Cầm bằng khoán đất: lợi ít hại nhiều
Cầm bằng khoán đất là lựa chọn thay thế cho việc thực hiện thủ tục thế chấp tại ngân hàng bởi tính chất phổ biến và thủ tục đơn giản. Nhưng đây thực chất là giao dịch dân sự trái luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc cầm cố tài sản không còn là chuyện hiếm trong đời sống. Khi cần gấp một khoản tiền để trang trải thì rõ ràng mang tài sản đi cầm cố sẽ nhanh chóng hơn so với việc đi vay thế chấp tại ngân hàng với các thủ tục, khâu kiểm tra nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để chiếm đoạt tài sản, nhất là khi sở hữu các giấy tờ quan trọng về quyền sử dụng đất mà người dân không hề hay biết. Bằng khoán đất tuy là giấy tờ do chế độ cũ cấp nhưng vẫn mang giá trị pháp lý, chứng nhận quyền sử dụng đất đai, sở hữu nhà ở của cá nhân, hộ gia đình và là cơ sở để cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành. Vay tiền bằng khoán đất ở một số trường hợp vẫn xem loại giấy tờ này là hợp pháp để thế chấp quyền sử dụng đất.
Mất trắng vì cầm cố quyền sử dụng đất
Vào những năm 2010 - 2013, tại Đồng Nại rộ lên “trào lưu” vay tiền chỉ cần thế chấp sổ đỏ bởi người đàn ông tên Thái. Đối tượng này nhanh chóng trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy cho người dân bởi cái danh “thế chấp trá hình” - uy tín như ngân hàng nhưng lại nhanh chóng, đơn giản hơn.
Bà Lê Thị Thúy Hồng cho biết đã cầm sổ đỏ cho Thái để vay 30 triệu đồng sửa sang lại nhà. Tiền lãi bà vẫn nộp đều đặn hàng tháng, cho đến ngày có người đến đòi nhà, bà mới biết tên Thái kia đã ngấm ngầm sang tên sổ đỏ và bán cho người khác.
Cô Chè A Lìn cũng rơi vào tình huống tương tự, chỉ vì 10 triệu đồng về lo cho con học đại học mà cả căn nhà bị bán đi lúc nào không hay. Có trường hợp may mắn hơn, nhà đất chưa bị bán nhưng sổ đã “được” Thái sang tên nhanh chóng.
Việc hàng loạt sổ đỏ được sang tên khiến người dân đặt nghi vấn về cả tên Thái lẫn chính quyền địa phương. Người dân thực tế chỉ viết giấy tay với Thái, thậm chí có người không biết chữ nhưng vẫn xuất hiện những hợp đồng chuyển nhượng bài bản, có đầy đủ chữ ký các bên.
Chưa xét đến đúng sai trong cách làm việc của cán bộ xã, nhưng việc cầm giấy tờ nhà đất “ngoài luồng” như trên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong khi đó, bằng khoán đất còn “thiếu bóng” những quy định chi tiết, dễ dàng lách luật để sang tên, xin cấp giấy chứng nhận nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các quy định pháp luật về cầm cố quyền sử dụng đất
Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về quyền của người sử dụng đất như sau: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Như vậy, rõ ràng việc cầm cố quyền sử dụng đất hay mang giấy tờ về quyền sử dụng đất đi cầm cố không được pháp luật ghi nhận. Do đó, khi có tranh chấp phát sinh, hướng giải quyết sẽ theo các quy định tại điều 123, 131 Bộ Luật dân sự 2015 về giao dịch vô hiệu, các bên sẽ phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Cầm bằng khoán đất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lừa đảo, người dân nên hết sức thận trọng với hình thức này. Nếu cần thiết, vay tiền dưới hình thức thế chấp tại ngân hàng uy tín vẫn là phương án an toàn hơn cả.
Xem thêm: