Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Tất tần tật thông tin (Mới nhất)

Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon
Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn hiện nay ra sao? Quy hoạch, tiến độ và tình hình xây dựng trên thực tế như thế nào?

Toàn cảnh cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là đoạn thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là dự án cuối cùng thuộc chuỗi dự án cao tốc Bắc Nam. Đoạn đường này đã có thông tin xây dựng cách đây nhiều năm, tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp nhiều vấn đề phát sinh, trong đó có những thông tin chưa được làm rõ khiến người quan tâm đến dự án này khá hoang mang, khó khăn trong việc đánh giá và nhận diện đúng tính chất, vai trò của cao tốc Trung Lương đối với khu vực.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 92km, điểm đầu tiếp nối từ đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương; điểm cuối tại nút giao thông đường dẫn phía Bắc của cầu Cần Thơ. Lộ trình kết nối bao gồm Tiền Giang, qua Vĩnh Long và tới Cần Thơ. Hệ thống đường chính thức được khởi công vào tháng 2/2015 với số vốn trên 14.600 tỷ đồng.

Toàn tuyến được phân chia thành 2 dự án thành phần là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Nhằm mang lại cái nhìn tổng quan và khách quan nhất, bài viết này sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, bao gồm phương án xây dựng, hình thức đầu tư, các yếu tố tác động, quyết định liên quan của chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền,...

Tổng quan dự án Trung Lương - Mỹ Thuận

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào ngày 29/11/2009 nhưng không được thi công sau đó. Tính đến năm 2014, dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm là 14.678 tỷ đồng và được điều chỉnh thành 9.668 tỷ đồng vào năm 2017.

Gần đây, dự án lại tiếp tục được điều chỉnh vốn đầu tư tăng lên hơn 2.883 tỷ đồng so với mức được phê duyệt vào năm 2017. Hiện số vốn rơi vào khoảng 12.500 tỷ đồng. Sau khi được tái cấp vốn, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến sẽ thông toàn tuyến cuối vào cuối năm 2020 và thông xe vào năm 2021.

Chiều dài cao tốc Trung Lương là bao nhiêu?

Theo các bản thiết kế được công bố, chiều dài đường cao tốc Trung Lương là 51,1km, trong đó, điểm đầu nằm tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương nối Tp. Hồ Chí Minh với Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thuộc một phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Điểm đầu của tuyến là nút giao thông Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Thân Cửu Nghĩa tại Châu Thành, Tiền Giang.

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời hỗ trợ giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A cũng như mở rộng mạng lưới liên kết địa phương và khu vực, góp phần tăng cường kết nối kinh tế giữa các tỉnh, thành.

Chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là ai?

Vào cuối năm 2018, dự án bị ngân hàng tạm ngừng giải ngân vì một số lãnh đạo thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (một trong 6 công ty trong liên doanh nhà đầu tư với số vốn góp chiếm 30% tổng dự án) phát hiện có liên quan đến vụ án hình sự.

Sau đó, vào tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, đồng ý chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang, thành lập Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tham gia điều hành, quản lý dự án.

Sau hơn 10 năm ì ạch, đến nay, chặng đường “giải cứu” cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu khởi sắc với những cam kết mang lại sự hoàn thiện theo đúng tiến độ.

Bản đồ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thông qua sơ đồ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, người dân có thể nhìn bao quát được vị trí cũng như khả năng kết nối giữa đường cao tốc Trung Lương với các tuyến đường lân cận, các điểm giao cắt; nắm được hướng đi cao tốc Trung Lương để chủ động trên hành trình. Chi tiết xem ở bản đồ cao tốc Trung Lương dưới đây:

Bản đồ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Tiến độ dự án Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay tới đâu?

Đến tháng 12/2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn giao 100% mặt bằng tuyến chính. Riêng một số công trình hạ tầng kỹ thuật, viễn thông, đường điện cần phải di dời đã được UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất sẽ giải quyết dứt điểm trong Quý II/2020.

Về công tác giải tỏa đền bù, tính đến cuối tháng 12/2019, tổng số hộ đã nhận tiền đền bù là 3.291/3.292 hộ, đã bàn giao mặt bằng sạch 51,06km/51,10km và 01 hộ cam kết sẽ bàn giao mặt bằng vào ngày 28/12/2019. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án xem như đã hoàn tất. Đây là nền tảng tốt để dự án “toàn tâm” thi công vào năm 2020, giảm bớt những lo ngại phát sinh về quỹ đất, hạ tầng cũng như thời gian, chi phí phát sinh.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương đang được đồng loạt triển khai 24/24 gói thầu thuộc tuyến chính với công suất 3 ca/ngày đêm, không nghỉ lễ tết. Ngay cả thời điểm đại dịch Covid-19 gây gián đoạn nhiều hoạt động thì cán bộ, công nhân dự án vẫn đảm bảo thi công.

Tiến độ dự án được đặt ra cụ thể như sau:

  • Quý I hoàn thành toàn bộ bấc thấm;
  • Quý II hoàn thành công tác gia tải, hoàn thành thi công phần móng, cọc cầu;
  • Quý III hoàn thành mố, trụ cầu, thảm bê tông nhựa một số đoạn;
  • Quý IV tiến hành dỡ tải, thi công cấp phối đá dăm, hoàn thành bản mặt cầu.

Theo ghi nhận mới nhất, khối lượng dự án của toàn tuyến đã đạt trên 40%, tăng so với tháng 3/2019 đến hơn 30%. Giai đoạn này, dự án đang tập trung quá trình thi công, xử lý nền đất yếu; các gói thầu đã xong cắm bấc thấm và tập trung gia tải theo các lớp và quan trắc các chỉ tiêu cố kết của nền theo chỉ dẫn kỹ thuật.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cũng đặc biệt nhấn mạnh vào công tác đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian qua. Tất cả mọi thứ đều được dốc hết lực chuẩn bị, xây dựng để đảm bảo cho cam kết thông tuyến vào Tết năm 2021.

Tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Công tác giám sát chất lượng, tiến độ dự án

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thì việc kiểm soát chất lượng thi công cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, cần có sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các bên liên quan. Theo quy định, các hạng mục chỉ được phép chuyển giai đoạn khi khối lượng đã thực hiện được nghiệm thu dựa trên các yêu cầu mà dự án đặt ra.

Trong quá trình thi công dự án, có một số thông tin liên quan đến chất lượng nguồn vật liệu đưa vào Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không đảm bảo. Ban điều hành Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đình chỉ vai trò cung cấp vật liệu cho Dự án đối với Công ty Khánh Cường, cảnh cáo Ban điều hành gói thầu XL10 cũng như Tư vấn giám sát trưởng, tiến hành thay thế giám sát viên.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan có cơ chế giám sát chặt chẽ chất lượng thi công theo đúng các tiêu chuẩn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng ở mức cao nhất.

Để hỗ trợ quá trình trên diễn ra hiệu quả và bám sát thực tế hơn, nhà đầu tư đã tiến hành trang bị 50 camera giám sát nằm dọc trên toàn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận và bố trí riêng tổ công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo bằng hình ảnh hàng ngày. Thời gian tới, các camera sẽ tiếp tục được lắp đặt ở những trạm trộn bê tông nhựa.

Ngoài ra, quy trình 7 bước kiểm soát vật liệu tại mỏ, quá trình vận chuyển, thí nghiệm, đưa vào công trường cũng đã được xây dựng nhằm đào thảo những khối lượng không đạt tiêu chuẩn ra khỏi công trường xây dựng.

Việc tăng cường, phối kết hợp giữa các biện pháp giám sát góp phần quá trình theo dõi tiến độ, chất lượng dự án được đảm bảo, mang lại hiệu quả lao động cao cũng như củng cố niềm tin cho những cá nhân quan tâm đến dự án lần này.

Những khó khăn dự án Trung Lương - Mỹ Thuận gặp phải

Thực tế, chặng đường của cao tốc Trung Lương gặp rất nhiều vấn đề ngay từ khi chính thức khởi công, cơ bản nhất là nguồn vốn. Sau khi được thiết lập sự sống trở lại, dù lạc quan hơn trước nhưng không thể phủ nhận, quá trình thi công vẫn phải đối mặt với những tồn đọng, đưa ra yêu cầu buộc phải giải quyết nhanh chóng, hợp lý để không ảnh hưởng đến quá trình chung.

Thứ nhất, về vấn đề địa chất, điều kiện tự nhiên. Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng có địa hình, thổ nhưỡng khá phức tạp. Do đó, với các kỹ thuật tạo dựng nền móng phải tính toán kỹ càng để tối ưu chất lượng công trình. Khu vực này thường gặp hạn mặn, hệ thống kênh mương, cống đập đóng lại gây khó khăn cho việc vận chuyển vật liệu, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn so với điều kiện thông thường.

Thứ hai, dòng vốn bật tín hiệu khả quan nhưng vẫn còn điểm nghẽn. Mặc dù dự án đã được bố trí 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách, UBND tỉnh Tiền Giang đã giải ngân 1.776 tỷ đồng song số tiền còn lại vẫn còn chậm giải ngân dù đã thông qua nhiều lần kiến nghị. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu tiến độ đặt ra.

Ngày 27/11/2019, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang về việc bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 với số tiền 2.186 tỷ đồng.

Ngày 29/11/2019, tỉnh đã có quyết định giao vốn Nhà nước hỗ trợ Dự án cho các đơn vị liên quan, trong đó hoàn ứng kinh phí cho Doanh nghiệp dự án là 1.445,338 tỷ đồng và hoàn ứng ngân sách tỉnh phục vụ công tác đền bù giải tỏa là 278,358 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng cam kết sẽ tham gia tài trợ 6.686 tỷ đồng, các ngân hàng gồm Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank dự kiến sẽ đồng ý ký hợp đồng cho dự án vay vốn

Thứ ba, đại dịch Covid-19 ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến quá trình vận tải vật liệu cũng như đặt ra yêu cầu đảm bảo điều kiện làm việc, vừa lao động vừa chống dịch. Làm việc trong mùa dịch yêu cầu tinh thần chủ động, quyết tâm hơn của cán bộ, lao động tại dự án.

Thực tế xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Hỏi - đáp về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thời gian qua, khá nhiều vấn đề xoay quanh dự án, có thể là phát sinh từ trước đó vẫn chưa được làm rõ khiến nhiều người không xác định được thực hư, hoặc có chăng nguồn tin quá nhiều dẫn đến việc chọn lọc để tiếp nhận chưa hiệu quả. Do đó, dưới đây là một số thắc mắc nổi cộm liên quan đến quy hoạch, xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được quan tâm nhất hiện nay.

Có không việc sáp nhập các dự án cao tốc với nhau?

Trên cơ sở đề xuất dự án đã được Bộ GTVT thông qua và quyết định phê duyệt dự án, toàn bộ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được tách thành hai dự án độc lập là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, có chủ đầu tư và đơn vị quản lý riêng biệt.

Gần đây, có ý kiến đề xuất rằng sẽ ghép Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vào Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Đây là ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp dự án đang triển Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với mục đích giảm bớt các thủ tục hành chính, hỗ trợ phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh và các nhà đầu tư.

Trên thực tế, đề xuất này không được thông qua vì sẽ gặp rất nhiều bất cập trong công tác quản lý, giám sát cũng như phân chia lại trách nhiệm đối với dự án. Rõ ràng nhất là việc dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc phạm vi tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, sẽ rất dễ phát sinh vấn đề pháp lý, rủi ro, khó khăn khi giải phóng mặt bằng nếu “gộp chung” với Trung Lương - Mỹ Thuận tại Tiền Giang.

Bên cạnh đó, việc ghép dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng không phù hợp với những vấn đề đã được nêu tại nghị quyết số 437NQ - UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Phía Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định việc bổ sung dự án, bổ sung hạng mục ngoài phạm vi dự án BOT ký hợp đồng là không hợp lý.

Vì vậy, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn được thi công độc lập theo đúng kế hoạch trước đó đã thông qua.

Sự thật tạm dừng thi công Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận?

Sau khi Văn bản số 3033/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được ban hành, Ban Điều hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản gửi HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị về việc tạm dừng thi công dự án bởi nhiều thông tin được công bố sai lệch, không khách quan, ảnh hưởng đến việc ban điều hành triển khai dự án.

Trong văn bản 3033/VPCP-CN, Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo: "Yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm tương tự như thời gian vừa qua".

Tuy nhiên, kiến nghị này chỉ nhằm mục đích có thêm thời gian để Ban điều hành tìm hiểu rõ hơn rằng vi phạm ở khâu nào, xác minh lại tính đúng đắn của chỉ dẫn kỹ thuật đã được Bộ GTVT thẩm định trước đó. Tuy nhiên, trên thực tế, không có chuyện tạm dừng dự án, hoạt động thi công vẫn diễn ra; thay vào đó, quá trình được kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Trên đây là tổng hợp những thông tin, nội dung liên quan mang tính tổng quát và cập nhật mới nhất về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Với nỗ lực và những cam kết được khẳng định chắc chắn từ chủ đầu tư, dự án này sẽ sớm thay áo và chính thức phục vụ người dân trong thời gian sớm nhất. Đây là sẽ tuyến đường mang ý nghĩa rất lớn đối với giao thông và phát triển kinh tế khu vực phía Nam nói chung.

Xem thêm: