Bản đồ đường cao tốc Tp. HCM - Dầu Giây chi tiết nhất

Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon
Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon

Bản đồ cao tốc Tp. HCM - Dầu Giây và những thông tin liên quan chi tiết nhất về lộ trình, tiến độ, mức thu phí,...

Cao tốc Tp. HCM - Dầu Giây

Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Dầu Giây hay gọi chính xác là cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, có đoạn Long Thành - Dầu Giây thuộc hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam. Đây cũng chính là điểm nối bắt đầu cho dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Đường cao tốc Bắc – Nam là tên gọi của tuyến đường nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch, kết nối thông suốt 2 miền Nam và Bắc của nước ta. Đường cao tốc Bắc – Nam nối từ Hà Nội tới Cần Thơ, có tổng chiều dài 1.811 km, điểm đầu là nút giao Pháp Vân (Hà Nội) điểm cuối là nút giao Chà Và (Cần Thơ).

Quá trình hình thành cao tốc Tp. HCM - Dầu Giây

Dự án cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Dầu Giây do Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, được triển khai và hoàn thiện trong giai đoạn từ 3/10/2009 - 8/2/2015.

Cao tốc Tp. HCM - Dầu Giây bao nhiêu km? Tổng chiều dài tuyến cao tốc là 55,7km và được chia làm hai giai thành phần:

  • Đoạn An Phú – Vành đai II: có chiều dài 4km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h; quy mô giai đoạn 1: bốn làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m, chiều rộng mặt đường 2×7,5m và chiều rộng làn dừng khẩn cấp là 6m.
  • Đoạn Vành đai II – Long Thành – Dầu Giây: thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A TCVN 5729-97 với vận tốc thiết kế 120 km/h; quy mô giai đoạn 1: bốn làn xe, chiều rộng nền đường 27,5m, chiều rộng mặt đường 2×7,5 m và chiều rộng làn dừng khẩn cấp là 6m.

Dự án được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Hai giai đoạn dự án do 2 đơn vị cấp vốn tương ứng gồm: Long Thành - Dầu Giây do ADB cấp vốn và Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành do JICA cấp vốn .

Tiến độ xây dựng theo các bản cập nhật như sau:

  • Ngày 02 tháng 1 năm 2014: đoạn từ đường vành đai 2 (thuộc Quận 9) đến Quốc lộ 51 phần thuộc tỉnh Đồng Nai đã được thông xe (20km trong tổng số 55km của đường cao tốc).
  • Ngày 29 tháng 8 năm 2014: tiếp tục thông xe nút giao thông vành đai 2 (tại phường Phú Hữu, Quận 9).
  • Ngày 10 tháng 1 năm 2015: thông xe đoạn đường dài 4km từ nút giao thông An Phú, Mai Chí Thọ (thuộc Quận 2) đến nút giao vành đai 2.
  • Ngày 8 tháng 2 năm 2015: thông xe toàn bộ đường cao tốc khi đoạn Long Thành – Dầu Giây hoàn tất.

Cao tốc HCM - Dầu Giây đã đi vào hoạt động 5 năm

Ý nghĩa của tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được xem là tuyến được huyết mạch khi làm rất tốt nhiệm vụ tăng cường kết nối giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nhờ tuyến cao tốc này, khoảng cách và thời gian di chuyển được rút ngắn đáng kể:

  • Tuyến từ Tp. Hồ Chí Minh đi ngã tư Dầu Giây và hướng đi Liên Khương được rút ngắn 20km, chỉ còn 1 giờ di chuyển.
  • Quãng đường đến Long Thành cũng chỉ mất 20 phút và đi Vũng Tàu chỉ còn 1 giờ 20 phút.
  • Chi phí vận tải giảm 20% - 30% khi các tuyến đường được thu ngắn lại.

Theo tầm nhìn dài hạn, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cùng với những tuyến đường trọng điểm khác như đường vành đai TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ cùng nhau tạo nên một mạng lưới liên kết khu vực nổi bật bậc nhất, tạo nên chuỗi kết nối bền vững và rộng khắp, thiết lập những hiệu ứng lan tỏa tích cực cho sự phát triển kinh tế.

Ngoài ra, như một kết quả tất yếu phải diễn ra, sức bật về hạ tầng chắc chắn sẽ tạo nên sự dịch chuyển của xu hướng đầu tư bất động sản. Theo đó, nhà đất các khu vực quận 9, quận 2 (Tp. Hồ Chí Minh), các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) là nơi đón đầu cơ hội, liên tiếp ghi nhận nguồn cung lớn nhờ được các ông lớn địa ốc để mắt tới.

Nhóm thị trường này sở hữu các dự án quy mô, bài bản, giải quyết tốt cho nhu cầu nhà ở của người lao động, cư dân địa phương và phần lớn nhà đầu tư, khách hàng từ trung tâm đổ về theo làn sóng bất động sản vùng ven. Giá trị đất đai không ngừng tăng lên, đặc biệt là dọc theo hai bên tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Dầu Giây.

Hiện tại, sức hút này cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe cao tốc Dầu Giây trong thời quan. Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ đã khiến tuyến đường này “nóng” hơn so với những tính toán của chủ đầu tư.

Lộ trình và bản đồ cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Dầu Giây

Nắm được lộ trình, các hướng đi vào đường cao tốc sẽ giúp người dân thuận tiện trong lưu thông, chủ động lựa chọn được phương án phù hợp với hành trình của mình.

Bản đồ cao tốc Tp. HCM - Dầu Giây

Đối với hướng đi từ Tp. Hồ Chí Minh

  • Lộ trình 1: Hướng từ QL1 (huyện Bình Chánh) - Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - đường Vành đai 2 - quay đầu tại nút giao thông Vành đai 2 - đường Liên phường - rẽ phải vào đường nhánh lên đường cao tốc.
  • Lộ trình 2: Hướng từ các quận Bình Tân, 8, 6, 5, 1 theo đường Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm (hầm sông Sài Gòn) - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - đường Vành đai 2 - quay đầu tại nút giao thông Vành đai 2 - đường Liên phường - rẽ phải vào đường nhánh lên đường cao tốc.

Hoặc từ đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Thủ Thiêm - đường dẫn cầu Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - đường Vành đai 2 - quay đầu tại nút giao thông Vành đai 2 - đường Liên phường - rẽ phải vào đường nhánh lên đường cao tốc.

  • Lộ trình 3: Hướng từ QL13, đường Điện Biên Phủ, di chuyển theo đường Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn 2 - xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - đường Vành đai 2 - quay đầu tại nút giao thông Vành đai 2 - đường Liên phường - rẽ phải vào đường nhánh lên đường cao tốc.
  • Lộ trình 4: Hướng từ khu vực đông bắc TP.HCM, đi theo xa lộ Hà Nội - Đỗ Xuân Hợp - Nguyễn Duy Trinh - đường Vành đai 2 - quay đầu tại nút giao thông Vành đai 2 - đường Liên phường - rẽ phải vào đường nhánh lên đường cao tốc.
  • Lộ trình 5: Hướng từ khu vực cảng Cát Lái, theo đường Nguyễn Thị Định - đường Vành đai 2 - quay đầu tại nút giao thông Vành đai 2 - đường Liên phường - rẽ phải vào đường nhánh lên đường cao tốc.

Với hướng đi từ Dầu Giây

  • Lộ trình 1: Đà Lạt hướng từ QL20, khi đến ngã tư Dầu Giây, rẽ trái theo hướng đi về phía Long Khánh - Bình Thuận, đi một đoạn khoảng 2 km thì rẽ phải để vào đường cao tốc.
  • Lộ trình 2: từ Bình Thuận về Tp. Hồ Chí Minh, khi gần đến ngã tư Dầu Giây, sẽ được chỉ dẫn vào đường cao tốc. Chú ý đi về phía bên phải sẽ nhìn thấy đường dẫn lên để điều hướng về phía bên trái dẫn vào đường cao tốc.

Những lưu ý khi lưu thông trên cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Các loại xe được phép lưu thông

Đối với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Dầu Giây, tất cả các xe ô tô có đủ điều kiện kỹ thuật để chạy, bao gồm cả xe container kéo rơ-moóc, xe buýt 50 chỗ đều có thể đi được đi vào đường cao tốc.

Tuy nhiên, xe thô sơ, xe gắn máy (bao gồm xe điện), xe mô-tô hai bánh, xe máy kéo, máy cày, xe lam 3 bánh hoặc 4 bánh (loại xe tải nhẹ 4 bánh thay thế xe ba gác có biển TD) đều không được phép lưu thông.

Quy định về tốc độ phương tiện khi lưu thông trên đường cao tốc

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho phép ô tô lưu thông với

  • Tốc độ tối đa 120km/giờ (trong điều kiện thời tiết xấu là 80km/giờ);
  • Tốc độ tối thiểu 60km/giờ;
  • Khoảng cách an toàn tối thiểu 80m (tốc độ lưu thông 100km/giờ).
  • Tốc độ này áp dụng chung cho cả hai làn đường, không phân biệt làn bên trong và bên ngoài.

Cụ thể tốc độ trên một số đoạn như sau:

  • Từ đường Mai Chí Thọ đến nút giao Vành Đai 2 chỉ được đi tối đa 80 km/h,
  • Tại khu vực cầu Long Thành tốc độ tối đa cho phép là 100km/h
  • Nút giao cắt với Quốc Lộ 51 tốc độ ở mức dưới 80 km/h
  • Những đoạn dẫn vào đường cao tốc chỉ được đi từ khoảng 40 km/h đến 60 km/h.

Thu phí và phí cao tốc Hồ Chí Minh - Dầu Giây

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vào khai thác nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát tình hình giao thông. Theo đó, hệ thống này có thể theo dõi, cảnh báo và từ chối phục vụ các phương tiện quá tải cũng như cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm để phục vụ cho quá trình xử lý, xử phạt vi phạm,...

Các phương tiện khi vào đường cao tốc đều được nhận thẻ kiểm soát RFID. Thông qua thẻ này các thiết bị sẽ đọc các dữ liệu và máy tính sẽ tự động tính toán đưa ra mức phí phải trả dựa trên loại xe, số km đường cao tốc mà phương tiện đã sử dụng trước khi lái xe rời khỏi cao tốc, trả thẻ cho nhân viên thu phí.

Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã bố trí 8 cửa thu phí tự động tại 3 trạm thu phí. Bao gồm:

  • 1 trạm ở dưới chân cầu Long Thành (gần cầu Long Thành và cách đường Mai Chí Thọ khoảng 11 km); có một cửa vào và một cửa ra thu phí tự động.
  • 1 trạm ở Dầu Giây (cuối đường ở Đồng Nai, cách lối ra Quốc Lộ 1 ở Dầu Giây khoảng 1km); có một cửa vào và một cửa ra thu phí tự động.
  • 1 trạm thu phí Quốc lộ 51 có hai cửa vào và hai cửa ra.

Mức thu phí quy định như sau:

  • Mức phí dành cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 40.000 đồng;
  • Mức phí ce loại 12 đến dưới 30 chỗ ngồi và xe tải 2 - 4 tấn: 60.000 đồng;
  • Mức phí xe khách trên 31 chỗ và xe tải trên 4 tấn là 80.000 đồng/lượt.

Chi tiết ở bảng bên dưới:

bảng thu phí cao tốc tp.HCM - Dầu Giây

Thông qua bản đồ cao tốc Tp. HCM - Dầu Giây và một số thông tin liên quan đến tuyến đường này, có thể nhận thấy đây là dự án mang ý nghĩa lớn đối với liên kết kinh tế - xã hội khu vực. Trong tầm nhìn dài hạn, đây vẫn là tuyến đường chủ chốt, đấu nối với nhiều công trình trọng điểm, có giá trị lớn và cần được sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Xem thêm: