Cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc tiến độ hiện nay ra sao? [2024]
Cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể khởi công vào tháng 6/2023.
Cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg. Theo đó, đây là một trong ba cao tốc trục ngang của vùng ĐBSCL (cùng với cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Tổng quan về tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc
Cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (kí hiệu là CT.34) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án có chiều dài 188km, điểm khởi đầu kết nối với Quốc lộ 91 tại xã Vĩnh Tế, Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang; kết thúc tại km 82+100 đường quốc lộ Nam sông Hậu, ngay cảng nước sâu Trần Đề thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Dự án đi qua 4 tỉnh tương ứng với 4 dự án thành phần:
Tên dự án thành phần | Chiều dài | Giới hạn | Tổng mức đầu tư |
DATP 1 | 57,2km | Từ Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang đến huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ | 13.799 tỉ đồng |
DATP 2 | 37,2km | Từ huyện Vĩnh Thạnh đến huyện Thới Lơi, Tp. Cần Thơ | 9.845 tỉ đồng |
DATP 3 | 36,9km | Từ huyện Châu Thành A đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang | 9.927 tỉ đồng |
DATP 4 | 56,9km | Từ huyện Phụng Hiệp đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng | 11.120 tỉ đồng |
Theo quy hoạch, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tốc độ khai thác 80km/h.
Theo Nghị quyết số 60/2022/QH15 của Quốc hội, nhu cầu sử dụng đất của dự án ước tính khoảng 1.205 ha. Trong đó, đất trồng lúa 860 ha, đất ở khoảng 24 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 127 ha, đất trồng cây hàng năm khoảng 64,93 ha, đất nuôi trồng thủy hải sản khaonrg 10,07 ha và đất công cộng khoảng 119 ha.
Dự kiến, tổng số vốn đầu tư dự án khoảng 44.691 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 30.758 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 13.933 tỉ đồng.
Tiến độ cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc 2024
Do khối lượng công việc nhiều, hiện các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đang ráo riết chuẩn bị để hoàn thành các kế hoạch đặt ra. Tính đến tháng 4/2023, tiến độ thực hiện cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ ghi nhận như sau:
Chọn vị trí xây trạm dừng nghỉ
Tháng 2/2023, 4 tỉnh thành có tuyến cao tốc đi qua đã lên kế hoạch xây dựng trạm dừng nghỉ đoạn cao tốc ở các điểm sau:
- Huyện Châu Phú, An Giang tại Km22+300
- Huyện Cờ Đỏ, Tp. Cần Thơ tại Km77+968
- Huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang tại Km128+900
- Huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng tại Km135+700.
Việc bố trí trạm dừng nghỉ sẽ tuân thủ về khoảng cách do Bộ Giao thông vận tải quy định, trung bình 50 - 60km/trạm; đồng thời, trạm phải có đầy đủ các chức năng để phục vụ khách.
Chọn nhà thầu loạt gói thầu xây lắp lớn
Tính đến tháng 3/2023, đã có ít nhất 51 gói thầu thuộc Dự án được không khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong đó, Hậu Giang đứng đầu về số gói thầu hoàn thành lựa chọn nhà thầu với gần 20 gói. Tại Cần Thơ, có 4 gói thầu đã dược chỉ định thầu. Tại Sóc trăng, có 3 gói thầu đã được chọn. Và tại An Giang, UBND tỉnh cho biết đã ký hợp đồng tất cả các gói thầu để chuẩn bị cho dự án.
Giải phóng mặt bằng
Việc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ghi nhận sự thuận lợi, nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Hiện cả 4 tỉnh có dự án đi qua đều đã thống nhất bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cụ thể như sau:
- Tại Cần Thơ: dự kiến sử dụng hơn 1.060 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, năm 2022 sử dụng 200 tỉ đồng và năm 2023 sử dụng 861,5 tỉ đồng.
- Tại An Giang: dự kiến bố trí 1.380 tỉ đồng từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, bố trí 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung và 380 tỉ từ việc giảm phần vốn ngân sách tỉnh đối ứng.
- Tại Hậu Giang: dự kiến kinh phí để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 823,5 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ 50% vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
- Tại Sóc Trăng: dự kiến bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương 50% chi phí giải phóng mặt bằng, tương ứng với khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong đó, năm 2022 chi 250 tỉ đồng và năm 2023 chi 750 tỉ đồng.
Tiến độ cụ thể ở các dự án thành phần
- Dự án thành phần 1: do Ban Quản lý dự án thuộc tỉnh An Giang làm chủ đầu tư. Hiện đang hoàn thiện lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật. Dự kiến, chậm nhất đến ngày 30/4 sẽ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để khởi công trước ngày 30/6.
- Dự án thành phần 2: do Bản Quý lý dự án thuộc Tp. Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự kiến đến cuối tháng 5 sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Đến tháng 5 sẽ lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công trước ngày 30/6.
- Dự án thành phần 3: do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư. Dự kiến sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và lựa chọn nhà thầu thi công trong tháng 5. Và tương tự với 2 dự án trên, dự án thành phần 3 đang “chạy đua” với thời gian để kịp khởi công trước ngày 30/6.
- Dự án thành phần 4: do Ban Quản lý dự án thuộc tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Trước ngày 30/5, dự án sẽ được phê duyệt thiết kế kỹ thuật và trước ngày 15/6 sẽ lựa chọn nhà thầu thi công. Trước ngày 30/6 dự kiến sẽ khởi công dự án thành phần 4.
Dự kiến thời gian khởi công & hoàn thành
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: "Đây là các mốc tối quan trọng của Dự án và các địa phương có khối lượng công việc khổng lồ, cần huy động tối đa nguồn nhân lực để thực hiện đúng lộ trình”. Theo đó, các địa phương phải cam kết bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 và về cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023. Dự án sẽ được khởi công vào quý II/2023, dự kiến trước ngày 30/6/2023.
Hiện dự án đang gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thi công như: nền đất yếu cần thời gian xử lý từ 12 - 15 tháng, mùa mưa và lũ kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi công thực tế tại hiện trường.
Dự án được chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2022. Tuy nhiên theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025. Về cơ bản sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026. Và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Ý nghĩa của tuyến cao tốc đối với vùng ĐBSCL
Đối với kinh tế - xã hội
Tính đến năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có khoảng hơn 90km đường bộ cao tốc, đã bao gồm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km) vừa mới đưa vào khai thác. Con số này so với cả nước (hơn 900km) đang ở mức rất thấp. Trong khi lưu lượng xe ngày đêm tại đây rất lớn, các tuyến đường hiện có hầu như đang rơi vào tình trạng quá tải. Điều này ảnh hưởng đến việc vận chuyển, di chuyển và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc giao thông, từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi hoàn thành sẽ giúp cho vùng ĐBSCL bớt phụ thuộc vào Tp. HCM trong việc xuất khẩu hàng hóa. Bởi vì tuyến đường này được nối liền với cảng Trần Đề với năng lực thông quan khoảng 50 - 55 triệu tấn/năm (dự kiến tăng lên 130 - 150 triệu tấn/năm vào năm 2050) giúp việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu thuận lợi, hiệu quả.
Đặc biệt, dự án sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL, kết nối với các trục dọc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông 245km, cao tốc Bắc - Nam phía Tây 180km, cao tốc Tp. HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng 150km) tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại. Nhờ vậy, phát huy hiệu quả các dự án đã/đang đầu tư; kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; tạo ra dư địa, động lực để vùng ĐBSCL phát triển toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với lĩnh vực bất động sản
Bất động sản An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng hiện nay đang đứng trước cơ hội “vàng” đón sóng đầu tư bất động sản nhờ vào tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc. Ở những nơi có tuyến đường đi qua, bất động sản đang được gia tăng về mặt giá trị và tính thanh khoản. Dự kiến, sức “nóng” sẽ còn tiếp tục diễn ra cho đến khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Dọc theo tuyến đường mà đường cao tốc đi qua, đã có nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư hình thành càng làm gia tăng sức nóng cho thị trường bất động sản nơi đây. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như là: Khu đô thị Phúc An Asuka, Khu dân cư Chợ Kênh F mở rộng, dự án Vĩnh Thạnh Center Cần Thơ, Khu đô thị chợ Thới Lai,...
Những dự án này đang góp phần làm cho diện mạo của địa phương ngày một khởi sắc, đồng thời tạo ra các nguồn cung chất lượng cho thị trường bất động sản vốn dĩ được đánh giá tiềm năng tại đây.
Có thể bạn quan tâm: Tây Nam Bộ: sự trỗi dậy của thị trường bất động sản
Tính đến năm 2024, cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc là tuyến cao tốc có chiều dài lớn nhất vùng ĐBSCL, có ý nghĩa quan trọng đối với việc di chuyển, vận chuyển và kết nối của vùng. Việc nắm bắt các thông tin và cập nhật tiến độ mới nhất sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện và có những quyết định đúng đắn về khu vực cũng như thời điểm đầu tư tốt nhất.
Tìm hiểu thêm: Tiềm năng đầu tư bất động sản Tây Nam bộ