Hiến đất làm đường: Giải đáp các vấn đề liên quan
Việc hiến đất làm đường không được pháp luật quy định cụ thể khiến nhiều người không hiểu rõ về thủ tục và các vấn đề liên quan. Đọc tiếp bài viết nếu như bạn cũng đang có chung những thắc mắc về vấn đề này.
1/ Hiến đất làm đường có bắt buộc không?
Nghĩa của từ “hiến”
Đầu tiên cần hiểu nghĩa của từ “hiến”. Hiến là một hành động thể hiện sự tự nguyện cho đi một thứ gì đó. Hiến trong “hiến đất” có nghĩa là việc chủ đất tự nguyện cho phần đất của mình cho người khác (cá nhân hoặc xã hội). Ngay từ “hiến đất” cũng đã nói lên một điều rằng hành động này là sự tự nguyện, không phải bắt buộc.
Quy định của pháp luật
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng không có các quy định về việc “hiến đất”, vì vậy một lần nữa khẳng định: Hiến đất là việc làm mang tính tự nguyện chứ không phải bắt buộc.
Nhiều người thường nhầm lẫn việc hiến đất với việc thu hồi đất. Tuy nhiên đây là 2 việc làm hoàn toàn trái ngược nhau. Điều 16 Luật đất đai 2013 cũng quy định rõ các trường hợp buộc thu hồi đất bao gồm:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
- Thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Thu hồi đất là việc làm bắt buộc, nếu người bị thu hồi không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Hiến đất làm đường không thuộc 1 trong 4 trường hợp thu hồi nói trên, vì vậy việc hiến đất không phải là hoạt động bắt buộc.
Khoản 4 Điều 146 Luật đất đai 2013 cũng quy định: “Cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ thì việc tự nguyện góp quyền sử dụng đất, bồi thường hoặc hỗ trợ do cộng đồng dân cư và người sử dụng đất đó thỏa thuận”.
Trên thực tế
Vì pháp luật không quy định về việc hiến đất làm đường nên sẽ không có cơ quan chức năng nào được phép yêu cầu, đề nghị hay ra lệnh người dân phải hiến đất. Trong trường hợp cần thiết, việc làm đường được sự nhất trí của nhiều hộ gia đình, mang đến những lợi ích thiết thực cho khu vực thì chính quyền hoặc các hộ gia đình trong khu vực sẽ thực hiện vận động, thuyết phục chủ sở hữu đất hiến đất làm đường.
Nếu chính quyền hoặc ai đó đang cố tình đe dọa, cưỡng chế chủ sở hữu đất phải hiến đất thì người đó đang vi phạm pháp luật. Chủ sở hữu đất có quyền kiện ngược lại để đảm bảo lợi ích của mình.
2/ Không đồng ý hiến đất làm đường có sao không?
Như đã nói ở trên, hiến đất làm đường không nằm trong quy định của pháp luật, mà nằm ở sự tự nguyện của chủ sở hữu đất. Do vậy, chủ sở hữu đất có thể hiến đất hoặc không.
Tuy nhiên, việc hiến đất làm đường luôn mang đến những ý nghĩa tốt đẹp nên hầu hết mọi người đều hiến trong tự nguyện. Đường khi được tạo mới hoặc mở rộng sẽ mang đến cho khu vực sự khang trang, rộng mở, giúp lưu thông và trao đổi được thuận lợi hơn. Chủ sở hữu có đất cần hiến để làm đường chính là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp khi đường được mở hoặc mở rộng. Ví dụ như đi lại dễ dàng, thuận lợi trong buôn bán, có đất mặt tiền, giá bất tăng cao bất ngờ… Vì vậy, đa số mọi người đều cảm thấy hào hứng đối với việc hiến đất làm đường.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chủ sở hữu đất không đồng ý hiến đất làm đường. Nếu kế hoạch làm đường thật sự cần thiết và có lợi thì chính quyền sẽ thực hiện vận động hiến đất để chủ sở hữu đất tự nguyện hiến. Nhưng nếu việc mở đường là sai trái, có nhiều chủ sở hữu đất không đồng ý thì việc mở đường này cần phải được xem xét, chính quyền không có quyền yêu cầu chủ sở hữu đất phải hiến đất.
Tóm lại, không đồng ý hiến đất không vi phạm pháp luật nhưng chủ sở hữu đất không nên vì thế mà ngoan cố trong mọi trường hợp. Cần xem xét xem việc hiến đất này có lợi hơn hay không? Mặc dù “tấc đất tấc vàng” và chủ đất là chủ sở hữu của mảnh đất, nhưng trong nhiều trường hợp cần “hy sinh” những lợi ích nhỏ để hướng đến những lợi ích to lớn hơn.
3/ Hiến đất làm đường có được bồi thường không?
Như đã nói ở phần đầu của bài viết, hiến đất không phải là việc Nhà nước thu hồi đất.
Nếu như Nhà nước thu hồi đất thì tùy vào từng trường hợp để quyết định có được bồi thường hay không. Theo quy định thì Nhà nước sẽ bồi thường cho người sử dụng đất khi thu hồi đất nếu như có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 Luật đất đai số 45/2013/QH13.
Trong khi đó, hiến đất là hành động tự nguyện của chủ sở hữu đất. Thường thì người dân hiến đất còn Nhà nước sẽ bỏ kinh phí ra làm đường. Vì vậy, Nhà nước không bồi thường, không hỗ trợ về đất.
Mặc dù không được bồi thường nhưng chủ sở hữu đất sẽ có 2 hình thức hiến:
- Hiến không điều kiện: Tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ điều gì (vì thường sau khi đường được làm xong, chủ đất sẽ có được hưởng lợi nhiều nhất khi thuận tiện kinh doanh hoặc đất tăng giá).
- Hiến có điều kiện: Chủ đất có quyền yêu cầu những người được hưởng lợi trực tiếp từ con đường này phải bồi thường hoặc hỗ trợ cho chủ đất một khoản nhất định một cách hợp tình, hợp lý. Chủ đất được quyền yêu cầu bồi thường nhưng phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp.
4/ Quy trình hiến đất làm đường thực hiện như thế nào?
Cơ sở pháp luật thực hiện
Hiến đất làm đường không nằm trong quy định của pháp luật, nhưng việc hiến đất làm đường có sự thay đổi về quyền sử dụng thửa đất nên sẽ thực hiện Điều 73 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 73 quy định Trình tự, thủ tục đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề như sau:
"1. Khi phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề thì một trong các bên nộp đơn, Giấy chứng nhận (nếu có), hợp đồng hoặc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cho Văn phòng đăng ký đất đai.
2. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu."
Thủ tục hiến đất làm đường
Khoản 8 Điều 9 và Điều 11 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2014/NĐ-CP cho biết thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bao gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (Mẫu số 09/ĐK);
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan;
- Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận về việc xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề (trong trường hợp này là thỏa thuận hiến đất làm đường);
- Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Lưu ý: Hành động hiến đất làm đường là tự nguyện, có hơi hướng “hy sinh”, hơn nữa lại không nằm trong quy định của pháp luật nên sẽ không có mẫu đơn xin hiến đất làm đường hay đơn xin hiến đất làm ngõ. Người hiến đất sẽ tự làm đơn với các nội dung cơ bản như: Kính gửi cơ quan muốn hiến, tên và địa chỉ người hiến đất, nội dung hiến đất, số đất hiến (ghi rõ vị trí và diện tích muốn hiến). Có thể tham khảo mẫu đơn xin cho tặng đất để áp dụng cho đơn hiến đất làm đường.
Bước 2: Nộp hồ sơ nói trên cho Văn phòng đăng ký đất đai.
Người nộp hồ sơ được chọn một trong các hình thức sau:
- Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu và xác nhận;
- Nộp bản chính giấy tờ.
Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai cập nhật vào hồ sơ địa chính
Sau khi kiểm tra, đối chiếu hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai có nhiệm vụ cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu.
Bước 4: Hoàn thành thủ tục hiến đất làm đường
Đến đây, chủ sở hữu đất tự nguyện hiến đất đã hoàn thành xong thủ tục hiến đất làm đường theo đúng quy định của pháp luật. Phần đất đã hiến không còn thuộc chủ quyền sở hữu của người làm thủ tục hiến đất nữa.
5/ Hiến đất làm đường có lấy lại được không?
Khoản 5 Điều 26 Luật đất đai 2013 quy định:
"5. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Khi Văn phòng đăng ký đất đai đã cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai thì đồng nghĩa với việc mảnh đất đã hiến không còn thuộc chủ quyền sở hữu của người hiến đất nữa. Phần đất đó bây giờ đã thuộc quyền sở hữu chung, nếu ai chiếm dụng bất hợp pháp thì sẽ vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Như vậy, đã hiến đất làm đường thì không thể lấy lại được đất nữa. Trước khi quyết định hiến đất, chủ đất cần suy nghĩ thật kỹ có nên hiến đất không, hiến có điều kiện hay không điều kiện để tránh sự hối tiếc sau này.
Xem thêm: