Đất nhận khoán là gì? Tổng hợp các QĐ mới nhất
Đất nhận khoán là gì? Thu hồi đất nhận khoán có được bồi thường hay không? Quy định về hình thức, thời hạn của đất nhận khoán như thế nào?
Hiện nay, nhà nước ta vẫn đang tiến hành nhiều hoạt động giao khoán đất với mục đích sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất bằng nguồn vốn, sức lao động từ bên nhận khoán; góp phần hài hòa lợi ích và giá trị kinh tế của các bên.
Đất nhận khoán là gì?
Đất nhận khoán là loại đất được nhắc đến trong các trường hợp giao khoán đất quy định theo pháp luật hiện hành về đất đai. Các vấn đề liên quan đến giao khoán đất được quy định tại khoản 7 điều 3 Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn, theo đó:
- Giao khoán đất là hình thức thỏa thuận thực hiện công việc trong các hoạt động quản lý, sử dụng, sản xuất, bảo vệ giữa bên giao khoán và bên nhận khoán có thời hạn theo hợp đồng giao khoán đất.
- Chủ thể giao khoán đất: Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ; các Công ty nông, lâm nghiệp
- Bên nhận khoán đất: Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương (xã, phường, thị trấn) theo quy định của Luật cư trú năm 2006; cộng đồng dân cư thôn theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Luật đất đai năm 2013 nơi có đối tượng khoán
Như vậy, đất nhận khoán là đất được giao khoán theo quyết định từ các tổ chức kinh tế, tổ chức quản lý rừng. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình có thể nhận khoán đất nông trường, đât lâm nghiệp (đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng).
Tổng hợp các quy định về đất nhận khoán
Căn cứ theo các quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 168/2006/NĐ-CP và Nghị định 47/2014/NĐ - CP, giao khoán đất được quy định cụ thể như sau:
Hình thức khoán
- Khoán công việc, dịch vụ
- Khoán trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng đối với diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
- Khoán sản xuất kinh doanh theo năm hoặc theo thời vụ thu hoạch đối với vườn cây và mặt nước trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. - Khoán ổn định
- Khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên theo biện pháp kỹ thuật lâm sinh. Không áp dụng hình thức khoán này trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
- Khoán theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh đối với diện tích rừng trồng, vườn cây, mặt nước thực hiện khoán.
Thời hạn khoán
- Thời hạn khoán công việc, dịch vụ: Theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng tối đa không quá 01 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.
- Thời hạn khoán ổn định: Theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa bên khoán và nhận khoán, nhưng tối đa không quá 20 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.
- Trường hợp hợp đồng hết thời hạn, nếu bên nhận khoán không vi phạm hợp đồng khoán, đáp ứng được các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị định này, có nhu cầu nhận khoán thì được tiếp tục ký hợp đồng.
Hạn mức khoán
- Hạn mức khoán cho cá nhân theo thỏa thuận, nhưng không quá 15 héc ta.
- Hạn mức khoán cho hộ gia đình theo thỏa thuận, nhưng không quá 30 héc ta.
- Hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn theo thỏa thuận, nhưng tổng diện tích khoán không vượt quá tổng diện tích bình quân mỗi hộ gia đình trong cộng đồng không quá 30 héc ta tại thời điểm hợp đồng khoán.
Bồi thường khi thu hồi đất nhận khoán
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh mà thuộc đối tượng là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó thì khi thu hồi sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.
Theo đó, hỗ trợ ổn định được quy định như sau:
- Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.
- Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng hoặc tối đa 36 tháng;
- Ngoài ra, các đối tượng nêu trên được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất theo hình thức bằng tiền. Tiền được bồi thường để trừ vào số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính gồm tiền được bồi thường về đất, tiền được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có).
Lưu ý, để có thể được nhận bồi thường và hỗ trợ như trên, cá nhân, hộ gia đình phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất. Ví dụ như đất giao khoán nông trường thì phải có hợp đồng lập thành văn bản, đầy đủ chữ ký của các bên giao và nhận khoán đất, nêu rõ diện tích, mục đích, thời hạn,...
Trên đây là một vài thông tin hỗ trợ làm rõ khái niệm đất nhận khoán là gì? Đây là loại đất cần được nghiên cứu trên các văn bản luật chuyên ngành và nghị định, thông tư hướng dẫn, tránh nhầm lẫn với các quy định về những loại đất thông dụng khác.
Xem thêm: