Chuyển đổi đất rừng phòng hộ theo quy định hiện hành

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Chuyển đổi đất rừng phòng hộ là việc thay đổi mục đích sử dụng đất. Việc chuyển đổi chịu sự điều chỉnh của các quy định của pháp luật về điều kiện, đối tượng, thẩm quyền và hạn mức,...

Trong thực tiễn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ là nhu cầu thường gặp ở nhiều hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất. Không hiếm trường hợp các hộ dân tự ý sử dụng đất vào mục đích khác mà chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là thu hồi đất mà không được xem xét đến các trường hợp bồi thường cho đất rừng phòng hộ.

Do đó, để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, người sử dụng cần hiểu rõ về loại đất này cũng như các quy định liên quan tại Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn.

Đất rừng phòng hộ là gì?

Theo Luật Lâm nghiệp 2017, tại điều 5 về phân loại rừng, rừng phòng hộ là loại rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; bao gồm:

  • Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
  • Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

Đất rừng phòng hộ là gì?

Theo đó, điều 136 Luật Đất đai 2013 quy định về việc giao đất rừng phòng hộ như sau:

  • Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
  • Tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất rừng phòng hộ cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó để bảo vệ, phát triển rừng; Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đó sử dụng.
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.
  • Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng; có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Như vậy, tùy theo từng trường hợp sử dụng mà cá nhân, tổ chức có được cấp sổ đỏ cho rừng phòng hộ hay không. Điều này cũng là cơ sở để ràng buộc các quy định pháp lý liên quan.

Chuyển đổi đất rừng phòng hộ được quy định như thế nào

Chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang loại đất rừng khác

Điều 18 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định, việc chuyển loại rừng này sang loại rừng khác phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp;
  • Đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng;
  • Có phương án chuyển loại rừng.

Thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng được quy định cụ thể như sau:

  • Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng không thuộc trường hợp quy định tại điểm nêu trên, sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng.

chuyển đổi đất rừng phòng hộ

Chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích khác

Bên cạnh điều kiện chuyển mục đích được quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp 2017 (tương tự với các quy định chuyển mục đích đất rừng sản xuất), việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích khác thuộc trường hợp phải xin phép cơ quan có thẩm quyền tại Điều 57 Luật Đất đai 2013.

Như vậy, đất rừng phòng hộ có thể được chuyển đổi sang sử dụng cho mục đích khác thuộc nhóm đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, điều 58 Luật Đất đai có quy định chi tiết đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án đầu tư như sau:

Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

  • Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;
  • Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Do đó, cần dựa vào diện tích chuyển đổi để xác định thẩm quyền trong trường hợp này.

Chuyển đổi đất rừng phòng hộ hiện có nhiều trường hợp và quy định trong thực tế. Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có nhu cầu cần áp dụng đúng để tránh các sai phạm trong quá trình sử dụng, quản lý đất đai.

Xem thêm: