Hé lộ chân dung ông trùm bất động sản Việt Nam và thế giới (Mới nhất)
Chân dung về những ông trùm bất động sản ở các nước và thế giới luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm đến. Không chỉ có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực bất động sản mà nhiều điều thú vị từ những con người này cũng khiến mọi người thán phục và học hỏi. Tính đến thời điểm hiện tại, ai là ông trùm bất động thế giới và ai là ông trùm bất động sản Việt Nam? Cùng theo dõi bài viết ngay sau đây để có câu trả lời nhé.
Tỷ phú Lee Shau Kee - Ông trùm bất động sản thế giới
Theo cập nhật mới nhất từ Forbes, tính đến thời điểm 24/06/2020 thì giá trị tài sản ròng của ông Lee Shau Kee là 27,4 tỷ USD. Chính thức “vượt mặt” tỷ phú Li Ka Shing (Lý Gia Thành), ông trở thành tỷ phú giàu nhất Hong Kong hiện nay và là ông trùm bất động sản thế giới. Ông còn được mệnh danh là “Warren Buffett của Hong Kong”.
Tóm tắt tiểu sử của tỷ phú Lee Shau Kee
Lee Shau Kee (Lý Triệu Cơ) sinh ngày 29/01/1928 tại Thuận Đức, Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trong một gia đình nghèo buôn bán nhỏ. Năm 1950, ông Lee đặt chân đến Hong Kong khi còn rất trẻ, trong túi chỉ có khoảng 120 USD tức chưa đầy 1000 HKD (Hong Kong dollar) để lập nghiệp. Trước khi tham gia vào lĩnh vực bất động sản, ông từng đi phụ việc tại một cửa hàng thu đổi ngoại tệ trong nhiều năm liền để học hỏi kinh nghiệm.
Năm 1958, ông bắt đầu tham gia vào đầu tư bất động sản và cùng với Kwok Tak Seng và Fung King Hey nhân khác thành lập công ty mang tên Eternal Enterprise Company. 5 năm sau (1963), ông thành lập công ty bất động sản mới có tên là Sun Hung Kai Properties. Dưới sự lãnh đạo của ông và cộng sự, công ty ngày càng làm ăn phát triển. Đến nay, công ty này vẫn là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong.
Năm 1972, ông chuyển hướng đầu tư vào các dự án xây dựng lớn hơn so với hoạt động kinh doanh mua đi bán lại đơn thuần như lúc đầu. Đến năm 1973, ông rời Sun Hung Kai Properties và cùng với các thành viên trong gia đình đã thành lập Tập đoàn Henderson Land. Tập đoàn này nhanh chóng có nhiều bước tiến và khẳng định vị thế trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong.
Năm 2017, tập đoàn của ông đã trở thành chủ sở hữu lô đất đắt nhất thế giới ở khu vực trung tâm Hong Kong khi mua lại bãi đỗ xe Murray Road với giá 3 tỷ USD. Và dự định vào năm 2022 sẽ biến nơi này thành tòa nhà văn phòng hạng A.
Năm 2019, ở tuổi 91 ông Lee quyết định rời ghế Chủ tịch Tập đoàn Henderson Land và để 2 con trai của ông nắm quyền. Đó là Peter Lee Ka Kit và Martin Lee Ka Shing sẽ cùng đảm nhiệm vị trí đồng chủ tịch, giám sát hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và Hong Kong. Mặc dù vậy nhưng ông Lee Shau Kee vẫn đảm nhiệm vai trò CEO của tập đoàn.
Không chỉ là một người tài giỏi trong kinh doanh, ông cũng rất quan tâm đến việc làm từ thiện. Vào năm 2007, ông Lee quyên góp 500 triệu HKD cho Đại học Hong Kong và 400 triệu HKD cho Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong. Năm 2015, ông dành tặng một khu đất lớn ở Yuen Long cho tổ chức từ thiện Po Leung Kuk để phát triển ký túc xá thanh niên lớn nhất Hong Kong. Ông cũng tuyên bố rằng các đơn vị cho những ai trong độ tuổi 18 - 30 thuê với mức giá rẻ bằng nửa giá thị trường.
Bên cạnh đó, ông còn thành lập thêm công ty đầu tư Henderson Investment, công ty khí đốt The Hong Kong and China Gas Company Limited (Towngas) và với chuỗi khách sạn Miramar Hotel phong cách sang trọng.
Nơi sinh sống hiện nay của ông cùng gia đình là ở căn biệt thự tại 35 Barker Road trong khu nhà giàu The Peak do chính ông và gia đình quyết định chi 1,82 triệu HKD xây dựng. Trước đây, gia đình ông sống trong căn hộ trên đường Macdonnell Road tại Eva Court.
Những nguyên tắc đầu tư thú vị của tỷ phú Lee Shau Kee
Là ông trùm bất động sản thế giới, chắc hẳn nhiều người cũng rất hứng thú với những nguyên tắc trong đầu tư kinh doanh đã giúp ông có được vị thế như ngày hôm nay. Và đó là những nguyên tắc gì?
Cần phải đầu tư dài hạn
Ông cho rằng, trong kinh doanh cũng như đầu tư tài chính thì nhà đầu tư không nên nóng vội. Nhiều dự án đầu tư phải cần nhiều thời gian mới có thể mang lại lợi nhuận lớn nhất. Cần phải theo tình hình biến động của thị trường để đưa ra phán đoán, quyết định có tính chính xác cao.
Kiểm soát cảm xúc là hết sức quan trọng
Nguyên tắc này cũng được ông đánh giá và nhấn mạnh là rất quan trọng trong đầu tư kinh doanh. Bất kể trong tình huống nào, nhà đầu tư cần phải giữ được bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc một cách khoa học. Ông cho rằng nhiều nhà đầu tư quá lo lắng trước những biến động ngắn hạn giá cổ phiếu của họ. Nhưng đến cả những chuyên gia giỏi nhất cũng không thể đoán trước được việc giá lên xuống trong ngắn hạn là như thế nào.
Trên thị trường chứng khoán, người ta cứ mải mê tìm kiếm cơ hội đầu tư lợi nhuận nhưng lại ít khi tìm kiếm cơ hội học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng. Chứng khoán là thị trường mua bán rủi ro, gặp phải rủi ro chắc chắn không bao giờ né tránh được. Nhưng chúng ta có thể hạn chế rủi ro khi đầu tư bằng cách nâng cao năng lực của bản thân. Phải thật kiên nhẫn, chăm chỉ học hỏi và thật sự tỉnh táo.
Luôn dùng tiền để kiếm tiền
Ông cho rằng tiết kiệm khoản tiền đầu tiên kiếm được bằng lao động nhưng sau đó hãy dùng số tiền này để đầu tư sinh lời. Không nên gửi vào ngân hàng. Thay vào đó là sử dụng đầu tư, kinh doanh nhà đất nhưng phải tìm hiểu, quan sát rõ ràng.
Triết lý “Cái ô to trong kinh doanh lẫn đầu tư chứng khoán”
Triết lý cái ô độc đáo của Lee Shau Kee cho rằng một cá nhân hay doanh nghiệp khi làm ăn đều phải có quan hệ và chỗ dựa. Trong suốt quá trình đầu tư kinh doanh của ông cũng giữ liên hệ mật thiết với chính quyền. Đây không gọi là lợi dụng để trục lợi cá nhân mà chỉ hỗ trợ các thủ tục trong quá trình kinh doanh của mình.
Đối với nền kinh tế mà doanh nghiệp nhà nước xác định đóng vai trò chủ đạo thì sẽ nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ về đất đai, nguyên vật liệu sản xuất, chính sách ưu đãi từ chính quyền. Các doanh nghiệp này sẽ khó “chết” trong thời kỳ khó khăn. Ngược lại sẽ bùng nổ trong giai đoạn kinh tế phát triển mạnh mẽ, ổn định. “Cái ô” to lớn sẽ che chở cho các doanh nghiệp khi có “mưa bão”.
Với quan điểm này nên ông Lee thường tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là doanh nghiệp đang trong tiến trình cổ phần hóa của Trung Quốc. Và các doanh nghiệp này phải thuộc những ngành đang và sẽ tăng trưởng mạnh, đảm bảo đem lại lợi nhuận tốt, công bố thông tin chính xác, minh bạch, rõ ràng cho nhà đầu tư. Nhiều phi vụ thành công điển hình của ông là China Shenhua, PetroChina,...
Nhìn chung, các nguyên tắc, các quan điểm của ông trùm bất động sản Lee Shau Kee có phần nào gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thành công mà ông đã đạt được với những nguyên tắc riêng của mình. Những ai đang học kinh doanh nhà đất hoàn toàn có thể tham khảo những nguyên tắc của ông để áp dụng linh hoạt cho trường hợp của mình.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ông trùm bất động sản Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Forbes, tính đến thời điểm 24/06/2020 thì giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng là 5,9 tỷ USD. Hiện tại, ông đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup. Được mệnh danh là người giàu nhất Việt Nam. Đồng thời cũng là ông trùm bất động sản với nhiều dự án bậc nhất khu vực. Ông là tỷ phú Việt Nam đầu tiên được Tạp chí Forbes vinh danh lần đầu năm 2013 với giá trị tài sản ròng 1,5 tỷ USD, vị trí thứ 974 thế giới.
Tóm tắt tiểu sử của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968 tại Hà Nội, quê gốc là ở Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Cha ông tên là Phạm Nhật Quang là một quân nhân. Còn mẹ ông tên là Phạm Thu Hương làm công việc bán nước chè dạo. Sinh ra trong thời buổi đất nước và cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên ông đã sớm có giấc mơ kiếm thật nhiều tiền để thoát ly cảnh nghèo khổ.
Năm 1985, ông tốt nghiệp trường cấp 3 Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 1987 ông trúng tuyển vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc, đặc biệt là môn Toán nên đã giành được suất học bổng du học ngành kinh tế địa chất tại Đại học Thăm dò địa chất Liên Bang Nga.
Sau khi tốt nghiệp, ông đã không lựa chọn nghề mỏ đã học mà bắt đầu sự nghiệp với công việc kinh doanh. Đầu tiên là ở thủ đô của Nga rồi chuyển đến Ukraine. Ông mở nhà hàng Thăng Long và thành lập công ty Technocom tại cố đô Kharkov.
Tháng 8/1993, ông cho ra mắt thương hiệu mì ăn liền MiVina. Ý tưởng này của ông cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống nghèo khó của người dân nên mì ăn liền là rất phù hợp. Với nguyên liệu nhập từ quê hương Việt Nam cùng bí quyết độc đáo, loại mì này nhanh chóng được người Ukraine ưa chuộng.
Giai đoạn từ 1993 - 1996, với vai trò lãnh đạo của ông đã đưa Technocom từ một công ty nhỏ bé trở thành tập đoàn hùng mạnh. Thương hiệu mì ăn liền MiVina cũng nằm trong top 100 thương hiệu đứng đầu tại Ukraine. Thị trường của ông sau đó cũng mở rộng sang các nước lân cận, khu vực châu Âu. Vào năm 2010, Nestle đã mua lại Technocom với giá 150 triệu USD. Sau đó ông quyết định trở về quê hương đầu tư phát triển.
Tại Việt Nam, ông bắt đầu tham gia vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom. Nhiều dự án thành công vang dội của ông là Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center Tp. HCM, Vinpearl Nha Trang.
Từ năm 2010 đến nay, ông tập trung dốc toàn tâm, toàn lực đầu tư phát triển tại quê hương. Hàng loạt các dự án nổi bật tiếp theo là Vincom Village, Vincom Center Tp. HCM (A&B), Royal City, Times City, Vinpearl Đà Nẵng, Vinpearl Nha Trang (hoàn thiện, mở rộng). Ông đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể tại Việt Nam.
Những câu nói truyền cảm hứng của ông trùm bất động sản Phạm Nhật Vượng
- “Làm gì cũng phải đam mê, nghiêm túc với công việc, học hỏi liên tục cả đối thủ.”
- “Nghe khách hàng nói, khách hàng chê, xem khách hàng như người thầy để ra sản phẩm phục vụ khách hàng.”
- “Luôn giữ tinh thần startup, không để xuất hiện suy nghĩ hưởng thụ.”
- “Hãy tận dụng thế mạnh của mình thành cái mạnh nhất để cạnh tranh với cái mạnh của đối thủ.”
- “Tôi chỉ tập trung vào việc của mình, còn người khác muốn nói gì thì mặc họ.”
- “Đối với nhân viên, nếu không đạt mục tiêu đặt ra sẽ cắt phúc lợi không phạt, làm tốt thưởng ngay.”
Tổng kết
Có thể thấy đặc điểm chung của các ông trùm hiện nay đều là:
- Đi lên từ 2 bàn tay trắng: Đó là tấm gương sáng để những ai không có tiền hoặc nhiều tiền nhưng vẫn muốn làm giàu noi theo. Ngay cả khi tài chính không mấy dư giả thì các chuyên gia vẫn cho ra lời khuyên về cách mua nhà khi không có tiền. Đừng để tiền trở thành rào cản khiến chúng ta không thể sở hữu bất động sản hoặc xa hơn, rộng hơn là không thể làm giàu!
- Đều tham gia vào thị trường bất động sản: Như Andrew Carnegie - tỷ phú công nghiệp công nghiệp đã từng nói “90% các triệu phú đều sở hữu các bất động sản. Tiền đều được đầu tư vào các giao dịch bất động sản hơn là trong các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán. Người đầu tư thông minh là người kiếm tiền lương ngày hôm nay và đầu tư tiền của mình vào bất động sản.”
- Không có con đường nào trải sẵn hoa hồng: Muốn thành công phải trải qua rất nhiều gian nan và thử thách. Những ông trùm bất động sản có được vị thế như hiện tại không hề dễ dàng một chút nào. Họ đã phải cố gắng vươn lên mỗi ngày, chịu đủ mọi “trái đắng” mới có được thành công của hôm nay. Không phải mọi khó khăn đều sẽ dẫn đến thành công, nhưng chắc chắn một điều không có một thành công nào đạt được mà không trải qua khó khăn. Vì vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân viên môi giới hay người mua bất động sản không nên vì một vài khó khăn hiện tại mà vội chùn bước.
Thị trường bất động sản luôn không ngừng biến động theo thời gian. Vị trí ông trùm bất động sản thế giới hay ông trùm bất động sản Việt Nam hoàn toàn có thể bị “soán ngôi” bất cứ lúc nào. Nhưng nhìn chung, mỗi chân dung về họ luôn có những điều mới mẻ, độc đáo ở tư duy đầu tư kinh doanh lẫn quan điểm về cuộc sống hằng ngày đáng để chúng ta học hỏi. Với mỗi người khác nhau, kinh nghiệm mua bán bất động sản mỗi khác, những quan điểm, lập trường, suy nghĩ cũng khác nhau. Nếu cảm thấy điều đó hay, là phù hợp thì có thể tham khảo và áp dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng một cách khuôn mẫu, không có chọn lọc thường sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Xem thêm: