Bãi bỏ thuế sử dụng đất nông nghiệp, nên hay không?
Bãi bỏ thuế sử dụng đất nông nghiệp là mong muốn của hầu hết người sử dụng đất, đồng thời là cũng là kiến nghị của các lãnh đạo địa phương nơi có đất nông nghiệp. Điều nãy đã đẩy Bộ Tài chính phải đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn, rằng có nên bãi bỏ thuế sử dụng đất nông nghiệp hay không?
Nước ta là một nước nông nghiệp với hơn 70% người dân lao động trong lĩnh vực này. Nông nghiệp chiếm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đóng góp hơn 24% GDP và gần 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, cần có những biện pháp thiết thực để khuyến khích sản xuất. Một trong số đó chính là miễn, giảm hoặc bãi bỏ thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Đối với chính sách miễn - giảm, thời gian qua Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp cùng các Nghị quyết đã liên tục có các quyết định miễn, giảm phù hợp với tình hình. Còn bãi bỏ luôn thuế đất nông nghiệp thì vẫn còn phải xem xét trên nhiều yếu tố.
Nhìn lại “chặng đường” miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta
Mặc dù Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 quy định rõ các đối tượng phải đóng thuế đất nông nghiệp. Đó là tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp bao gồm đất trồng trọt, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất rừng trồng… Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn khác nhau, dựa vào tình hình lúc đó mà Nhà nước liên tục có những chính sách về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cụ thể:
Năm 1993: Song song với đối tượng phải đóng thuế, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng có các quy định về việc miễn, giảm thuế đất nông nghiệp, như: Đất đồi, núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất khai hoang dùng vào sản xuất, đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại cây mới…
Chi tiết xem tại: Quy định về thuế đất nông nghiệp theo luật mới nhất (2020)
Năm 2001: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ nghèo trong cả nước, hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; giảm 50% thuế đối với đất trồng lúa và cà phê.
Năm 2002: Miễn thuế sử dụng đất đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, các hộ nghèo trong cả nước; giảm 50% thuế đối với các hộ sản xuất nông nghiệp khác còn lại chữa được miễn thuế.
Năm 2003: Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như các năm trước cho đến năm 2010; đồng thời mở rộng đối tượng miễn, giảm thuế đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã.
Năm 2010: Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội ban hành ngày 24/11/2010 đã có những quy định về miễn, giảm thuế đất nông nghiệp phù hợp hơn với tình hình phát triển mới, đồng thời khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Các đối tượng miễn thuế thực hiện giống như các năm trước, đồng thời mở rộng diện được miễn, giảm bao gồm: Đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đất trồng cây hàng năm có ít nhất 1 vụ lúa trong năm, đất làm muối, đất giao cho hộ nghèo… Bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2020.
Năm 2016: Nghị quyết số 28/2016/QH14 (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 55/2010/QH12), cho phép miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 2020 đến hết năm 2020 cho các đối tượng còn lại, trừ đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, thì phải nộp 100% thuế đất nông nghiệp.
Năm 2020: Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 25/05/2020, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2015.
15 năm qua, mỗi năm nước ta miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp hàng nghìn tỷ đồng
Nhằm khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường… Thời gian qua, Nhà nước liên tục có các chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp với số tiền giảm lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
- Năm 2003 - 2010: Miễn, giảm bình quân 3.200 tỷ đồng/năm cho hơn 10 triệu đối tượng với diện tích khoảng hơn 6 triệu ha/năm.
- Năm 2011 - 2016: Miễn, giảm hơn 6.300 tỷ đồng/năm cho hơn 12 triệu đối tượng với diện tích khoảng hơn 7 triệu ha/năm.
- Năm 2017 - 2018: Miễn, giảm hơn 7.400 tỷ đồng/năm cho hơn 12 triệu đối tượng với diện tích khoảng hơn 8 triệu ha/năm.
Có nên bãi bỏ luôn thuế sử dụng đất nông nghiệp hay không?
Đối với vấn đề này được chia thành 2 luồng ý kiến trái chiều. Người thì cho rằng nên bỏ, người thì cho rằng không nên bỏ. Ai cũng có lý do riêng của mình khiến cho vấn đề này càng ngày càng không có lời giải. Hiện Bộ Tài chính đang cảm thấy khó khăn khi phải đưa ra quyết định nên hay không việc bãi bỏ thuế đất nông nghiệp.
Nên bỏ
Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp ra đời năm 1993, có hiệu lực năm 1994, trải qua nhiều năm thực hiện và nhận thấy nhiều vấn đề bất cập. Những Nghị quyết sau đó được ban hành phù hợp hơn với tình hình thực tế, song vẫn chưa giải quyết được những hạn chế còn tồn tại.
- Thứ nhất, mỗi năm số thuế đất nông nghiệp thu về bình quân là 1.600 - 1.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,6% tổng số thu ngân sách. Tuy nhiên, để thu được số thuế đó về thì ngân sách trung ương phải chi tới 4,5% tổng số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp mỗi năm để có thể thu được thuế của khoảng 12.000 hộ dân, đảm bảo kinh phí nuôi một bộ máy hành chính khổng lồ bao gồm cán bộ thuế xã, phường, cán bộ ủy nhiệm thu, hội đồng tư vấn thuế các cấp…
- Thứ hai, Chính phủ thường xuyên có các chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo mùa vụ cho từng địa phương gặp thiên tai. Ví dụ Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 quy định về các trường hợp được giảm thuế nếu bị thiên tai như: Giảm 60% thuế đối với mức thiệt hại từ 20 - 30%, giảm 80% thuế đối với mức thiệt hại từ 30 - 40%... Muốn đánh giá được mức độ thiệt hại này đòi hỏi khối lượng công việc lớn và phức tạp, trong khi trình độ cán bộ thuế cấp xã còn nhiều hạn chế. Cũng từ đó đã gây ra những vấn đề tranh cãi trong việc thiếu công bằng, thiếu chính xác khi tính toán mức độ thiệt hại. Bởi công cụ để đánh giá mức độ thiệt hại chưa có, đa số cán bộ dựa vào cảm tính để đưa ra con số về mức độ thiệt hại.
- Thứ ba, trong suốt quá trình thực hiện, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp đã từng ngày bộc lộ các hạn chế, nhược điểm của mình. Đặc biệt là việc thiếu đi sự thống nhất giữa các địa phương trong việc quyết định hình thức thu thóc. Nên thu bằng thóc hay thu tiền theo giá thóc? Giá lúa luôn thay đổi từng ngày, vậy nên thu thuế dựa vào mức giá nào?...
- Thứ tư, nước ta là nước nông nghiệp với hơn 70% là nông dân. Việc sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao. Khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị đang diễn ra rõ nét. Người dân cả năm chỉ trông chờ vào các vụ mùa, nhưng nếu năm đó thiên tai hay dịch bệnh thì xem như mất trắng. Vì vậy, để khuyến khích sản xuất nông nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống của nhà nông thì việc bãi bỏ thuế sử dụng đất nông nghiệp được xem là việc làm thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
Không nên bỏ
Mặc dù việc bỏ thuế đất nông nghiệp mang đến các lợi ích như nói trên, nhưng đồng thời nó cũng để lại những hạn chế, khó khăn nhất định.
- Thứ nhất, ngân sách địa phương sẽ lấy từ đâu? Hiện nay, toàn bộ số thuế thu được từ thuế đất nông nghiệp sẽ không phải nộp cho ngân sách Nhà nước mà để lại cho ngân sách địa phương. Đây là nguồn thu chủ yếu của ngân sách địa phương nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi. Số tiền này sẽ giúp cho chính quyền địa phương có thể chủ động hơn trong việc sắp xếp kế hoạch chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nếu không có nguồn thu từ thuế đất nông nghiệp, vậy nguồn thu ngân sách địa phương sẽ lấy từ đâu?
- Thứ hai, liệu người dân có còn có trách nhiệm đối với đồng ruộng của mình? Luật Thuế đất nông nghiệp ngoài chức năng thu thuế sử dụng đất còn có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi được Nhà nước giao, cho thuê đất. Tránh tình trạng đất bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Nhưng nếu Luật Thuế bỏ đi rồi, liệu người dân có cảm thấy trân trọng mảnh đất mình đang sử dụng hay không? “Tấc đất, tấc vàng”, một mảnh đất bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích đều là sự lãng phí không nên có.
Tổng kết
Rõ ràng đây là một quyết định vô cùng khó khăn đối với Bộ Tài chính và cơ quan được giao làm nhiệm vụ nghiên cứu Luật Thuế sử dụng đất. Trước mắt, cho đến năm 2025 thì nước ta vẫn tiếp tục chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14. Còn việc bãi bỏ thuế sử dụng đất nông nghiệp thì vẫn cần phải xem xét thật kỹ, lấy ý kiến từ nhiều phía thì mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng phù hợp, đúng đắn và đem lại hiệu quả cao nhất.
Khi chưa có quyết định cuối cùng về việc có được bãi bỏ thuế sử dụng đất nông nghiệp hay không thì người nộp thuế (không thuộc diện miễn, giảm) phải đóng thuế theo quy định của Luật Thuế đã ban hành. Không đóng thuế đất chính là vi phạm luật thuế sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự dựa vào mức độ vi phạm.
Xem thêm: