4 điều cần biết về luật thừa kế đất trồng lúa
Hiểu về luật thừa kế đất trồng lúa là việc nên làm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của chính mình, đồng thời tuân thủ luật pháp được quy định nghiêm ngặt.
Việt Nam được biết đến như một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới. Ngành nông nghiệp nước ta đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện nay. Cùng với sự phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa thì vấn đề canh tác, sản xuất nông nghiệp đặc biệt trồng lúa được quan tâm. Trong đó, nhà nước đưa ra những chính sách bảo vệ đất trồng lúa. Không giống như đất thổ cư hay đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa được Nhà nước ban hành những bộ luật về mua bán và thừa kế đất trồng lúa nghiêm ngặt.
1. Pháp luật quy định như thế nào về thừa kế đất trồng lúa?
Điều 610 Bộ Luật dân sự quy định: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Quy định này cho thấy mỗi cá nhân đều có quyền được hưởng thừa kế tài sản nói chung (không riêng gì đất trồng lúa) bằng cách thông qua di chúc hoặc nếu không có di chúc thì sẽ do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, Điểm d Khoản 1 Điều 169 Luật đất đai 2013 quy định: "Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất" và Điểm đ, khoản 1, Điều 179 Luật Đất Đai 2013 quy định: "Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật."
Như vậy khẳng định lại một nữa, quyền thừa kế đất trồng lúa được pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, tùy vào tình huống mà chủ thể có quyền hưởng di sản thừa kế đất trồng lúa khác nhau. Không phải lúc nào người thừa kế cũng có quyền hưởng di sản. Ngược lại, người nhận di sản cũng có thể không phải là người thừa kế.
Trong quyền sở hữu tài sản thì luôn song hành là ba quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Do đó, mỗi cá nhân đều có quyền định đoạt tài sản của mình, đất trồng lúa cũng không ngoại lệ.
Trong trường hợp người có tài sản trước khi qua đời - để lại di sản có di chúc và di chúc hoàn toàn hợp pháp đồng nghĩa với việc tài sản của người đó sẽ phân chia theo di chúc. Ngược lại, nếu không có di chúc thì sẽ phân chia theo nhà nước (xem tiếp phần nội dung tiếp theo để rõ).
2. Phân chia và thừa kế đất trồng lúa khi không có di chúc như thế nào?
Theo quy định của nhà nước về thừa kế đất trồng lúa hay đất nông nghiệp, khi người qua đời không để lại di chúc thì mảnh đất sẽ được chia theo pháp luật.
Theo quy định Điều 651, Bộ Luật dân sự thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Cũng trong Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý cần biết:
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
3. Người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có được nhận quyền thừa kế đất trồng lúa không?
Trước đây, Bộ Luật dân sự năm 1995 có quy định về những người thừa kế đất nông nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Có nhu cầu sử dụng đất;
- Có điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích;
- Chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên cần biết rằng, Bộ Luật này đã không còn hiệu lực và đã được thay thế bằng Bộ Luật dân sự 2015. Bộ Luật mới đã xóa bỏ hoàn toàn các điều kiện của người thừa kế đất nông nghiệp, đồng thời quy định đất nông nghiệp chính là tài sản thừa kế như các loại tài sản khác. Tại Bộ Luật mới, không có bất cứ quy định nào nói rằng người không trực tiếp sản xuất trên đất trồng lúa nói riêng và đất nông nghiệp nói chung thì không được hưởng thừa kế.
Ngoài ra, Luật đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Quy định này khiến nhiều người nhầm tưởng rằng những ai không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được hưởng quyền thừa kế đất trồng lúa. Tuy nhiên không phải như vậy.
Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trồng lúa không bị pháp luật cấm. Theo Luật đất đai 2013, người không phải nông dân không được phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất chứ hoàn toàn không có quy định về nhận thừa kế hay không. Vì vậy, người không trực tiếp sản xuất đất trồng lúa thì vẫn được hưởng quyền thừa kế đất trồng lúa, trừ trường hợp thuộc vào một trong các đối tượng không được hưởng thừa kế dưới đây.
4. Những ai không được thừa kế đất trồng lúa?
Không phải ai cũng được thừa kế đất trồng lúa. Điều 621 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về các đối tượng không được thừa kế như sau:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tuy nhiên, nếu như người có tài sản biết những đối tượng nói trên có hành vi nằm trong đối tượng không được pháp luật cho thừa kế nhưng vẫn cho thừa kế trong di chúc thì những người đó vẫn được hưởng thừa kế theo di chúc.
Tổng kết
Bài viết trên đã đề cập đến những vấn đề chính về thừa kế đất trồng lúa cũng như các đối tượng được nhận thừa kế.
Mọi người đều có quyền bình đẳng và kế thừa đất trồng lúa (trừ một số trường hợp ngoại lệ như đã nói ở trên). Trong trường hợp có di chúc của người đã mất thì đất trồng lúa hay các di sản khác sẽ được chia theo di chúc. Ngược lại, nếu không có di chúc sẽ chia đều theo các hàng thừa kế ưu tiên.
Hiện nay, Nhà nước ngày càng chú trọng việc chăm sóc đất, đặc biệt là bảo vệ đất trồng lúa. Đây cũng là quyền và nghĩa vụ mà bất cứ người sử dụng đất nào cũng cần tuân thủ. Việc thừa kế đất trồng lúa cũng chính là một trong những cách tiếp tục bảo vệ và phát huy vai trò của đất trồng lúa.
Xem thêm: