Khái niệm bất động sản xanh & xu thế tất yếu

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Bất động sản xanh đang trên chặng hành trình khẳng định vị thế và sức hút của mình tại thị trường Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Gần đây, cụm từ bất động sản xanh giới đầu tư và người quan tâm địa ốc nhắc đến nhiều hơn như là một xu hướng mới đầy triển vọng và tiềm năng. Việc xuất hiện các mô hình, dự án xanh với số đông hiện nay là hệ quả tất yếu của những tác động lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự nâng tầm của các tiêu chuẩn sống.

Xem thêm:

Bất động sản xanh được ưa chuộng

Tuy nhiên, bất động sản xanh trong quá trình triển khai trên thực tế lại gặp không ít điểm nghẽn, bắt nguồn từ cách hiểu về loại hình này. Tư duy trong đầu tư nhà đất vốn đa dạng, vì vậy, tiêu chuẩn xanh trong bất động sản cũng có thể “muôn hình vạn trạng”. Nếu làm tốt sẽ tạo ra tổng thể đồng bộ, thống nhất giữa các mô hình dự án xanh; ngược lại chỉ khiến “vàng thau lẫn lộn”, người mua và ngay cả doanh nghiệp cũng phải loay hoay đi tìm lại giá trị thực sự của bất động sản xanh và những vấn đề cốt lõi tồn tại bên trong.

Bất động sản xanh là gì?

Định nghĩa đúng về bất động sản xanh là bước đi nền tảng vô cùng quan trọng nếu muốn phát triển mô hình này trên thực tế, đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như kỳ vọng đạt được đối với chất lượng công trình và đời sống dân cư.

Nếu hiểu theo cách tổng quan và đơn giản nhất, bất động sản xanh có thể định nghĩa là mô hình mang lại trải nghiệm về không gian sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên, đảm bảo hệ sinh thái an toàn cho sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Bất động sản xanh là sự tái hiện của tiêu chuẩn sống kiểu mẫu về “xanh - sạch - đẹp”, thân thiện với môi trường và giảm thiểu các tác nhân gây hại ở mức tối đa.

Điều này cũng khiến cho đại bộ phận khách hàng và nhà đầu tư, khi chưa tìm hiểu ở các tài liệu khác có thể dẫn đến cách định hình khá hẹp cho bất động sản xanh, rằng chỉ gói gọn yếu tố xanh theo những gì hiện hữu, như cây cối, mặt nước, các thiết bị giảm lượng khí thải hoặc tiết kiệm nhiên liệu,...

Trên thực tế, bất động sản xanh dưới những góc nhìn sâu về chuyên môn xây dựng, chỉ số môi trường còn được khái quát bởi các điều kiện thành phần khác. Vai trò lớn nhất của bất động sản xanh chính là cân bằng không gian sống, đảm bảo sự hài hòa giữa chất lượng công trình và chất lượng môi trường.

Khái niệm BĐS xanh

Dưới các quy chuẩn, đánh giá về công trình xây dựng, bất động sản xanh thể hiện qua việc vật liệu được chọn sử dụng là gì, có hiệu quả trong việc giảm hiệu ứng nhà kính, giảm lượng khí thải ra môi trường trong lâu dài hay không. Công trình bất động sản xanh phải sử dụng vật liệu kiến trúc, xây dựng thân thiện môi trường, tập trung vào tái chế, giảm đến mức có thể lượng nước và năng lượng sử dụng,...

Theo đó, xây dựng bất động sản xanh cần tuân theo các nguyên tắc:

  • Không làm tổn hại môi trường xung quanh,
  • Tận dụng thiên nhiên để khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, cảnh quan, năng lượng;
  • Bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên đất đai, hệ sinh thái;
  • Tạo ra nền tảng thích ứng với các hiện tượng biến đổi khí hậu.
  • Giảm tiêu hao năng lượng, giảm thải để kéo dài tuổi thọ sản phẩm.

Hiện nay, có khá nhiều các tiêu chuẩn xanh được lưu hành tại Việt Nam như: Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ),... Mỗi tiêu chuẩn có sự khác biệt và điểm mạnh riêng nhưng nhìn chung vẫn dựa trên những quy tắc cơ bản trong xây dựng công trình xanh về địa hình, vật liệu, tài nguyên, năng lượng,...

Dưới góc độ đánh giá tác động môi trường và tiêu chuẩn sống, bất động sản xanh phải thực sự làm tốt chức năng đáp ứng cho cư dân nguồn nước sạch, sự yên tĩnh, môi trường trong lành, mát mẻ, tràn ngập ánh nắng tự nhiên và gió trời, duy trì cân bằng các yếu tố hiện đại, tiện nghi với sức khỏe, chất lượng trải nghiệm của người dùng.

Do đó, bất động sản xanh không dừng lại ở việc sắp xếp, bố trí các hạng mục sinh thái mà còn phải làm tốt yếu tố xanh từ khâu hình thành đến các hoạt động sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng về sau, nghĩa là xanh từ “nội tại”. Khách hàng ngày nay đủ thông minh và thực sự quan tâm tìm hiểu để xem sản phẩm mà mình lựa chọn có thực sự xanh hay không, hay chỉ đơn thuần là cách làm “sơ sài”, thiếu nghiên cứu về chuyên môn. Những sản phẩm như vậy có thể bắt mắt ở thời điểm bán nhưng không đảm bảo tinh thần của một bất động sản xanh theo thời gian.

Hiện nay, chúng ta đang cố gắng để hoàn thiện cách hiểu cũng như những tiêu chuẩn đánh giá chính xác nhất về bất động sản xanh để làm cơ sở cho các doanh nghiệp triển khai trên thực tế. Việc đẩy mạnh mô hình này là hoàn toàn cần thiết nhưng phải chọn cách thực hiện có trọng tâm và hiệu quả nhất để khai thác triệt để công năng; tránh trường hợp phí phạm quỹ đất nhưng kết quả thu được lại chỉ mang tính tạm thời hoặc ngắn hạn.

Vì sao bất động sản xanh sẽ là xu thế tất yếu?

Thực tế, bất động sản xanh vốn đã tồn tại từ khá sớm tại thị trường nhà đất trong nước, tuy nhiên, chỉ đơn thuần dưới dạng đặt ra các yêu cầu về tỷ lệ cây xanh, hạng mục sinh thái cơ bản như công viên, hồ bơi. Vốn dĩ, cư dân chỉ mới nhìn nhận ở mức tiện ích cần thiết cho nhu cầu sống, họ chưa nghĩ đến các mục đích sâu xa hơn ở thời điểm mô hình này xuất hiện. Do đó, hầu hết các dự án xanh trước đây không quá bám sát vào góc độ xây dựng, kiến trúc, mà chỉ dành sự quan tâm đến việc cải tiến môi trường sống theo nhu cầu số đông.

Xu hướng sống xanh nở rộ

Tuy nhiên, sống xanh cũng như thị hiếu khách hàng, luôn chịu tác động từ yếu tố khách quan nên không ngừng biến động. Đơn giản như với nhu cầu nhà ở, thay vì chỉ cần các công trình xây dựng cơ bản, đảm bảo công năng phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày thì giờ đây, cá nhân, hộ gia đình còn mong muốn thỏa mãn cùng lúc yếu tố thẩm mỹ, tiện nghi và là phương tiện thể hiện giá trị riêng của họ.

Sống xanh cũng vậy, không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng tỷ lệ cây trồng trong đô thị, tạo ra bóng mát và màng lọc không khí; sống xanh ngày nay phải thể hiện qua từng vật dụng, thiết bị; từ không gian riêng đến môi trường sinh hoạt chung. Do đó, nếu không thay đổi, bất động sản xanh rất khó để tiệm cận với nhu cầu của cư dân.

Lý do đầu tiên khiến bất động sản xanh trở thành xu thế giai đoạn này chính là sống xanh bắt đầu trở thành “lý tưởng chung” của nhiều thế hệ. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đưa ra cảnh báo rằng các trường hợp chết vì ô nhiễm không khí còn nhiều hơn số trường hợp do AIDS, tiểu đường, tai nạn giao thông cộng lại; chiếm tới 1/8 nguyên nhân tử vong trên toàn thế giới. Có 3000 người tại Úc và lên đến 1 triệu người tại Trung Quốc tử vong mỗi năm vì ô nhiễm. Ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ, nhiễm trùng đường hô hấp,... là kẻ giết người thầm lặng từ môi trường nhiễm bẩn mà ra.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm với các biểu hiện đáng lo ngại như sương mù quang hóa, bụi mịn,... liên tục diễn ra, đe dọa trực tiếp tới người dân. Chưa kể đến lượng khí thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, phương tiện giao thông và hoạt động sống hàng ngày. Dân số tăng nhanh kéo theo nhiều hệ lụy, hạ tầng nhanh chóng xuống cấp, đời sống chật chội, dẫn đến các điều kiện về sức khỏe, giáo dục, phát triển,...không còn được đảm bảo.

Theo thời gian, tình trạng sẽ ngày càng đáng báo động nếu như không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, bất động sản xanh được xem là cứu cánh cho cả người dân lẫn doanh nghiệp hiện nay. Chỉ phát triển theo mô hình này, họ mới duy trì được môi trường sống và khôi phục lại các giá trị ban đầu.

Vì vậy, các chính sách đầu tư hiện nay thực sự coi trong việc khuyến khích phát triển những dự án khu dân cư, khu đô thị xanh. Các doanh nghiệp cũng xem đây là cơ hội để thay đổi và thể hiện tư duy đột phá của mình trên từng ý tưởng. Cùng là các tiêu chuẩn chung nhưng cách làm, hướng đi của mỗi doanh nghiệp sẽ không đồng nhất, trước hết là để cạnh tranh, sau đó là góp phần hoàn thiện bất động sản xanh bằng cách khai thác dưới nhiều góc độ, đổi mới và đột phá hơn. Trong thời gian tới, những khu dân cư có mật độ xây dựng thấp, cây xanh, mặt nước chiếm tỷ trọng lớn; sử dụng năng lượng mặt trời… sẽ trở nên phổ biến hơn; hạng mục tiện ích có giá trị sinh thái trở thành mục tiêu xây dựng quan trọng bên cạnh nhà ở, công trình công cộng khác.

Trần Anh Group một trong số các đơn vị tích cực đẩy mạnh phát triển bất động sản xanh thời gian qua, được ví như đội quân tiên phong ở thị trường vùng ven, điển hình là Long An và Bình Dương. Đơn vị này hầu hết đều duy trì mục tiêu xây dựng chung ở các khu đô thị quy mô lớn, phân bổ mảng xanh phù hợp với khuôn viên, đa dạng hóa lượng công viên, khu vui chơi, giải trí,... áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm năng lượng, chi phí sinh hoạt. Điển hình một vài cái tên nổi bật như Phúc An Ashita, Phúc An Garden, Phúc An City, Trần Anh Riverside, Bella Vista,...

BĐS xanh được khuyến khích

Lý do thứ hai đưa bất động sản xanh lên tầm cao mới chính là mang lại giá trị sống thiết thực. Không chỉ nhìn về góc độ sức khỏe, tinh thần, bất động sản xanh cũng chính là công cụ để cư dân sống tiết kiệm hơn. Nhờ những thiết kế tối ưu về điện, nước, chất thải và chi phí bảo trì,... các hộ sinh sống giảm bớt số tiền sinh hoạt hàng tháng, hàng năm; hình thành nếp sống lành mạnh, sử dụng năng lượng tự nhiên một cách có hiệu quả vào đời sống. Nhiều dự án áp dụng đã cho ra con số vô cùng khả quan trên thực tế, tiết kiệm lên đến 70% chi phí năng lượng, tương ứng với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo Quyết định số 419 về "Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", các doanh nghiệp làm bất động sản xanh sẽ nhận được nhiều sự ưu tiên, quan tâm và tạo điều kiện trong thời gian sắp tới, hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ đô thị xanh, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường và không khí đang diễn ra. Đi cùng với sức hút và tính ứng dụng cao vào thực tiễn, giá trị lợi nhuận luôn thay đổi xứng tầm, khi nguồn cầu lớn và nguồn cung liên tục được cải tiến.

Bài viết trên đây đã chỉ ra những khái niệm về bất động sản xanh hiện nay. Mô hình này xứng được được nhân rộng cũng như chú trọng đầu tư về lâu dài. Càng hoàn thành tốt các chỉ tiêu đánh giá, không riêng gì cư dân được trải nghiệm sống tốt đẹp mà bộ mặt đô thị trên cả nước cũng hứa hẹn nhiều bước tiến về chất lượng và diện mạo.