Bến xe Miền Đông (Cũ và Mới): toàn bộ thông tin liên quan

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Tổng hợp và cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến sự hình thành - phát triển của bến xe Miền Đông - bến xe khách trọng điểm tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đối với người dân sinh sống, làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh, hình ảnh bến xe Miền Đông đã trở thành dấu ấn đặc trưng khi đặt chân đến đây, phản ánh được sự sôi động, sầm uất trong các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa của thành phố. Nhắc đến bến xe Miền Đông không ai là không biết, tuy nhiên, biết hết về quá trình từ lúc ra đời, các giai đoạn phát triển, thay đổi của bến xe thì chắc hẳn không phải là số đông.

Không chỉ mang ý nghĩa đối với giao thông và vận tải, bến xe Miền Đông còn có sự kết nối đặc biệt với nhiều thế hệ người dân, như một nét đặc sắc về văn hóa và xã hội. Cùng tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích về bến xe Miền Đông qua bài viết này.

Quá trình hình thành và phát triển của Bến xe Miền Đông

Lịch sử ra đời bến xe Miền Đông

Bến xe Miền Đông đã tồn tại từ trước năm 1975 với tên gọi cũ là Xa Cảng Miền Đông, có trụ sở đặt tại số 286 đường Lê Hồng Phong, phường 1, Quận 10.

Sau ngày đất nước thống nhất 30/04/1975, Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn Gia Định đã giao cho ngành Giao thông Vận tải tiếp quản, tổ chức điều hành Xa Cảng Miền Đông thực hiện nhiệm vụ chính trị, vận tải giao lưu thông thương giữa hai miền Nam – Bắc.

Ngày 11/12/1976, Xa Cảng Miền Đông Trung Bộ ra đời - là tiền thân của Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông hiện nay.

Năm 1978, theo chủ trương của thành phố, Công ty Xe khách liên tỉnh Miền Đông ra đời. Lúc này, bến xe Miền Đông là đơn vị trực thuộc Công ty Xe khách liên tỉnh Miền Đông, hạch toán nội bộ.

Năm 1981, thành phố ra quyết định chuyển Bến xe Miền Đông đến vị trí phường 26, quận Bình Thạnh và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ban đầu.

Cổng bến xe miền Đông

Quá trình phát triển

Từ năm 1985, bến xe Miền Đông được xây dựng trên diện tích khu đất 67.857 m2, nằm tại cửa ngõ phía Đông Tp. Hồ Chí Minh (xung quanh là Quốc lộ 13, Nguyễn Xí và Đinh Bộ Lĩnh thuộc phường 26, quận Bình Thạnh). Công trình được xây dựng theo quyết định số 182/CT-UB ngày 25/12/1984 với tất cả 19 hạng mục công trình.

Sau khi thực hiện 10 công trình và tạm dừng vào năm 1990, Bến Xe miền Đông được thành lập lại theo thông báo thỏa thuận số 27/TB ngày 11/01/1993 của Bộ Giao thông Vận tải và quyết định số 40/QĐ-UB ngày 26/01/1993 của Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện theo cơ chế thành lập và giải thể doanh nghiệp nhà nước ban hành theo Nghị định 388/NĐ-HĐBT ngày 20/11/1991 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ). Bến xe Miền Đông chính thức trở thành đơn vị độc lập, trực thuộc Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh.

Tháng 11/1996, theo nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ và quyết định số 5347/QĐ-UB ngày 02/10/1997 của Ủy ban nhân dân Tp.Hồ Chí Minh, bến xe Miền Đông được chuyển thành doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Đồng thời, bến xe Miền Đông bắt đầu tổ chức tiếp nhận chuyển giao một số luồng tuyến từ Bến xe Văn Thánh.

Ngày 15/7/2004, Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh có quyết định số 172/2004/QĐ-UB về việc thành lập Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn thí điểm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Theo đó, bến xe Miền Đông là thành viên của Tổng công ty.

Ngày 30/12/2005, Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh có quyết định số 6683/QĐ-UBND về việc chuyển Công ty Nhà nước Bến xe Miền Đông thành Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông.

Thông tin công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông

  • Tên Công ty: CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN BẾN XE MIỀN ĐÔNG
  • Tên viết tắt: BẾN XE MIỀN ĐÔNG
  • Tên giao dịch quốc tế: MIEN DONG STATION COMPANY LIMITED
  • Tên viết tắt: MIDO CO.LTD
  • Vốn điều lệ: 72.000.000.000đ (Bảy mươi hai tỷ đồng)
  • Mã số thuế: 0301092597
  • Trụ sở văn phòng:
    • Địa chỉ: 292 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
    • Hotline: 1900571292
    • Liên Hệ: 028.35116858 (Phòng Kế Hoạch Vận Tải ) - 028.38994056 - 02838984442 (Quầy Thông Tin )
    • Số Fax: 028.38992094
    • Website: http://www.benxemiendong.com.vn
    • Email: [email protected]

Sơ đồ Bến xe Miền Đông

sơ đồ bến xe - 1

sơ đồ bến xe - 2

Tiêu chí hoạt động của Bến xe Miền Đông

  • Nâng cao quy mô, công suất cải tạo, xây dựng mới cơ sở vật chất đảm bảo thành một bến xe an toàn, hiện đại, văn minh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng.
  • Phát triển các dịch vụ kèm theo như cửa hàng ăn uống, giải khát, nhà nghỉ…
  • Liên tục cải tạo và nâng cấp mặt bằng hiện có trên cơ sở vừa phục vụ vừa thi công, kết hợp hài hoà giữa mục đích phục vụ công ích và mục đích kinh doanh.
  • Đào tạo đội ngũ cán bộ và nhân viên, đặc biệt trong công tác quản lý, nắm bắt tốt tâm lý khách hàng, đổi mới thái độ phong cách phục vụ văn minh lịch sự. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong công tác điều hành và quản lý.
  • Tính toán đơn giá phục vụ cho phù hợp với yêu cầu kinh doanh và quy định của Nhà nước.
  • Thực hiện tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân ứng xử nơi công cộng bằng các phương tiện truyền hình, báo chí, tờ rơi….
  • Lắp đặt các thùng thư góp ý, số điện thoại góp ý để để trưng cầu ý kiến rộng rãi của xã hội qua đó nhằm cải thiện cung cách phục vụ của Công ty nâng cao tinh thần phục vụ của đội ngũ công nhân viên.

Các loại hình vận tải tại bến xe Miền Đông

Trải qua một quá trình dài hoạt động, bến xe Miền Đông là đơn vị đảm bảo phục vụ vận chuyển hành khách và lưu đậu các phương tiện tại bến, tổ chức bán vé cho các phương tiện theo hợp đồng uỷ thác bến bán vé, tổ chức điều hành xe ra vào bến để đón trả khách, đảm bảo xe xuất bến đúng giờ quy định.

Vận tải hành khách và vận tải hàng hóa là hai loại hình chủ yếu tại bến xe Miền Đông, bao gồm nội tỉnh và liên tỉnh.

Vận tải khách liên tỉnh:

  • Tổng doanh nghiệp tham gia hoạt động tại Bến là 193 đơn vị, trong đó có 29 đơn vị thành phố và 164 đơn vị địa phương (tính đến tháng 2/2020).
  • Tổng số xe đăng ký hoạt động là 2.852 xe với tổng tải trọng là 105.606 ghế;
  • Số lượt xe bình quân xuất bến trong ngày: 1.100 lượt xe/ngày (Cao điểm có thể lên đến 1.900 xe/ngày như các dịp Lễ, Tết,...)
  • Số lượt khách bình quân xuất bến trong ngày: 21.000 khách/ngày. (Cao điểm có thể lên đến 55.000 khách/ngày)

Vận tải khách nội tỉnh:

  • Tổng doanh nghiệp tham gia hoạt động tại Bến: 9 đơn vị;
  • Tổng số tuyến đường: 12 tuyến;
  • Tổng số xe đăng ký hoạt động: 180 xe.

Bến xe Miền Đông nhìn từ trên cao

Các tuyến đường phục vụ tại Bến xe Miền Đông

Hiện tại, ngoài các tuyến xe buýt vận chuyển hành khách trong các quận, huyện thành phố, Bến xe Miền Đông còn có các tuyến xe cố định Bắc - Trung - Nam và các tỉnh miền Tây.

Lịch trình các tuyến xe buýt

  • Số xe 14:Bến xe Miền đông - 3/2 - Miền Tây (9 phút/lượt)
  • Số xe 54: Bến xe MIền Đông - Bến xe Chợ Lớn (13 phút/lượt)
  • Số xe 64: Bến xe Miền Đông - Đầm Sen (13 phút/lượt)
  • Số xe 40: Bến Xe Miền Đông - Ngã 4 Ga (18 phút/lượt)
  • Số xe 51: Bến xe Miền Đông - Bình Hưng Hòa (18 phút/lượt)
  • Số xe 24: Bến xe Miền Đông - Hóc Môn (12 phút/lượt)
  • Số xe 43: Bến xe Miền Đông - Phà Cát Lái (13 phút/lượt)
  • Số xe 146: Bến xe Miền Đông - Chợ Hiệp Thành (15 phút/lượt)
  • Số xe 45: Bến xe Quận 8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông (15 phút/lượt)
  • Số xe 159: Bến xe Miền Đông - Bến xe An Sương (28 phút/lượt)

Các tuyến xe khách

  • Bến xe Miền Đông đi Bà Rịa Vũng Tàu: có các tuyến tới Xuyên Mộc, Xuân Sơn (Bến xe Châu Đức), Xà Bang (Bến xe Châu Đức), Suối Nghệ (Bến xe Châu Đức), Quảng Thành (Bến xe Châu Đức), Phước Tỉnh (Bến xe Long Hải), Phước Hải (Bến xe Long Hải), Ngãi Giao (Bến xe Châu Đức), Láng Lớn (Bến xe Châu Đức), Kim Long (Bến xe Châu Đức), Cù Bị (Bến xe Châu Đức), Bưng Kè (Bến xe Xuyên Mộc), Bình Châu (Bến xe Xuyên Mộc), Long Hải, Bàu Lâm (Bến xe Xuyên Mộc), Bà Rịa, Vũng Tàu.
  • Bến xe Miền Đông đi An Giang: có các tuyến tới Châu Đốc
  • Bến xe Miền Đông đi Bắc Giang: có các tuyến tới Bến xe An Châu
  • Bến xe Miền Đông đi Bến Tre: có các tuyến tới Thạnh Phú
  • Bến xe Miền Đông đi Bình Dương: có các tuyến tới Thủ Dầu Một, Thị Tính, Tân Uyên, Tân Định, Minh Tân, Dầu Tiếng.
  • Bến xe Miền Đông đi Bình Phước: có các tuyến tới Bình Thắng (bù Gia Mập), Phú Văn (Bù Gia Mập), Phước Long, Đồng Xoài (Bến xe Trường Hải - Bình Phước), Lộc Ninh, Chơn Thành, Bù Đốp (Cần Đơn), Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bình Long.
  • Bến xe Miền Đông đi Bình Thuận: có các tuyến tới Bắc Ruộng (Mê Pu), Bắc Ruộng (Gia An), Bắc Ruộng (quốc Lộ 20), Bắc Ruộng (căn Cứ 6), Ma Lâm, Tánh Linh, Phan Thiết, Phan Rí, Đức Linh, Mũi Né, Liên Hương, Hàm Tân, Chợ Lầu.
  • Bến xe Miền Đông đi Bình Định: có các tuyến tới Tây Sơn (Phú Phong), Phù Mỹ, Phù Cát, Quy Nhơn, Bồng Sơn, An Nhơn.
  • Bến xe Miền Đông đi Cà Mau
  • Bến xe Miền Đông đi Đăk Lăk: có các tuyến tới Quyết Thắng (Krông Pắk), TP Buôn Ma Thuột, Phước An, M''đrắk, Krông Năng, Krông Bông, Easup, Eakar, Eahleo, Cư M''gar, Buôn Trấp, Buôn Đôn, bến xe Phía Nam Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ.
  • Bến xe Miền Đông đi Gia Lai: có các tuyến tới Đắk Đoa, An Khê, Ayunpa, Chư Sê, Ialy, K''bang, Krông Pa, Đức Cơ, Đức Long (Pleiku).
  • Bến xe Miền Đông đi Hà Nam
  • Bến xe Miền Đông đi Hà Tĩnh
  • Bến xe Miền Đông đi Hải Dương
  • Bến xe Miền Đông đi Hải Phòng: có các tuyến tới Tam Bạc, Cầu Rào.
  • Bến xe Miền Đông đi Hòa Bình
  • Bến xe Miền Đông đi Huế: có các tuyến tới Bến xe Phía Nam TP Huế, Vinh Hưng.
  • Bến xe Miền Đông đi Hưng Yên: có các tuyến tới Bến xe Hưng Yên, Triều Dương
  • Bến xe Miền Đông đi Khánh Hòa: có các tuyến tới Vạn Giã, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh.
  • Bến xe Miền Đông đi Kon Tum: có các tuyến tới Ngọc Hà, Bến xe Kon Tum, Đăk Hà.
  • Bến xe Miền Đông đi Lâm Đồng: có các tuyến tới Đức Trọng, Đà Lạt, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Bảo Lộc.
  • Bến xe Miền Đông đi Lào Cai (bến xe Lào Cai)
  • Bến xe Miền Đông đi Nam Định: có các tuyến đến bến xe Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Định, Hải Hậu, Giao Thủy.
  • Bến xe Miền Đông đi Nghệ An: bến xe Vinh
  • Bến xe Miền Đông đi Ninh Bình
  • Bến xe Miền Đông đi Ninh Thuận: có các tuyến tới Quảng Sơn (Bến xe Ninh Sơn), Phan Rang.
  • Bến xe Miền Đông đi Phú Thọ: đến bến xe Việt Trì
  • Bến xe Miền Đông đi Phú Yên: có các tuyến tới Chí Thạnh, Sông Cầu, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy Hòa
  • Bến xe Miền Đông đi Quảng Bình: có các tuyến tới Quy Đạt, Đồng Hới, Lệ Thủy, Hoàn Lão, Ba Đồn.
  • Bến xe Miền Đông đi Quảng Nam: có các tuyến tới bến xe Quảng Nam, Hội An, Đại Lộc.
  • Bến xe Miền Đông đi Quảng Ngãi: có các tuyến tới Bến xe Quảng Ngãi, Đức Phổ.
  • Bến xe Miền Đông đi Quảng Ninh: có các tuyến tới Cửa Ông, Hòn Gai.
  • Bến xe Miền Đông đi Quảng Trị: có các tuyến tới bến xe Quảng Trị, Đông Hà.
  • Bến xe Miền Đông đi Thái Bình: có các tuyến tới Hoàng Hà, Hưng Hà, Bến xe Kiến Xương.
  • Bến xe Miền Đông đi Thái Nguyên
  • Bến xe Miền Đông đi Thanh Hóa: có các tuyến tới bến xe Thanh Hóa, Vĩnh Lộc.
  • Bến xe Miền Đông đi Hà Nội: có các tuyến tới Sơn Tây, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Lương Yên, Hà Tây, Giáp Bát.
  • Bến xe Miền Đông đi Đăk Nông: có các tuyến tới Tuy Đức, Quảng Sơn, Quảng Khê, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk R''lấp, Gia Nghĩa, Cư Jút.
  • Bến xe Miền Đông đi Đồng Nai: có các tuyến tới Xuân Lữ, Xuân Lộc, Xuân Bắc, Tân Phú, Sông Ray, Phú Cường, Định Quán, Nam Cát Tiên, Lý Lịch, Long Khánh, Lang Minh, Gia Ray, Căn Cứ 3, Cẩm Đường, Cẩm Mỹ, Bảo Bình.

Bến xe Miền Đông mới

Dự án Bến xe Miền Đông mới là dự án quy mô được người dân đón đợi sau nhiều lần trì hoãn. Dự án này trong tương lai sẽ thay thế toàn bộ bến xe Miền Đông cũ đang được khai thác hiện nay.

Với lưu lượng xe đông, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều năm qua, Tp. Hồ Chí Minh đã có chủ trương bố trí và xây mới Bến xe Miền Đông ở khu vực ngoại thành nhằm giảm áp lực kẹt xe, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến hạ tầng và giao thông cho đô thị. Đây sẽ là bến xe được xây dựng lớn nhất nước và hiện đại bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự án khởi công từ tháng 4/2017.

Bến xe Miền Đông hiện hữu đã được UBND Thành phố quy hoạch chi tiết 1/500, trở thành khu vực tái thiết đô thị với chức năng chính là đầu mối trung chuyển hành khách nội đô, trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn.

Bến xe Miền Đông mới ở đâu?

Bến xe miền Đông mới được xây dựng tại phường Long Bình, quận 9, Tp. Hồ Chí Minh và phường Bình Thắng, Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; mặt tiền nằm bên quốc lộ 1 và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

bến xe miền Đông mới

Bến xe mới nằm ngay trên đường Xa Lộ Hà Nội, gần Khu Du Lịch Suối Tiên, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, thuận tiện hơn cho việc di chuyển về các tỉnh.

Quy mô xây dựng bến xe Miền Đông mới

Tổng diện tích đất xây dựng bến xe Miền Đông mới là 16ha, là một quần thể phức hợp, bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích, gồm bốn khu A, B, C, D. Trong đó:

  • Khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng;
  • Khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng);
  • Khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng);
  • Khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).

Số vốn đầu tư cho dự án Bến xe Miền Đông mới là 4000 tỷ đồng, do chủ đầu tư là Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV thực hiện. Toàn bộ dự án được chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (đầu tư khoảng 740 tỷ đồng):

  • Xây dựng nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải.
  • Di dời 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc).
  • Bố trí các tuyến xe buýt trợ giá (số 55, 76, 150) và không trợ giá (số 602, 611) để phục vụ khách.

Giai đoạn 2:

  • Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành các công trình xây dựng quanh bến xe như: hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng Quốc lộ 1, hệ thống đường Hoàng Hữu Nam.
  • Di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế.

Bến xe Miền Đông mới khi nào hoạt động?

Theo dự kiến ban đầu, bến xe Miền Đông mới sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 15/8/2020 với một số hạng mục như nhà ga trung tâm, nơi đón trả khách, khu vực đậu xe chờ tài… Tuy nhiên, vào chiều ngày 13/8, chủ đầu tư đã gửi văn bản tới UBND TP.Hồ Chí Minh về việc tiếp tục lùi thời gian đưa vào khai thác bến xe Miền Đông mới.

Việc tạm hoãn đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động kéo dài cho đến khi có chỉ đạo mới từ Chính phủ và UBND Thành phố về dịch COVID-19.

Hy vọng những thông tin trên bài viết giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về Bến xe Miền Đông - bến xe có lịch sử lâu đời, gắn liền với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, khu vực Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời, biết được những định hướng thay đổi trong thời gian tới, khi bến xe mới chính thức đi vào hoạt động.

Xem thêm: