- Cơ sở pháp lý
- Đối tượng người nước ngoài được quyền mua nhà ở tại Việt Nam
- Hình thức sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam
- Điều kiện người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam
- Giới hạn số lượng nhà ở người nước ngoài được sở hữu
- Thời hạn sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam
- Thủ tục mua nhà đối với người nước ngoài tại Việt Nam
Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cần những điều kiện gì?
Điều kiện để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là điều mà khá nhiều người quan tâm.
Bởi việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã không còn là chuyện hiếm nữa. Kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2014 với điểm nổi bật nhất là quy định người nước ngoài được quyền mua nhà ở tại Việt Nam.
Và sau 04 năm thi hành Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam (từ năm 2015 đến 2019), số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ trong các dự án đầu tư xây dựng nhà tăng đáng kể, là một nguồn cầu lớn cho thị trường bất động sản tại Việt Nam. Thậm chí nhiều dự án nhà ở người nước ngoài đã sở hữu kịch trần là 30% trên tổng số lượng căn hộ theo quy định của Luật Nhà ở.
Xét nhu cầu của người nước ngoài về việc sở hữu nhà tại Việt Nam và giúp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thuận tiện nhanh chóng, tiết kiệm nhất các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục, bài viết sau xin được giới thiệu chi tiết về điều kiện người nước ngoài cần có và trình tự thủ tục để mua nhà tại Việt Nam như sau:
Cơ sở pháp lý
- Luật Nhà ở 2014
- Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
Trích một phần luật nhà ở 2014 như sau:
Điều 159 Luật Nhà ở 2014 quy định đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:
1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:
a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Điều 160 Luật Nhà ở 2014 quy định về điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
1. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
3. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định của các điều Luật trên, có thể tóm tắt lại các điểm chính như sau:
Đối tượng người nước ngoài được quyền mua nhà ở tại Việt Nam
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và văn bản pháp luật liên quan;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Hình thức sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan;
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. (Trừ các dự án nhà ở thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ Việt Nam).
Theo đó người nước ngoài bao gồm cả tổ chức và cá nhân người nước ngoài chỉ được mua nhà ở là chung cư hoặc biệt thự, nhà ở liền kề trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, tức có hạ tầng và nhà đã xây dựng. Người nước ngoài không được mua đất nền, nhà ở trong khu dân cư.
Điều kiện người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam
Đối với cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam khi sở hữu nhà tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận đầu tư
- Có nhà ở được xây dựng trong dự án theo qui định của pháp luật về nhà ở.
Đối với tổ chức nước ngoài là Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam khi mua nhà tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau: có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Đối với cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Giới hạn số lượng nhà ở người nước ngoài được sở hữu
Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà;
Thời hạn sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam
- Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận;
- Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam;
- Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.
Thủ tục mua nhà đối với người nước ngoài tại Việt Nam
Căn cứ Luật Nhà ở 2014, thủ tục để cá nhân nước ngoài thực hiện giao dịch mua bán nhà ở tại Việt Nam được quy định:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết chứng minh đủ điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Bước 2: Ký kết hợp đồng mua bán nhà ở. Hợp đồng phải có các nội dung theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014; phải được công chứng, chứng thực. Căn cứ: Điều 121, khoản 1 Điều 122 và khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở 2014.
Bước 3: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu
Căn cứ khoản 2 Điều 9 Luật Nhà ở 2014, trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo mẫu quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (Mẫu 04/ĐK)
- Bản sao các giấy tờ chứng minh hình thành nhà ở hợp pháp
- Hồ sơ sẽ được nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nơi có nhà ở. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở sẽ kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hay chưa đầy đủ thành phần theo quy định của pháp luật thì sau 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan thẩm quyền tiếp nhận sẽ có thông báo hoàn trả và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Bước 5: Nhận Giấy chứng nhận
>>>Xem thêm:
Giới thiệu một số phương pháp định giá bất động sản
Hướng dẫn cách tính lãi suất vay ngân hàng mua nhà trả góp nhanh và đơn giản nhất
Tổng hợp kinh nghiệm mua căn hộ chung cư ăn ý
Tổng hợp lại suất vay mua nhà trả góp của top 12 Ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam 2019