Hiện nay cao tốc Trung Lương còn thu phí không?
Cao tốc Trung Lương còn thu phí không là câu hỏi được nhiều người quan tâm sau quãng thời gian dài tạm ngừng thu phí trên tuyến đường này từ năm 2019.
Vào đầu năm 2019, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương tạm ngừng thu phí đối với các phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, điều này dẫn đến khá nhiều hệ lụy tiêu cực về trật tự, an toàn khi tham gia giao thông, điển hình là xe chạy bát nháo vào các làn đường, ùn tắc vào giờ/ngày cao điểm, xe máy “lẻn” vào cao tốc,...
Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương được thi công từ năm 2004, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010. Vào năm 2012, tuyến cao tốc bắt đầu thu phí nhưng tạm ngưng vào ngày 1/1/2019 vì Công ty Yên Khánh hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí.
Trước tình hình này, mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết đơn vị đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) kiến nghị về việc sớm áp dụng thu phí trở lại đối với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Việc thu phí trở lại là hoàn toàn cần thiết
Tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với liên kết khu vực, là tuyến đường có lượng xe lưu thông lớn và đông đúc. Đây còn là điểm tiếp nối cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, về sau sẽ hình thành nên chuỗi kết nối rộng khắp. Khi đó, lượng xe qua lại trên tuyến đường này sẽ tiếp tục tăng cao, nếu vẫn duy trì không thu phí sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, chất lượng hạ tầng.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi tạm ngưng thu phí, lưu lượng xe trên tuyến đường này đã tăng khoảng 31% so với trước, tương đương 86.000 lượt xe mỗi ngày đêm, vượt quá năng lực cho phép của tuyến. Do đó, bắt buộc phải giảm tốc độ nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện. Tốc độ tối đa trên đường hiện chỉ còn 100 km/h, tốc là 60 km/h. Điều này khiến cho Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương từ cao tốc đạt chuẩn đã “tụt hạng” không phanh.
Mặt khác, dù không thu phí nhưng mỗi năm, ngân sách phải chi 134 tỷ đồng để quản lý bảo dưỡng, vận hành. Nếu tiếp tục buông lỏng thu phí, lượng xe lưu thông vẫn tiếp diễn dòng ồ ạt, dẫn đến mặt đường xuống cấp và chi phí nâng cấp, sửa chữa về lâu dài sẽ cao hơn.
Việc tiến hành thu phí không chỉ góp phần giảm lượng xe lưu thông, giám sát được quá trình di chuyển trên cao tốc mà còn tạo ra nguồn thu để thực hiện tu sửa hoặc đầu tư vào các dự án hạ tầng khác.
Vì vậy, đề án Thu phí sử dụng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương đang được Bộ GTVT gấp rút hoàn thiện để có thể trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2020.
Mức thu phí cao tốc Trung Lương là bao nhiêu?
Theo đề án được xây dựng, dựa trên việc cân nhắc quyền lợi của người sử dụng, Bộ GTVT đề xuất mức thu cơ bản được áp dụng là 1000 đồng/km/CPU. Với mức thu này, sau khi trừ các chi phí, doanh thu còn lại trong năm đầu tiên có thể đạt gần 600 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng để nộp ngân sách nhà nước và phục vụ cho công tác bảo trì cao tốc.
Mức thu phí sử dụng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương được đề xuất không vượt quá lợi ích người sử dụng đường cao tốc được hưởng. Người sử dụng có thể lựa chọn cao tốc hoặc đường song hành cao tốc Trung Lương (không mất phí); thu phí qua trạm do đó không có trường hợp trùng phí.
Để có cơ sở pháp lý và xây dựng hoàn thiện đề án thu phí cao tốc Trung Lương, Bộ GTVT đã kết hợp với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản phí mới, ngoài phí sử dụng đường bộ hiện hành vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật phí và lệ phí.
Trong trường hợp không thu phí trở lại, Cục quản lý đường bộ IV sẽ tiếp tục duy trì phương án phối hợp với đơn vị quản lý, đảm bảo an toàn giao thông và ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc một cách tốt nhất.
Cao tốc Trung Lương còn thu phí không? Hiện tại tuyến này vẫn chưa áp dụng thu phí lại nhưng đang có kế hoạch trong tương lai gần. Hy vọng đề án thu phí sẽ mang lại những khởi sắc tích cực hơn cho tuyến đường này.
Xem thêm: