- Thuế đất là gì?
- Tại sao phải đóng thuế đất?
- Đất nào phải đóng thuế theo quy định?
- Đất nào không phải đóng thuế theo quy định?
- Ai phải đóng thuế đất theo quy định?
- Ai không phải đóng thuế đất theo quy định?
- Ai được miễn thuế đất đến năm 2020?
- Thuế đất phải đóng là bao nhiêu?
- Thủ tục đóng thuế đất mới nhất 2020
Quy định đóng thuế đất mới nhất (2020)
Pháp luật Việt Nam có những quy định rõ ràng về việc đóng thuế đất. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và đồng thời là quyền lợi của người sở hữu/ sử dụng đất khi đang đóng góp tiền bạc vào quỹ phát triển chung của đất nước. Bài viết sẽ đề cập chi tiết hơn về vấn đề này.
Thuế đất là gì?
Thuế đất hay còn gọi là thuế quyền sử dụng đất, là khoản thuế áp dụng cho cá nhân, tổ chức được nhà nước giao quyền sử dụng đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức khác.
Khi nói đến thuế đất là nói về 2 loại thuế phổ biến hiện nay:
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp;
- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (hay còn gọi là thuế nhà đất).
Tại sao phải đóng thuế đất?
Hiến pháp 2013 khi nói về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định” (Điều 47).
Những người có thu nhập cao hơn mức luật định thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp thì phải đóng thuế doanh nghiệp, các loại hàng hóa khi lưu thông qua cơ quan hải quan thì phải đóng thuế xuất khẩu và tương tự, người sử dụng hoặc sở hữu đất thì phải đóng thuế nhà đất.
Thuế chính là khoản nộp mang tính nghĩa vụ bắt buộc đối với các pháp nhân và thể nhân đối với nhà nước. Thuế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội một đất nước, cụ thể:
- Nguồn thu chính của ngân sách nhà nước;
- Công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô;
- Kích thích tăng trưởng kinh tế;
- Điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội (đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt);
- …
Đất nào phải đóng thuế theo quy định?
Trong phân loại đất đai theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đất được chia thành 3 loại cơ bản: Nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng (đất chưa xác định mục đích sử dụng).
Trong đó, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp là 2 loại đất sẽ phải đóng thuế theo quy định của pháp luật.
- Điều 2 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp số 23-L/CTN ngày 10/07/1993 của Quốc hội quy định: Đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất dùng vào sản xuất nông nghiệp, bao gồm:
- Đất trồng trọt;
- Đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản;
- Đất rừng trồng.
- Điều 2 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 số 48/2010/QH12 quy định đối tượng nộp thuế đất phi nông nghiệp bao gồm:
- Đất ở tại nông thôn, đất ở tại thành thị;
- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
- Đất phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 3 Luật này sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Đất nào không phải đóng thuế theo quy định?
- Đối với nhóm đất nông nghiệp: Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định: Đất không thuộc diện phải đóng thuế nhà đất (nhưng sẽ phải đóng các thuế khác hoặc không phải đóng thuế) bao gồm:
- Đất có rừng tự nhiên;
- Đất đồng cỏ tự nhiên;
- Đất dùng để ở;
- Đất chuyên dụng.
- Đối với nhóm đất phi nông nghiệp: Đất phi nông nghiệp sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh thì sẽ không phải đóng thuế nhà đất, bao gồm:
- Đất sử dụng vào mục đích công cộng như: Đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh…
- Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;
- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;
- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
- Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
- Đất phi nông nghiệp khác.
Ai phải đóng thuế đất theo quy định?
- Đối với đất nông nghiệp: Điều 1 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp về đối tượng quy định đóng thuế nhà đất bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp;
- Hộ được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng vẫn phải nộp thuế đất nông nghiệp;
- Đối với đất phi nông nghiệp: Điều 4 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định các đối tượng phải đóng thuế đất bao gồm:
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế tại Điều 2 Luật này;
- Nếu cá nhân, tổ chức, hộ gia đình chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đang sử dụng đất sẽ là người nộp thuế;
- Nếu được nhà nước cho thuế đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất là người nộp thuế;
- Người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thuận thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không có thỏa thuận thì người sử dụng đất là người phải nộp thuế;
- Đất được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người sử dụng đất là người phải nộp thuế;
- Nếu trên cùng một thửa đất có nhiều người cùng có quyền sử dụng thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của tất cả những người đó;
- Nếu người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thì đối tượng chịu thuế là pháp nhân mới.
Ai không phải đóng thuế đất theo quy định?
- Đối với đất nông nghiệp: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sử dụng đất nông nghiệp thì không phải nộp thuế đất theo quy định (dù đó là đất thuộc đối tượng chịu thuế). Nhưng cá nhân, tổ chức nước ngoài sẽ phải nộp tiền thuê đất theo quy định tại Điều 29 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, đối tượng được miễn thuế đất nông nghiệp còn là:
- Đất đồi, núi trọc sản xuất nông, lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng;
- Đất khai hoang dùng để sản xuất;
- Đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại mới và đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả;
- Đất khai hoang được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Đối với đất phi nông nghiệp: Đối tượng được miễn thuế đất phi nông nghiệp bao gồm:
- Đất dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt, dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn, đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% lao động là thương bệnh binh;
- Đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa;
- Đất xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trẻ mồ côi…;
- Đất trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/08/1945, thương binh hạng ½, 2/4…;
- Đất ở trong hạn mức của hộ nghèo;
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất;
- Đất có nhà vườn được xác nhận là di tích lịch sử - văn hóa;
- Người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng gây thiệt hại về nhà và đất trên 50% giá tính thuế.
Ai được miễn thuế đất đến năm 2020?
Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, Nghị quyết 55/2010/QH12 và Nghị quyết 28/2016/QH14 đã đưa ra nghị quyết về việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thời hạn miễn thuế theo Nghị quyết 28/2016/QH14 là hết ngày 31/12/2020. Hiện đang đề xuất để tiếp tục miễn thuế đến hết ngày 31/12/2030.
Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết này bao gồm:
Thuế đất phải đóng là bao nhiêu?
- Đối với đất nông nghiệp, giá tính thuế sẽ áp dụng theo công thức sau:
Thuế đất nông nghiệp = Diện tích x Hạng đất x Định suất thuế
Trong đó:
- Diện tích: Là diện tích giao cho hộ sử dụng đất phù hợp với sổ địa chính nhà nước. Nếu chưa lập sổ địa chính thì diện tích tính thuế là diện tích được ghi trên tờ khai của hộ sử dụng đất.
- Hạng đất: Do xã, phường, thị trấn phân hạng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt ổn định 10 năm.
- Định suất thuế: Tính bằng kg/thóc trên một đơn vị diện tích theo hạng đất.
- Đối với đất phi nông nghiệp, giá tính thuế áp dụng công thức sau:
Thuế đất phi nông nghiệp = Giá tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
- Giá tính thuế = Diện tích đất tính thuế x Giá 1m2 đất
- Thuế suất: Được xác định dựa vào Điều 7 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.
Thủ tục đóng thuế đất mới nhất 2020
Thủ tục nộp thuế nhà đất tùy vào từng loại đất mà được tiến hành như sau:
- Đối với đất nông nghiệp:
- Thuế sẽ được nộp hàng năm từ 1 đến 2 lần theo vụ thu hoạch chính của từng loại cây trồng.
- Thời gian nộp thuế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Trước thời hạn nộp thuế ít nhất 10 ngày, cơ quan thu thuế sẽ gửi thông báo cho từng hộ nộp thuế về thời gian, địa điểm và số thuế phải nộp.
- Đối với đất phi nông nghiệp:
- Người nộp thuế đăng ký, khai, tính và nộp thuế tại cơ quan thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất. Nếu trường hợp ở vùng sâu, vùng xa thì người nộp thuế có thể thực hiện thủ tục tại UBND xã.
- Dựa vào tờ khai của người nộp thuế, cơ quan thuế tính, lập Thông báo nộp thuế theo mẫu 01/TB-SDDPNN.
- Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo, người nộp thuế có quyền phản hồi về các thông tin trên thông báo và gửi nơi nhận hồ sơ khai thuế. Cơ quan thuế sẽ trả lời trong vòng 10 ngày tiếp theo.
- Nếu người nộp thuế không có ý kiến phản hồi thì số tiền ghi trên thông báo chính là số thuế phải nộp. Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm.
Nhà nước giao cho mọi người quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất/sở hữu đất có nghĩa vụ phải đóng thuế đất. Khi nhận được thông báo nộp thuế, người nộp thuế cần chuẩn bị tiền và đóng theo thời gian, địa điểm được ghi trong thông báo (trừ trường hợp có khiếu nại, phản hồi). Nếu không đóng thuế đất theo quy định thì người nộp thuế sẽ bị truy thu và xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Xem thêm: