Đất trồng cây hàng năm khác là gì? Có lên thổ cư được không?

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác. Vậy đất trồng cây hàng năm khác thuộc nhóm đất nào? Có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ loại đất này sang đất thổ cư hay không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết ngay sau đây. Mời các bạn cùng theo dõi nhé.

1/ Đất trồng cây hàng năm khác là đất gì?

Khái niệm đất trồng cây hàng năm khác

Đất trồng cây hàng năm khác là loại đất thuộc đất trồng cây hàng năm và nằm trong nhóm đất nông nghiệp. Do đó, hệ thống pháp luật về đất đai áp dụng với đất trồng cây hàng năm khác cũng như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với loại đất này đều có sự tương đồng với đất nông nghiệp.

Căn cứ phân loại đất đai theo quy định mới nhất của pháp luật Việt Nam thì đất đai được phân loại thành:

  • Nhóm đất nông nghiệp
  • Nhóm đất phi nông nghiệp
  • Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng

Đất trồng cây hàng năm khác 1

Để xác định được đất trồng cây hàng năm khác là loại đất gì và thuộc nhóm đất nào phải dựa vào căn cứ pháp lý cụ thể.

Khoản 1 Điều 10 Luật đất đai 2013 nêu rõ nhóm đất nông nghiệp bao gồm:

  • Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
  • Đất trồng cây lâu năm.
  • Đất rừng sản xuất.
  • Đất rừng phòng hộ.
  • Đất rừng đặc dụng.
  • Đất nuôi trồng thủy sản.
  • Đất làm muối
  • Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Phụ lục số 01 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT (Mục I - Loại đất) có quy định như sau:

  • Đất trồng cây hàng năm khác là đất trồng các cây hàng năm không phải là trồng lúa, như các loại cây rau, màu; kể cả cây dược liệu, mía, đay, gai, cói, sả, dâu tằm và đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc.

Điểm đặc biệt lưu ý ở đây là đất trồng cây hàng năm khác không phải là đất trồng lúa. Luật đất đai 2013 và Thông tư 24/2018/TT-BTNMT cũng quy định rõ ràng điều này. Cụ thể, đất trồng cây hàng năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một (01) năm; kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá năm (05) năm và trường hợp trồng cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ. Đất trồng cây hàng năm bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.

Phân loại đất trồng cây hàng năm khác

Phụ lục số 01 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT quy định:

  • Đất trồng cây hàng năm khác bao gồm đất bằng trồng cây hàng năm khác và đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác.
  • Đất bằng trồng cây hàng năm khác là đất bằng phẳng ở đồng bằng, thung lũng, cao nguyên để trồng cây hàng năm khác.
  • Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác là đất trồng cây hàng năm khác trên sườn đồi, núi dốc, kể cả trường hợp trồng cây hàng năm khác không thường xuyên nhưng theo chu kỳ.

2/ Quy định sử dụng đất trồng cây hàng năm khác

Hạn mức giao đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho cá nhân, hộ gia đình mới nhất được quy định cụ thể là:

(1) Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:

  • Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
  • Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

(2) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.

Đất trồng cây hàng năm khác 2

Người sử dụng đất có quyền:

  • Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
  • Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
  • Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
  • Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
  • Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
  • Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ:

  • Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
  • Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
  • Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.
  • Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
  • Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
  • Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

3/ Đất trồng cây hàng năm khác lên thổ cư được không?

Tương tự như thắc mắc đất trồng cây lâu năm có lên thổ cư được không, nhiều người tỏ ra băn khoăn khi không biết đất trồng cây hằng năm khác khi muốn chuyển thành đất ở thì liệu có thể?

Căn cứ theo các quy định của Luật đất đai và văn bản pháp lý liên quan thì đất trồng hàng năm khác có thể chuyển đổi sang đất thổ cư (hay còn gọi là đất ở). Theo đó, trường hợp này thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Là trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013.

Khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất thực hiện theo trình tự, thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, như sau:

(1) Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.

(2) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

(3) Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Đất trồng cây hàng năm khác 3

Tổng kết

Tóm lại, đất trồng cây hàng năm khác thuộc nhóm đất nông nghiệp nên các quy định áp dụng đối với loại đất này cũng có nhiều sự tương đồng. Bao gồm cả quy trình, thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất ở. Tuy nhiên, phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Luật đất đai hiện hành. Các hành vi xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất trồng cây hàng năm khác sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt dù là sớm hay muộn. Vì vậy, bất kỳ ai cũng phải biết điều này để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.

Xem thêm: