Những điều cần biết trước khi chuyển nhượng dự án đất
Chuyển nhượng dự án đất là thực trạng phổ biến hiện nay, bằng cách này chủ đầu tư chuyển giao một phần hoặc toàn bộ dự án cho nhà đầu tư khác.
Việc các chủ đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng lại dự án của mình không hiếm trên thị trường. Đây cũng được xem là cơ hội thuận lợi cho chủ đầu tư nhận chuyển nhượng muốn tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, chuyển nhượng dự án đất vốn không hề đơn giản bởi vị ràng buộc bởi nhiều quy định và tính chất đặc thù của dự án.
Do đó, trước khi có ý định chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, các tổ chức, cá nhân cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những nội dung liên quan trong hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành.
Các hình thức chuyển nhượng dự án đầu tư
Như đã đề cập, pháp luật hiện hành cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng dự án theo hai hình thức: chuyển nhượng một phần dự án và chuyển nhượng toàn bộ. Trong quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định nên việc chuyển nhượng một phần dự án cho chủ đầu tư mới để thực hiện dự án tốt hơn.
Đối với chuyển nhượng một phần dự án đầu tư, dựa trên thực trạng triển khai các dự án hiện nay có thể chia làm hai trường hợp:
- Dự án đầu tư xây dựng của chủ đầu tư là dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp được lập thành các dự án thành phần mà trong đó phần dự án muốn chuyển nhượng được lập thành một hay các dự án thành phần: Chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng các dự án thành phần đó theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản hiện hành, Nghị định 76/2015/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bất động sản.
- Dự án đầu tư xây dựng của chủ đầu tư là dự án khu đô thị mới và được hưởng các quy định của Quy chế khu đô thị mới ban hành kèm theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính Phủ (đã được thay thế bằng Nghị định 11/2013/NĐ-CP) thì Chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị mới cho chủ đầu tư mới là nhà đầu tư trong nước.
Việc chuyển nhượng một phần dự án trong trường hợp này chủ đầu tư phải tuân thủ đúng quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định Luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.
Điều kiện chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Quy định tại Điều 45 của Luật Đầu tư 2014 cho phép nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác, nhưng phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Dựa trên tinh thần của Luật Đầu tư 2014, để một dự án được chuyển nhượng, phải đáp ứng các điều kiện:
- Dự án đầu tư không thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1, Điều 48 Luật đầu tư 2014; cụ thể:
- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;
- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật Đầu tư mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
- Nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;
- Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
- Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư;
- Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài.
- Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
- Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng phải đáp ứng được các điều kiện trong trường hợp chuyển nhượng dự án thuộc ngành nghề đầu tư có điều kiện, phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai bảo đảm tiến độ, nội dung dự án.
- Các bên phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan như pháp luật đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Theo đó, đối chiếu với Luật Kinh doanh bất động sản 2014, việc chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn cần thỏa mãn các yếu tố dưới đây.
Các điều kiện chung
- Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
- Không làm thay đổi mục tiêu của dự án;
- Không làm thay đổi nội dung của dự án;
- Bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan.
- Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc được đăng ký biến động vào giấy chứng nhận đã cấp cho chủ đầu tư chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản không phải làm lại hồ sơ dự án, quy hoạch xây dựng và Giấy phép xây dựng của dự án nếu không có thay đổi về nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của dự án.
Điều kiện của dự án bất động sản
- Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt;
- Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt;
- Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.
Điều kiện đối với chủ thể tham gia chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng
- Chủ đầu tư chuyển nhượng: đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng;
- Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng: phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án.
Điều kiện về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc đầu tư;
- Thủ tướng Chính phủ: đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư.
Điều kiện chuyển nhượng dự án nông nghiệp
Thứ nhất, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp, phải đảm bảo những nguyên tắc và điều kiện nhất định theo quy định tại Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:
- Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố.
- Trên địa bàn không còn quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phù hợp, trừ trường hợp các dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư.
- Trường hợp chủ đầu tư thực hiện phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phải chuyển mục đích sử dụng đất thì chỉ được thực hiện sau khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có văn bản cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với việc sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh.
- Trường hợp diện tích đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất phải thể hiện rõ người bán tài sản tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho người mua tài sản thuê đất.
Thứ hai, điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư không phải là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê được hướng dẫn tại Khoản 26 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai, được quy định cụ thể như sau:
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư không phải là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai; cụ thể:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) theo quy định sau đây:
Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với toàn bộ diện tích đất của dự án;
Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng một phần dự án đầu tư thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với diện tích đất chuyển nhượng.
3. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 58 của Luật đất đai, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này và phải sử dụng đất đúng mục đích. Cụ thể:
- Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;
- Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do
- Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án
Tại Điều 53 Luật Kinh doanh bất động sản có nêu rõ các nội dung cần có trong hợp đồng chuyển nhượng dự án, gồm:
1. Tên, địa chỉ của các bên;
2. Thông tin cơ bản của dự án đã được phê duyệt;
3. Thông tin chi tiết về toàn bộ dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng;
4. Giá chuyển nhượng;
5. Phương thức và thời hạn thanh toán;
6. Thời gian bàn giao toàn bộ hoặc một phần dự án và hồ sơ kèm theo;
7. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
8. Trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất;
9. Cam kết của các bên trong thực hiện hợp đồng;
10. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
11. Phạt vi phạm hợp đồng;
12. Giải quyết tranh chấp;
13. Các trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và các biện pháp xử lý.
Hợp đồng chuyển nhượng dự án có phải công chứng?
Đây là thắc mắc của rất nhiều các nhân, tổ chức tham gia vào quá trình chuyển nhượng dự án. Đối chiều với các quy định hiện hành, không có yêu cầu cụ thể nào về việc có hay không công chứng hợp đồng này. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất là cơ sở để bảo đảm giá trị pháp lý cho hợp đồng là gì, thực hiện bởi cơ chế như thế nào,...
Khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 có quy định: “Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.”
Các trường hợp tại khoản 2 Điều 10 theo văn bản hướng dẫn chi tiết gồm:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất).
2. Tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể, chia tách.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức, cá nhân khác chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản, bán nhà, công trình xây dựng đang bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ.
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng để xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua mà không phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về nhà ở.
6. Các cơ quan, tổ chức khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.
7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình.
Như vậy, không phải trường hợp chuyển nhượng dự án nào cũng cần phải tiến hành theo thủ tục công chứng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội), "Chuyển nhượng dự án" cũng có thể hiểu là "Chuyển giao quyền sở hữu/sử dụng Bất động sản". Do đó, trên thực tế, việc lựa chọn công chứng hợp đồng chuyển nhượng dự án vẫn được số đông lựa chọn vì thỏa mãn các trường hợp quy định tại Luật Đất đai và tinh thần của Bộ Luật Dân sự, tính an toàn được đảm bảo hơn, giảm bớt rủi ro khi có tranh chấp phát sinh.
Ghi nhận về các trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư hiện nay
Số lượng hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư hiện nay cho thấy hoạt động này ngày càng sôi động bởi chính chúng đáp ứng sự cần thiết một cách khách quan nhất. Đây là cơ chế giúp cho nhà đầu tư giải tỏa bớt áp lực, gánh nặng tài chính; hoặc tăng tính khả thi cho dự án; hoặc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới. Qua đó, hoạt động này góp phần không nhỏ trong quá trình thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng tích cực, lạc quan và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, thực trạng chuyển nhượng dự án đầu tư từ năm 2010 bắt đầu có những dấu hiệu sai phạm, trục lợi. Cụ thể, một số nhà đầu tư nước ngoài nhận công trình xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP bằng hình thức hợp đồng BT, sau đó, các nhà đầu tư này lại không thực hiện dự án mà chuyển nhượng sang cho các nhà đầu tư khác.
Tương tự, các dự án chỉnh trang đô thị sau quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng tốn khá nhiều thời gian, các nhà đầu tư được giao theo chỉ định số thực hiện xong dự án, số khác chưa đi đến hoàn thiện cũng nhanh chóng bán lại cho cá nhân, tổ chức khác.
Thực trạng này xuất phát từ chính sự lỏng lẻo trong các quy định cũng như chủ quan, thiếu chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, nhà thầu công trình BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng như không tiến hành đấu giá, đầu thầu dự án có sử dụng đất, tạo cơ hội cho việc mua bán trục lợi diễn ra thường xuyên, phổ biến hơn.
Bên cạnh đó, bất cập trong việc chuyển nhượng dự án đầu tư còn xuất phát từ một số điểm chưa cụ thể hoặc chưa hợp lý trong các văn bản pháp luật điều chỉnh. Đơn cử như:
- Chuyển nhượng một phần dự án: chưa có khái niệm, hướng dẫn nào làm rõ như thế nào được gọi là “một phần dự án”; cần hiểu theo hướng diện tích hay tiến độ dự án. Không quy định cụ thể về mức tối thiểu, điều này có thể dẫn đến trường hợp chủ đầu tư xé nhỏ dự án ra để “bán tháo”. Từ một dự án thành hàng chục dự án khác, tính đồng bộ không còn và tất nhiên kèm theo rất nhiều hệ lụy khác.
- Về nghĩa vụ “bồi thường, giải phóng mặt bằng”: đây là khâu khó, tốn thời gian nhiều nhất trong quy trình nhưng lại là điều kiện đối với chuyển nhượng dự án. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp chọn cách lách luật bằng hình thức “chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp”. Do đó, sẽ phát sinh nhiều khoản thuế đi kèm.
- Về quyền lợi của khách hàng trong dự án được chuyển nhượng: nhìn chung, các quy định hiện nay đa phần chỉ đề cập đến quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng. Theo tinh thần của Bộ Luật Dân sự, việc chuyển nhượng trên thực tế phải có sự đồng ý của các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên, hầu như các đối tượng này không được nhắc tới một cách rõ ràng. Đây chính là điểm thiếu sót lớn và có khả năng xuất hiện rủi ro khá cao.
Để khắc phục những hạn chế trên, các nhà làm luật cần có sự rà soát và đối chiếu lại các quy định để điều chỉnh sao cho không bị chồng chéo, mâu thuẫn nhau nhưng vẫn chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong việc xây dựng hành lang pháp lý.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 dù còn vướng mắc nhưng cơ bản cũng xuất hiện không ít điểm mới được đánh giá khá tích cực. Điển hình là quy định chủ đầu tư chuyển nhượng dự án bất động sản có trách nhiệm thông báo kịp thời, đầy đủ, công khai và giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên liên quan tới dự án, phần dự án chuyển nhượng; trường hợp chuyển nhượng có phát sinh lợi nhuận thì phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.
Theo đó, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án phải có nghĩa vụ, trách nhiệm kế thừa và tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ từ chủ đầu tư cũ. Bên thứ ba là khách hàng hoặc ngân hàng xem đây là quy định ghi nhận quyền lợi cho họ, giảm thiểu các tình huống tranh chấp phát sinh và đồng thời góp phần giúp thị trường giao dịch, thị trường đầu tư công khai, minh bạch hơn.
Chuyển nhượng dự án đất hay chính xác là chuyển nhượng các dự án đầu tư, được xem như cơ chế thúc đẩy tính khả thi của nguồn vốn cũng như hoàn thiện thị trường. Với nỗ lực thay đổi hệ thống pháp luật điều chỉnh như hiện nay, việc chuyển nhượng dự án trong dài hạn sẽ tăng cường tính minh bạch, công khai, phát huy tối đa hiệu quả được kỳ vọng khi áp dụng chúng vào sự vận hành chung của môi trường đầu tư.
Xem thêm: