Đất rừng sản xuất có được xây dựng theo QĐ hiện hành không?
Đất rừng sản xuất có được xây dựng vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu chưa chính xác trong thực tiễn. Nhiều cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các công trình xây dựng nhưng chưa tìm hiểu về các quy định liên quan.
Việc xây dựng trên đất rừng có thể phục vụ cho nhiều mục đích, tuy nhiên, không phải loại đất nào cũng được phép thực hiện bởi nguyên tắc sử dụng đất đúng mục đích. Để biết đất rừng sản xuất có xây dựng được không, cần hiểu rõ các trường hợp phân loại và quy định đất đai về sử dụng, chuyển đổi, nghĩa vụ liên quan,...
Đất rừng sản xuất là gì
Như đã đề cập tại bài viết về các vấn đề liên quan đến sổ đất rừng, đất rừng sản xuất chủ yếu dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh gỗ, lâm sản và đặc sản rừng, động vật rừng có kết hợp với việc bảo vệ môi trường hệ sinh thái và phòng hộ.
Đất rừng sản xuất được chia thành hai nhóm:
- Đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên: được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh tự nhiên; được giao với mục đích để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hình thức quản lý của loại đất này là giao và cho thuê đất.
- Đất rừng sản xuất là rừng trồng sẽ bao gồm: Rừng trồng bằng vốn có ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.
Đất rừng sản xuất là đất thuộc nhóm đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2013.
Đất xây dựng là đất gì?
Tại khoản 2, điều 10 Luật Đất đai 2013 có liệt kê nhóm đất phi nông nghiệp gồm:
- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
- Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
- Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
- Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông, thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
- Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
- Đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;
Như vậy, đất dùng để xây dựng nói chung thuộc về nhóm đất phi nông nghiệp, không có cùng mục đích sử dụng với đất rừng sản xuất.
Đất rừng sản xuất có được xây dựng không?
Theo điều 6 và điều 170 Luật Đất đai 2013, cá nhân, tổ chức sử dụng đất có nghĩa vụ phải sử dụng đúng mục đích sử dụng ban đầu của đất. Như vậy để có thể hành xây dựng trên đất rừng sản xuất, bắt buộc cá nhân, tổ chức phải tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất.
Với trường hợp cá nhân, tổ chức nào cố ý xây dựng trái phép khi chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sẽ bị xử phạt hành chính tùy mức độ như sau (theo Điều 7 Nghị định 102/2014/NĐ-CP):
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 05 héc ta;
- Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta đến dưới 10 héc ta;
- Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 10 héc ta trở lên.
- Đồng thời, buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, đất rừng sản xuất có được xây dựng theo quy định hiện hành phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức có thực hiện thủ tục chuyển mục đích theo đúng trình tự, thủ tục hay chưa. Đây là quy định quan trọng liên quan đến nguyên tắc sử dụng đất, do đó, cá nhân, tổ chức nên lưu ý để áp dụng.
Xem thêm: