Vay tiền bằng khoán đất: Các QĐ về vay thế chấp (mới nhất)
Vay tiền bằng khoán đất cũng có thể hiểu như là việc vay thế chấp các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất. Đây là hoạt động diễn ra khá phổ biến tại ngân hàng.
Vay thế chấp là hình thức vay có bảo đảm, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về người đi vay nhưng mọi giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu lại do bên cho vay nắm giữ. Khi người vay không đủ khả năng trả nợ, buộc phải chuyển quyền sở hữu cho bên cho vay.
Bản chất của việc vay thế chấp bằng khoán đất
Vay tiền bằng khoán đất là hình thức sử dụng bằng khoán đất để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng, tương tự như dùng sổ đỏ, sổ hồng theo cách hiểu của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, những nhầm lẫn về khái niệm tài sản khiến người dân hiểu sai về bản chất của hình thức bảo đảm này.
Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.
Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 nêu rõ: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".
Như vậy, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất là quyền tài sản. Các loại giấy ghi nhận quyền này như sổ đỏ, sổ hồng hay các loại giấy tờ cũ như sổ trắng, sổ xanh, bằng khoán đất,... chỉ là văn bản chứng nhận cho các quyền đó.
Do đó, vay thế chấp bằng khoán đất chính xác là thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất cho khoản vay.
Điều kiện để vay thế chấp quyền sử dụng đất
Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận,
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Người vay phải đáp ứng đủ 4 điều kiện kể trên mới được phép thế chấp quyền sử dụng đất của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bằng khoán đất có được bên cho vay chấp nhận là Giấy chứng nhận theo quy định hiện hành, hay chỉ chấp nhận sổ đỏ, sổ hồng theo các mẫu mới nhất.
Hiện nay, việc chấp nhận loại giấy tờ này hay không phụ thuộc vào từng ngân hàng, từng tổ chức. Đánh giá một cách khách quan, dù bằng khoán đất về bản chất pháp lý cũng là ghi nhận quyền sử dụng đất nhưng các quy định liên quan hầu như không có nhiều, nhà nước vẫn khuyến khích người dân chuyển giấy tờ về quyền sử dụng đất theo các mẫu giấy hiện hành để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích một cách đầy đủ nhất.
Vì vậy, để chắc chắn, người dân nên tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận theo điều 100 Luật Đất đai 2013 (trường hợp còn các giấy tờ về quyền sử dụng đất) hoặc điều 101 (trường hợp mất bằng khoán đất, đăng ký theo diện không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất, chứng minh tính ổn định, lâu dài).
Thủ tục vay thế chấp quyền sử dụng đất
Thủ tục được quy định cụ thể tại Điều 188 Luật Đất Đai 2013:
- Kiểm tra Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ hợp pháp khác để xác định tính xác thực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính liên quan đến quyền sử dụng đất;
- Xác định đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
- Kiểm tra thực địa, khảo sát, đo đạc và tiến hành định giá tài sản;
- Nhận bản gốc Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ hợp pháp khác theo quy định;
- Lập và ký Hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và bên thế chấp (người có quyền sử dụng đất), thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp tại tổ chức hành nghề công chứng.
- Đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Vay tiền bằng khoán đất cũng là một trong các hình thức vay thế chấp. Người vay và bên cho vay cần tuân thủ các điều kiện và thủ tục luật định để tránh xảy ra những tranh chấp pháp lý phát sinh.
Xem thêm: