Thu hồi đất rừng phòng hộ: Quy định và thủ tục mới nhất
Thu hồi đất rừng phòng hộ là một trong các trường hợp Nhà nước thu lại quyền sử dụng đất mà trước đó đã giao cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc thu hồi đất rừng phòng hộ ngoài các quy định chung tại Luật Đất đai 2013 còn chịu sự điều chỉnh của Luật Lâm nghiệp 2017. Theo đó, phải xem xét cả hai văn bản này để áp dụng theo đúng quy định về điều kiện, thủ tục và thẩm quyền.
Các trường hợp thu hồi đất rừng phòng hộ
Điều 22 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về các trường hợp nhà nước thu hồi rừng như sau:
- Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
- Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;
- Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;
- Rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn;
- Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng;
- Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;
- Các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai.
Các trường hợp khác ở đây là nội dung được đề cập đến tại điều 16 Luật Đất đai 2013 (có thể tham khảo chi tiết tại Thu hồi đất có bằng khoán). Theo đó, tùy từng trường hợp, người sử dụng sẽ được bồi thường đất rừng phòng hộ, hỗ trợ theo các quy định hiện hành khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao rừng, cho thuê rừng không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.
Thẩm quyền thu hồi đất rừng phòng hộ
Điều 23 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định chi tiết thẩm quyền thu hồi đất rừng phòng hộ như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi rừng đối với tổ chức;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân; thu hồi rừng đối với cộng đồng dân cư.
- Trường hợp trong khu vực thu hồi rừng có cả đối tượng nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi rừng hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi rừng.
Trình tự, thủ tục thu hồi đất rừng phòng hộ
Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định chi tiết nội dung trên (đối với trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng). Bao gồm các thủ tục chính sau đây:
- Ra thông báo thu hồi đất: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất. Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
- Điều tra, đo đạc, kiểm đếm: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
- Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt;
- Làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.
Với trường hợp thu hồi vì vi phạm các quy định về đất đai, trình tự thủ tục thu hồi được thực hiện như sau ( Điều 66 Nghị định 43/2014):
- Cơ quan có có thẩm quyền xử phạt lập biên bản xác định hành vi vi phạm để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.
- Cơ quan tài nguyên và môi trường thẩm tra, xác minh thực địa (khi cần thiết), trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất.
- Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất.
- Cập nhật, chỉnh lý dữ liệu cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
- UBND cấp có thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (nếu người sử dụng đất không hợp tác thực hiện thủ tục thu hồi đất)
- Quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng
Thu hồi đất rừng phòng hộ tùy vào trường hợp sẽ áp dụng theo các quy định và thủ tục khác nhau. Người dân sử dụng lẫn cơ quan quản lý đất rừng phòng hộ nên nắm vững để tránh các trường hợp thu hồi sai, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình.
Xem thêm: