Bảo vệ đất trồng lúa: Tất tần tật những thông tin cần biết
Ban hành quy định về bảo vệ đất trồng lúa là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta hướng đến mục tiêu năm 2020 cả nước còn 3,8 triệu ha đất lúa.
Là một nước nông nghiệp có truyền thống lâu đời, ngành nông nghiệp nói chung vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Mặc dù đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng Nhà nước vẫn rất quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp bằng cách ban hành nhiều quy định, chính sách mới nhằm bảo vệ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực. Cụ thể đó là những chính sách gì và người sử dụng đất lúa cần biết những gì? Mời các bạn xem qua bài viết ngay sau đây nhé.
1. Vì sao cần phải có chính sách bảo vệ đất trồng lúa?
Theo số liệu thống kê được cập nhật, năm 2000 nước ta có gần 4,5 triệu ha đất trồng lúa. Đến năm 2010 thì diện tích chỉ còn khoảng 4,1 triệu ha. Ước tính bình quân mỗi năm diện tích đất lúa bị thu hẹp (giảm) khoảng 59 ngàn ha. Chủ yếu là do quá trình đô thị hóa, sự phát triển ồ ạt của các khu du lịch, khu công nghiệp, mật độ dân số tăng cao, biến đổi khí hậu... Đặc biệt, lợi nhuận khủng từ sự chênh lệch giá đất trồng lúa nước và giá đất thổ cư khiến cho ai nấy cũng muốn chuyển đổi đất trồng lúa sang đất thổ cư.
Đất đai được xem là có vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước và tạo sự ổn định xã hội. Diện tích đất trồng lúa giảm có thể tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn xã hội và bài toán đảm bảo an ninh lương thực lại tăng thêm độ khó. Phần lớn người dân nước ta lại sống với nghề nông quanh năm suốt tháng. Đặc biệt nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể đối mặt với nguy cơ đói nghèo, tệ nạn xã hội gia tăng.
Đây là thực tế đáng báo động tại nước ta hiện nay. Nếu không xây dựng được hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý, bảo vệ, phát triển đất trồng lúa một cách hiệu quả thì có thể làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Vậy nên, cần thiết phải có sự can thiệp của cơ quan Nhà nước để giải quyết tình trạng này. Theo đó, cơ quan chức năng cần tập trung làm tốt công tác thống kê, kiểm tra, kiểm soát diện tích đất đai hàng năm ở từng địa phương, từng khu vực. Nên triển khai đóng thuế đất đối với các thửa đất trồng lúa bị bỏ hoang, diện tích đất lúa vượt định mức nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai khiến nhiều người cần đất ở, đất sản xuất nông nghiệp lại không có. Hơn nữa là phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai như làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích ban đầu, chuyển đổi mục đích sử dụng tùy ý.
2. Người sử dụng đất có phải nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa?
Theo Khoản 1 Điều 134 Luật đất đai 2013 thì Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Chính này được thể hiện qua việc thu tiền bảo vệ đất trồng lúa theo quy định.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 35/2015/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BTC thì cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương báo cáo UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp có nghị quyết về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại địa phương. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh ban hành mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại địa phương theo từng địa bàn theo công thức tính đã quy định. UBND cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BTC thì mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được tính như sau:
Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (%) x Diện tích x Giá của loại đất trồng lúa
Trong đó:
- Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do UBND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%.
- Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
- Giá của loại đất trồng lúa tính theo bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
4. Thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa
Quy định về thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp được nêu rõ tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP, cụ thể là tại Điều 5a Nghị định này. Có thể tóm lại như sau:
Bước 1: Lập bản kê khai diện tích đất và gửi tới cơ quan tài nguyên và môi trường
Cụ thể, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi tới cơ quan tài nguyên và môi trường đề nghị xác định diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa. Có 2 trường hợp có thể xảy ra sau đây:
- Trường hợp bản kê khai không hợp lệ, trong thời gian 3 ngày làm việc, cơ quan tài nguyên và môi trường phải hướng dẫn cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất bổ sung, hoàn thiện và nộp lại bản kê khai.
- Trường hợp bản kê khai hợp lệ, trong 5 ngày làm việc, cơ quan tài nguyên và môi trường có văn bản xác nhận rõ diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa gửi đến người được nhà nước giao đất, cho thuê đất làm căn cứ để xác định số tiền phải nộp.
Bước 2: Gửi hồ sơ đến cơ quan tài chính địa phương
Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất gửi hồ sơ đến cơ quan tài chính của địa phương đề nghị xác định số tiền nộp bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị xác nhận số tiền phải nộp theo mẫu quy định tại Phụ lục IV (đối với cơ quan, tổ chức) hoặc Phụ lục V (đối với hộ gia đình, cá nhân) ban hành kèm theo Nghị định này.
- Văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của cơ quan tài nguyên và môi trường.
Và nếu:
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời gian 3 ngày làm việc, cơ quan tài chính địa phương phải hướng dẫn cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất bổ sung, hoàn thiện và nộp lại hồ sơ.
- Trong thời gian 5 ngày làm việc, cơ quan tài chính địa phương căn cứ vào văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền của cơ quan tài nguyên và môi trường, xác định số tiền phải nộp theo quy định đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp và thông báo cho người được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
Bước 3: Cơ quan tài chính địa phương tiến hành thu tiền theo quy định
Cơ quan tài chính địa phương tổ chức thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp quá thời hạn nộp theo công văn của cơ quan tài chính địa phương, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Vậy nên cần phải lưu ý về thời hạn nộp tiền để tránh bị xử phạt.
5. Trách nhiệm bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
Đối với Nhà nước:
UBND các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định 35/2015/NĐ-CP để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp điều kiện của địa phương. Các chính sách cụ thể bao gồm:
- Quy hoạch, lập bản đồ các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công bố công khai để thực hiện.
- Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.
- Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.
- Tăng độ dày của tầng canh tác, tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp.
- Tăng độ bằng phẳng mặt ruộng, bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, bón vôi, thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác.
- Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa.
- Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.
- Hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa.
- Hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh những chính sách nhằm bổ sung diện tích đất lúa, tăng hiệu quả sử dụng đất lúa, hỗ trợ người nông dân thì Nhà nước cũng siết chặt các vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đối với người sử dụng đất:
Người sử dụng đất có trách nhiệm:
- Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Nếu có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thì phải cập nhật mới và thực hiện cho đúng.
- Không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất tùy ý. Nếu có nhu cầu chuyển đổi sang mục đích đất trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp thì phải được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Không bỏ đất hoang, không làm thoái hóa đất trồng lúa, không làm ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái khu vực.
- Canh tác đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời thực hiện có các biện pháp cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh.
- Không được làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc canh tác, sản xuất lúa ở các khu vực liền kề. Trường hợp làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề.
- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.
Tổng kết
Bảo vệ và phát triển đất trồng lúa là trách nhiệm không chỉ của riêng các cơ quan, ban, ngành có liên quan mà người sử dụng đất cũng phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành. Các hành vi thực hiện trái quy định về đất đai nói chung và đất trồng lúa nói riêng đều sẽ bị xử lý.
Bài viết trên về tất tần tật những vấn đề liên quan đến bảo vệ đất trồng lúa hy vọng sẽ giải đáp được những thắc mắc mà nhiều người đang muốn biết. Trước khi chạm đến giấc mơ trở thành một nước công nghiệp hiện đại và phát triển trong khu vực thì cần thiết phải biết cách phát huy sức mạnh từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống vốn là thế mạnh của nước ta.
Xem thêm: