3 loại đất UBND xã quản lý và thẩm quyền trách nhiệm
Mỗi loại đất sẽ do các cơ quan khác nhau quản lý. Vậy đất UBND xã quản lý là đất nào? Thẩm quyền và trách nhiệm về đất đai do UBND cấp xã quản lý được quy định ra sao? Tất tần tật sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.
UBND xã quản lý đất gì?
1/ Đất công ích
Điều 59 Luật đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất của từng cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó Khoản 3 Điều 59 quy định về thẩm quyền của UBND như sau:
“3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn”.
Như vậy, đất công ích chính là đất UBND xã quản lý. Để biết đất công ích là gì chúng ta tiếp tục tìm hiểu nội dung tiếp theo của bài viết.
Đất công ích là đất gì?
Trong phân loại đất đai theo quy định của pháp luật Việt Nam mới nhất thì đất được chia thành 3 loại đất chính: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng (chưa xác định mục đích sử dụng). Hoàn toàn không có khái niệm về đất công ích.
Tuy nhiên Điều 59 (nói trên) và Điều 132 Luật đất đai 2013 lại nhắc đến loại đất này. Theo đó, Điều 132 quy định như sau:
“Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.”
Như vậy, đất công ích xuất phát điểm chính là đất nông nghiệp, cụ thể là:
- Đất trồng cây hàng năm;
- Đất trồng cây lâu năm;
- Đất nuôi trồng thủy sản.
Đất công ích là đất được lấy từ quỹ đất nông nghiệp để phục vụ cho lợi ích công cộng của một cộng đồng nhất định.
Ngoài cái tên đất công ích ra thì loại đất này còn được gọi là đất 5%. Trước đây, hợp tác xã đã trích 5% quỹ đất hợp tác xã hoặc các hộ dân sau khi đã đưa đất vào hợp tác xã thì được giữ lại 5% để giao cho các hộ nông dân được tự do phát triển kinh tế theo nhu cầu của mình.
Ngoài ra, các loại đất sau cũng chính là nguồn hình thành hoặc bổ sung vào quỹ đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích tại xã, phường, thị trấn:
- Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước;
- Đất khai hoang;
- Đất nông nghiệp thu hồi.
Đất công ích chiếm bao nhiêu % đất khu vực?
Điều 132 Luật đất đai nói rõ: Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản.
Nếu nơi nào có quỹ đất nông nghiệp dùng làm đất công ích vượt quá 5% thì giải quyết như sau: Diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.
Đất công ích dùng để làm gì?
Khoản 2 Điều 132 Luật đất đai 2013 quy định về mục đích sử dụng quỹ đất nông nghiệp dùng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn như sau:
1/ Dùng để xây dựng công trình công cộng của xã, phường, thị trấn (bao gồm: công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình khác theo quy định của UBND cấp tỉnh), nhằm mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và nhu cầu khác của người dân trên địa bàn.
2/ Dùng để bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng.
3/ Dùng để xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa.
Đối với đất chưa sử dụng vào 1 trong 3 mục đích nói trên thì UBND cấp xã có quyền cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá. Tiền thuê thu được sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước do UBND cấp xã quản lý. UBND cấp xã chỉ được sử dụng số tiền này cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy dinh.
Mục đích sử dụng đất cũng chính là cơ sở để xác định đất công ích.
2/ Đất bãi bồi ven sông, ven biển
Khoản 2 Điều 141 Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển như sau:
“Đất bãi bồi ven sông, ven biển thuộc địa phận xã, phường, thị trấn nào thì do Ủy ban nhân dân cấp xã đó quản lý.”
Trừ trường hợp đất thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở thì do UBND cấp huyện quản lý và bảo vệ.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển là gì?
Khoản 1 Điều 141 Luật đất đai 2013 quy định đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm:
- Đất bãi bồi ven sông;
- Đất cù lao trên sông;
- Đất bãi bồi ven biển;
- Đất cù lao trên biển.
Đối tượng và mục đích sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển
Khoản 3 Điều 141 Luật đất đai 2013 quy định về đối tượng được cho thuê quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển như sau: Đất bãi bồi ven sông, ven biển được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dùng để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hộ nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Thời hạn sử dụng đất là 50 năm hoặc 70 năm tùy từng trường hợp. Khi hết hạn mà người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì tiến hành gia hạn thời gian sử dụng đất để Nhà nước xem xét.
3/ Đất chưa sử dụng
Điều 164 Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền quản lý đất chưa sử dụng, như sau:
“Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và đăng ký vào hồ sơ địa chính.”
Đất chưa sử dụng là đất gì?
Khoản 3 Điều 10 Luật đất đai nói về đất chưa sử dụng như sau: Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.
Điều 58 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP giải thích rõ hơn về khái niệm này.
Đất chưa sử dụng gồm đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.
Đất chưa sử dụng là đất chưa có đủ điều kiện hoặc chưa được xác định để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chưa xác định là đất khu dân cư nông thôn, đô thị, chuyên dùng và Nhà nước chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nào sử dụng ổn định lâu dài.
Đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng như thế nào?
Điều 165 Luật đất đai 2013 quy định về việc đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng như sau:
- UBND các cấp sẽ căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để lên kế hoạch đầu tư, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất chưa sử dụng vào sử dụng.
- Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt. Điều kiện để được giao đất nông nghiệp đó là nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thể hiện trong đơn xin giao đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Diện tích đất được quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp thì ưu tiên giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.
Ngoài 3 loại đất nói trên thì tại mỗi địa phương khác nhau sẽ có những quy định riêng về đất do UBND cấp xã quản lý. Ví dụ như đất nông nghiệp nằm ngoài ranh giới quy hoạch của dự án đã được thu hồi, bồi thường; đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn bị Nhà nước thu hồi; đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại hoặc tặng cho Nhà nước quyền sử dụng đất; đất khai hoang...
Thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp xã
Thẩm quyền quản lý
Đối với đất công ích:
Khoản 2 Điều 7 Luật đất đai 2013 quy định về Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất như sau:
“Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.”
Khoản 2 Điều 8 Luật đất đai 2013 quy định về Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý như sau:
“Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.”
Đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển:
Thẩm quyền quản lý đất đai cấp xã đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển được quy định tại Khoản 2 Điều 141 Luật đất đai 2013 như đã nói ở trên.
Đối với đất chưa sử dụng:
Thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp xã đối với đất chưa sử dụng được quy định tại Điều 164 Luật đất đai 2013 mà bài viết vừa đề cập ở trên.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh cấp đất đai là điều xảy ra thường xuyên giữa các gia đình hoặc trong cùng một gia đình. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất trong quan hệ đất đai.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau hoặc hòa giải ở cơ sở.
Trong trường hợp hòa giải không thành thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để được hòa giải.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với UBMTTQ cấp xã, các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thời hạn thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
Thẩm quyền xử lý vi phạm
- Nếu công chức địa chính cấp xã phát hiện các hành vi vi phạm đất đai thì phải báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND cấp xã để ngăn chặn kịp thời và xử lý.
- Nếu Chủ tịch UBND cấp xã phát hiện vi phạm hoặc được báo cáo có vi phạm thì tổ chức kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hành vi bi phạm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luât. Trong trường hợp vượt quyền thì báo cáo với UBND cấp huyện để được giải quyết.
- Trong trường hợp người vi phạm không chấp hành, UBNF cấp xã sẽ báo cáo với UBND cấp huyện để tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý.
- Nếu người sử dụng đất do UBND cấp xã quản lý nhưng không sử dụng đúng mục đích, không tuân theo hợp đồng đã lý kết thì UBND cấp xã có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Thẩm quyền xử phạt
Khoản 1 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ/CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã xử phạt trong lĩnh vực đất đai như sau:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 5 triệu đồng;
- Tịch thu các loại giấy tờ làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Trách nhiệm của UBND xã trong quản lý đất đai
Trách nhiệm của UBND cấp xã nói chung
1/ Xác định nguồn gốc, tình trạng đất đai để làm các thủ tục hành chính về đất đai như cấp Giấy chứng nhận, chuyển quyền sử dụng đất hoặc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
2/ Đối với trách nhiệm quản lý đất công ích, UBND cấp xã có trách nhiệm trích lập quỹ đất công ích cấp xã để trình HĐND xét duyệt; quản lý và sử dụng quỹ đất công ích đúng với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3/ Đối với đất chưa sử dụng, UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn và đăng ký vào hồ sơ địa chính; đề xuất phương án sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển có diện tích chưa sử dụng để trình UBND cấp huyện duyệt.
4/ Rà soát hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn để xử lý những vấn đề liên quan; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định.
5/ Đối với việc quản lý hồ sơ địa chính, UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để thiết lập, quản lý hồ sơ địa chính; đồng thời sử dụng, bảo quản, khai thác thông tin đất đai từ hồ sơ địa chính theo đúng quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã nói riêng
Điều 208 Luật đất đai 2013 quy định Trách nhiệm quản lý đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Nếu UBND xã không làm tròn trách nhiệm
Trong trường hợp UBND cấp xã không làm tròn trách nhiệm được giao, thì cá nhân, tổ chức phát hiện có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền sau:
- Nếu công chức địa chính xã, phường, thị trấn vi phạm > gửi kiến nghị đến Chủ tịch UBND cấp xã.
- Nếu công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai cấp nào vi phạm > gửi kiến nghị đến thủ trưởng của cơ quan quản lý đất đai cấp đó.
- Nếu thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai vi phạm > gửi kiến nghị đến Chủ tịch UBND cùng cấp.
Tóm lại, bên cạnh thẩm quyền thì UBND cấp xã còn phải có trách nhiệm đối với đất UBND xã quản lý. Mọi hoạt động thực hiện quyền hay trách nhiệm đều phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. UBND cấp xã có quyền xử lý đối với những vi phạm của cá nhân, tổ chức trong phạm vi đất đai mình quản lý. Nhưng ngược lại, tổ chức, cá nhân cũng có quyền kiện ngược lại UBND cấp xã nếu phát hiện cán bộ, công chức cấp xã không hoàn thành trách nhiệm được giao.
Xem thêm: