Nhiều sai phạm trong cấp giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ
Cấp giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ diễn ra khá phổ biến hiện nay. Tuy được pháp luật về đất đai quy định nhưng không hiếm trường hợp cấp sổ đỏ cho đất rừng phòng hộ trái với các nguyên tắc.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thời điểm này có ý nghĩa rất lớn đến các cá nhân và hộ gia đình khi ghi nhận toàn bộ quyền, lợi ích cũng như khả năng tham gia các giao dịch khác chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên, một vài sai phạm từ cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền về đất đai đã vô tình khiến người dân rơi vào những tình huống “dở khóc dở cười” hoặc phẫn nộ khi “lách luật” để trục lợi.
Thực trạng cấp giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ
Vào năm 2018, UBND Phú Quốc đã phải tạm ngừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ đang sử dụng đất trong phạm vi đất rừng phòng hộ nhằm tiến hành rà soát các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp với đất có nguồn gốc là rừng phòng hộ; làm rõ các sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, từ năm 2010 - 2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định thu hồi và giao tổng diện tích hơn 4.600ha đất rừng phòng hộ cho 4 xã, 2 thị trấn, 3 tổ chức. Tuy nhiên, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phú Quốc lại không thống kê chính xác các chủ sử dụng đất, diện tích rừng đã bị lấn chiếm, bao chiếm trong quá trình thực hiện, khi bàn giao không có ranh mốc cụ thể. Do đó, đất rừng phòng hộ không được quản lý chặt chẽ, chính xác, nhiều hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, được cấp giấy chứng nhận với hàng loạt sai sót trên thực tế.
Tương tự, một cán bộ quản lý rừng phòng hộ tại Gia Lai đã tự ý “chuyển” 85ha đất thành "của riêng" khi cố ý hợp thức hóa đất lâm nghiệp với sự “hỗ trợ” của các cán bộ khác và UBND Tp. Pleiku. Sau đó, đối tượng này đã tự ý phân lô, tách thửa, sang nhượng lại cho nhiều người khác.
Tương tự, tại Cô Tô, sự nóng lên của các hoạt động du lịch cũng đã hô biến sổ đỏ cho hàng ngàn mét vuông đất rừng phòng hộ để xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng. Tuy nhiên, phía cơ quan có thẩm quyền lại không hề cung cấp được bất kỳ hồ sơ, giấy tờ nào liên quan để chứng minh thửa đất trên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Được biết, trước đây khu vực này trồng rất nhiều cây chõi, bụi dứa để chắn cát và được lãnh đạo địa phương “cảnh báo” là đất rừng phòng hộ, không được xâm phạm.
Cũng là câu chuyện cấp "nhầm" sổ đỏ, nhiều người dân tại Gia Lai phải dở khóc dở cười, cứ ngỡ đất của mình nhưng thực ra không phải. Trước đây, ông Sơn vay vốn tại ngân hàng BIDV Phố Núi, thời hạn vay đến 29/8/2019 . Đến hẹn, ông Sơn rút GCNQSDĐ làm lại hồ sơ vay vốn như thường lệ. Tuy nhiên, lúc này ông mới té ngửa khi được thông báo đây là đất thuộc rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn. Do đó, ngân hàng không đồng ý làm thủ tục cho ông vay lại, khiến ông Sơn rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Đồng cảnh ngộ 34 hộ dân tại Mang Yang cũng “bất ngờ” bị thu hồi đất khi đã sinh sống, xây dựng nhà cửa ổn định trên đất rừng phòng hộ đã được cấp sổ đỏ. Giải thích về điều này, Ban quản lý rừng cho biết tình trạng này do lịch sử để lại nên khó xử lý triệt để, cần có biện pháp xử lý hài hòa giữa tình và lý vì bà con sinh sống ở đây đã khá lâu. Trên thực tế, nhiều hộ đã sinh sống ổn định, lâu dài từ trước năm 1991. Đến năm 1998, UBND tỉnh Gia Lai mới có quyết định giao diện tích đất rừng thông này cho Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang quản lý nên mới dẫn đến sự việc trên.
Những ghi nhận thực tế kể trên cho thấy, việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ hiện nay còn khá bất cập, không rõ ràng và còn nhiều kẽ hở dễ phát sinh sai phạm. Người dân, hộ gia đình sử dụng đất rừng phòng hộ không có sự đảm bảo chắc chắn về quyền lợi của mình trong khi cấp lãnh đạo vẫn còn tỏ ra khá lúng túng trong việc áp dụng các quy định.
Một số quy định về Cấp Giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ hiện nay
Về cơ bản, việc cấp giấy chứng nhận cho đất rừng phòng hộ cũng dựa trên các quy định chung tại điều 99 Luật Đất đai 2013. Trường hợp có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì áp dụng điều 100, nếu không thì áp dụng điều 101 và chứng minh được tính sử dụng ổn định, lâu dài theo các văn bản hướng dẫn.
Dưới đây là một vài câu hỏi liên quan đến cấp giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ thường xảy ra trong thực tiễn.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lấn chiếm rừng phòng hộ đã quy hoạch đất nông nghiệp: lúc này phần đất sử dụng đã là đất nông nghiệp, do đó, cá nhân hộ gia đình hoàn toàn có thể làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 22 về Việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Đất thuộc rừng phòng hộ mà gia đình đã cải tạo, sử dụng từ năm 1975 đến nay có được cấp Giấy chứng nhận không: trường hợp này phải dựa trên các giấy tờ nhà đất liên quan để xác định áp dụng quy định tại điều 100 hoặc 101 Luật Đất đai 2013, xét xem đất có thuộc diện tích rừng của Ban quản lý rừng, có xác nhận được đất hiện sử dụng không có tranh chấp hay không.
Thừa kế đất rừng phòng hộ bị lấn, chiếm chưa có sổ đỏ: vẫn được thừa kế theo quy định của pháp luật, đất rừng phòng hộ lấn chiếm được cấp sổ đỏ với mục đích sử dụng là đất rừng phòng hộ. Nếu có nhà ở xây dựng trên đất thì sẽ được công nhận phần diện tích đất xây dựng nhà ở là diện tích đất ở.
Trên đây là một vài ghi nhận thực tế về cấp giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ. Cá nhân người sử dụng đất có thể tham khảo và nghiên cứu thêm các quy định chi tiết khác để nắm rõ hơn.
Xem thêm: