Chuyển nhượng đất quân đội quốc phòng có được không? [CẬP NHẬT 2024]

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Đất quân đội - quốc phòng là loại đất được sử dụng cho mục đích quốc phòng, do Bộ Quốc phòng quản lý. Vậy có được chuyển nhượng đất quân đội - quốc phòng hay không? Các quy định mới nhất liên quan đến loại đất này là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!

1. Đất quân đội - quốc phòng là đất gì? Những điều cần biết

Căn cứ vào phân loại đất đai theo quy định mới nhất của pháp luật thì đất quân đội - quốc phòng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Vậy nên cơ chế quản lý và sử dụng đất quân đội - quốc phòng về cơ bản sẽ giống với các quy định thuộc nhóm đất này.

- Khái niệm

Điều 3 Thông tư 35/2009/TT-BQP định nghĩa về đất quốc phòng - quân đội như sau:

Đất quốc phòng là đất được Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng theo quy định của Luật đất đai.

chuyển nhượng đất quân đội - quốc phòng 1

- Mục đích sử dụng

Khoản 1 Điều 89 Luật đất đai 2003 quy định mục đích sử dụng của đất quốc phòng - quân đội nhằm:

  • Làm đơn vị đóng quân;
  • Làm căn cứ quân sự;
  • Làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng;
  • Làm ga, cảng quân sự;
  • Làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng;
  • Làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi huỷ vũ khí
  • Xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng quản lý;
  • Xây dựng các công trình quốc phòng khác do Chính phủ quy định.

Điều 148 Luật đất đai 2013 cũng có quy định mục đích của đất quốc phòng - an ninh là:

  • Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;
  • Xây dựng căn cứ quân sự;
  • Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng;
  • Xây dựng ga, cảng quân sự;
  • Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng;
  • Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;
  • Xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng quản lý.

>>> Đất quốc phòng - quân đội phải được sử dụng đúng mục đích đã xác định. Nếu đất không được sử dụng đúng mục đích thì UBND cấp tỉnh sẽ thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích. Sau 12 tháng kể từ ngày thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất chưa đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì UBND cấp tỉnh có quyền thu hồi để giao cho người khác sử dụng.

Nghị quyết mới nhất số 132/2020/QH14 cũng nói rõ: Việc sử dụng đất quốc phòng - quân đội phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

- Người sử dụng đất quân đội - quốc phòng

Theo Điều 50 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì người sử dụng đất quốc phòng - an ninh được quy định như sau:

  • Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là người sử dụng đất đối với đất cho các đơn vị đóng quân trừ (trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này); đất làm căn cứ quân sự; đất làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; đất thuộc các khu vực mà Chính phủ giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, bảo vệ và sử dụng;
  • Các đơn vị trực tiếp sử dụng đất là người sử dụng đất đối với đất làm ga, cảng quân sự; đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; đất làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
  • Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an phường, thị trấn; đồn biên phòng là người sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở.

- Nguyên tắc sử dụng và quản lý

Điều 3 Nghị quyết số 132/2020/QH14 quy định về Nguyên tắc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế như sau:

  • Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
  • Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
  • Chỉ đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 và đối tượng được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
  • Không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết.
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Đất quân đội - quốc phòng có được chuyển nhượng không?

- Trước tháng 8/2009

Như đã nói ở trên, đất quân đội - quốc phòng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Vì vậy những quy định về chuyển nhượng đất phi nông nghiệp cũng chính là quy định về chuyển nhượng đất quốc phòng, quân đội.

Cụ thể như sau:

--- Về điều kiện chuyển nhượng đất:

  • Phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

--- Về thủ tục chuyển nhượng:

(+) Người chuyển nhượng phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ gồm:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (01 bản chính + 02 bản photo có chứng thực)
  • CMND, hộ khẩu 2 bên chuyển nhượng (02 bản có chứng thực)
  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (02 bản có công chứng). Lưu ý: Giấy chuyển nhượng đất viết tay không có hiệu lực, bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật.
  • Giấy tờ chứng minh tài sản chung/ riêng (giây xác nhận tình trạng hôn nhân, 02 bộ có chứng thực)
  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (01 bản chính)
  • Tờ khai lệ phí trước bạ (02 bản chính)
  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (02 bản chính)
  • Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (02 bản chính)
  • Tờ khai đăng ký thuế
  • Sơ đồ vị trí nhà đất (01 bản chính)

(+) Hồ sơ được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ sẽ được chuyển đến phòng Tài nguyên & Môi trường và cơ quan thuế.

(+) Cơ quan thuế sẽ gửi thông báo về các khoản thuế phí chuyển nhượng nhà đất phải đóng.

(+) Sau khi đóng thuế xong, người chuyển nhượng đất cầm biên lai đến Văn phòng đăng ký đất đai để nhận giấy chứng nhận về.

chuyển nhượng đất quân đội - quốc phòng 2

--- Về thuế, phí phải đóng:

Tất cả mọi trường hợp chuyển nhượng đất đều phải đóng thuế chuyển nhượng đất, trừ khi: bố mẹ chuyển nhượng đất cho con, ông bà chuyển nhượng đất cho cháu, anh chuyển nhượng đất cho em… Cụ thể, các loại thuế phí phải đóng bao gồm:

  • Thuế thu nhập chuyển nhượng đất: xem chi tiết tại đây;
  • Thuế trước bạ nhà đất: xem chi tiết tại đây;
  • Phí chuyển nhượng nhà đất: xem chi tiết tại đây.

>>> Như vậy, trước tháng 8/2009 thì về cơ bản quy định chuyển nhượng đất quân đội - quốc phòng cũng giống như quy định chuyển đổi đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp hay các loại đất khác. Nhưng từ sau tháng 8/2009 thì mọi chuyện đã khác.

- Sau tháng 8/2009

Thông tư số 35/2009/TT-BQP ngày 20/7/2009 (có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký) về Ban hành quy chế quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế quy định:

“Điều 9: Nghiêm cấm các hành vi:

...

3. Cho thuê lại; chuyển mục đích sử dụng (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 1 Quy chế này); mua bán, cầm cố, thế chấp hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

….”

Mới đây nhất là Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 (có hiệu lực ngày 1/2/2024) về Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng đã quy định:

“Điều 6: Quyền, nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế:

.....

5. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.”

>>> Như vậy, kể từ tháng 8/2009 trở đi thì đất quân đội - quốc phòng không được chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn mà chỉ được sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

3. Tổng kết

Kể từ Thông tư số 35/2009/TT-BQP và mới đây nhất là Nghị quyết số 132/2020/QH14 thì đất quốc phòng - quân đội không được chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê… Mọi trường hợp chuyển nhượng đất quốc phòng - quân đội đều không đúng với quy định của pháp luật và sẽ bị thu hồi. Người dân cần nắm được quy định này để làm đúng, tránh “tiền mất tật mang”.

Nguồn: Trần Anh Group

Xem thêm: