dầm và trần;
  • Hoàn thiện các chi tiết: đôn nền, lát gạch, len chân tường, láng nền, ốp tường, đóng trần, vách ngăn, lắp cửa, lan can tay vịn, lợp mái, sơn kết cấu mái, làm hè rãnh, trát láng, gia công các tấm đan, làm sân vườn, dọn đất thừa.

Phần điện, nước và chống sét, gồm có:

  • Điện: đèn, hộp nối, quạt, dải dẫn điện,...;
  • Nước: hệ thống đường ống thoát nước;
  • Vệ sinh: vòi sen, chậu rửa, lavabo,...;
  • Chống sét: dây, kim thu sét, dây dẫn sét, cọc tiếp địa.

Lưu ý: Tùy từng công trình cụ thể mà những công việc nói trên có thể có hoặc không.

4. Hướng dẫn cách bóc tách khối lượng bản vẽ bằng 4 bước

- Bước 1: Nghiên cứu hồ sơ, bản vẽ thiết kế

Trước hết, bạn phải là người biết đọc - hiểu bản thiết kế và hồ sơ liên quan, trong đó phải biết nhìn các thông số kỹ thuật được thể hiện trên bản vẽ.

Việc nghiên cứu này phải được tiến hành một cách chi tiết, cẩn thận để có thể hiểu rõ từng bộ phận cần tính. Dựa vào đó để tìm ra mối liên hệ giữa các bộ phận hoặc nhìn thấy những mâu thuẫn trong thiết kế nếu có.

Trong quá trình nghiên cứu, nếu có gì không hiểu, khó hiểu hoặc thắc mắc thì cần trao đổi với người thiết kế để tìm ra lời giải. Chỉ khi bạn hiểu rõ về hồ sơ, bản vẽ thiết kế thì mới có thể tiến hành các bước tiếp theo. Nếu bạn nhầm lẫn hoặc sai sót thì kết quả bóc tách khối lượng của bạn sẽ không chính xác.

Bóc tách khối lượng 4

- Bước 2: Xác định các hạng mục cần bóc tách

Sau khi đã đọc - hiểu và chắc chắn những thông tin trên bản vẽ là đúng, bước tiếp theo là bạn cần xác định các hạng mục sẽ bóc tách. Ví dụ như: bóc tách khối lượng điện, bóc tách khối lượng thép, bóc tách khối lượng nhôm,...

Những hạng mục cần bóc tách sẽ được trình bày trong bảng tính. Trong bảng tính thể hiện rõ ràng, đầy đủ khối lượng xây dựng công trình, chỉ rõ vị trí các bộ phận công trình, công tác xây dựng thuộc công trình. Việc lập bảng tính sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý, kiểm soát về những khối lượng đã được bóc tách và các vấn đề phát sinh nếu có.

- Bước 3: Tìm số liệu, kích thước tính toán

Ở bước này, bạn cần xác định được kích thước của các chi tiết. Những kích thước này được ghi trong bản vẽ, việc của bạn là phải hiểu rõ được cấu tạo của bộ phận cần tính. Từ đó tìm kích thước và đo bóc khối lượng theo bảng tính toán.

Mách nhỏ: Để tìm kích thước, bạn căn cứ vào đơn vị tính của mã định mức dự đoán định áp cho công việc để biết tìm số liệu, kích thước nào. Ví dụ đơn vị là m3 thì tìm 3 kích thước, đơn vị m2 thì tìm 2 kích thước,...

- Bước 4: Nhập số liệu vào phần mềm và tính toán kết quả

Sau khi đã tìm được kích thước, bạn đưa vào bảng tính khối lượng của phần mềm dự toán. Chỉ cần bạn nhập số liệu và phép tính vào, phần mềm sẽ tự tính ra kết quả cho bạn.

Lưu ý khi sử dụng phần mềm:

  • Sử dụng cách đặt thừa số chung cho các bộ phận giống nhau để giảm bớt khối lượng tính toán;
  • Chú ý đến số liệu liên quan để tận dụng số liệu đó cho các tính toán tiếp theo;
  • Mỗi phép tính lập ra là một dòng ghi vào bảng khối lượng để tránh bỏ sót và tiết kiệm thời gian.

Bóc tách khối lượng 5

5. Kinh nghiệm bóc tách khối lượng từ chuyên gia

  • Lên danh sách các đầu công việc theo trình tự thi công của công trình: Thay vì bóc tách đến đâu nhập dữ liệu đến đó (vì sợ nhầm lẫn) thì người thực hiện nên lên danh sách đầu mục các phần công việc theo trình tự thi công để không bỏ sót một mục công việc nào. Đối với người mới chưa có kinh nghiệm thì nên sắm một bộ danh sách, danh mục cho mỗi một công trình khác nhau, sẽ giúp cho việc bóc tách nhanh hơn và giảm sai sót.
  • Lên danh sách đầu thi công theo định mức: Việc ghi nhớ và tra mã định mức theo các đầu danh mục lớn nhỏ khác nhau khiến các kỹ sư rất vất vả, tốn thời gian và đôi khi còn gây ra nhầm lẫn. Vì vậy, cách tốt nhất là lên danh sách đầu thi công theo định mức thì sẽ khắc phục được các vấn đề nêu trên.
  • Xem sự trùng lặp: Hầu hết các công trình hiện nay đều có tính chất giống nhau về quy mô hay chủng loại và các đầu danh mục giống nhau. Bạn có thể dựa vào đó để tiết kiệm thời gian khi tiến hành các công việc bóc tách khối lượng.
  • Luôn luôn nghiên cứu bản vẽ: Nhiều người thường bỏ qua khâu nghiên cứu bản vẽ hoặc nghiên cứu qua loa vì họ cho rằng mình đã quá rành về vấn đề này, điều này đã dẫn đến một số sai sót như: không tính chính xác cao độ công trình, không tính đầy đủ phụ kiện lắp đặt,...
  • Cập nhật đơn giá mới nhất: Đơn giá là yếu tố thay đổi liên tục theo thời gian. Để có được đơn giá chính xác nhất thì bạn phải thường xuyên cập nhật sự thay đổi của đơn giá vật tư và đơn giá nhân công. Nếu không bạn đã, đang sử dụng đơn giá của nhiều năm về trước không còn đúng với thực tế.

Liên hệ tư vấn: 0833.022.023

6. Các phần mềm bóc tách khối lượng phổ biến hiện nay

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì hiện nay việc bóc tách khối lượng đã trở nên dễ dàng, đơn giản hơn với sự trợ giúp của các phần mềm tiện ích.

Theo đó, để bóc tách khối lượng các hạng mục của công trình thì bạn có thể sử dụng các phần mềm, ứng dụng sau đây:

  • Autocad: Đây là phần mềm được sử dụng phổ biến nhất, có chức năng trích xuất dữ liệu theo dạng bảng, giúp việc bóc tách dễ dàng, nhanh chóng hơn.
  • CostX: Là phần dùng để bóc tách khối lượng bản vẽ 2D, 3D tốt nhất hiện nay, có thể tính được khối lượng trên tất cả các định dạng bản vẽ, đồng thời cập nhật được các bản vẽ thay đổi thiết kế.
  • Excel: File excel bóc tách khối lượng là phần mềm thông dụng và quen thuộc, có tính ưu việt cao vì vậy thường được ứng dụng bóc tách khối lượng và nhiều lĩnh vực khác nhau.
  • Revit: Việc bóc tách khối lượng sẽ đơn giản hơn khi có phần mềm Revit với chức năng tạo bảng schedule để thống kê vật tư một cách chi tiết nhất.

Bóc tách khối lượng 6

Lưu ý: Thông tư số 17/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng quy định về việc sử dụng khối lượng từ phần mềm bóc tách khối lượng như sau:

  • Khối lượng phải được ghi rõ về cách xác định trong Bảng tổng hợp khối lượng công tác xây dựng;
  • Người thực hiện phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, có trách nhiệm giải trình cho cơ quan thẩm tra, thẩm định về sự phù hợp của số liệu và nguyên tắc bóc tách của phần mềm sử dụng;
  • Các khối lượng được thống kê từ phần mềm bóc tách phải phù hợp với nguyên tắc đã được nói đến ở mục 2 của bài viết;
  • Người tổng hợp các khối lượng từ phần mềm phải nắm rõ nội dung của các số liệu đó, bổ sung các thông tin mô tả phù hợp cho việc xác định chi phí hoặc áp dụng các đơn giá, định mức.

7. Các khóa học bóc tách khối lượng cho người mới

Bóc tách khối lượng nói chung là một công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi người thực hiện phải là người có chuyên môn và kiến thức cao. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là kỹ sư thì bạn cũng có thể học bóc tách khối lượng thông qua các khóa học bóc tách.

Hiện nay có rất nhiều khóa học hướng dẫn bóc tách khối lượng chuyên nghiệp, bạn có thể đăng ký học để biết cách đọc bản vẽ hệ thống điện và biết cách bóc tách khối lượng một cách chi tiết nhất dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trong ngành.

Một số khóa học bạn có thể tham khảo để đăng ký học là:

  • Khóa học bóc tách khối lượng và lập dự toán công trình tại C.C.E Trung tâm kỹ thuật điện toán - Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM.
  • Khóa học đọc bản vẽ, đo bóc khối lượng và lập dự toán tại Trung tâm Giáo dục Đất Việt.
  • Khóa học bóc tách khối lượng và lập dự toán công trình tại RDSIC (RDSIC được quản lý và điều hành bởi Viện Tin học Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng).
  • Khóa học dự toán và bóc tách công trình của Viện Đào tạo và Phát triển Khoa học Xây dựng.
  • Khóa học đọc bản vẽ và bóc tách khối lượng cơ điện của VNK EDU.

Tổng kết

Như vậy, bóc tách khối lượng là một công việc khó khăn mà không phải ai cũng có thể thực hiện được. Nếu muốn theo đuổi nghề kỹ sư thì đây là việc bạn cần phải học và làm ngay từ hôm nay. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến chuyên môn, kiến thức thì bạn còn phải nắm rõ các quy định của pháp luật để thực hiện cho đúng.

Xem thêm: