Bí quyết thiết kế homestay đẹp và kinh nghiệm vận hành

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Làm sao để thiết kế homestay đẹp với những không gian thật độc đáo? Homestay không đơn thuần là dịch vụ lưu trú, chúng cần có bí quyết riêng để tạo ra sự khác biệt về góc độ thẩm mỹ.

Ngày nay, bên cạnh khách sạn, nhà nghỉ thì homestay là lựa chọn đang được ưa chuộng trong các kỳ nghỉ, chuyến du lịch ngắn hoặc dài ngày. Mô hình này xuất hiện chưa quá lâu nhưng thực sự đã tạo ra được làn sóng vô cùng tích cực trên thị trường nghỉ dưỡng.

Đối với du khách, đặc biệt là người trẻ, họ rất cần những điểm lưu trú thỏa mãn về cả phần “nhìn” lẫn dịch vụ, tiện nghi. Vì vậy, số lượng homestay tham gia vào thị trường trở nên tăng nhiệt và không ngừng đột phá về nguồn cung. Những mẫu nhà homestay đẹp tất yếu sẽ mang lại sức hút, doanh thu và lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, giữa vô vàn phong cách thiết kế homestay, hàng trăm người tham gia vào loại hình này, làm sao có thể tạo ra ưu điểm vượt trội cho sản phẩm của chính mình?

Nếu bạn đang có ý định kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, hay đơn giản muốn làm mới chúng để thu hút khách, đừng bỏ qua những bí quyết được đúc kết dưới góc nhìn chuyên ngành dưới đây.

Thiết kế Homestay có đặc trưng gì?

Người người làm homestay, đi đâu cũng nghe nhắc đến homestay đẹp, giá rẻ nhưng thực tế, rất hiếm người trước khi bắt tay thực hiện lại đầu tư thời gian để tìm hiểu nghiêm túc về loại hình này. Nếu không nắm được bản chất, đặc trưng của homestay, sẽ rất khó để lên ý tưởng thiết kế, cũng như không thể tạo ra điểm khác biệt để cạnh tranh cùng những loại hình dịch vụ lưu trú khác.

Loại hình lưu trú homestay

Vậy homestay có đặc trưng gì? “Home from home” là cụm từ mô tả chính xác cho loại hình lưu trú homestay. Nghĩa là, trong chuyến du lịch, thay vì sống trong những căn phòng khép kín với đầy đủ tiện nghi, bạn sẽ đặt chỗ và nghỉ lại trong nhà của người dân địa phương, cùng sống và sinh hoạt giống như một thành viên trong gia đình.

Như vậy, homestay về bản chất chính là cảm giác giống như đang sống ở nhà, “nhập gia tùy tục”, ứng xử theo đúng văn hóa, phong tục và thói quen của người bản địa. Ngày nay, dựa trên sự thay đổi về nhu cầu, homestay ngoài việc cho thuê từng phòng nhỏ còn có dịch vụ thuê nguyên căn.

Tuy nhiên, nhìn chung, dù ở hình thức nào thì homestay cũng phải đảm bảo được sự gần gũi, thân thuộc bên cạnh các tiện nghi đáp ứng nhu cầu cho du khách trong suốt hành trình. Ngay tại chính các căn homestay, du khách sẽ được tự mình trải nghiệm nét đặc trưng vùng miền một cách chân thật nhất.

Homestay là loại hình lưu trú có khả năng tạo ra sự phù hợp với mọi người, mọi chuyến đi. Dù bạn là một nhân viên văn phòng, sinh viên, dự định đi nghỉ một vài ngày ở trong nước, hay là phượt thủ chuyên nghiệp rong ruổi trên nhiều chặng đường thì homestay cũng đều có thể giúp bạn thích nghi tốt.

Thiết kế homestay đơn giản hay cầu kỳ cũng không thể nằm ngoài những đặc trưng của loại hình này, có chăng là khác biệt về cách bài trí, sử dụng chất liệu và bố cục kiến trúc mà thôi.

Do đó, để thiết kế homestay, trước hết phải bám sát vào đặc trưng của loại hình này để đặt ra những tiêu chí cơ bản và cũng là quan trọng nhất:

Mẫu nhà homestay phải xây dựng đẹp để hút khách: Mục đích của xây dựng homestay đó là phục vụ nhu cầu lưu trú khi đi du lịch với giá rẻ, và tất nhiên là có được sự độc đáo theo các phong cách khác biệt phù hợp với văn hóa địa phương. Vì vậy, mục tiêu đầu tiên đó là phải có các bản vẽ thiết kế homestay đẹp, hợp với văn hóa vùng, nhưng phải độc lạ và khác biệt, đầy đủ tiện nghi.

Thiết kế phòng homestay đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng: Xây dựng nhà nghỉ homestay đương nhiên là vị mục đích kinh doanh nên nó không thể chỉ gói gọn trong việc phục vụ một đối tượng khách hàng cụ thể mà phải là nhiều nhóm khác, có như vậy lượng khách của homestay mới đa dạng, doanh thu ổn định và tỷ lệ lợi nhuận cao.

Vì vậy, cần tính toán đến các tiêu chuẩn thiết kế homestay để lựa chọn các kiểu thiết kế phù hợp với từng nhóm khách, phân tích dựa trên độ tuổi hay sở thích, xu hướng thẩm mỹ để mở rộng phạm vi thị trường kinh doanh của mình. Phân nhóm khách hàng sẽ giúp bạn có được những mô hình homestay rõ ràng và có được yêu cầu cụ thể cho các kiến trúc sư thiết kế phù hợp nhất.

Thiết kế homestay đẹp phải luôn mang lại cho khách sự thoải mái: Mẫu phòng homestay cho tới không gian xung quanh đều cần được thiết kế không chỉ đẹp mà phải đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, giúp chuyến du lịch không bị gián đoạn hay cảm thấy bị khó chịu. Do đó cần phải quan tâm với việc thiết kế căn hộ homestay sao cho đủ tiện nghi nhất, không cần phải sang trọng, nhưng chắc chắn phải dễ tự phục vụ, tránh phiền hà hay mất đi cảm giác riêng tư.

Tạo được thương hiệu, dấu ấn riêng từ mẫu thiết kế homestay của chính mình: Thương hiệu trong kinh doanh nói chung luôn đóng vai trò quan trọng tới doanh thu và sức bền. Thương hiệu riêng trong kinh doanh homestay đó chính là việc bạn tạo nên những đột phá, khác biệt mà không có các kiểu homestay nào có được, khiến chúng trở nên khác biệt và duy nhất. Điều này có nghĩa bạn không thể vận hành khi toàn bộ bản thiết kế được lấy từ những mô hình đã sử dụng trước đó.

Vậy nên, bạn phải có được ý tưởng tổng quan, kế hoạch phải định hình được phong cách và có được đơn vị thiết kế homestay chuyên nghiệp, tiếp nhận sự tư vấn và chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích trước khi bắt tay vào thực hiện. Tự mình hoàn thiện cũng tốt nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hỗ trợ từ chuyên gia, chuyên môn giúp họ nhìn nhận và giải quyết vấn đề nhanh chóng.

Cách thiết kế homestay: đừng bỏ qua những tiêu chuẩn chung

Thiết kế homestay đẹp phần lớn nhờ vào tư duy, sáng tạo của người thực hiện. Tuy nhiên, đây vẫn là loại hình lưu trú dùng để kinh doanh, do đó, mọi ý tưởng cũng cần phải nằm trong khuôn khổ các tiêu chuẩn cho phép. Trước hết là để đảm bảo kết cấu đúng của homestay, thứ hai là đáp ứng đủ điều kiện để đưa vào vận hành.

Tiêu chuẩn của homestay

Theo các tiêu chuẩn của Tổng cục Du lịch công bố, tiêu chí thiết kế kiến trúc và quy định dịch vụ đối với homestay không quá khắt khe như với các công trình khách sạn, resort. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các chủ homestay, tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà cần thực hiện nghiêm túc và chính xác.

Cụ thể, các tiêu chí thiết kế trong văn bản TCVN 7800:2017 được đưa ra như sau:

Vị trí thiết kế và xây dựng

  • Dễ tiếp cận, thuận tiện
  • Đảm bảo an ninh, an toàn
  • Có biển hiệu rõ ràng đặt ở nơi dễ thấy – hướng dẫn khách tới nơi có phòng cho khách thuê
  • Đặt ở nơi thoáng đãng, có khung cảnh đẹp

Thiết kế, kiến trúc

  • Nhà trong tình trạng tốt
  • Thiết kế phản ánh được kiến trúc đặc trưng của địa phương
  • Vật liệu xây dựng đặc trưng của địa phương
  • Mặt tiền nhà (đường vào, vỉa hè, tiểu cảnh…), sân vườn (nếu có) sạch sẽ, không trơn trượt
  • Thông thoáng, không gian mở
  • Ánh sáng và chiếu sáng đảm bảo thuận lợi cho quá trình sử dụng và vận hành
  • Có tối thiểu 1 nhà tắm, 1 nhà vệ sinh cho khách. Phòng vệ sinh và nhà tắm có thể chung trong 1 phòng hoặc tách riêng từng khu vực. Trường hợp phòng vệ sinh và nhà tắm chung thì phải có diện tích tối thiểu 3m2

Đối với khu vực lưu trú:

  • Đảm bảo đủ diện tích tối thiểu của từng phòng: 8m2 trở lên đối với phòng 1 giường đơn – 10m2 trở lên đối với phòng 2 giường đơn hoặc 1 giường đôi – nếu làm giường tập thể (phòng dorm) thì cứ mỗi giường tăng lên phòng phải tăng thêm 4m2
  • Cửa phòng phải có chốt trong tạo cảm giác an toàn và không gian riêng tư cho du khách
  • Thiết bị hoạt động đúng tính năng; bài trí hợp lý
  • Đèn điện, công tắc bố trí thuận tiện
  • Ổ cắm điện cho mỗi khách bố trí thuận tiện
  • Quạt điện
  • Đèn đủ chiếu sáng
  • Giường hoặc đệm/ chiếu có kích thước tối thiểu 0,8m x 1,9m cho 1 người – 1,5m x 1,9m cho 2 người; đệm dày 10cm, có ga bọc, chất lượng tốt; chăn có ga bọc; gối có vỏ bọc
    Tủ hoặc kê đầu giường đối với nơi kê giường
  • Đèn đầu giường đối với nơi kê giường
  • Đèn cho mỗi khách tại mỗi giường/ đệm
  • Có khoảng cách dành cho khách đi lại giữa các giường/ đệm/ chiếu
  • Màn che phân cách các đệm đối với nơi không có giường
  • Lưới chống muỗi hoặc màn ở mỗi giường/ đệm/ chiếu đối với nơi có côn trùng có thể gây hại cho khách
  • Chỗ treo hoặc để quần áo cho mỗi khách
  • Bình nước uống, cốc uống nước cho khách
  • Thùng rác có nắp
  • Lò sưởi hoặc điều hòa với nơi có khí hậu lạnh
  • Tủ đựng đồ riêng cho khách hoặc tủ chung có nhiều ngăn, mỗi khách sử dụng một ngăn có chìa khóa riêng (có thể đặt trong hoặc ngoài buồng ngủ)

Đối với nội thất khu vệ sinh, nhà tắm:

  • Khu vực rửa tay, phòng vệ sinh, phòng tắm có thể chung trong 1 phòng hoặc riêng từng khu vực
    • Khu vực rửa tay: vật dụng cho mỗi khách gồm: bàn chải đáng răng, kem đánh răng, chậu rửa mặt, gương soi, vòi nước, nước nóng, xà phòng
    • Phòng vệ sinh: cửa có chốt an toàn bên trong, tường bằng vật liệu không thấm nước, sàn không trơn trượt, đảm bảo thông thoáng, hệ thống chiếu sáng, đèn điện, bồn cầu hoặc hố xí tự hoại, giấy vệ sinh, thùng rác có nắp, không có mùi hôi, hệ thống ga và xi phông thoát sàn đảm bảo ngăn mùi hôi
    • Phòng tắm: trang thiết bị chất lượng khá, hoạt động tốt, cửa có chốt an toàn bên trong, tường bằng vật liệu không thấm nước, tường phải ốp gạch men cao quá đầu người (2m), sàn không trơn trượt, đảm bảo thông thoáng, hệ thống chiếu sáng, đèn điện, không có mùi hôi, hệ thống ga và xi phông thoát sàn đảm bảo ngăn mùi hôi, vòi nước, nước nóng, vòi hoa sen, móc hoặc giá treo các loại khăn, móc treo quần áo, xà phòng, khăn mặt, khăn tắm

Đối với khu vực sinh hoạt chung:

  • Tủ thuốc gia đình hoặc túi sơ cứu có các vật dụng sơ cứu cơ bản, thuốc thông dụng còn hạn sử dụng
  • Bàn, ghế để khách có thể ngồi ăn hoặc ngồi uống nước
  • Tivi, Điện thoại

Đối với khu vực phục vụ nhu cầu ăn uống:

  • Khu vực phục vụ ăn uống có thể chung với khu vực sinh hoạt chung
  • Người phục vụ tại nhà ở có phòng khách du lịch thuê tùy điều kiện có thể phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hoặc bố trí khu vực để khách tự phục vụ nhu cầu ăn uống
  • Bàn ghế hoặc thảm, chiếu
  • Dụng cụ và tủ đựng dụng cụ phục vụ ăn uống đảm bảo chất lượng
  • Trang thiết bị, dụng cụ chế biến món ăn, đồ uống cho khách sử dụng và tự phục vụ
  • Khu vực rửa dụng cụ ăn uống
  • Dụng cụ và chất tẩy rửa vệ sinh
  • Thùng rác có nắp
  • Ánh sáng hoặc chiếu sáng thuận lợi trong quá trình sử dụng, vận hành
  • Đảm bảo thông thoáng
  • Tủ lạnh bảo quản thực phẩm

Đối với khu vực trung tâm, cộng đồng:

  • Có không gian để tổ chức hoạt động cộng đồng như lễ đón tiếp, biểu diễn hoạt động văn hóa văn nghệ…

Dịch vụ và mức độ phục vụ

  • Dịch vụ: có bảng niêm yết giá buồng, giá dịch vụ (nếu có) – bảng niêm yết nội quy – có tủ nhiều ngăn cho khách sử dụng, mỗi ngăn 1 chìa khóa – cung cấp thông tin cần thiết cho khách
  • Mức độ phục vụ: thay ga bọc đệm, bọc chăn, vỏ gối 3 ngày 1 lần hoặc khi có khách mới – cung cấp đủ nước sạch 24/24h

Người quản lý và nhân viên phục vụ

  • Người quản lý phải có kinh nghiệm thực tế, đã qua lớp tập huấn về quản lý lưu trú du lịch, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Nhân viên phục vụ phải qua lớp tập huấn nghiệp vụ trừ trường hợp có bằng cấp, chứng chỉ do cơ quan đào tạo có thẩm quyền cấp – khuyến khích biết ngoại ngữ

Đây chính là những điều kiện cần cho thiết kế nhà homestay, muốn đẹp trước tiên phải đúng về quy cách, bố cục. Du khách không chỉ dùng homestay như một điểm chụp ảnh đẹp hay thưởng thức các bữa tiệc; họ xem đây là “nhà” trong suốt chuyến đi của mình, cũng cần có những khoảnh khắc riêng tư và thoải mái nhất.

Thiết kế nhà homestay: bí quyết cho không gian khác biệt

Thị trường homestay hiện nay đang đứng trước tỷ lệ cạnh tranh cực kỳ lớn, những người tham gia sau luôn có lợi thế trong việc theo đuổi những xu hướng thịnh hành, những nhà đầu tư trước dù có chỗ đứng nhất định, thậm chí đã hình thành nên thương hiệu nhưng nếu không thay đổi, rất khó để “trụ” lại với yêu cầu ngày một khắt khe từ du khách.

Bí quyết thiết kế homestay

Trong thiết kế kiến trúc, không có bất kỳ giới hạn nào về tư duy sáng tạo, do đó, mỗi homestay dưới một bàn tay và góc nhìn đều đã là khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt ấy cần phù hợp với thị hiếu, nhu cầu thị trường và hơn hết là có tính ứng dụng cao, như vậy mới thỏa mãn được yếu tố “đẹp” mà người sử dụng đánh giá.

Chọn địa điểm lý tưởng

Homestay hướng đến đối tượng khách du lịch, vì vậy, điểm đặt ngoài sự thuận tiện giao thông, dễ nhận diện thì cần chọn nơi có tiềm năng hoặc hoạt động du lịch phát triển tốt. Homestay cần gần các địa điểm du lịch, mua sắm, không gian đẹp và yên tĩnh để du khách có thể ngắm cảnh, nghỉ ngơi.

Nếu may mắn sở hữu vị trí tốt, bạn nên tận dụng để homestay dễ gây được sự chú ý trong khu vực đó. Nếu không thực sự có vị trí quá đắc địa, bạn nên tìm cách để chúng trở nên khác biệt bằng các tiện ích thêm vào, như gần hồ nước hoặc vườn cây,...

Lên ý tưởng thiết kế cho homestay

Việc lên ý tưởng đóng vai trò như kim chỉ nam để bạn quyết định phong cách thiết kế homestay hoặc kiểu nhà homestay hướng đến. Thực ra rất khó để tách bạch mọi thứ vì chúng cần có sự tổng hòa, kết hợp với nhau để tạo ra công trình hoàn thiện. Tuy nhiên, về cơ bản, bạn cần biết mình mong muốn diện mạo của homestay như thế nào.

Bạn có thể lấy những cảm hứng chủ đạo làm nền tảng, sau đó phát triển thêm ở tiểu tiết, ví dụ như bạn bắt đầu bằng ý tưởng hoài cổ, hiện đại hoặc sang trọng, hay linh hoạt phục vụ theo nhu cầu của khách hàng.

  • Ý tưởng về nếp sống xưa: hoài cổ và dung dị với những điều mộc mạc đến từ truyền thống trong cuộc sống vốn đang chạy đua với hiện đại là điều mà nhiều bạn trẻ đang tìm kiếm. Nếu đi theo ý tưởng này, bạn cần đồng nhất trong chất liệu và kiểu dáng; cách trang trí homestay đơn giản, nội thất cơ bản theo kiểu cổ điển mang đến sự tĩnh lặng, thư thái.
  • Ý tưởng bám sát nhịp sống hiện đại: điểm khác biệt phải là những chi tiết mới lạ, cập nhật xu hướng của giới trẻ trên thế giới; có những góc “sống ảo” độc đáo.
  • Ý tưởng không gian sang trọng: đi kèm với ý tưởng này là giá, chi phí cho thi công, phần nội thất sẽ cao hơn, phù hợp cho những du khách muốn trải nghiệm một cuộc sống vương giả, thiên về hưởng thụ. Vì vậy, không gian khép kín được chú trọng hơn so với bố trí ngoại cảnh.
  • Ý tưởng thiết kế theo nhu cầu của khách: cần có sự linh hoạt và tư duy nhanh nhạy, thấu hiểu yêu cầu của du khách, cách thiết kế phải dựa trên sở thích, thẩm mỹ của họ. Tuy nhiên, ý tưởng này chỉ nên thực hiện trên hình thức dịch vụ đi kèm vì nếu liên tục thiết kế theo yêu cầu riêng sẽ tốn chi phí, công sức rất lớn.

Phong cách thiết kế phù hợp văn hóa vùng miền

Đặc thù của homestay là tạo cơ hội để du khách trải nghiệm cuộc sống bản địa, vì vậy thiết kế homestay đẹp là khi sáng tạo ra những công trình, bố cục độc đáo nhưng không đánh mất bản sắc vùng miền. Mỗi kiểu homestay đều cần có một thiết kế riêng, phù hợp với điều kiện địa hình, điều kiện kinh tế của chủ đầu tư và đặc biệt phải tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế homestay.

Ví dụ như ở các tỉnh Tây Nguyên, nếu lựa chọn, du khách sẽ ưa thích các loại hình homestay mô tả cuộc sống của người dân tộc tại nhà sàn, phong cách dân dã, gắn bó với núi rừng,... Hay như Đà Lạt, thành phố mộng mơ của ngàn hoa, những thiết kế homestay kiểu Vintage, hiện đại hoặc cổ xưa,... đều có thể ứng dụng linh hoạt.

Tóm lại, phong cách thiết kế và đặc điểm vùng miền phải có sự hài hòa với nhau, tạo được sự kết nối giữa những cá thể vào cộng đồng rộng lớn. Trong không gian hoài cổ, lãng mạn lại thiết kế những căn homestay hào nhoáng, hiện đại sẽ khó để đem tới cảm nhận tốt cho du khách.

Biến tấu với các loại vật liệu

Hiện nay, xây dựng homestay có rất nhiều lựa chọn, hoặc là thiết kế xây dựng mới hoặc là thiết kế tận dụng lại kết cấu nhà có sẵn. Điều này không ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu có ý tưởng, phương án xây dựng tốt nhưng cũng là yếu tố được khách hàng quan tâm khá nhiều.

Nếu như là nhà xây sẵn, kết cấu khá quen thuộc thì khi thiết kế có thể thay đổi một chút về kiểu dáng, bố cục để tránh đơn điệu. Nếu như là các vật liệu khác, điển hình là gỗ hay vật liệu tự nhiên, bản chất chúng đã có sự độc đáo riêng, điều quan trọng còn lại là làm sao kết hợp chúng một cách hài hòa trong tổng thể không gian. Vật liệu tự nhiên sẽ tạo ra cảm giác gần gũi, mộc mạc và thú vị hơn.

Do đó, nếu không đủ tài chính để thiết kế toàn bộ bằng gỗ hoặc các vật liệu tự nhiên độc đáo thì có thể theo hướng kết hợp, bố trí thành nhiều không gian khác nhau hoặc tận dụng để trang trí những góc riêng trong nhà. Cách làm này vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả khá tốt.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, giữa kiến trúc - chất liệu - phong cách trang trí cần có sự cân đối về màu sắc, kiểu dáng, nếu quá lạm dụng có thể gây rối mắt hoặc rời rạc, thiếu liên kết.

Nội thất nắm giữ “linh hồn” homestay

Không phải một cách ngẫu nhiên mà nội thất được chọn làm khâu quan trọng trong quá trình hoàn thiện các công trình, từ nhà ở đến khách sạn, nhà nghỉ và cả homestay. Sự xuất hiện một cách hợp lý các vật dụng như bàn, ghế, tủ, rèm cửa, đèn, tranh treo tường,... có khả năng thay đổi không gian một cách ngoạn mục.

  • Lựa chọn nội thất cho homestay cần chú ý tạo sự chuyên nghiệp, thoải mái.
  • Giường ngủ có thể chọn giường tầng, giường đôi hoặc giường đơn…
  • Phòng ngủ phải có chăn chiếu, đệm, ga… sạch sẽ, giặt ủi thường xuyên.
  • Các vật dụng và đèn trong phòng ngủ phải hiện đại, sáng sủa,...

Tất nhiên, mọi sự bài trí và kết hợp đều theo nguyên tắc về màu sắc, phong cách chủ đạo. Nếu bạn theo đuổi sự hoài cổ thì homestay ngoài sử dụng tông màu ấm cần có những vật dụng mang họa tiết cổ điển; nếu là hiện đại thì thay vào đó là những khối hình học tối giản, phóng khoáng,... Nhìn chung, cách thiết kế homestay “chuẩn” là tạo ra sự đồng nhất trong mọi ý tưởng.

Ngoài yếu tố thẩm mỹ thì tính ứng dụng của nội thất cũng cần đặc biệt quan tâm. Nên có bếp trong homestay để phục vụ nhu cầu tự nấu ăn của các du khách. Khu vệ sinh, nhà tắm của homestay phải sạch sẽ; có thể in logo của homestay lên các vật dụng để thể hiện sự chuyên nghiệp.

Bố trí không gian khoa học

Việc sắp xếp và lên ý tưởng bố trí phòng ốc có thể giúp cho căn homestay đạt được sự tiện nghi nhưng không cần đến một diện tích quá rộng. Tuy nhiên, cũng không thể loại bỏ bớt, chỉ giữ lại các phòng ngủ bởi tìm đến homestay, du khách thực sự muốn trải nghiệm sự thoải mái, tiện lợi như ở nhà, nên về cơ bản vẫn cần phải có khu sinh hoạt chung, phòng nghỉ và bếp.

  • Không gian sinh hoạt chung: cần tích hợp các chức năng phổ thông và thiết yếu. Trong đó, khu vệ sinh phải đảm bảo sạch sẽ và khô ráo.
  • Phòng ngủ homestay: tùy vào diện tích cho phép để quyết định quy mô phòng, ảnh hưởng đến việc xác định nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Một số homestay sẽ kết hợp đa dạng các loại phòng nhưng có nơi chỉ đủ cho các phòng đơn, điều quan trọng là cần cân đối sự phân chia diện tích để tổng thể kết cấu không bị “lệch” hay lãng phí không gian. Các kiểu phòng thông dụng hiện nay phục vụ cho các khách hàng như cặp đôi, hội bạn thân, gia đình hay đồng nghiệp, công ty,…
  • Khu vực bếp ăn: rất nhiều homestay bỏ qua khu vực bếp trong nhà, chỉ trang bị thêm để phục vụ cho những bữa tiệc ngoài trời. Tuy nhiên, thật bất tiện nếu du khách muốn pha một món đồ uống vào buổi tối hay thưởng thức bữa ăn nhẹ,... Vậy nên, thiết kế nhà homestay hãy nên bắt nguồn từ chính nhu cầu thực tế, một gian bếp ấm cúng, sáng sủa kết hợp bàn ăn nhỏ gọn luôn sẵn sàng để giúp khách hàng hài lòng.

Để thiết kế homestay đẹp, đôi khi không chỉ cần có quỹ đất hay công trình xây sẵn mà quan trọng hơn cả là tư duy sắp đặt, bài trí, kết hợp nhiều yếu tố tưởng chừng như ít quan trọng trong một khối thống nhất. Bản chất của homestay là “nhà” trong cảm nhận nhưng phải có sự chỉn chu, hoàn thiện của các dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng. Vì vậy, không hẳn là khó nhưng cũng chưa chắc đã dễ thực hiện, thiết kế homestay đơn giản cũng cần phải có sự hiểu biết và phương án chi tiết nhất.

4 cách thiết kế homestay đơn giản, dễ thực hiện

Không phải lúc nào cầu kỳ, chi phí lớn cũng mới tạo ra thành phẩm đẹp. Sự dân dã, mộc mạc của homestay là điểm cộng cho những ý tưởng khởi nghiệp đơn giản, yêu cầu chi phí đầu tư thấp nhất. Không riêng gì thiết kế homestay, bất kỳ chiến lược đầu tư nào, việc tiết kiệm được tài chính cũng luôn là phương án ưu tiên.

Homestay container

Đối với thiết kế homestay đơn giản, đẹp, vốn không phải là gánh nặng nhưng làm sao để số tiền “vừa vặn” ấy phát huy hết giá trị, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ. Với các mẫu thiết kế homestay đẹp ít tốn chi phí thường là cải tạo hoặc tận dụng những nguyên, vật liệu rẻ tiền song lại có tính thân thiện và ứng dụng cao.

Thiết kế homestay đơn giản từ thùng container

Thiết kế homestay container được xem là sự học hỏi cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là Mỹ và các nước Châu u. Trước đây họ đã từng sáng tạo ra ngôi nhà di động trên các chiếc xe du lịch và tất nhiên là cũng đã từng tận dụng các thùng container bỏ đi để tái tạo lại thành không gian sống.

Một trong những ưu điểm của mô hình homestay container là giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí và nhanh chóng thu hồi vốn. Những chiếc container vốn được dùng để chở hàng hóa ở các cảng biển, sau khi quá hạn sử dụng, chúng được bán lại cho những bên có nhu cầu tái chế, trong đó có những người kinh doanh homestay.

Theo giá thị trường hiện nay, một thùng container 10 feet có giá khoảng 20 triệu đồng. Nếu tính thêm cả các chi phí để trang trí, sơn sửa lại thì bạn có thể sở hữu một căn homestay tiện nghi, có nhà vệ sinh khép kín chỉ với chi phí khoảng 60 triệu đồng. Như vậy, với số vốn 600 – 800 triệu đồng là bạn có ngay một hệ thống homestay độc đáo, hấp dẫn du khách. Trong khi đó, mức giá thuê homestay dao động từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng một đêm cho mỗi căn.

Như vậy, chỉ cần từ 8 - 10 thùng container, bạn đã có ngay một khu homestay khép kín vô cùng độc đáo, chưa kể mỗi thùng có thể tận dụng để biến thành 2 - 3 căn nhỏ tùy diện tích. Đặc biệt, những homestay này có thể được sơn theo nhiều màu khác nhau, không gian bên trong cũng được thiết kế theo nhiều phong cách riêng biệt mà không lo ngại làm ảnh hưởng đến tổng thể.

  • Căn nhỏ có kích thước 13-15m2 chứa 1 giường, 1 phòng tắm cho 2 người ở.
  • Căn trung bình có kích thước từ 18 – 20m2 chứa tối đa 2 giường, 1 phòng tắm cho một gia đình nhỏ gồm 4 người ở.
  • Căn có kích thước lớn từ 25m2 trở lên chứa tối đa từ 3 đến 4 giường, 1 phòng tắm dùng cho tập thể 6 – 8 người ở.

Thiết kế homestay đẹp từ lều vải du mục

Được xem là cách thiết kế có số vốn khiêm tốn nhất nhưng homestay lều vải du mục lại rất thích hợp cho các cặp đôi hoặc nhóm bạn thân trong kỳ nghỉ. Mô hình homestay kiểu du mục với những lều vải mang phong cách Mông Cổ được đánh giá là mẫu thiết kế gần gũi, hoang dã nhưng vô cùng lôi cuốn.

Tuy nhiên, điểm quan trọng cần lưu ý là để kinh doanh được mô hình này, bạn cần lựa chọn được một địa điểm thích hợp. Những chiếc lều du mục này vốn phù hợp ở nơi có thiên nhiên thoáng đãng, đồng cỏ, cây xanh tự nhiên,... Nếu có ý định kinh doanh vùng ngoại ô, đây sẽ là thiết kế homestay đẹp đáng cân nhắc.

Vì homestay dạng lều du mục được làm chủ yếu từ chất liệu vải nên khá rẻ, chỉ với 7 – 8 triệu đồng (đã bao gồm cả nội thất) cho một túp lều. Như vậy, chỉ với 100 triệu đồng là bạn đã có thể bắt tay vào công việc kinh doanh homestay theo phong cách du mục. Phần vốn còn lại, bạn nên ưu tiên để đầu tư cho ngoại cảnh như: nền cát, bàn ghế gỗ, bếp củi lửa… Dưới sự kỳ diệu của nghệ thuật sắp đặt, tất cả sẽ tạo nên cuộc sống du mục đầy chân thực; du khách không chỉ có không gian khác lạ để nghỉ ngơi mà còn có thể hóa thân vào những “vai diễn” vô cùng độc đáo.

Cách thiết kế homestay dạng nhà ở cộng đồng

Đây là cách thiết kế homestay đẹp dành cho những ai đã có nhà xây sẵn, cơ sở hạ tầng đầu tư tương đối. Thiết kế này đơn giản, ít vốn vì chủ yếu dựa trên kết cấu trước đó để tân trang, cải tạo lại. Ưu điểm của homestay nhà ở cộng đồng là tận dụng được “chất” bản địa vốn có, phù hợp để thiết kế nhiều loại phòng và cần không quá nhiều thời gian thực hiện.

Homestay kiểu nhà ở cộng đồng sẽ rất thích hợp cho các đoàn khách đông người, đội nhóm, ưa trải nghiệm hoạt động tập thể và lối sống chan hòa, giao kết với nhiều người. Nhiều gia đình ở các khu du lịch chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 300 – 500 triệu đồng để cải tạo ngôi nhà của mình thành homestay cộng đồng là đã có thể kinh doanh.

Theo kinh nghiệm của nhiều chủ nhà, chi phí cải tạo ngôi nhà sẽ thấp hơn so với việc xây mới, trong khi hiệu ứng đạt được cũng không thua kém gì. Bạn có thể chia ngôi nhà ra thành nhiều phòng, có những phòng riêng và một căn phòng rộng lớn để tất cả thành viên trong đoàn có thể sinh hoạt chung. Trang trí nội thất cho kiểu homestay này cũng không quá phức tạp, chỉ cần chăn - nệm - hệ thống rèm sạch sẽ, chất lượng.

Homestay đa dạng về thiết kế

Những gì cần làm để thiết kế homestay đơn giản theo mô hình nhà ở cộng đồng thì chủ nhà chỉ cần mở rộng diện tích, phân chia thành từng phòng nhỏ hoặc 1 phòng lớn rồi bài trí những không gian xanh, những góc đọc sách, góc uống trà đầy thú vị để du khách thưởng thức.

Thiết kế homestay từ gỗ pallet và vật dụng tự nhiên

Đối với các homestay lấy cảm hứng chủ đạo là nét đẹp đồng quê mộc mạc, gần gũi thì những vật liệu đắt tiền, có sự can thiệp nhiều từ công nghệ có thể khiến tổng thể không gian bị phá vỡ. Gỗ pallet và những vật liệu dân dã như: mái lá, tấm tranh, tường đất, tre, nứa… đều có thể được tận dụng và hoàn toàn phù hợp với chất mộc mạc cho homestay.

Với mức giá khoảng 50.000 – 150.000 đồng cho một tấm gỗ thông, chi phí để bạn xây dựng một căn nhà gỗ nhỏ (18 - 20m2) chỉ khoảng 70 triệu đồng. Đây là một mức giá khá rẻ mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, góp phần tạo nên nét mộc mạc không kém gì gỗ tự nhiên. Thậm chí, nếu sử dụng các vật liệu tự nhiên khác, chi phí đôi khi chỉ rơi vào tầm 50 triệu cho mỗi căn.

Như vậy, khoảng 500 triệu, bạn sẽ có 10 căn homestay, phục vụ cho 20 - 50 khách mỗi đợt hoặc hơn. Mô hình homestay gỗ hay kiểu tự nhiên cũng không đòi hỏi vật dụng trang trí đắt tiền, bạn có thể tận dụng các chất liệu này để chế tạo ra đồ nội thất với chi phí rất rẻ.

Hình dáng mẫu nhà gỗ homestay thì có nhiều kiểu rất thu hút như hình thùng rượu, homestay mái vòm tổ chim, homestay nhà nhỏ mini di động mái lá. Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp gỗ với gạch mộc, với kính để tạo nên sự độc đáo và nâng cao tính thẩm mĩ. Tương tự, các căn nhà làm từ tre nứa cũng có thể biến tấu với nhiều kiểu dáng, đặc biệt những chất liệu này rất thân thiện với môi trường và tạo cảm giác mát mẻ, thông thoáng.

Những sai lầm khi thiết kế homestay

Cuộc “chạy đua” lợi nhuận trên thị trường nghỉ dưỡng khiến cho một số nhà đầu tư vào homestay quá chạy theo xu hướng, ôm đồm nhiều ý tưởng dẫn đến sự “biến tướng” không mấy tích cực của loại hình này. Như đã đề cập, thiết kế homestay muốn thành công phải giữ được nét riêng mà không phải loại hình lưu trú nào cũng có được.

Dưới đây là một số sai lầm thường mắc phải khi thiết kế nhà homestay khiến cho ý tưởng không đạt được thành công như mong muốn, dưới góc nhìn và chia sẻ của KTS. Phạm Thanh Tùng. Đây cũng chính là bí quyết để những ai có ý định thiết kế, xây dựng homestay hạn chế được các định hướng thiếu chính xác.

Hiểu homestay như một công trình tạm bợ

Mục đích thuê homestay của du khách là để ngủ nghỉ nhưng không có nghĩa homestay chỉ đơn thuần là phòng ngủ. Rất nhiều nhà đầu tư chọn những vật liệu rẻ tiền, cất lên theo kết cấu sơ sài, đặt vài món đồ nội thất cơ bản và gọi đó là homestay. Mục đích khi khách hàng tìm đến một homestay để trải nghiệm và thuê phòng là họ đang muốn nghỉ dưỡng ở một nơi riêng tư. Điều này sẽ khác so với việc thuê lều trại để ngủ, vì thuê lều khách hàng có thể đặt ra những yêu cầu khác như gần biển để ngắm mặt trời, ngủ trên nền cát, cây cỏ,...

Vì vậy, đừng bao giờ mong muốn tạo ra lợi nhuận chỉ từ việc dựng nên những căn phòng ngủ gắn mác homestay. Đã là homestay phải cho thấy sự tiện nghi, hiện đại, thoải mái trong tổng thể gọi là “nhà”. Bạn có thể sửa sang ngôi nhà của mình hoặc mua nhà cũ của người bản địa, vừa giảm chi phí đầu tư mà vẫn truyền tải được văn hóa truyền thống vào trong không gian ngủ.

Quên đi tính thân thiện của vật liệu

Sự sáng tạo trong việc sử dụng vật liệu là vô hạn, thiết kế homestay container hay những thứ tưởng chừng như “vứt đi” không còn quá xa lạ trên thị trường. Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể tùy tiện mang mọi thứ vào bản thiết kế. Đừng quên rằng đặc thù của homestay là mộc mạc, gần gũi.

Không hiếm các khu homestay đang có sự can thiệp quá nhiều của bê tông cốt thép, điều này có thể giúp công trình kiên cố hơn nhưng đồng thời gây ra sự thô cứng, bí bách, ngột ngạt. Rời xa nơi phố thị xa hoa, tìm về vùng bình yên để nghỉ dưỡng, những căn phòng nghỉ ngơi “đậm mùi” nhân tạo chắc chắn không thể tạo ra sự thoải mái và hài lòng.

Tư duy cũ về thiết kế phòng ốc

Sai lầm mà nhiều nhà đầu tư mắc phải hiện nay chính là “tái hiện” những căn phòng ngủ đô thị tại homestay của mình. Một phần xuất phát từ việc chọn vật liệu, phần khác chịu sự ảnh hưởng bởi tư duy, không nắm rõ bản chất homestay nên lựa chọn nội thất, vật dụng trang trí không phù hợp.

Sự khép kín thường thấy của các căn phòng ngủ ở đô thị mang lại cảm giác riêng tư tuyệt đối nhưng lại không phù hợp với đối tượng khách hàng là người muốn trải nghiệm không khí thiên nhiên, nét khác biệt ở môi trường sống. Vì vậy, nên chọn những thiết kế phù hợp với nếp sinh hoạt tại địa phương, tận dụng tối đa không gian mở để tạo nên điểm nhấn.

Những sai lầm khi thiết kế homestay

Lạm dụng các thiết bị hiện đại

Một trong những thiết bị phổ biến tại các khu lưu trú hiện nay là điều hòa nhiệt độ. Nếu với khách sạn, nhà nghỉ thì đây là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, với mô hình mang mục tiêu gắn kết với thiên nhiên như homestay lại không thực sự là phương án hay.

Để tạo ra những trải nghiệm nghỉ dưỡng đúng nghĩa thì cần nghiên cứu ứng dụng những vật liệu cách âm, cách nhiệt đối với những khu vực có biên độ nhiệt trong ngày lớn (thường là những vùng núi cao >1000m so với mực nước biển). Ngoài ra, có thể tăng độ dày của vật liệu tự nhiên để cách nhiệt như: Mái lá nhiều lớp, tường gỗ dày, trình tường… giúp không khí mát mẻ tự nhiên mà không cần đến sự can thiệp của máy móc.

Đồng bộ hóa và thiếu bản sắc

Một thực trạng khá rõ nét hiện nay chính là sự “na ná” nhau của nhiều homestay trên cùng một địa phương hoặc thậm chí là khác nhau về thị trường du lịch. Đây chính là hệ lụy của việc học hỏi thiếu chọn lọc, quá phụ thuộc vào những yếu tố có sẵn.

Việc xây dựng đồng nhất tất nhiên sẽ mang lại tính đồng bộ cao nhưng cũng có thể vì vậy mà trở nên đại trà, thiếu nổi bật do không sở hữu đặc tính riêng biệt. Nhiều homestay được thiết sẵn theo quy trình công nghiệp, thẩm mỹ tốt, tính ứng dụng cũng tốt nhưng lại thiếu đi yếu tố bản sắc, không có sự xuất hiện của các chất liệu bản địa.

Cách đơn giản nhất là sử dụng hoa văn và vật liệu bản địa để trang trí cho nệm, rèm cửa, hình thức giường, bàn ghế, nền, tường,...hoặc liên kết giữa kết cấu công nghiệp và vật liệu địa phương.

Tuy nhiên, cần lưu ý, cũng không nên quá cứng nhắc, bê nguyên xi mẫu nhà bản địa về làm homestay. Trong một số trường hợp, cần cách điệu hoặc thay đổi để đảm bảo an toàn cho du khách và có thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ một cách trọn vẹn.

Kinh nghiệm vận hành homestay

Chiến lược vận hành homestay thông minh là cùng lúc thỏa mãn được 3 tiêu chí: đầu tư hợp lý, giá bán phù hợp và kênh tiếp cận tốt.

  • Chi phí đầu tư: muốn tiết kiệm nên đi từ sự đơn giản, dựa trên những thế mạnh mình có thay vì chạy theo xu hướng được đám đông tung hô. Homestay đẹp có thể là homestay thiết kế cực kỳ đơn giản, homestay hút khách không chỉ là những lựa chọn sang trọng, kiểu cách bởi phương châm của loại hình lưu trú này là gần gũi, thân thuộc.
  • Giá phòng: đặt ra mức giá cao không phải là cách hay để tạo ra lợi nhuận, mặc dù homestay đang rất hot và có nhu cầu cực kỳ lớn. Đừng chỉ tính toán dựa trên giá bán phòng và doanh thu thu được, chúng cần tương xứng với chi phí ban đầu bỏ ra. Thời gian thu hồi vốn lý tưởng cho mô hình này là từ 8 tháng - 1,5 năm.
  • Kênh tiếp cận: làm sao có thể cạnh tranh với số nguồn cung lớn như hiện nay nếu bạn không tìm cách để quảng bá homestay của mình. Nếu giá bán của bạn hợp lý và các kênh sales như OTAs, hoặc Facebook, Google, website, qua cộng tác viên đều tốt thì bạn sẽ có doanh thu cao, từ đó những nhanh thu hồi vốn hơn. Đừng bỏ qua những kênh tiếp cận cực kỳ hữu ích này.

Thiết kế homestay đẹp cần sự phối kết hợp của rất nhiều yếu tố, bao gồm cả tiêu chuẩn kỹ thuật và tư duy thẩm mỹ, là một trong những nền tảng quan trọng quyết định hiệu quả vận hành. Mô hình homestay đang có sức hút rất lớn ở thời điểm này, chính vì vậy nếu biết cách thiết kế, không khó để nhà đầu tư tạo ra không gian sống khác biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, trở thành kênh đầu tư sinh lợi cực kỳ hấp dẫn.

Xem thêm: