Bí quyết sở hữu nhà gác lửng đẹp toàn diện từ A - Z

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Bỏ ra 3 phút để đọc hết bài viết này, bạn sẽ có được bí quyết vàng để sở hữu nhà gác lửng đẹp nhất hiện nay (chưa từng được chia sẻ). Hãy theo dõi nhé!

Nhà gác lửng không phải là xu hướng mới nhưng sẽ là kiểu nhà không bao giờ hết “hot”. Xuất hiện từ nhiều năm về trước, nhưng cho đến nay nó vẫn là kiểu nhà được nhiều người yêu chuộng. Nếu nói rằng kiểu nhà này chỉ thích hợp với những gia đình có diện tích chật hẹp hoặc chiều cao xây dựng bị giới hạn thì không đúng. Bởi vì trên thực tế có rất nhiều gia đình rõ ràng họ có diện tích đất rộng và cũng không bị giới hạn chiều cao xây dựng nhưng họ vẫn lựa chọn kiểu nhà này.

Vậy lý do gì nhà gác lửng lại được yêu thích đến vậy? Và làm thế nào để có được một căn nhà gác lửng không chỉ đẹp, khoa học mà còn tiết kiệm, phù hợp? Hãy đọc hết bài viết này, bạn sẽ tìm được câu trả lời.

Bài viết sẽ gồm các phần nội dung chính sau đây:

1. Tìm hiểu thông tin cơ bản về nhà gác lửng

  • Nhà gác lửng là gì?
  • Đặc điểm của nhà gác lửng
  • Có mấy loại gác lửng?
  • Gác lửng được dùng để làm gì?
  • Vì sao nhà gác lửng được ưa chuộng?

2. Thiết kế nhà gác lửng & những điều phải biết

  • Quy định về thiết kế gác lửng
  • Nguyên tắc thiết kế
  • Những kiêng kỵ cần tránh

3. Bí quyết để sở hữu nhà gác lửng đẹp, an toàn và tiết kiệm

  • Bí quyết của nhà gác lửng đẹp
  • Bí quyết của nhà gác lửng an toàn
  • Bí quyết của nhà gác lửng tiết kiệm

1. Thông tin cơ bản về nhà gác lửng

Trước khi tìm kiếm bí quyết để sở hữu nhà gác lửng đẹp thì việc hiểu hơn về kiểu nhà này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và ý tưởng để sáng tạo, thiết kế cho mẫu nhà của mình được hoàn hảo nhất.

- Nhà gác lửng là gì?

Nhà gác lửng hay còn gọi là nhà gác xép, nhà tầng lửng, là tên gọi của một kiểu nhà có gác lửng / gác xép / tầng lửng.

Vậy gác lửng hay gác xép, tầng lửng là gì?

Theo Wikipedia, tầng lửng hay còn gọi đơn giản là lửng, là một tầng trong kiến trúc của một tòa nhà hoặc một ngôi nhà. Đó là một tầng trung gian giữa các tầng của một tòa nhà chính và do đó thường không tính trong số các tầng tổng thể của một tòa nhà. Thông thường, tầng lửng là trần thấp và nằm ở tầng một (tầng dưới cùng).

Thực ra, định nghĩa của Wikipedia rất dễ gây hiểu lầm. Tầng lửng dù được gọi là “tầng” nhưng bản chất của nó lại không được xem là một tầng trong tổng thể ngôi nhà. Nó chỉ là một bộ phận nhỏ trong toàn bộ ngôi nhà, có những công dụng, chức năng riêng biệt nhưng không phải là công dụng, chức năng của một tầng (giống như là tầng 1, tầng 2…).

Về nguồn gốc, nhà gác lửng được cho là kiến trúc của người Pháp. Tại Pháp, người ta gọi gác lửng là entresol, là tên dùng để gọi những căn phòng được tạo ra từ việc phân vùng trên không tại các căn hộ dành riêng cho quý tộc tại cung điện Versailles. Ngày nay, nhờ sự hữu dụng và phù hợp mà kiểu nhà này trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam.

- Đặc điểm của nhà gác lửng

Để nhận biết gác lửng cũng như phân biệt chúng với các kiểu nhà khác, chúng ta sẽ dựa vào đặc điểm sau đây:

Nhà có thể lớn hoặc nhỏ, có thể cấp 4 hoặc nhà tầng, hoặc nhà biệt thự, nhưng điểm nhấn trong đó chính là có một gác lửng. Gác nằm ở vị trí trung gian giữa 2 tầng với chiều cao trung bình khoảng từ 2.2 - 2.5m. Thường thì người ta sẽ thiết kế gác lửng nằm phía trên tầng dưới cùng với trần thấp.

- Phân loại gác lửng

Gồm có 4 loại gác lửng:

  • Gác lửng phía trước: Tức là vừa bước vô nhà, “đập” vào mắt người nhìn đầu tiên chính là gác lửng. Nếu như được thiết kế đẹp thì sẽ tạo cho căn nhà sự thu hút đặc biệt, nhưng đồng thời cũng sẽ phản tác dụng nếu như không được chăm chút và thiết kế khoa học, đẹp mắt.

nhà gác lửng đẹp 1

  • Gác lửng phía sau: Thường thì gác lửng này sẽ được thiết kế tiếp theo phòng khách, phía trên phòng bếp. Ưu điểm của loại gác này là có thể quan sát được tầng trệt, đồng thời tạo sự thông thoáng cho phòng khách. Nhưng nhược điểm chính là gây cảm giác chật chội, bí bách cho không gian bên dưới của gác và cả gác lửng. Nhà phố và liền kề thường sử dụng loại gác lửng này.

nhà gác lửng đẹp 2

  • Gác lửng bên hông: Mặc dù độc đáo, mới lạ và thu hút nhưng nếu muốn thiết kế kiểu gác này thì đòi hỏi gia chủ phải có một diện tích nhà kha khá, nếu không sẽ khiến không gian nhà trở nên chật chội và mất thẩm mỹ.

nhà gác lửng đẹp 3

  • Gác lửng trong phòng: Thường được thiết kế phía trên toilet và chỉ sử dụng khi diện tích phòng ngủ khá lớn hoặc dài.

nhà gác lửng đẹp 4

- Công dụng của gác lửng

  • Đối với mặt bằng kinh doanh: Có thể thiết kế gác lửng để làm phòng trưng bày sản phẩm, còn tầng trệt phía dưới dùng để giữ xe; hoặc dùng gác lửng để làm nhà kho chứa hàng…
  • Đối với gia đình để ở: Có thể dùng gác lửng để làm nhà bếp, phòng khách, phòng đọc sách, thư giãn, phòng ngủ, phòng thờ…

- Vì sao nhà gác lửng được ưa chuộng tại Việt Nam?

Nếu không xây nhà gác lửng thì sẽ có nhiều sự lựa chọn khác như nhà cấp 4, nhà 2 tầng, nhà 3 tầng… Nhưng nhiều người lại lựa chọn nhà gác lửng là bởi nó có những ưu điểm mà kiểu nhà khác không có được. Quan trọng là ưu điểm đó phù hợp với rất nhiều người dân tại Việt Nam. Cụ thể:

  • Cách “nới” rộng không gian tuyệt vời: Không phải tất cả mọi người khi xây nhà gác lửng đều có diện tích chật chội nhưng chắc chắn những người có diện tích chật chội (nhưng không có đủ tiền hoặc không được phép xây nhà tầng) thì sẽ lựa chọn xây nhà có gác lửng. Với việc thiết kế thêm một không gian ở giữa ngay trong nhà, chúng ta sẽ có thêm diện tích để sinh hoạt mà không cần phải tăng thêm diện tích đất hoặc xây thêm lầu.
  • Cách tiết kiệm chi phí tối đa: Nếu như xây nhà tầng, chi phí xây dựng chắc chắn sẽ nhiều hơn so với xây gác lửng. Trong khi đó chúng ta vẫn có thêm một tầng lửng rộng rãi và xinh đẹp để tăng thêm diện tích cho ngôi nhà.
  • Phù hợp với đại đa số gia đình Việt: Gia đình người Việt hiện nay thường có 2 - 3 người sống trong một căn nhà. Nếu như nhà cấp 4 hơi chật chội, không thể đáp ứng được hết các công năng; hoặc nhà tầng thừa thãi, không sử dụng hết các phòng thì nhà gác lửng vừa đủ để sử dụng, không gây cảm giác chật chội nhưng cũng không gây thừa thãi, lãng phí không gian.
  • Thi công nhanh chóng, dễ dàng hơn: Nếu đem so sánh với việc thiết kế tầng thì nhà gác lửng có thêm một điểm mạnh nữa chính là thi công nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm hơn nhiều.

Tuy nhiên, mỗi một kiểu nhà sẽ có những ưu nhược điểm nhất định. Nhà gác lửng bên cạnh những ưu điểm nói trên thì còn tồn tại một số nhược điểm như là:

  • Nếu như so với nhà cấp 4 đơn thuần thì nhà gác lửng sẽ tốn thêm một khoản chi phí;
  • Nếu như so với nhà cao tầng thì nhà gác lửng không được rộng rãi, thoáng mát bằng.

Nhưng quan trọng là nhà gác lửng phù hợp với nhiều người Việt Nam nên những nhược điểm đó hoàn toàn có thể khắc phục và kiểu nhà này trở thành sự lựa chọn sáng giá trong thời đại hiện nay. Nhất là khi “đất chật người đông”, diện tích xây nhà ngày càng nhỏ hẹp lại, cộng với việc xây dựng nhà tầng gặp nhiều khó khăn khi luật pháp có những quy định khắt khe về chiều cao được phép xây dựng ở từng khu vực.

2. Thiết kế nhà gác lửng & những điều phải biết

- Quy định về thiết kế gác lửng mới nhất

Về diện tích:

Trước đây, pháp luật quy định diện tích xây dựng của tầng lửng không được vượt quá 80% diện tích xây dựng tầng trệt. Nhưng từ ngày 01/01/2020 trở đi thì Thông tư 07/2019 của Bộ Xây dựng quy định về diện tích xây dựng tầng lửng đã được thay đổi, cụ thể như sau:

  • Đối với nhà ở riêng lẻ: Tầng lửng không được tính vào số tầng của công trình, diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.
  • Đối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (mà không phải nhà ở riêng lẻ): Tầng lửng không tính vào số tầng của công trình mà chỉ bố trí làm khu kỹ thuật thì diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2.

Thông tư 07/2019/TT-BXD sẽ được thay thế cho Thông tư 03/2016/TT-BXD, người dân khi xây nhà cần nắm rõ quy định này để xây dựng tầng lửng đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nếu bạn ở Tp. HCM và muốn xây dựng nhà gác lửng thì phải quan tâm đến Quyết định 135/2007/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Tp. HCM quy định về kiến trúc nhà liền kề trong các khu đô thị hiện hữu như sau: Nhà ở riêng lẻ chỉ được xây dựng tầng lửng khi chiều rộng lộ giới L >3,5.

nhà gác lửng đẹp 5

Về chiều cao:

Chiều cao của gác lửng rất quan trọng, nó không chỉ quyết định đến tính thẩm mỹ của căn nhà mà còn ảnh hưởng đến sự tiện nghi khi sử dụng. Vì vậy, chiều cao của gác lửng cần phải được tính toán một cách cẩn thận chứ không phải là việc làm mang tính chất cảm tính.

Đầu tiên, bạn cần phải biết chiều cao của toàn bộ tầng nhà mà bạn định làm tầng lửng, được tính từ trệt lên đến trần. Theo quy định của giới xây dựng thì chỉ nên thiết kế tầng lửng khi chiều cao của tầng trệt đến trần phải đạt từ 7m trở lên đối với nhà phố cao tầng và từ 4,5 - 5m đối với nhà ở 1 tầng.

Như vậy, con số 2,2 - 2,5m là hợp lý nhất. Nếu bạn chọn quá cao hoặc quá thấp thì sẽ làm ảnh hưởng đến bố cục của cả căn nhà, không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn cản trở quá trình sinh sống của các thành viên.

Ngoài ra, chiều cao của tầng lửng nếu muốn chuẩn thì phải xem xét sự phù hợp với độ cao từ mặt nền vỉa hè đến sàn và lộ giới phía trước nhà. Cụ thể:

  • Nếu độ cao từ mặt nền vỉa hè đến sàn lầu 1 lớn hơn hoặc bằng 3,8m; lộ giới phía trước nhà nhỏ hơn 3,5m >>> Thì bạn không nên xây thêm tầng lửng hoặc nếu xây thì chỉ xây được với độ cao dưới 1,5m.
  • Nếu độ cao từ mặt nền vỉa hè bằng 5,8m; lộ giới phía trước nhà lớn hơn 3,5m và nhỏ hơn 20m >>> Bạn có thể xây gác lửng với chiều cao từ 1,8 - 2m.
  • Nếu độ cao từ mặt nền vỉa hè bằng 7; lộ giới phía trước nhà nhỏ hơn 20m >>> Thì bạn có thể xây gác lửng với chiều cao bình thường như các lầu khác, là từ 2,8 - 3m.

- Nguyên tắc thiết kế

  • Đối với nhà nhỏ: Mặc dù diện tích không nhiều để thoải mái thiết kế nhưng bạn cũng phải đảm bảo nguyên tắc khi xây dựng gác lửng, nếu không sẽ khiến ngôi nhà trở nên chật chội và bí bách với sự xuất hiện của gác lửng. Và đây là tiêu chuẩn: Độ cao từ sàn lên gác lửng phải đạt 4,5 - 5m; độ cao của gác lửng phải từ 2,5 - 2,8m; tổng diện tích của gác lửng không được quá 80% so với tầng trệt; cầu thang nên thiết kế nhỏ gọn, ít bậc và không được chiếm quá nhiều diện tích; sử dụng chất liệu gỗ, kim loại nhẹ, thép nhẹ hoặc bê tông, kết hợp với thủy tinh mờ, lưới kim loại… để không gian phía trên được thông thoáng.
  • Đối với nhà lớn: Đối với nhà có diện tích khá lớn nhưng bị giới hạn chiều cao xây dựng, nếu muốn mở rộng thêm không gian thì cũng hoàn toàn có thể xây dựng thêm gác lửng. Tuy nhiên khi thiết kế gác lửng cần tính toán sao cho vị trí đặt gác lửng cân đối và phù hợp. Thường thì những gia đình sở hữu diện tích nhà khá rộng nhưng vẫn muốn thiết kế thêm gác lửng là để làm phòng thờ, phòng đọc sách hoặc phòng thư giãn riêng.
  • Đối với nhà xây mới: Cần phải có một bản vẽ thiết kế hoàn chỉnh ngay từ đầu để quá trình thi công đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng như kế hoạch. Gác lửng phải được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn về chiều cao, diện tích mà luật pháp quy định. Phải có sự đồng nhất, ăn nhập giữa gác lửng và toàn bộ không gian nhà.
  • Đối với nhà xây cũ: Sau một thời gian sử dụng và gia chủ muốn “nới rộng” không gian một cách đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất thì nên xây thêm gác lửng. Bạn vẫn phải tuân thủ nguyên tắc thiết kế gác lửng nói chung, đồng thời lưu ý thêm một số điều sau: Nên thiết kế gác lửng phù hợp với phong cách nhà đang có, nên sơn lại toàn bộ căn nhà để tạo sự mới mẻ; nội thất sử dụng nên có sự đồng nhất để tránh cảm giác “lạc loài”...

- Những kiêng kỵ cần tránh

Gác lửng không chỉ là một bộ phận đơn thuần của ngôi nhà, mà nó còn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phong thủy của gia đình. Thiết kế gác lửng nếu hợp phong thủy sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ, và ngược lại, nếu như không hợp phong thủy thì vận xui có thể tìm đến bất cứ lúc nào.

Để gác lửng không chỉ hợp thẩm mỹ mà còn hợp phong thủy thì khi thiết kế, xây dựng gia chủ cần tránh những điều sau:

  • TRÁNH thiết kế gác lửng có độ dốc quá lớn: Khiến cho dòng khí khi đi vào nhà không thể tụ lại được mà sẽ bị tuột theo độ dốc của gác.
  • TRÁNH gác lửng ở dưới xà ngang: Sẽ tạo cảm giác bí bách, khó chịu, bức bối giống như đang bị một vật gì đó đè nặng. Đặc biệt, sẽ khiến gia chủ hao tổn tài của.
  • TRÁNH cầu thang thẳng kết nối với gác lửng: Cầu thang không chỉ là vật kết nối, nó còn là vật vận chuyển khí ở trong nhà. Do vậy, nếu cầu thang thẳng thì sẽ xung đột với vận khí khiến tài khí suy giảm. Nhưng nếu cầu thang được thiết kế kiểu xoắn ốc hoặc dạng vòng thì lại khác, nó sẽ tụ khí cho căn nhà, giúp gia chủ gặp nhiều may mắn.
  • TRÁNH gác lửng không có cửa sổ: Đây là điều không nên, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người ở trên gác. Cửa sổ (dù nhỏ) cũng sẽ giúp không gian thông thoáng, đón ánh sáng tự nhiên, tốt cho sức khỏe của con người. Nếu thật sự không thể nào thiết kế cửa sổ cho gác lửng, vậy thì ga chủ nên sử dụng lan can làm bằng kính cường lực trong suốt để ánh sáng tự nhiên có thể xuyên lên trên.

3. Bí quyết “vàng” để sở hữu nhà gác lửng đẹp, an toàn và tiết kiệm

- Bí quyết của nhà gác lửng đẹp

Cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, kéo theo nhu cầu, đòi hỏi về nhà ở ngày một lớn. Nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng, nhà còn là nơi nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng cuộc sống sau ngày dài làm việc mệt mỏi. Vì vậy, nhà không những phải bền chắc, kiên cố mà nhà còn phải đẹp.

Lựa chọn nhà gác lửng, mỗi người sẽ có một lý do khác nhau (vì nhà quá chật, vì không thể xây lên cao, vì muốn tiết kiệm chi phí…). Nhưng chắc chắn một điều không ai muốn ở trong một căn nhà lụp xụp, bừa bộn cả đúng không? Ai cũng muốn có được một căn nhà đẹp dù rằng diện tích không lớn và tài chính không nhiều. Nhưng bí quyết để xây nhà có gác lửng đẹp là gì thì không phải ai cũng biết.

Và bí mật sẽ được bật mí ngay sau đây:

  • Thứ nhất, về màu sắc: Nên sử dụng gam màu ấm, nhạt hoặc màu trắng sáng cho gác lửng. Vì gác lửng vốn không được rộng lớn như một tầng biệt lập, nên cần sử dụng những gam màu này để không gian được thông thoáng hơn. Không nên sử dụng tông màu đậm hoặc quá trầm sẽ gây cảm giác bức bí, khó chịu cho người sử dụng.

nhà gác lửng đẹp 6

  • Thứ hai, về ánh sáng: Đừng bỏ qua hệ thống chiếu sáng cho gác lửng, vì nó là yếu tố khiến cho căn nhà một là thông thoáng, tinh tế; và hai là u tối, mờ nhạt. Lời khuyên dành cho gia chủ là nên sử dụng ánh sáng vàng hoặc trắng, nó có tác dụng tăng độ uyển chuyển, mềm mại và tạo cảm giác ấm áp cho căn nhà. Gia chủ có thể tham khảo hệ thống đèn âm trầm để thử áp dụng cho gác lửng nhà mình xem sao.
  • Thứ ba, về vật liệu: Có rất nhiều vật liệu để sử dụng cho gác lửng, có thể kể đến như là bê tông, ván xi măng, ván chịu lực, ván gỗ, gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp… Nếu quan tâm đến độ bền thì gỗ bê tông là sự lựa chọn hoàn hảo nhất. Nhưng để vừa bền vừa đẹp thì sao? Các chuyên gia cho rằng, bê tông vẫn là sự lựa chọn số 1 để đáp ứng được các tiêu chí bền - đẹp, nhưng song song với đó phải sử dụng thêm nhiều vật liệu kết hợp khác như kính trong suốt, thủy tinh mờ hoặc lưới kim loại để dùng cho lan can, giúp không gian rộng rãi, thông thoáng và trông hiện đại, sang trọng hơn.
  • Thứ tư, về phong thủy: Một ngôi nhà đẹp là một ngôi nhà không tác rời với phong thủy. Tuy nhiên phong thủy nhà ở là một vấn đề rộng và dài mà tại đây bài viết không thể đề cập đến được. Vì vậy, ngoài những kiêng kỵ khi thiết kế gác lửng nói trên thì gia chủ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này để biết mình phải làm gì để căn nhà của mình hợp với phong thủy.
  • Thứ năm, về nội thất: Không nên sử dụng quá nhiều nội thất vì nó sẽ khiến căn nhà của bạn trở nên bừa bộn (dù bạn có cố gắng sắp xếp, dọn dẹp cỡ nào). Có thể sử dụng các loại đồ nội thất thông minh, đa năng như giường có ngăn kéo, bán ăn mở rộng, tủ kết hợp với bàn.. để nội thất không chiếm quá nhiều diện tích.
  • Thứ sáu, về sự hài hòa: Đó là sự hài hòa giữa kiến trúc của toàn bộ căn nhà với thiết kế gác lửng. Đó là sự “ăn nhập” về phong cách thiết kế. Nếu nhà hiện đại thì gác lửng cũng nên hiện đại, nhà cổ điển thì gác lửng cũng nên theo phong cách cổ điển… Đó là sự liên kết chặt chẽ giữa các không gian trong nhà, ví dụ phòng bếp, phòng khách, phòng ngủ….
  • Thứ bảy, về trang trí: Tùy vào mục đích bạn sử dụng gác xép để làm gì mà trang trí sao cho phù hợp. Có thể sử dụng tranh dán tường, ảnh treo tường, đèn trang trí, đồ handmade, cây xanh… để không gian gác xếp trở nên sinh động, tinh tế và xinh đẹp hơn.

- Bí quyết của nhà gác lửng an toàn

Đối với nhà cũ:

Đầu tiên, phải khảo sát và đánh giá hiện trạng, kết cấu của ngôi nhà hiện tại. Gia chủ cần biết mỗi ngôi nhà sẽ có một đặc điểm kết cấu khác nhau, không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào nên không thể áp dụng cách thức của ngôi nhà này cho ngôi nhà khác. Nếu ngôi nhà có kết cấu đơn giản, khả năng chịu lực kém thì khi thiết kế thêm gác lửng phải tính toán sao cho gác lửng không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ngôi nhà.

Cụ thể, những việc cần làm khi cải tạo nhà cũ để thiết kế thêm gác lửng như sau:

  • Cải tạo khung móng, trần, tường, xử lý các vấn đề xấu, kém đang tồn tại trên căn nhà;
  • Cải tạo lại sàn, nền nhà nếu nứt và lút võng;
  • Đổ thêm đoạn dầm hoặc cấy dầm lên sàn cũ để gia tăng sự chắc chắn;
  • Sửa lại các mạch vữa chân tường nếu gặp hiện tượng nứt cổ tường;
  • Thay đổi công năng của các khu vực nếu cần thiết.

Sau khi cải tạo xong ngôi nhà thì mới đến bước thiết kế gác lửng. Cách thực hiện tương tự như thiết kế gác lửng cho nhà mới (sẽ được chia sẻ ngay sau đây).

nhà gác lửng đẹp 7

Đối với nhà mới:

Tùy vào mục đích sử dụng của gác xép mà kiến trúc sư sẽ tư vấn cho gia chủ cách xây dựng gác xép như thế nào cho an toàn. Trong đó 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự an toàn của gác xép gia chủ cần biết đó là: Sàn, lan can và cầu thang.

  • Về sàn: Như đã nói ở trên, có rất nhiều vật liệu có thể sử dụng để làm sàn cho gác xép, nhưng an toàn nhất vẫn là bê tông. Với điều kiện thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam thì bê tông chính là vật liệu “sáng giá” giúp cho gác xép được an toàn và có tuổi thọ sử dụng lâu năm.
  • Về lan can: Sự xuất hiện của lan can chính là yếu tố giúp gác lửng được đẹp và an toàn hơn. Lan can giúp chia khoảng không gian giúp gác lửng trở nên tách biệt hơn với phía dưới, đồng thời giúp căn nhà sinh động hơn khi ngày càng có nhiều mẫu lan can đẹp mắt. Đặc biệt, lan can che chắn, bảo vệ các thành viên ở trên gác lửng không bị các sự cố đáng tiếc như là rơi xuống dưới nhà. Lan can có nhiều loại như: Kính cường lực, gỗ, inox, thép… Tùy vào sở thích mà gia chủ chọn chất liệu phù hợp.
  • Về cầu thang: Nên chọn cầu thang được thiết kế đơn giản, nhỏ gọn (để tiết kiệm diện tích), đồng thời phải đảm bào được sự chắc chắn và an toàn khi di chuyển. Gia chủ có thể tham khảo và lựa chọn các loại cầu thang sau: Gỗ, kính, đá, bê tông, thép… Lưu ý: Cần thiết kế tay vịn cầu thang để đảm bảo an toàn khi di chuyển.

- Bí quyết của nhà gác lửng tiết kiệm chi phí

Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến giá khi xây dựng một căn nhà, đó là:

  1. Đơn vị thi công;
  2. Kế hoạch xây nhà;
  3. Nguyên vật liệu sử dụng.

Ngoài ra còn một số các nguyên nhân khác như: Vị trí, diện tích, thời điểm xây dựng…

Để tiết kiệm chi phí khi xây nhà gác lửng thì gia chủ cần biết cách điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến giá sao cho phù hợp nhất. Và dưới đây là gợi ý của chúng tôi:

  • Về đơn vị thi công: Đừng ngại bỏ thời gian để khảo sát, tìm hiểu về các đơn vị thi công hiện nay thông qua internet, sách báo, người thân, bạn bè… Tham khảo nhiều đơn vị để tìm ra nhà thầu PHÙ HỢP với mình nhất. Nhấn mạnh là “phù hợp” chứ không phải là rẻ nhất. Bởi vì “tiền nào của nấy”, nhà thầu nhận xây dựng với giá rẻ chưa chắc chất lượng đã được đảm bảo. Hãy chọn đơn vị thi công được nhiều người tin tưởng và lựa chọn, có mức giá phù hợp, có kinh nghiệm lâu năm, có kiến thức chuyên môn vững vàng…
  • Về kế hoạch xây nhà: Trước hết bạn cần biết bạn có bao nhiêu tiền để xây nhà. Với số tiền đó, bạn sẽ xây được những kiểu nhà như thế nào. Mẫu nhà gác lửng đẹp thì vô vàn nhưng bạn cần biết đâu là mẫu nhà phù hợp với tài chính của mình. Có nhiều mẫu nhà gác lửng đẹp, giá rẻ mà bạn không thể không tham khảo, như là: Mẫu nhà gác lửng đẹp 500 triệu. Tiếp đến, bạn cần lập kế hoạch rõ ràng về những việc cần làm và những khoản cần chi tiêu. Kế hoạch càng chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, giúp bạn có thể kiểm soát từng đồng mà không bị phát sinh hoặc quá trình triển khai không cảm thấy lúng túng. Sau khi đã có bản kế hoạch rõ ràng và chi tiết, bạn buộc phải thực hiện theo nó để đảm bảo không xảy ra vấn đề phát sinh nào (bởi phát sinh thường sẽ đi kèm với việc thất thoát tiền bạc).
  • Về nguyên vật liệu xây dựng: Là yếu tố quan trọng nhất quyết định ngôi nhà bạn xây là đắt hay rẻ. Vật liệu bao gồm: thép, gạch, đá, cát, xi măng, ống nước âm tường, dây cáp điện, chất chống thấm, cầu thang, lan can, sơn, gạch lát, mái… Chưa kể đến các thiết bị hoàn thiện cho ngôi nhà như đồ dùng vệ sinh, đồ nội thất, điện, nước… Trên thị trường hiện nay, vật liệu có rất nhiều mức giá khác nhau. Cao có, thấp có và trung bình cũng có. Bạn nên căn cứ vào khả năng tài chính của mình để lựa chọn loại vật liệu phù hợp. Tuy nhiên không nên ham rẻ vì chất lượng của vật liệu ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của ngôi nhà. Nên hỏi ý kiến của kiến trúc sư để biết với tài chính mình có thì nên chọn loại vật liệu nào tốt nhất; ở vị trí nào cần chọn vật liệu tốt, ở vị trí nào có thể chọn vật liệu trung bình.

Ngoài ra, muốn tiết kiệm chi phí khi xây nhà gác lửng thì còn phải quan tâm đến các yếu tố khác như:

  • Vị trí xây dựng: Thường thì ở nông thôn hoặc xa thành thị sẽ rẻ hơn ở trong thành thị.
  • Diện tích xây dựng: Diện tích càng lớn thì tiền cho nguyên vật liệu và nhân công càng nhiều.
  • Thời điểm xây dựng: Nên xây nhà vào mùa khô, tránh mùa mưa để không làm gián đoạn thi công và ảnh hưởng tới giá nhân công.
  • Bản vẽ nhà gác lửng: Một bản vẽ hoàn chỉnh và chi tiết sẽ giúp gia chủ chủ động nắm bắt tình hình và giúp đơn vị thi công thực hiện đúng so với mẫu đề ra, từ đó hạn chế phát sinh chi phí cho việc sửa sai.

Tổng kết

Nhà gác lửng không chỉ là xu hướng, nó còn là giải pháp giúp gia chủ tiết kiệm chi phí và nới rộng diện tích. Với nhà gác lửng, diện tích xây dựng không còn là vấn đề nữa, gia chủ vẫn có cách “hô biến” trở thành một không gian rộng rãi, xinh đẹp. Như vậy có thể thấy, muốn có một căn nhà đẹp thì tiền bạc + diện tích chỉ chiếm một phần, phần còn lại nằm ở bí quyết (sự sáng tạo và cách lên kế hoạch chỉn chu). Giống như bí quyết của nhà gác lửng đẹp cũng vậy, nó phụ thuộc hoàn toàn vào những quyết định mang tính chất quan trọng của gia chủ, đó là: Chọn mẫu, chọn nguyên vật liệu, phong cách, thiết kế, chọn đơn vị thi công…

Về cách chọn nguyên liệu, phong cách, màu sắc, ánh sáng, đơn vị thi công… chúng tôi đã chia sẻ chi tiết trong bài viết này rồi. Còn về các mẫu nhà gác lửng đẹp, gia chủ có thể tham khảo một loạt các bài viết cùng chủ đề dưới đây để tìm được mẫu phù hợp cho mình:

Nguồn: Trần Anh Group