Đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương hiện nay ra sao?
Đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương được xem là một trong những dự án BOT đình đám. Tuy nhiên, thực tế triển khai có vẻ như không đáp ứng được kỳ vọng.
Cao tốc Trung Lương là dự án đường cao tốc có ý nghĩa lớn với đối với hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Nam, nhất là giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện tuyến Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã chính thức đưa vào sử dụng, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đang trong giai đoạn thi công.
Nhằm hoàn chỉnh đồng bộ trục giao thông hiện đại, rút ngắn đoạn đường cũng như thời gian lưu thông từ trung tâm thành phố ra đường cao tốc, tuyến đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương chính thức được phê duyệt và khởi công từ tháng 10/2015.
Tổng quan dự án đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương
Dự án xây dựng đường nối Võ Văn kiệt với đường dẫn vào cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương có vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 1.600 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), do Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Yên Khánh làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.
Toàn tuyến có độ dài 2,7km, lộ giới 60m; được thiết kế 4 làn xe, đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 14m. Ở giữa có khoảng cách rộng 30m là không gian dùng cho cảnh quan, gồm: cây xanh, bãi cỏ, nguồn đất dự trữ cho giai đoạn 2). Công trình còn có hai cầu đi bộ và hai nút giao thông tại hai đầu tuyến.
Điểm đầu tuyến xuất phát từ nút giao thông Tân Kiên (điểm cuối của đường Võ Văn Kiệt, nơi giao cắt với quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) và điểm cuối nối vào nút giao thông Tân Tạo – Chợ Đệm của đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Tuyến đường nối này sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo nên sự kết nối với nhiều tuyến giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Tây, như Võ Văn Kiệt, quốc lộ 1A, đường Kinh Dương Vương,... điều hướng phương tiện ra cao tốc với khoảng cách ngắn nhất.
Ngoài ra, dự án cũng giúp đại lộ Đông Tây (phía đông từ nút giao thông Cát Lái trên xa lộ Hà Nội và điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây ra phía tây là quốc lộ 1A và đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương) được liên tục, thông suốt; góp phần giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1A, cầu Bình Điền,...
Có thể nói, dự án đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương mang ý nghĩa rất lớn đối với kinh tế, giao thông khu vực, tạo bước đệm cho các hoạt động giao thương, kết nối được sôi động, thuận lợi hơn.
Tiến độ triển khai dự án trên thực tế
Vào thời điểm khởi công, dự án dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 chỉ trong 20 tháng. Tuy nhiên, thi công dự án trên thực tế gặp phải nhiều khó khăn và khiến cho tiến độ không như kế hoạch ban đầu.
Cuối năm 2018, theo ghi nhận, công trình còn khá ngổn ngang và vắng bóng người. Tại điểm đầu của dự án đường nối dài, các hạng mục bị bỏ không hơn 1 năm và gần như không có ai điều hành, làm việc.
Điểm cuối của dự án là cầu vượt Tân Kiên trên đường dẫn vào đường cao tốc (đường Võ Trần Chí) cũng không khá khẩm hơn, chỉ hoàn thành hai trụ cầu. Các nhánh rẽ phải, rẽ trái qua nút giao cũng mới được thi công từng đoạn ngắn. Điều này kéo theo đường song hành cao tốc Trung Lương (đường gom hai bên Võ Trần Chí) cũng phải làm theo kiểu đứt đoạn.
Ghi nhận đến cuối năm 2019, nút giao cuối đường Võ Văn Kiệt - QL1 chỉ mới làm được phần cầu dẫn, đường dẫn lên cầu của các nhánh chưa thi công. Đoạn đi qua các khu dân cư, ruộng đồng, nhà máy ở huyện Bình Chánh vẫn còn nham nhở, thậm chí nhiều khu vực chưa giải phóng mặt bằng.
Nút giao Tân Kiên vượt trên Võ Trần Chí, dù một số đường nhánh đã được làm nhưng lại bị trì trệ rồi ngừng hẳn sau khi lãnh đạo phía chủ đầu tư liên quan đến các vấn đề pháp lý. Ở thời điểm này, thông tin đưa ra vẫn là đang tiến hành rà soát để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc Trung Lương xuất phát là một điểm sáng nhưng lại rất nhiều điểm nghẽn trên thực tế. Người dân vẫn đang đặt kỳ vọng lớn vào việc tuyến đường sớm hoàn thiện để có thể phát huy hết giá trị ban đầu của nó.
Xem thêm: