Có nên mua nhà có điện thờ không?
Thờ cúng ông bà, tổ tiên là một trong những nét tín ngưỡng đặc trưng của người Việt. Tuy nhiên, có nên mua nhà có điện thờ; điện thờ tại gia có ảnh hưởng gì đến phong thủy và tài lộc hay không?
Hiện nay, việc đặt bàn thờ ông bà, bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật, thờ người đã khuất... đang dần trở nên phổ biến và quen thuộc với các gia đình. Nó như một nét văn hóa điển hình, ít ai cảm thấy lạ hay nghi ngại. Tuy nhiên, điện thờ lại mang những tính chất và ý nghĩa khác so với bàn thờ thông thường nên người mua có vẻ lạ lẫm cũng như dè dặt hơn. Thậm chí việc mua lại nhà có điện thờ cũng đáng ngại như việc mua phải nhà có người chết, nhiều linh hồn trú ngụ bên trong.
Điện thờ là gì?
Điện là sảnh đường cao lớn, thường chỉ chỗ Vua Chúa ở, chỗ Thần Thánh ngự. Điện thờ là một hình thức nhỏ hơn của Đền và Phủ nhưng lớn hơn Miếu thờ, gọi là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ.
Điện thông thường sẽ thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam tứ phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: bát hương, tam sơn, đài, lọ hoa, vàng mã, nến, … Điện thờ có thể là của cộng đồng hoặc tư nhân, đặt tại gia.
Như vậy, có thể hiểu, điện thờ mang quy mô lớn hơn, thờ nhiều thánh, thần và các nhân vật tâm linh hơn so với bàn thờ gia đình thông thường.
Điện thờ tại gia cần chú ý những gì?
Lập điện thờ tại gia đồng nghĩa với việc mời thánh, thần về nhà để chăm sóc, thờ cúng, bày tỏ lòng thành. Muốn lập điện thờ, gia chủ cần phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc về tâm linh và phong thủy:
- Việc lập điện thờ phải ứng với người có căn số và phải thích hợp với việc nhà Thánh. Người lập điện ít nhất cũng đã trải qua nghi thức trình đồng mở phủ, đã là Thanh đồng; phải có thời gian gắn bó với tín ngưỡng thờ Tứ phủ và hiểu biết nhất định về nghi thức lễ nghĩa trong việc thờ Tứ phủ
- Khi có ý định lập điện, cần cân nhắc và suy nghĩ thấu đáo vì theo thì dễ nhưng giữ lễ thì khó. Sau khi lập điện phải giữ gìn phép tắc, lễ nghi lâu dài, không được lập rồi bỏ; luôn phải đủ thiết lễ, xuân thời tứ tiết, ngày rằm mùng một. Hàng ngày dâng nước, lên hương, sáng thỉnh chuông chiều bái chuông. Một năm ít nhất hai lần hầu đồng.
- Cẩn thận về người kế tục khi về già. Vì không có người kế tục thì phải giải điện. Giải điện giống như đuổi thần phật đi. Vì thế ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng không tốt cho gia chủ về sau.
Có nên mua nhà có điện thờ không?
Từ một số nguyên tắc về việc lập điện, người mua cần phân tích kỹ một vài yếu tố dưới đây trước khi quyết định có nên mua nhà có điện thờ.
Điện thờ còn ở trong nhà, chủ cũ chưa làm thủ tục giải điện, cần có người tiếp tục công việc chăm sóc, dọn dẹp hàng ngày. Do đó:
- Người mua cần xác định, việc thờ cúng các vị thánh, thần trên điện có phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng mà mình đang theo đuổi hay không. Người mua có phù hợp với việc thờ Thánh.
- Bản thân có đủ hiểu biết và lòng thành để tiếp quản điện thờ hay không?
- Việc quản lý điện thờ có ảnh hưởng đến công việc và đời sống sau này không?
- Quan trọng, phải xem xét việc tiếp quản như vậy có được phép hay không?
Nếu điện thờ cũ để lại:
- Không nên dùng lại bát hương, tượng thần thánh; nên để “họ” đi theo chủ cũ.
- Bàn thờ muốn sử dụng lại phải lau chùi cẩn thận, tẩy uế kỹ lưỡng, tiến hành theo các thủ tục lập bàn thờ mới.
Tuy nhiên, một cách khách quan, có nên mua nhà có điện thờ cần phải được xem xét trên khía cạnh điện thờ đó có còn sử dụng hoặc tạo ra ảnh hưởng với gia chủ hay không. Để đảm bảo các quy tắc tâm linh và phong thủy, một trong những điều cấm kỵ khi mua nhà được ông bà ta truyền lại, điện thờ, bàn thờ là những thứ được khuyên không nên “dùng lại” của chủ cũ. Do đó, nếu được, hãy chọn những căn nhà không vướng quá nhiều vấn đề thờ cúng, tín ngưỡng bởi quan niệm của các đời chủ không giống nhau dẫn đến cách thức, nghi thức thờ cúng cũng có sự khác biệt.
Xem thêm: