Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Tất tần tật thông tin (Mới nhất)

Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon
Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án mới được nhiều người dân khu vực phía Nam mong đợi với ý nghĩa rút ngắn khoảng cách trong du lịch, vận tải hàng hóa.

Trong thời gian qua, việc quy hoạch, đầu tư vào các dự án mở rộng và phát triển hạ tầng được đặc biệt quan tâm. Với bối cảnh kinh tế đa ngành nghề, đa kết nối như hiện nay, những tuyến đường hỗ trợ cho quá trình đi lại, giải tỏa cơn khát giao thông giữa các tỉnh thành trở thành “công cụ” đắc lực cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là tuyến cao tốc kết nối 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Dự án này mang lại quãng đường di chuyển ngắn hơn về Thành phố Đà Lạt và nhiều tiện ích khác, được đầu tư bởi số vốn khủng cùng sự quan tâm của lãnh đạo, người dân các tỉnh, thành.

Nhằm cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến dự án “hot” bậc nhất hiện nay, bài viết dưới đây xin được tổng hợp các nguồn tin về quy mô, quy hoạch, tiến độ,... của cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Tổng quan dự án Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án được hợp tác triển khai giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Giao Thông Vận Tải, nằm trong trục dự án cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, bao gồm đoạn Liên Khương – Prenn đã xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2008. Dự án cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt được xem là động lực để phát triển khu vực theo hướng hiện đại, bền vững.

Chiều dài cao tốc Liên Khương là bao nhiêu?

Cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây bắt đầu tại nút giao Dầu Giây (Đồng Nai) kéo dài đến chân đèo Prenn (thành phố Đà Lạt), có chiều dài toàn tuyến là 220km. Đoạn dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200,3km.

Đường cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, và điểm cuối nối với đoạn Liên Khương – Prenn tại nút giao sân bay Liên Khương.

Tổng thể dự án lần này sẽ được chia làm 3 giai đoạn phát triển, cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Đoạn từ Dầu Giây – Tân Phú tổng, trải qua địa bàn 4 huyện của tỉnh Đồng Nai, gồm: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú (Giai đoạn ưu tiên).
  • Giai đoạn 2: Đoạn từ Tân Phú – Bảo Lộc, trải qua 2 tỉnh: Đồng Nai và Lâm Đồng.
  • Giai đoạn 3: Đoạn cuối cùng của cao tốc Long Thành – Liên Khương xuất phát điểm từ Bảo Lộc – Liên Khương.

Tổng số vốn đầu tư dự án Dầu Giây - Liên Khương lên đến 65.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn được huy động từ 2 hình thức là BOT và nguồn vốn của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cho địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng (bao gồm cả chi phí giải tỏa mặt bằng).

Mục đích, ý nghĩa của dự án đường cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt nói chung là một trong những tuyến cao tốc quan trọng của dự án Bắc – Nam, tăng cường gắn kết hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, tạo nền tảng để xúc tiến quá trình trao đổi, vận chuyển hàng hóa giữa vùng kinh tế Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

Đoạn Dầu Giây - Liên Khương không chỉ là tuyến đường mang tính đồng bộ cao về kết nối giao thông mà còn có thể giảm tải tốt cho Quốc lộ 20, chỉ mất 2 tiếng đồng hồ để di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến Bảo Lộc và chỉ 1 tiếng cho quãng đường Đà Lạt - Bảo Lộc; rút ngắn đáng kể thời gian đi lại.

Dự án sẽ đóng vai trò như một cầu nối giao thông vùng, tạo ra lợi thế kinh tế cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch và kinh tế với chuỗi liên kết Nha Trang - Đà Lạt - Tp. Hồ Chí Minh:

  • Giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách; giữ được độ tươi ngon đối với trường hợp đưa nông sản Đà Lạt về các thị trường lân cận.
  • Tăng khả năng thu hút lượng khách du lịch từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khách quốc tế.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa quan trọng

Mặt khác, cao tốc Liên Khương Đà Lạt còn được kỳ vọng sẽ là động lớn đối với việc thu hút đầu tư cho các khu vực mà tuyến đường này chạy qua. Hạ tầng luôn mang sức hút hấp dẫn đối với các dự án, nhất là dự án thương mại hoặc bất động sản. Cả Lâm Đồng và Đồng Nai đều đang trong giai đoạn chứng minh hấp lực của mình, việc đẩy nhanh sự hoàn thiện dự án đường cao tốc sẽ thôi thúc lượng lớn doanh nghiệp để ý và cân nhắc đến việc xuống vốn vào những thị trường này.

Cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt khi nào khởi công

Việc khởi công cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt đã sớm thực hiện trước đó với đoạn Liên Khương - Prenn. Trong năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có thông tin chính thức về việc triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt cho đoạn cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Theo đó, Ban quản lý dự án Thăng Long (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tuyến Dầu Giây - Tân Phú sẽ được ưu tiên khởi công năm 2019 và đưa vào sử dụng trước năm 2021 bởi đây là tuyến đường thiết yếu kết nối giao thông 3 khu vực bao gồm : Vũng Tàu, Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh.

Tiến độ cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây

Vẫn bám sát vào kế hoạch đưa ra trước đó, ưu tiên phát triển đoạn Dầu Giây - Tân Phú. Tuy nhiên, tiến độ của dự án trên thực tế chịu tác động của nhiều yếu tố nên thời gian thực hiện có sự xê dịch.

Hiện tại cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang trong quá trình giải phóng mặt bằng về đền bù giải tỏa, để triển khai dự án đúng dự kiến vào quý IV năm 2020 và đề xuất danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030; riêng đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú sẽ được bố trí vốn để ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngày 16/10/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định 1963 giao Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Tân Phú - Bảo Lộc để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công, dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Bộ Giao thông Vận tải cũng đang rà soát, hoàn thiện thủ tục bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Trong trường hợp chưa thể đảm bảo khả năng huy động vốn trong giai đoạn hiện nay đối với đoạn tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, phía Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét nghiên cứu khả năng phân kỳ đầu tư để ưu tiên trước đối với đoạn tránh đèo Bảo Lộc trong giai đoạn 2021 - 2025.

Phía đơn vị tư vấn và thiết kế dự án đang tiến hành song song công việc giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan; cam kết sẽ nhanh chóng chuyển thông tin hướng tuyến của dự án, phạm vi giải phóng mặt bằng cho 2 tỉnh cũng như 4 địa phương của giai đoạn 1 gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú để kịp thời cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, và ra phương án thực hiện sớm nhất.

Ưu tiên đoạn Dầu Giây - Tân Phú

Quy hoạch cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt là dự án nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông khu vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Dầu Giây - Liên Khương là một trong những “mắt xích” quan trọng, bên cạnh tuyến cao tốc Liên Khương Đà Lạt trước đó.

Theo từng giai đoạn triển khai, quy hoạch dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (Đồng Nai)

Tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được xây dựng với mức đầu tư dự kiến khoảng 9.433 tỷ đồng. Theo thiết kế, bắt đầu tạo Km0+000 tại điểm cao tốc Dầu Giây – Tân Phú bắt đầu giao với quốc lộ 1 đoạn Km1829+500 (điểm cuối cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây) và tại Km59+594 giao cắt với quốc lộ 20 (xã Phú Sơn, Tân Phú, Đồng Nai) tạo thành điểm cuối.

Tổng diện tích sử dụng đất là 460 ha bao gồm: huyện Thống Nhất (64 ha), huyện Xuân Lộc (16 ha), huyện Ðịnh Quán (160 ha) và nhiều nhất là huyện Tân Phú (220 ha).

Giai đoạn 2: Đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (Lâm Đồng)

Toàn bộ tuyến đường có chiều dài khoảng 66,7km với vốn đầu tư 13.821 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ được khởi công sau khi giai đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú hoàn thành. Sau khi hoàn thành giai đoạn này, thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh lên Bảo Lộc sẽ rút ngắn đáng kể và giãn lưu thông trên quốc lộ 20.

Giai đoạn 3: Đoạn Bảo Lộc – Liên Khương

Đây là phân đoạn cuối cùng trong dự án xây dựng tuyến đường cao tốc liên tỉnh Đồng Nai – Lâm Đồng, có điểm kết thúc tại Liên Khương. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn cuối là 14.383 tỷ đồng.

Khi dự án đi vào sử dụng, đây sẽ là tuyến đường cao tốc theo tiêu chuẩn loại A, với 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp và đường gom; có thể di chuyển với tốc độ từ 80 – 120km/h. Lúc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt chỉ còn 3 giờ đồng hồ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giao cho Tổng cục Đường bộ tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư một số đoạn tuyến trên quốc lộ 27 và 28 theo đề nghị xem xét quyết định đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 27, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng (từ cầu Krông Nô đến Liên Khương) và nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 28 qua ba tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận).

Đối với các đoạn tuyến còn lại thuộc quốc lộ 27 và quốc lộ 28, các cơ quan, ban ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ hiện trạng. Bộ Giao thông Vận tải xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ công tác duy tu, sửa chữa đảm bảo giao thông trên tuyến nếu cần thiết.

quy hoạch cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Cao tốc Liên Khương có cho xe máy đi không?

Thực trạng giao thông cao tốc đoạn Dầu Giây - Đà Lạt hiện nay

Vốn có tuyến cao tốc Bảo Lộc Đà Lạt đã đưa vào sử dụng từ năm 2008, thời gian qua, tình trạng giao thông trên tuyến đường này gây ra khá nhiều tranh cãi trong việc áp dụng các quy định vào thực tế.

Theo ghi nhận, không hiếm trường hợp bất chấp nguy hiểm, tham gia giao thông “bát nháo” trên cao tốc dẫn đến nhiều vụ tai nạn, thiệt hại xảy ra. Cụ thể, cao tốc Liên Khương - đèo Prenn có đường được thiết kế rộng 45m, dài 19,2km với 4 làn xe, dành riêng cho ôtô lưu thông, không có đường giao cắt, cấm xe máy, xe thô sơ.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bất chấp các biển báo cấm, xe máy, người đi bộ và gia súc vào đường cao tốc vẫn ngang nhiên diễn ra, thậm chí là phổ biến. Theo hướng từ chân đèo Prenn, nhiều xe máy vô tư phóng với tốc độ 60, 80km/h, đua cùng ô tô trên đường cao tốc.

Bên cạnh đó, hàng chục vị trí con lươn bị đập nát hoặc được kê bằng đá, đắp đất lấn ra đường từ 10 – 20cm để tạo thành bậc thang nhằm “mở cổng” cho xe máy leo qua đường (có ít nhất 2 điểm con lươn bị đập nát rộng từ 1m – 2m để cho ô tô quay đầu). Ngay từ sáng sớm đã có thể bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy chở cỏ, hàng hóa đi ngược chiều và cả từng đàn gia súc được chăn thả, gặm cỏ, hay “lững thững đi dạo” trên đường cao tốc, phó mặc cho tốc độ 80 -100km/h của những chiếc xe ô tô bên cạnh.

Khi được hỏi, rất nhiều hộ dân thành thật chia sẻ rằng không còn cách nào khác, dù nguy hiểm nhưng cũng phải đi vì nếu để tuân thủ đúng quy định, sẽ mất thêm thời gian cho quãng đường 5k đi qua hầm chui, rất bất tiện. Trong khi đó, quản lý tại địa phương cũng tỏ ra “bất lực” bởi dù tuyên truyền, nhắc nhở rất nhiều nhưng người dân vẫn quen “thấy tiện thì đi”.

Xe máy lưu thông trên cao tốc

Quy định của pháp luật về xe máy lưu thông trên đường cao tốc

Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008: "đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định".

Theo đó, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc (cụ thể tại Điều 26 khoản 4).

Như vậy, cao tốc Liên Khương có cho xe máy đi không thì câu trả lời là xe máy không được đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp làm nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Mức phạt đối với lỗi xe máy đi vào đường cao tốc

Nhiều cá nhân trên thực tế vẫn chưa “định hình” hết sự nguy hiểm khi tham gia giao thông một cách tự ý trên đường cao tốc. Mặt khác, đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Do đó, đối với cá nhân đi xe máy vào đường cao tốc mà không thuộc trường hợp được cho phép thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (có mức phạt cao và nghiêm khắc hơn) so với quy định trước đó tại Nghị định 46/2016. Cụ thể:

  • Đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 500.000 - 01 triệu đồng).
  • Nếu xe máy đi vào đường cao tốc gây tai nạn giao thông, mức phạt cao hơn, từ 04 - 05 triệu đồng (trước đây chưa có quy định này).
  • Ngoài ra, xe máy đi vào đường cao tốc còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng; đi vào đường cao tốc không đúng quy định gây tai nạn giao thông bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Trong một số trường hợp, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xe máy đi vào đường cao tốc còn có thể bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự cũng quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

"Với người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng"

Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 15 năm tù giam nếu làm chết 03 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên,…

Như vậy, việc đi xe máy vào đường cao tốc là hành vi nguy hiểm, có thể gây thiệt cho chính chủ phương tiện cũng như tài sản, tính mạng của người khác.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án trong giai đoạn tập trung phát triển hạ tầng như hiện nay. Với tính chất, quy mô đang có, dự án chắc chắn sẽ là chiếc cầu nối hiệu quả cho quá trình liên kết vùng, đồng thời đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn khi chính thức đưa vào sử dụng để đạt được hiệu quả cao nhất, đúng như mục đích ban đầu kỳ vọng.

Xem thêm: