Đường Vành đai 3: Tổng hợp đầy đủ thông tin (Mới nhất)

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Đường Vành đai 3 - một trong 4 tuyến đường Vành đai quan trọng của Tp. HCM hiện đang nhận được sự quan tâm đông đảo của mọi người. Những thông tin đầy đủ và mới nhất về dự án đường Vành đai 3 sẽ được cập nhật ngay sau đây để giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn cảnh hơn.

Đường vành đai là gì?

Đường vành đai hay còn được gọi với tên khác là đường bao, là một đường bao trọn lấy nội ô. Đường vành đai có thể là đường cao tốc hoặc xa lộ. Mục đích của tuyến đường này là giúp cho các phương tiện không cần phải di chuyển trực tiếp vào các đường phố thuộc khu vực nội đô của thành phố (thường chật hẹp và ùn tắc).

Đường vành đai thường bị nhầm lẫn là đường tránh, tuy nhiên nếu hiểu như vậy sẽ hiểu sai. Đường vành đai có thể xem là một loại đường tránh, nhưng đường tránh thì không phải là đường vành đai. Đường tránh chỉ là một trục đường hay đường vòng đi qua một phần của đô thị, còn đường vành đai phải bao quanh đô thị.

Thông tin cơ bản về dự án đường Vành đai 3

Đường Vành đai 3 không phải là tuyến đường vành đai duy nhất tại Việt Nam. Ở Hà Nội, có 6 tuyến đường vành đai xử lý ùn tắc và kết nối thủ đô với các tỉnh miền Bắc, bao gồm: Vành đai 1, 2, 2.5, 3, 4 (trong đường Vành đai 4 có Vành đai 3.5) và 5. Và ở Tp. HCM, dự án Vành đai 3 không phải là đường vành đai duy nhất. Mà trước đó đã có sự xuất hiện của đường Vành đai 1, Vành đai 2. Còn đường Vành đai 4 dự kiến sẽ được triển khai vào quý III năm 2020 và hoàn thành trước quý I năm 2023.

Những thông tin cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn đọc phân biệt được đường Vành đai 3 tại Tp. HCM so với các dự án đường vành đai khác đã có hoặc sắp thực hiện.

  • Tên dự án: Đường Vành đai 3.
  • Thời gian phê duyệt: Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2013.
  • Cơ quan chủ quản: Bộ Giao thông vận tải.
  • Đơn vị thực hiện dự án: Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.
  • Tổng chiều dài: gần 97,7km (làm mới khoảng 70km), đi qua địa phận các tỉnh Long An, Bình Dương, Tp. HCM và Đồng Nai.
  • Quy mô: Bao gồm đường cao tốc vành đai, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp ở 2 bên, vận tốc 100km/h.
  • Vốn đầu tư: 35,6 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư xây dựng là nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước.
  • Kế hoạch thi công: Được chia thành 4 đoạn (xem ở phần nội dung tiếp theo dưới đây).

Sơ đồ đường Vành đai 3

Đường Vành đai 3 1

Thông tin chi tiết quy hoạch đường Vành đai 3

Theo quy hoạch, dự án đường Vành đai 3 sẽ được chia thành 4 đoạn, đi qua địa giới hành chính của 8 quận, huyện thuộc 4 tỉnh, thành phố, đó là:

  • Tp. HCM: Quận 9, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.
  • Đồng Nai: Nhơn Trạch.
  • Bình Dương: Dĩ An, Thuận An.
  • Long An: Bến Lức.

- Đoạn 1: Tân Vạn - Nhơn Trạch

Đoạn 1 dài 34,28km, sẽ đi qua tỉnh Đồng Nai và Tp. HCM. Điểm bắt đầu của đoạn 1 là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Sau đó hướng lên phía Bắc, vượt sông Đồng Nai tại cầu Nhơn Trạch. Tại cầu Nhơn Trạch, tiếp tục đi lên phía Bắc theo hướng đường cao tốc, sẽ giao cắt đường cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây ở Km 8 + 722. Sau đó đi qua 12 khu dân cư khác nhau của quận 9 theo hướng Bắc, Đông Bắc hướng về phía Tân Vạn. Cuối cùng sẽ giao cắt với Quốc lộ 1A tại Ngã 3 Tân Vạn.

Đoạn 1 được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ có mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng.

Giai đoạn 1: Tiếp tục chia thành 2 phần 1A và 1B.

  • Phần 1A từ Tỉnh lộ 25B đến cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây, dài 8,75km;
  • Phần 1B từ cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội, dài 8,96km.

Giai đoạn 2: Cũng chia dự án thành 2 phần 2A và 2B.

  • Phần 2A từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Tỉnh lộ 25B, dài 5,39km;
  • Phần 2B từ nút giao Lê Văn Việt đến nút giao Tân Vạn, dài 11,2km.

Đường Vành đai 3 2

- Đoạn 2: Bình Chuẩn - Tân Vạn

Đoạn 2 dài 16,7km, thiết kế 6 -8 làn xe, được đầu tư theo hình thức PPP.

Điểm đầu giao cắt Quốc lộ 1A tại khu vực Ngã 3 Tân Vạn, trùng với đường Tân Vạn - Mỹ Phước, khi đến Bình Chuẩn sẽ rẽ trái giao Quốc lộ 13 tại Thành phố Thủ Dầu Một. Điểm cuối tại cầu vượt sông Sài Gòn, cách cảng Bà Lụa khoảng 500 mét. Tại đây sẽ xây dựng cầu Bình Gởi vượt qua sông Sài Gòn.

- Đoạn 3: Quốc lộ 22 - Bình Chuẩn

Đoạn 3 dài 19,1km, sẽ đi qua tỉnh Bình Dương và Tp. HCM. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ có mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Sau khi đi qua Bình Chuẩn, Thành phố Thủ Dầu Một và vượt sông Sài Gòn (bằng cầu Bình Gởi) thì đường Vành đai 3 tiếp tục đi về hướng Tây - là hướng về Quốc lộ 22. Cụ thể, sẽ giao cắt với Quốc lộ 22 tại huyện Hóc Môn.

Đường Vành đai 3 3

- Đoạn 4: Bến Lức - Quốc lộ 22

Đoạn 4 dài 28,9km, đi qua địa phận thuộc Tp. HCM và tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư ước tính vào khoảng 11 tỷ đồng.

Sau khi đi qua Quốc lộ 22, đường Vành đai 3 sẽ đi về hướng Nam song song với sông Kênh An Hạ, đi qua Khu công nghiệp Mỹ Yên - Tân Bửu và đi về điểm cuối là đoạn giao với đường cao tốc Tp. HCM - Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cập nhật tiến độ đường Vành đai 3 mới nhất

Là dự án mang tính kết nối quan trọng của Tp. HCM với các tỉnh lân cận, được kỳ vọng nhiều về việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, song tiến độ thực hiện dự án thật sự khiến những người chờ đợi, mong ngóng phải thất vọng.

Được phê duyệt từ năm 2011 nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được hoàn thành. Theo thông tin mới nhất ghi nhận được thì tiến độ của dự án đường Vành đai 3 hiện đang như sau:

  • Đoạn 1 sắp tới sẽ được thực hiện phần 1A.
  • Đoạn 2 đi qua tỉnh Bình Dương đã được đầu tư giai đoạn 1, hiện đã được đưa vào khai thác và đem lại hiệu quả cao.
  • Đoạn 3 và đoạn 4 vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải Tp. HCM đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc nên ưu tiên thực hiện ngay giai đoạn 1 của dự án. Tiếp đó là đoạn 3 và đoạn 4. Cụ thể, đoạn 1 sẽ hoàn thành trước 2022. Đoạn 3 và một phần của đoạn 4 hoàn thành trước 2024. Và phần còn lại của đoạn 4 sẽ triển khai và hoàn thành vào năm 2023 - 2026.

Thời gian khởi công đường Vành đai 3

Đường Vành đai 3 khi nào khởi công là thắc mắc của hầu hết mọi người đang dành sự quan tâm cho dự án này. Được phê duyệt từ năm 2011 nhưng cho đến nay thời gian khởi công vẫn là ẩn số đối với rất nhiều người.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long - đơn vị chính thức thực hiện dự án, thì dự kiến khởi công dự án đường Vành đai 3 vào quý III năm 2021.

Tuy nhiên, để việc thi công đúng như tiến độ thì việc giải phóng mặt bằng phải được thực hiện quyết liệt ngay từ bây giờ. Dự kiến, đến cuối tháng 6 năm 2021 sẽ hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Được biết, đây là dự án có vốn vay ODA từ Hàn Quốc nên sẽ có khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý cho những người bị ảnh hưởng bởi việc giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long cho biết: “Hiện nguồn vốn cho dự án đã có sẵn, điều cần thiết là sự phối hợp giữa địa phương và chủ đầu tư để dự án có thể được triển khai xây dựng vào quý III-2021”.

Vai trò, ý nghĩa của tuyến đường Vành đai 3

Các tuyến đường vành đai ra đời đều nhằm mục đích là tạo ra một tuyến đường nhanh hơn để các luồng phương tiện có thể di chuyển từ hướng này tới hướng khác của thành phố, từ tỉnh này đến tỉnh khác mà không bị xung đột với luồng phương tiện di chuyển trong trung tâm của đô thị. Và đường Vành đai 3 cũng vậy.

- Vai trò của từng đoạn đường

  • Đoạn 1 đường Vành đai 3 sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực cảng Cát Lái, giảm lượng xe lưu thông trên cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc trên địa bàn Tp. HCM… từ đó cải thiện tình hình giao thông tại cửa ngõ phía Đông.
  • Đoạn 2 đi qua tỉnh Bình Dương đã được triển khai, đi vào sử dụng và cho thấy được hiệu quả của dự án này. Sau khi đoạn 1 được hoàn thành thì sự kết hợp giữa đoạn 1 và đoạn 2 sẽ giúp khu vực phía Đông thành phố kết nối thuận lợi hơn phía Bắc và phía Tây thành phố.
  • Đoạn 3 được đánh giá là tuyến đường mang ý nghĩa quan trọng, nắm giữ vai trò kết nối toàn bộ khu vực lân cận Tp. HCM như Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương với Tp. HCM. Đồng thời, đây cũng là mạch giao thông kết nối với các tuyến đường thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành, đoạn 3 của đường Vành đai 3 còn giúp Tp. HCM giảm lượng xe lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A và nút giao thông An Sương.
  • Đoạn 4 giữ vai trò kết nối giao thông khu vực Tp. HCM với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và Tiền Giang. Khi đó, đoạn 4 sẽ kết nối với giao thông của cao tốc Tp. HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Tp. HCM - Mộc Bài, Tây Ninh, tạo nên một hệ thống liên hoàn, hỗ trợ lẫn nhau.

Đường Vành đai 3 4

- Vai trò của cả tuyến đường

Tuyến đường Vành đai 3 nói riêng và tất cả các tuyến đường khác nói chung đều mang trên mình những “sứ mệnh” to lớn:

  • Đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận tiện, hạn chế kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.
  • Đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, nhanh chóng.
  • Tạo sự kết nối giữa các vùng với nhau: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tp. HCM. Đồng thời đảm bảo việc lưu thông giữa các tỉnh vùng ven thành phố với nhau mà không phải phụ thuộc vào các tuyến đường nội ô của thành phố.
  • Giảm tình trạng xe quá tải lưu thông trong nội thành Tp. HCM.
  • Giúp đồng bộ cơ sơ hạ tầng của các vùng ngoại ô.
  • Phù hợp với chính sách giãn dân ra khu vực vùng ven của Tp. HCM.
  • Là yếu tố quan trọng làm tăng giá trị bất động sản vùng ven, giúp nhà đầu tư bất động sản có nhiều cơ hội hơn.
  • Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng ven tương xứng với tiềm năng sẵn có.

- Tác động của đường Vành đai 3 đến bất động sản

Bất động sản Bình Dương, Long An và Đồng Nai vốn là “miếng bánh ngon” của giới bất động sản, nay lại càng hấp dẫn hơn với thông tin quy hoạch đường Vành đai 3 sẽ đi qua địa phận của 3 tỉnh này.

Như một quy luật, nơi đâu có hệ thống giao thông phát triển, nơi đó có bất động sản phát triển mạnh mẽ. Minh chứng rõ ràng nhất chính là sự tăng lên đến chóng mặt của giá đất 3 khu vực này. Ngoài ra, sự có mặt ồ ạt của hàng loạt các dự án cũng là dẫn chứng cho thấy sự sôi động từng ngày của bất động sản vùng ven. Chưa hết, nếu như nhà đầu tư trước đây thường “trấn thủ” tại khu vực thành phố thì nay họ đã “dạt” về các tỉnh vùng ven đầy tiềm năng như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu.

Tất nhiên khách quan mà nói thì có nhiều yếu tố tác động đến bất động sản vùng ven nhưng sự có mặt của các tuyến đường cao tốc, đặc biệt là dự án Vành đai 3 chính là “cú hích” mạnh mẽ giúp bất động sản các tỉnh này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Giải đáp một số thắc mắc về đường Vành đai 3

Vì dự án đường Vành đai 3 tại Tp. HCM trùng với tên gọi dự án đường Vành đai 3 ở Hà Nội, vì vậy đã có không ít các thắc mắc xoay quanh tuyến đường này. Dưới đây là câu trả lời cho những thắc mắc liên quan:

- Cầu Vành đai 3 ở đâu?

Đường Vành đai 3 ở Tp. HCM sẽ đi qua cầu Nhơn Trạch và cầu Bình Gởi (vượt sông Sài Gòn).

Đường Vành đai 3 ở Hà Nội sẽ đi qua 3 cây cầu lớn là: cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng.

Ngoài ra, tại Hà Nội còn có cầu Vành đai 3 trên cao thuộc đường Vành đai 3, khởi công vào tháng 1/2018, bắt đầu từ phía Bắc cầu Mai Dịch và kết thúc tại phía Nam cầu Thăng Long.

- Đường Vành đai 3 khi nào hoàn thành?

Dự án đường Vành đai 3 Hà Nội đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020.

Còn dự án đường Vành đai 3 Tp. HCM thì tiến độ xây dựng như bài viết đã đề cập ở trên.

- Đường Vành đai 3 Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn ở đâu?

Thực ra, tên gọi đường Vành đai 3 Hóc Môn, đường Vành đai 3 Bình Chánh và đường Vành đai 3 Củ Chi thực chất là do dự án đường Vành đai 3 đi qua 3 huyện này. Vì dự án Vành đai 3 là một tuyến đường dài kéo dài qua nhiều tỉnh thành khác nhau, gọi như vậy là để phân biệt các đoạn đường với nhau. Ví dụ ở Đồng Nai đoạn đường Vành đai 3 đi qua Nhơn Trạch người ta cũng sẽ gọi là đường Vành đai 3 Nhơn Trạch. Hay đoạn đường Vành đai 3 đi qua Bình Dương sẽ được gọi là đường Vành đai 3 Bình Dương.

Tổng kết

Bài viết đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin đầy đủ và mới nhất về đường Vành đai 3. Hy vọng đây sẽ là nguồn thông tin bổ ích giúp bạn đọc nắm bắt được tình hình của dự án.

Dự án Vành đai 3 sau khi hoàn thành sẽ giúp cho các khu vực mà tuyến đường này đi qua được “thay da đổi thịt”, nhất là lĩnh vực bất động sản. Chính vì vậy, những người quan tâm đến tiến độ dự án này đa phần là nhà đầu tư có tầm nhìn xa trông rộng. Họ đang ấp ủ những dự định, kế hoạch về việc sẽ sở hữu một hoặc một vài bất động sản liên quan đến tuyến đường này. Tuy nhiên, để không bị “chôn vốn” thì việc nắm bắt được tiến độ thi công dự án sẽ giúp họ có những quyết định đúng đắn hơn.

Ngoài ra, tuyến đường Vành đai 3 còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc tiết kiệm thời gian lưu thông giữa Tp. HCM với các khu vực vùng ven, đồng thời thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của các tỉnh liên quan. Vì vậy, sự kỳ vọng của mọi người dành cho tuyến đường này là vô cùng lớn.

Xem thêm: