Sân bay Long Thành & toàn bộ thông tin (Mới nhất)

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Tất tần tật thông tin mới nhất về sân bay Long Thành - dự án nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và nhà đầu tư bậc nhất hiện nay.

Xem thêm:Đường Vành đai 3: Tổng hợp đầy đủ thông tin (Mới nhất)

Long Thành là một huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Đồng Nai, mang vị trí chiến lược đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sớm ý thức được vai trò và tầm quan trọng của mình, từ nhiều năm qua, lãnh đạo huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung liên tục áp dụng những chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Đặc biệt, trong quy hoạch huyện Long Thành, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn như được đặt ra, điển hình như: các đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành; tuyến đường vành đai 3, 4 và đặc biệt nhất, thu hút nhiều sự quan tâm nhất trong những năm qua chính là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gọi tắt là Sân bay Long Thành.

Liên quan đến dự án Sân bay Long Thành, vẫn còn nhiều câu hỏi và thông tin chưa được làm rõ, trở thành đề tài với những quan điểm trái chiều từ người dân, doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Tháo gỡ được “nút thắt” Sân bay Long Thành sẽ là tiền đề quan trọng để đánh giá và nhìn nhận về vai trò, ý nghĩa cũng như động lực mà dự án này tạo ra đối với kinh tế - xã hội Long Thành, Đồng Nai nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Thông tin tổng quan nhanh về dự án

  • Tên dự án: Cảng hàng không quốc tế Long Thành
  • Vị trí địa lý: xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
  • Thời gian thực hiện: 3 giai đoạn, dự kiến đến năm 2050
  • Công suất: 100 triệu hành khách/năm
  • Chủ đầu tư giai đoạn 1: Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam
  • Đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty tư vấn sân bay Nhật Bản (JAC)
  • Tổng vốn đầu tư: 18 tỷ USD
  • Nguồn huy động vốn: Quỹ đầu tư phát triển, trái phiếu của Chính phủ, cổ phần và đầu tư nước ngoài.

Bối cảnh ra đời và tầm nhìn của dự án Sân bay Long Thành

Sân bay Long Thành (tên gọi đầy đủ:Cảng hàng không Quốc tế Long Thành) là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế -văn hóa - xã hội của Việt Nam.

Theo ghi nhận, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang là sân bay quốc tế duy nhất phục vụ Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh theo quy hoạch. Là sân bay hình thành lâu đời, gắn bó với nhiều thế hệ người dân, phục vụ cho số lượng rất lớn nhu cầu đi lại nội địa và quốc tế; tuy nhiên, nhược điểm của Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chính là nằm trong khu vực nội đô đông đúc, đối mặt với nhiều vấn đề giao thông phức tạp.

Sân bay Tân Sơn Nhất khai thác ở mức 20 triệu khách/năm (ghi nhận vào cuối 2013); công suất đường băng, sân đỗ, nhà ga hành khách, hệ thống giao thông ra vào Tân Sơn Nhất chỉ đáp ứng tối đa là 25 triệu khách/năm. Như vậy, để khai thác được con số 40 - 45 triệu khách vào năm 2030 như mong muốn thì buộc phải mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất được cho là không khả thi và rất tốn kém vì những lý do như sau:

  • Tân Sơn Nhất nằm cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh 7km, trong khu vực dân cư có mật độ cao, đông đúc;
  • Quỹ đất để mở rộng không còn, hệ thống giao thông tiếp cận cũng không có;
  • Không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh đúng kỹ thuật, theo giãn cách tối thiểu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế là 1.340m;
  • Tân Sơn Nhất gần sân bay Biên Hòa nên bị hạn chế bởi năng lực vùng trời, đặc biệt khi tần suất khai thác ngày càng cao (đường không lưu, phương thức bay, tổ chức vùng trời đến Tân Sơn Nhất bị nghẽn).

Do đó, xét về khả năng mở rộng sân bay này mà vẫn đảm bảo an toàn cũng như chất lượng bay là điều khá khó khăn, chưa kể đến tình huống gây ô nhiễm tiếng ồn cho người dân sinh sống xung quanh sân bay.

Giữa bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh từng năm (trung bình từ 15% - 20%/năm), thị trường quốc nội cũng rất nhiều tiềm năng thì việc phải có một sân bay lớn, đủ khả năng cạnh tranh kinh tế với các cảng hàng không trung chuyển lớn khác trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung là điều thực sự cần thiết.

Vì vậy, Sân bay Long Thành được xem là dự án sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ giúp khắc phục hiệu quả những hạn chế mà sân bay Tân Sơn Nhất đang đối mặt cũng như không thể đáp ứng được.

Ngày 9/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng căn cứ báo cáo của bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sau đó cũng đã được Quốc hội Việt Nam khóa XIII biểu quyết trong kỳ họp thứ 9 diễn ra ngày 20/5 và thông qua vào ngày 25/6/2015.

Sân bay Long Thành có vị trí chính xác ở đâu?

Theo Quy hoạch, vị trí sân bay quốc tế Long Thành nằm tại: xã Bình Sơn thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Vị trí sân bay Long Thành

Đánh giá vị trí sân bay:

  • Cách Thành phố Hồ Chí Minh 40km (hướng Đông),
  • Cách Sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 43km,
  • Cách thành phố Biên Hoà 30km theo hướng Đông Nam,
  • Cách thành phố Vũng Tàu 70km (hướng Bắc),
  • Nằm cạnh Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây;
  • Gần thị trấn Long Thành;
  • Cách cửa ngõ vào Thành phố công nghiệp Nhơn Trạch khoảng 10km

Tổng quan thiết kế Sân bay Long Thành

Trước khi chọn ra bản thiết kế chính thức cho Sân bay Long Thành, đã có rất nhiều ý tưởng được đưa ra. Trong đó, có 3 phương án kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành được chọn lọc để đi đến lấy ý kiến thống nhất (dựa trên số điểm đánh giá cao nhất):

Phương án 1: Thiết kế nhà ga hình bông sen do công ty Heerim Architects & Planners của Hàn Quốc thực hiện. Ý tưởng chính của bản thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh những cánh hoa sen, điểm thêm các ô lấy sáng để bớt phần đơn điệu cho kiến trúc mái - phần mái này cũng được sử dụng để làm công viên cây xanh kết hợp hồ nước lớn. Khu vực nhà để xe được đặt ngoài trời, bên cạnh bố trí mái nhỏ tại khu vực cầu cạn tương đối hài hòa thì mái sảnh chính có độ vươn lớn. Hình ảnh tượng trưng cho các cánh hoa sen đang xếp lớp.

Phương án 2: Thiết kế hình lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc lá dừa được 3 công ty đến từ Singapore, Việt Nam, Nhật Bản liên danh thực hiện, mục đích truyền tải nét đặc trưng cho văn hóa sông nước, đồng quê của Việt Nam. Phía trong nhà ga đi, các quầy hàng được thiết kế tựa như hình ảnh những con thuyền di chuyển trên sông nước. Kiến trúc hiện đại, kết hợp các mảng xanh, vật liệu nội thất hài hòa.

Phương án 3: Bản thiết kế do liên danh Japan Airport Consultants Inc., ADP Ingenierie và Shigeru Ban Architects (Nhật Bản + Pháp) thực hiện. Điểm nổi bật nhà ga này chính là sử dụng vật liệu chủ đạo từ cây tre để trang trí cho toàn bộ không gian công cộng. Hình ảnh cây tre vốn là đặc trưng của văn hóa Việt Nam, nhờ đó mang được tính chất địa phương vào một công trình tầm cỡ, đề cao tinh hoa - bản sắc của người Việt.

Tháng 11/2017, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) kiến nghị chọn phương án kiến trúc lá dừa (Phương án 2). Tuy nhiên, vào tháng 3/2018, Bộ GTVT yêu cầu ACV thống nhất chọn phương án 1 - kiến trúc hoa sen là phương án thiết kế cho nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bản thiết kế chính thức của Sân bay Long Thành
Bản thiết kế chính thức của Sân bay Long Thành

Công ty Heerim Architects & Planners là đơn vị thiết kế đã có kinh nghiệm với nhiều công trình lớn như: sân vận động Olympic (Baku); nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc); Tòa tháp Keangnam - Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.

Cụ thể, phối cảnh nhà ga được lên phương án chi tiết như sau:

Nhà ga được thiết kế gồm 1 tầng trệt và 3 tầng trên, chiều cao đỉnh mái 45m. Trong đó:

  • Tầng trệt có sảnh đón, sảnh tiếp cận phương tiện giao thông như taxi, xe buýt, phòng khách VIP, quầy ăn uống,...
  • Tầng 1 là khu vực khách đến, nhập cảnh, nhận hành lý, nối chuyến, cửa hàng miễn thuế…
  • Tầng 2 gồm: cửa hàng miễn thuế, quầy ăn uống; phục vụ hành khách mua sắm, nghỉ ngơi trong thời gian chờ chuyến bay.
  • Tầng 3 được sử dụng là nơi làm thủ tục cho khách đi, khu vực xuất cảnh và kiểm soát an ninh/hải quan.

Quy hoạch Sân bay Long Thành

Quy hoạch chung và giai đoạn thực hiện

Để thực hiện dự án lần này, tổng diện tích đất cần thu hồi là hơn 5.364 ha.

Theo số liệu điều tra của UBND tỉnh Đồng Nai, trong khoảng 5.000 ha dự định xây dựng sân bay Long Thành trong sẽ có 3.042ha đất của cá nhân, 1.885ha đất của tổ chức và 72ha sông suối.

Khi xây dựng sân bay sẽ có 4.541 hộ với 14.462 nhân khẩu, 25 tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó 3.574 hộ bị giải tỏa trắng. Ngân sách dành cho quá trình giải phóng mặt bằng và tái định cư dự kiến khoảng 18.500 tỷ đồng.

Toàn sân bay được quy hoạch thành 5 vùng phân khu chức năng gồm:

  • Vùng 1: khu chức năng hỗ trợ, các kho trung chuyển, khu Logistics, khu công nghiệp.
  • Vùng 2: các khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư, khu đô thị thông minh thành phố sân bay (quy hoạch dự kiến khoảng 15.000 ha)
  • Vùng 3: các khu chức năng dịch vụ – thương mại quy mô lớn như: khu thương mại tự do, khu vui chơi giải trí, dịch vụ hỗ trợ cho sân bay (khoảng 5.000 ha, được đặt ở cửa chính lối ra vào sân bay)
  • Vùng 4: gồm các khu du lịch, dịch vụ, thể thao (quy mô diện tích khoảng 2.000 ha); đặt cách sân bay 10km, phục vụ cho khách đi chuyến dài và cán bộ công nhân viên.
  • Vùng 5: được xem như vùng đệm Cảng hàng không gồm: mảng xanh dự trữ phát triển; khu cách ly, các khu phát triển nông - lâm nghiệp và an ninh quốc phòng.

Các giai đoạn thực hiện

Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến được phân kỳ làm 3 giai đoạn xây dựng, cụ thể:

  • Giai đoạn 1 (đến năm 2025): đầu tư nhà ga hành khách một đường cất hạ cánh công suất 25 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn/năm.
  • Giai đoạn 2 (đến năm 2035): nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
  • Giai đoạn 3 (sau năm 2035): nâng công suất lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Phối cảnh bên trong sân bay

​Quy hoạch hạ tầng giao thông

Để đáp ứng cho 100 triệu lượt khách mỗi năm, hạ tầng giao thông sân bay được đặt lên hàng đầu. Hiện tại từ Tp.HCM chỉ có 2 tuyến đường chính để vào sân bay, gồm:

  • Tp.Hồ Chí Minh - Cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Sân bay quốc tế Long Thành
  • Tp. Hồ Chí Minh - Quốc Lộ 51 - Sân bay quốc tế Long Thành

Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư các tuyến đường kết nối gồm:

  • Tuyến số 1: quy hoạch đường 25C (nút giao với tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) nối Quốc lộ 51 - ranh Sân bay. Tổng chiều dài tuyến khoảng 3,8km, quy mô dự kiến xây dựng tối thiểu 6 - 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
  • Tuyến số 2: ranh Sân bay quốc tế Long Thành - đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh - giao với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (chiều dài 5,7km, quy mô 4 làn xe cơ giới)
  • Tuyến số 3: Quy hoạch tuyến đường 2B - từ ranh Sân bay quốc tế Long Thành - Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Chiều dài tuyến khoảng 6,7km, dự kiến quy mô xây dựng 4 làn xe cơ giới)

Đồng thời, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của sân bay, Bộ Giao thông Vận tải và Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã thống nhất quy hoạch kết nối giao thông với sân bay Long Thành từ các tuyến khác gồm:

  • Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành,
  • Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành,
  • Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,
  • Hệ thống đường Vành đai 3, Vành đai 4,
  • Đường Tôn Đức Thắng thi công mở rộng lên đến 8 làn xe.

Quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu tái định cư

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai được giao thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn huyện Long Thành. Trên tổng diện tích 364,21ha đất đề ra phương án xây dựng hai khu tái định cư gồm:

  • Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn: quy mô 282,35 ha
  • Một phần phân khu III khu dân cư, tái định cư Bình Sơn: quy mô 81,86 ha.

Theo đó:

  • Tổng mức đầu tư dự án là 4.189 tỷ đồng xây dựng hạ tầng các khu tái định cư.
  • Tổng số 5.002 lô đất tái định cư, diện tích mỗi lô là 80 - 125 - 150m2 liền kề nhau và các lô liên kết sân vườn với diện tích mỗi lô 250 - 300 m2.
  • Các lô 80m2 để bố trí tái định cư cho các trường hợp tái định cư hộ phụ.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn được chia làm 3 phân khu:

  • Phân khu 1 có diện tích 87 hecta, quy mô dân số tối đa là 11.500 người;
  • Phân khu 2 diện tích 95 hecta, dân số khoảng 9000 người
  • Phân khu 3 có diện tích đất 100 hecta, dân số khoảng 9000 người.

Phân khu 3 Khu tái định cư Bình Sơn có tổng số 1.539 lô tái định cư, trong đó có:

  • 1.023 lô nhà liên kế;
  • 516 lô nhà liên kế có sân vườn
  • 336 nhà ở tự chỉnh trang.

Được hướng đến xây dựng thành khu đô thị nên 2 khu tái định cư kể trên không chỉ được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật mà cả hạ tầng xã hội cũng được chú trọng. Cụ thể, theo thiết kế:

  • Diện tích đất ở tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn chỉ chiếm hơn 38% tổng diện tích đất, còn lại là đất dành cho xây dựng giao thông, các công trình công cộng và cây xanh.
  • Các công trình tôn giáo, trường học, chợ công viên cũng được tính toán hài hòa cho khu đô thị chuẩn. Đặc biệt, ở khu tái định cư này còn được đầu tư cả hệ thống xử lý nước thải tập trung để đảm bảo môi trường tốt nhất.

Các thông số kỹ thuật và kế hoạch khai thác

Theo quy hoạch tổng thể, sau khi hoàn thành, sân bay sẽ có:

  • 4 đường băng cất và hạ cánh.
  • Tiêu chuẩn mỗi đường băng rộng 60m, dài 4000m.
  • Đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123m.
  • Xây dựng nhà để xe có công suất khoảng 4.200 ô tô.
  • Các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm;
  • Khu cung cấp suất ăn hàng không có công suất 40.000 suất ăn/ngày;
  • Các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, xử lý nước thải…
  • Được thiết kế đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO, đường cất cánh trên 1.800m.

Khi đi vào khai thác, Sân bay Long Thành đáp ứng được những máy bay khổng lồ như Airbus A380, Boeing 747-8; phục vụ 100 triệu khách/năm; 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Như vậy, sẽ giảm được 80% lượng khách quốc tế cũng như 20% lượng khách trong nước, giảm lượng khách và vận chuyển tại Tp. Hồ Chí Minh.

Phối cảnh dự án

Tiến độ thực hiện dự án Sân bay Long Thành

Sau khi được phê duyệt, dự án nhanh chóng được triển khai. Trong giai đoạn từ tháng 10/2015 đến 2019, dự án đã hoàn thành các dự toán, tiến hành thu xếp vốn.

  • Để triển khai dự án lần này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38 ngày 19/6/2017, tách công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành dự án thành phần.
  • Ngày 6/11/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1487 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi DA thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng mức đầu tư khoảng 22.856 tỷ đồng, giao UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện từ năm 2017 - 2021.
  • Ngày 06/03/2020, UBND tỉnh ban hành Báo cáo số 2336/BC-UBND về tình hình triển khai thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng Không Quốc tế Long Thành và các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
  • Ngày 20/10/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ bàn giao cho đại diện lãnh đạo Bộ GTVT 2.600ha đất (vượt kế hoạch - giai đoạn 1 là 1.810ha) của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
  • Ngày 23/10/2020, UBND huyện Long Thành đã phê duyệt, tổ chức 9 đợt công khai phương án dự kiến bồi thường, hỗ trợ cho 1.032 hộ, thực hiện 7 đợt chi trả cho 762 hộ dân có đất bị thu hồi với tổng số tiền hơn 1.707 tỷ đồng.
  • Ngày 28/10/2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 13024/UBND-THNC về việc triển khai Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
  • Ngày 11/11/2020, Chính phủ đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó ACV được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư đối với dự án thành phần 3, bao gồm các công trình thiết yếu cảng hàng không như khu bay, nhà ga, các công trình hạ tầng chung, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hệ thống giao thông kết nối; tổng mức đầu tư trên 99.000 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

Với tiến độ hiện nay, dự kiến Dự án sẽ khởi công dự án vào cuối năm 2020 - đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Sân bay Long Thành dưới góc nhìn tiềm năng và cơ hội

Giá trị mang lại cho huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai

Khi thực hiện dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên nhìn thấy những tác động và đòn bẩy tích cực. Trước hết, sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xa hơn là ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án này còn tạo nguồn việc làm dồi dào cho người lao động, ước tính trên 200.000 người sẽ có thêm việc làm từ dự án này, nhờ đó tạo ra nguồn thu, đảm bảo khả năng hoàn vốn về sau này.

Khi Sân bay Long Thành hoàn thành sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận, rõ ràng nhất là kích thích sự phát triển của ngành vận tải hàng không. Qua đây, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, kết nối Việt Nam với thế giới, tạo đà cho du lịch trong nước “tăng nhiệt” rõ rệt.

Theo ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: “Định hướng không gian phát triển kinh tế Đồng Nai trong giai đoạn tới định hình các huyện Long Thành, Nhơn Trạch là hạt nhân có tiềm năng, dư địa phát triển lớn”. Thời điểm này, Đồng Nai tăng cường áp dụng các cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn nhằm tạo ra đòn bẩy vững vàng cho sự phát triển của hai địa phương này.

Từ tầm nhìn đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đang tập trung xây dựng các quy hoạch chiến lược phù hợp với yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, chuẩn bị các nguồn lực tốt nhất để khai thác hiệu quả lợi thế khi các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và dự án sân bay Long Thành khi đưa vào khai thác chính thức.

Vùng Nhơn Trạch, Long Thành được xác định là vùng động lực mới để thúc đẩy dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ bất động sản,... tạo đà cho kinh tế địa phương. Lợi thế ở thời điểm này là huyện Long Thành đang có 5 khu công nghiệp, hàng chục khu công nghiệp giáp ranh ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh - cần được tận dụng, khai thác nền tảng tối đa.

Trong quy hoạch vùng huyện Long Thành, các phương án mở rộng, đầu tư xây dựng mới tuyến đường giao thông phục vụ sân bay Long Thành cũng đã được đặt ra và trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Long Thành sẽ rất sớm để hướng đến xây dựng thành công hình ảnh của một vùng phát triển kinh tế động lực cho tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng đô thị trung tâm và là cực phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh. Một trong những trục động lực lớn nhất thời điểm này chính là dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Tác động của sân bay Long Thành

Cơ hội đầu tư bất động sản nở rộ

Trong buổi tọa đàm về bất động sản Long Thành - Đồng Nai, PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã có đánh giá rất khách quan và tích cực về dự án Sân bay quốc tế Long Thành, rằng đây sẽ là dự án có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản. Cụ thể:

  • "Trong bán kính 5km, dự án này có tác động trực tiếp đến bất động sản dân cư;
  • Các dịch vụ tiện ích cho sân bay, cho cư dân sống và làm việc tại sân bay trong bán kính 10km;
  • Trong bán kính 15km, bất động sản công nghiệp sẽ có bước phát triển đột phá khi các nhà máy có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
  • Bất động sản trong bán kính 30km của tất cả loại hình cũng sẽ được hưởng lợi.
  • Trong bán kính 50 - 70km, dự án sân bay Long Thành ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản của các địa phương như Vũng Tàu, Bình Dương, Long An,... Với các thị trường này, chẳng khác gì “hổ mọc thêm cánh”
  • Trong bán kính 150km, sân bay Long thành cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng đến hành khách của các sân bay lân cận như Cần Thơ, Nha Trang, Liên Khương".

Cũng trong buổi tọa đàm này, ông Đỗ Việt Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh rằng, khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc bất động sản gồm: bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở, văn phòng, thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp, bất động sản hạ tầng và bất động sản du lịch tâm linh cũng có thể là phân khúc cho thấy nhiều sự thay đổi.

Quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Hà lại dựa trên những cơ sở mà hệ thống hạ tầng tạo ra, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, dưới đòn bẩy này, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay”, kết nối giao thương của cả khu vực. Chính vì vậy, sự gia tăng của nhu cầu sở hữu bất động sản để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh khác ở đây là quy luật tất yếu phải diễn ra.

TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, đồng tình, khẳng định Long Thành có những lợi thế đặc biệt về mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và nay là đường hàng không với dự án sân bay. Rất nhiều thị trường đi trước đã chứng minh, hạ tầng giao thông phát triển, dịch vụ - thương mại khởi sắc chính là mấu chốt để bất động sản thăng hoa và tăng nhiệt.

Ghi nhận thực tế cho thấy, mặt bằng giá đất trung bình tại Long Thành từ năm 2018 đã có dấu hiệu tăng lên mức 8 - 12 triệu đồng/m2 và tính đến thời điểm tháng 11/2020, trung bình là 17 triệu đồng/m2. Thời điểm từ đầu năm 2019 đến nay, lượng giao dịch tại những vị trí lân cận sân bay Long Thành theo thống kê là tăng liên tục, mức hấp thụ ở ngưỡng cao cho các sản phẩm ra mắt trên thị trường.

Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dù tăng nhưng giá đất tại Long Thành - Đồng Nai hiện vẫn giữ ở mức tương đối thấp hơn so với một số khu vực “nóng sốt” khác. Trong khi đó, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng như hiện tại cho thấy mức giá đất khu vực cận sân bay có thể sẽ tăng nhanh hoặc rất nhanh. Một khi nhu cầu, sức mua tăng lên thì mặt bằng giá luôn luôn có sự xê dịch và bắt buộc phải thiết lập lại, phản ánh đúng sức hút, giá trị và tiềm năng vốn có.

Không chỉ khách hàng cá nhân, nhà đầu tư đổ xô về đây săn đất, săn nhà phố mà các doanh nghiệp đã sớm đi trước đón đầu cơ hội, sẵn sàng tạo ra nguồn cung phong phú, chất lượng nhất cho thị trường. Đồng Nai đã phê duyệt thêm hàng trăm dự án đầu tư quy mô, trong đó không ít cái tên thuộc hàng ông lớn như Đất Xanh, Novaland,... Có thể nói, dự án sân bay quốc tế Long Thành chính là đòn bẩy tác động có sự tác động trực tiếp đầy mạnh mẽ và rõ nét đến thị trường bất động sản của khu vực.

Trên đây là tổng hợp các thông tin, đánh giá mới nhất về Sân bay Long Thành. Hiện dự án đang trong giai đoạn triển khai với sự nỗ lực theo đúng tiến độ đặt ra. Sau khi hoàn thành, với quy mô, tầm nhìn đã được thống nhất, dự án này sẽ là bước đệm vô cùng lý tưởng cho kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Nguồn: Trần Anh Group

Xem thêm: