Không đóng thuế đất bị xử phạt như thế nào năm 2020? (Luật mới nhất)
Không đóng thuế đất có 2 trường hợp: Một là chậm nộp tiền, hai là trốn thuế. Tùy vào trường hợp và mức độ vi phạm mà pháp luật có những quy định cụ thể, xử lý riêng.
Thuế nhà đất là khoản thuế bắt buộc người sử dụng, sở hữu nhà đất phải đóng cho ngân sách nhà nước. Mọi hành vi đóng thuế chậm trễ hoặc cố tình không đóng thuế đều vi phạm luật thuế và sẽ bị xử phạt thích đáng.
Ai phải đóng thuế đất theo quy định của pháp luật?
Luật thuế quy định rõ đối tượng phải đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp và nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
- Đối với đất nông nghiệp: Đất trồng trọt, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản và đất trồng rừng.
- Đối với đất phi nông nghiệp: Đất ở tại nông thôn và thành thị, đất sản xuất, kinh doanh và đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp (thuộc các đối tượng nói trên) đều phải đóng thuế đất theo quy định.
Trừ các trường hợp thuộc đối tượng không phải đóng thuế hoặc cá nhân, tổ chức, hộ gia đình được miễn thuế thì không phải đóng thuế đất.
Ngoài ra, thuế trước bạ nhà đất và thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà cũng là thuế nhà đất mà đối tượng tham gia giao dịch mua bán phải đóng thuế.
Thời hạn phải đóng tiền thuế đất là bao lâu?
Sau khi tính tiền thuế đất xong, cơ quan thuế sẽ gửi Thông báo đóng thuế đến từng hộ gia đình, cá nhân về số tiền, thời gian và địa điểm đóng thuế.
Trong vòng 90 ngày (kể từ ngày nhận được thông báo), người nộp thuế phải nộp đủ số thuế được ghi trong thông báo theo địa điểm. Người nộp thuế có thể chia thành 2 đợt đóng:
- Đợt thứ 1 (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo): Nộp 50% số tiền thuế phải nộp;
- Đợt thứ 2 (trong thời hạn 60 ngày tiếp theo): Nộp 50% số tiền thuế còn lại.
Trong thời hạn nói trên, nếu người nộp thuế không đóng thuế đất thì sẽ được xếp vào 2 trường hợp: Chậm nộp tiền thuế hoặc có hành vi trốn thuế.
Không đóng thuế đất bị xử lý như thế nào?
1/ Trường hợp chậm nộp thuế
Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp thuế của cơ quan thuế mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì được gọi là chậm nộp thuế. Nếu gặp khó khăn hoặc chưa thể nộp thuế thì người sử dụng đất phải làm thủ tục xin ghi nợ tiền sử dụng đất. Nếu không làm thủ tục thì người sử dụng đất phải nộp tiền chậm nộp + số tiền chưa nộp.
Nếu người nộp thuế làm thủ tục xin ghi nợ
Thì người nộp thuế được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 05 năm. Sau 05 năm, nếu vẫn chưa trả hết nợ thì người nộp thuế phải nộp tiền còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Thủ tục xin ghi nợ tiền thuế đất được tiến hành như sau:
- Người nộp thuế chuẩn bị đơn đề nghị ghi nợ;
- Nộp đơn tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên Môi trường nơi có đất;
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế;
- Cơ quan thuế sẽ xác định số tiền sử dụng đất phải nộp và lập hồ sơ theo dõi tiền nợ sử dụng đất, đồng thời chuyển thông tin về số tiền sử dụng đất phải nộp cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trình UBND cấp huyện.
Nếu người nộp thuế thanh toán nợ trước hạn thì sẽ được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.
Nếu người nộp thuế không làm thủ tục xin ghi nợ
Thì người nộp thuế sẽ phải đóng tiền thuế theo quy định cộng thêm số tiền chậm nộp.
Cách tính tiền nộp chậm như sau: Khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý thuế 2006 quy định, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Theo đó, công thức tính tiền sử dụng đất chậm nộp được xác định như sau:
Tiền chậm nộp = 0,03% x Số tiền thuế chậm nộp x Số ngày chậm nộp
Lưu ý:
- Số ngày chậm nộp được tính cả ngày lễ, ngày chủ nhật, tình từ ngày liền kề sau cùng ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế ghi trong thông báo cho đến ngày người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
- Người nộp thuế sẽ phải tự xác định số tiền nộp chậm căn cứ vào công thức nói trên. Nếu người nộp thuế không tự xác định được thì cơ quan quản lý thuế sẽ xác định số tiền nộp chậm và thông báo cho người nộp thuế biết và đóng.
Khoảng cách giữa chậm nộp thuế với không nộp thuế khá mong manh. Nếu người nộp thuế không làm thủ tục ghi nợ, khi quá thời hạn phải đóng thuế nhưng không đóng thuế, đồng thời có hành vi của việc trốn thuế thì sẽ được xếp vào trường hợp trốn thuế.
2/ Trường hợp trốn thuế
Dấu hiệu của hành vi trốn thuế
- Người nộp thuế không thực hiện việc nộp hồ sơ để đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế lên cơ quan thuế hoặc vượt quá thời gian cho phép là 90 ngày;
- Người nộp thuế có hành vi sử dụng không hợp pháp các hóa đơn chứng từ về thuế, sử dụng các loại giấy tờ về thuế không hợp pháp để khai báo không chính xác nhằm miễn giảm thuế;
- Người nộp thuế thực hiện không đúng, đầy đủ hoặc không thực hiện việc ghi chép trong giấy tờ, sổ kế toán về các khoản thu - là căn cứ để xác định số tiền thuế phải nộp cho cơ quan; hoặc cố tình kê khai không đúng, không kê khai để miễn hoặc giảm thuế;
- Người nộp thuế có hành vi sửa chữa, tẩy xóa, hủy bỏ chứng từ làm sổ thuế để miễn hoặc giảm thuế;
- …
Hình phạt cho người trốn thuế
Người nộp thuế nếu không tuân thủ nghĩa vụ đóng thuế đất thì sẽ phải chịu các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Tùy vào hậu quả để lại mà áp dụng các mức phạt khác nhau như sau:
- Phạt tiền:
- Phạt tiền 01 lần trên số tiền mà người nộp thuế phải nộp ở lần vi phạm đầu tiên, không bao gồm các hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế hoặc người nộp thuế đã vi phạm và tái phạm lần 2 nhưng có tình tiết giảm nhẹ (ví dụ tự nguyện khai báo, hối lỗi…).
- Phạt tiền gấp 1,5 trên số tiền mà người nộp thuế trốn đóng thuế ở lần vi phạm đầu tiên nhưng hành vi vi phạm có các tình tiết tăng nặng (ví dụ vi phạm có tổ chức) hoặc vi phạm lần thứ 2 nhưng không đủ 2 tình tiết giảm nhẹ thì sẽ bị chế tài ở mức phạt cao hơn.
- Phạt tiền gấp 02 lần số tiền vi phạm trốn thuế áp dụng đối với người nộp thuế nhưng có hành vi trốn thuế ở lần vi phạm thứ 2 và không có tình tiết giảm nhẹ; hoặc người nộp thuế vi phạm lần thứ 3 nhưng có 1 tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền gấp 2,5 lần số tiền trốn thuế khi người trốn thuế vi phạm lần thứ 2 và có tình tiết tăng nặng; hoặc vi phạm lần thứ 3 mà không có tình tiết giảm nhẹ nào.
- Phạt tiền gấp 3 lần số tiền trốn thuế của người nộp thuế khi có lần thứ 2 vi phạm và kèm theo 2 tình tiết tăng nặng; hoặc người nộp thuế vi phạm lần thứ 3 và có tình tiết tăng nặng; hoặc vi phạm đến lần thứ 4.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Điều 161 Bộ luật hình sự quy định:
- Người nộp thuế trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm >>> Phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số tiền trốn thuế, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
- Người nộp thuế trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đến dưới 600 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này >>> Phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Người nộp thuế phạm tội trốn thuế với số tiền từ 600 triệu đồng trở lên hoặc trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác >>> Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 lần đến 3 lần số tiền trốn thuế.
Thẩm quyền xử phạt khi không đóng thuế đất thuộc về ai?
Điều 14 Nghị định 129 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế như sau:
- Công chức thuế có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại Nghị định này.
- Đội trưởng Đội Thuế có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại Nghị định này.
- Chi cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 13 Nghị định này.
- Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 10, 11 và Điều 12 Nghị định này.
- Cục trưởng Cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền từ 140 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 13 Nghị định này.
- Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 10, 11 và Điều 12 Nghị định này.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền từ 200 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 13 Nghị định này.
- Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 10, 11 và Điều 12 Nghị định này.
Tổng kết
Thuế có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Thuế chiếm tỷ lệ phần trăm lớn nhất trong số các khoản thu của ngân sách nhà nước. Một quốc gia phát triển ổn định và bền vững không thể thiếu đi các khoản thuế đã được quy định. Vì vậy, đóng thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ và đồng thời là quyền lợi của người nộp thuế.
Đối với thuế đất, nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thì người sử dụng đất có nghĩa vụ phải đóng thuế đất theo quy định. Không đóng thuế đất không chỉ là việc làm sai trái đáng lên án mà còn là hành vi vi phạm luật thuế sẽ bị pháp luật xử phạt thích đáng.
Trong nhiều trường hợp, ngay cả người sử dụng đất cũng không biết mình phải đóng thuế đất, cơ quan thuế thì “quên” thông báo dẫn đến tình trạng người sử dụng đất không đóng thuế đất. Nếu sự việc kéo dài nhiều năm thì số tiền xử phạt sẽ ngày càng lớn. Do đó, người sử dụng đất nên tiến hành tra cứu thuế nhà đất để biết mình có phải đóng thuế hay không hay còn khoản thuế nào mình chưa đóng để bổ sung kịp thời.
Xem thêm: