Vai trò của đất đai đối với kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay
Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đất đai là nguồn tài nguyên quý giá và mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Giữa những cơn sốt đất bùng nổ và làn sóng đổ tiền vào bất động sản đang tạo ra nhiều cái nhìn cũng như quan điểm khác nhau về nguồn tài nguyên đất. Trong mắt nhiều người, đất đai chỉ được hiểu đơn giản nhất là loại tài sản có giá trị lớn, có khả năng tích lũy và tạo ra lợi nhuận từ nhiều cách. Tuy nhiên, trên thực tế, từ rất lâu về trước, đất đai đã sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội.
Đất đai là gì?
Đối với nền sản xuất, đất đai là điều kiện vật chất mà bất kỳ hoạt động nào cũng cần tới. Trong suốt quá trình phát triển của xã hội tất cả các kỹ thuật vật chất và văn hóa khoa học đều được xây dựng trên nền tảng cơ bản là sử dụng đất đai.
Nếu để nói về khái niệm phổ biến nhất về đất đai thì Hội nghị quốc tế về Môi trường ở Rio de Janerio, Brazil, 1993 đã đưa ra định nghĩa như sau: “Đất đai là một diện tích cụ thể của bề mặt trái đất bao gồm tất cả các cấu thành của môi trường sinh thái ngay trên và dưới bề mặt đó như: khí hậu bề mặt, thổ nhưỡng, dạng địa hình, mặt nước, các lớp trầm tích sát bề mặt cùng với nước ngầm vá khoáng sản trong lòng đất, tập đoàn động thực vật, trạng thái định cư của con người, những kết quả của con người trong quá khứ và hiện tại để lại (san nền, hồ chứa nước hay hệ thống tiêu thoát nước, đường sá, nhà cửa...)”.
Riêng dưới góc độ pháp lý, tinh thần chung của Luật đất đai đã khẳng định: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”.
Đặc điểm của đất đai
Thứ nhất, đất đai có tính cố định, không thể di chuyển cũng không thể sản sinh ra thêm (có hạn). Vì thế, ở những khu vực khác nhau, điển hình như đô thị và vùng nông thôn, đất đai sẽ chênh lệch về giá trị; hoặc chịu tác động từ các yếu tố hạ tầng, kinh tế, dân cư,...
Thứ hai, đất đai là loại tài sản không bị hao mòn theo thời gian, có giá trị tăng dần về lâu dài.
Thứ ba, đất đai có tính phong phú trong tính chất, mục đích sử dụng. Ở những vùng địa lý khác nhau, đất đai sẽ có đặc trưng riêng và thích hợp cho một số hoạt động kinh tế, sản xuất nhất định. Ví dụ trong nông nghiệp, có nơi đất sẽ phù hợp để trồng cây công nghiệp, cây lâu năm,... nhưng có vùng chỉ hợp để trồng cây hoa màu, cây ngắn ngày,...
Thứ tư, đất đai là tư liệu sản xuất gắn liền với hoạt động của con người. Nguyên lý là con người tác động vào đất đai để tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sống. Dù tác động trực tiếp hay gián tiếp cũng đều tạo ra sự thay đổi tính chất của đất đai theo nhu cầu sử dụng. Nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ đất đai cũng đa dạng và phong phú hơn thông qua mua bán, chuyển nhượng, trao đổi,... quyền sử dụng đất. Đất đai đang dần trở thành một loại hàng hóa vô cùng đặc biệt của nền kinh tế hiện đại.
Vai trò của tài nguyên đất
Vốn có nguồn gốc từ tự nhiên, thông qua quá trình tác động của con người, đất đai dần được cải tạo và đóng góp vào các sản phẩm của xã hội. Đối với mỗi quốc gia, đất đai là nguồn tài nguyên quý báu, là cơ sở để vạn vật sinh trưởng, làm nền tảng cho sự tồn tại, phát triển. Nếu không có đất đai thì không ngành sản xuất nào có thể hoạt động, con người cũng không làm ra của cải vật chất nhằm duy trì cuộc sống.
Đất đai nắm giữ 03 vai trò chính:
Thứ nhất, đất đai là sản phẩm của tự nhiên, quyết định cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Một thực tế rõ ràng, rằng nếu không có đất đai thì sẽ không có bất kỳ hoạt động sản xuất nào; cũng không có môi trường, điều kiện sống cho động thực vật và cả con người trên trái đất.
Thứ hai, đất đai tham gia vào các hoạt động của xã hội, đời sống kinh tế. Trên đất đai, người ta xây dựng những công trình kinh tế, xã hội, giao thông, thuỷ lợi,... phục vụ cho đời sống và sản xuất.
Thứ ba, đất đai là nguồn của cải, tài sản cố định để tích lũy hoặc đầu tư. Đất đai như một thước đo về sự giàu có của mỗi quốc gia; con người qua các thế hệ xem sự tích lũy, chuyển nhượng đất đai như một sự bảo hiểm về tài chính.
Trong 03 vai trò này thì vai trò thứ ba có lẽ là nội dung được biết đến và ghi nhận nhiều nhất. Những ghi nhận trong lịch sử cho thấy, các quốc gia không ngừng xâm lược, mở rộng phạm vi lãnh thổ của mình với mong muốn có được quỹ đất rộng nhất, đông dân cư nhất. Ngày nay, khi đất đai đã dần ổn định thì con người lại tìm cách khai thác chúng ở đa khía cạnh. Đất đai không thể tự sinh ra thêm, hay nói đúng hơn là một nguồn tài nguyên hữu hạn nhưng nhu cầu sử dụng đất đai lại không bao giờ mất đi mà chỉ tăng dần theo sự phát triển của loài người.
Đất đai trong từng ngành cũng có những vai trò khác nhau, tùy vào mục đích sử dụng và tính chất riêng của ngành đó.
- Đối với các ngành thuộc nhóm phi nông nghiệp: đất đai có vai trò là cơ sở về mặt không gian và vị trí để hoàn thiện quá trình lao động.
- Đối với các ngành nông - lâm nghiệp: đất đai là điều kiện vật chất, cơ sở không gian, đồng thời, cũng đồng thời là tượng lao động và công cụ, phương tiện lao động.
- Trong các giao dịch bất động sản, đất đai là đối tượng của hợp đồng mua bán, là “công cụ đặc biệt” tạo ra lợi nhuận cho người sử dụng. Kinh tế phát triển khiến cho mối quan hệ giữa đất đai và con người càng trở nên có tính cạnh tranh gay gắt hơn, một phần vì dân số tăng nhanh, quỹ đất có hạn và giá trị đất đai ngày càng được nâng tầm.
Quy hoạch sử dụng đất
Nhắc đến đất đai thì quy hoạch sử dụng đất là khái niệm đi kèm không thể thiếu. Quy hoạch sử dụng đất là hoạt động được tạo ra nhằm sử dụng tài nguyên đất đai một cách có hiệu quả, hợp lý và phù hợp với yêu cầu về sự phát triển.
Quy hoạch sử dụng đất là một hoạt động vừa mang 03 tính chất nổi bật, là tính kỹ thuật, tính kinh tế và tính pháp lý.
Tính kỹ thuật: để đề ra quy hoạch sử dụng đất phải sử dụng đến các công tác chuyên môn như khảo sát, điều tra, đo đạc, khoanh định, xử lý số liệu, xây dựng bản đồ,... nhằm thống kê diện tích đất đai, phân chia khoảnh thửa,...
Tính kinh tế: khi giao đất, xác định rõ mục đích sử dụng đất thông qua phương án quy hoạch sử dụng đất. Điều này tạo cơ sở nền tảng quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả cao nhất đối với tiềm năng đất đai, chính là yếu tố rõ nét của tính kinh tế. Đất đai chỉ khi sử dụng theo quy hoạch, phù hợp với địa phương mới có thể mang lại sự phát triển bền vững.
Tính pháp chế: đất đai được nhà nước giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào các mục đích cụ thể đã được xác định theo phương án quy hoạch sử dụng đất. Xoay quanh đó là rất nhiều các quy định pháp luật trong những văn bản luật chung, luật chuyên ngành nhằm điều chỉnh trường hợp cụ thể. Mọi hoạt động liên quan đến đất đai, quy hoạch và sử dụng đất đều được giám sát chặt chẽ, có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.
Việc lập quy hoạch sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giữ gìn, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên đất đai ở trước mắt cũng như lâu dài; làm cơ sở để phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ các nhu cầu dân sinh, nhu cầu văn hóa xã hội. Đồng thời, xây dựng quy hoạch sử dụng đất còn giúp hạn chế sự chồng chéo, tránh gây lãng phí quỹ đất, ngăn chặn những hành vi tiêu cực đến đất đai như hủy hoại, lấn chiếm, phá vỡ cân bằng sinh thái,...
Vai trò của đất đai trong bối cảnh hiện nay cho thấy tầm quan trọng cũng như sức hút mạnh mẽ. Đây vừa là nguồn tài nguyên quý giá, vừa là loại tài sản có giá trị, có tiềm năng lớn về đầu tư.
Xem thêm: