07 lưu ý khi nhận bàn giao nhà chung cư mà chủ nhà phải nắm

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Những ai mua căn hộ chung cư khi được thông báo bàn giao nhà, đặc biệt là những người mới mua lần đầu thường sẽ khá lúng túng & hầu như không có kinh nghiệm nhận bàn giao nhà chung cư. Thậm chí nhiều người rơi vào tình trạng để chủ đầu tư qua mặt dễ dàng.

Trong thực tế, có rất nhiều tranh chấp nảy sinh do thiếu kiến thức về quy trình ở công đoạn bàn giao này. Đây là một trong những bước quan trọng nhất của hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ liệt kê 07 lưu ý mà anh chị cần phải nằm lòng để tránh sai sót không đáng có trong quá trình bàn giao căn hộ chung cư.

lưu ý khi nhận bàn giao nhà chung cư 1

A/Kiểm tra phần sở hữu chung của chung cư

1/ Kiểm tra hộp phòng cháy chữa cháy

lưu ý khi nhận bàn giao nhà chung cư 2

- Mở hộp cứu hỏa ở hành lang (vị trí gần căn hộ mình nhất) xem các thiết bị cơ bản như vòi nước, búa chữa cháy... đã có chưa.

- Thử chuông báo cháy để xem có hoạt động không.

- Thử đầu phun nước khi có hỏa hoạn có ổn không.

2/ Kiểm tra thang máy của tòa nhà

lưu ý khi nhận bàn giao nhà chung cư 3

- Thang máy mới hoạt động cho nên trước khi bước vào thang máy, anh chị cần quan sát kỹ xem khi cửa mở, thì thang đã lên đến nơi chưa. Điều này cực quan trọng để tránh những tai nạn không đáng có xảy ra.

- Quá trình đóng mở cửa có bất thường không?

- Lúc bấm thang lên xuống có đúng tầng, đúng sảnh hay không?

B/ Kiểm tra phần sở hữu riêng

3/ Đo diện tích căn hộ

lưu ý khi nhận bàn giao nhà chung cư 4

Đây là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất, vì tất tần tật mọi thứ chi phí của anh chị sau này đều phụ thuộc vào diện tích căn hộ. Kể từ giá tiền, giá chi phí dịch vụ chung cư,...

Lúc kí kết hợp đồng, anh chị đã phải yêu cầu chủ đầu tư ghi rõ diện tích căn hộ của mình. Lưu ý đơn vị ghi theo cách tính diện tích nào. Thông thường, sẽ có 2 cách ghi diện tích mà trong xây dựng, chủ đầu tư hay thể hiện trên hợp đồng mua bán:

- Diện tích tim tường (hoặc diện tích xây dựng): là diện tích được đo từ tim tường bao, tường ngăn, bao gồm cả cột và hộp kỹ thuật trong căn hộ.

- Diện tích sử dụng (hay diện tích thông thủy): là diện tích tim tường trên nhưng không tính diện tích tường bao, tường phân chia, cột, hộp kĩ thuật.

Nhiều chủ đầu tư không trung thực, có thể “đánh tráo diện tích" bằng cách dùng diện tích tim tường để quảng cáo (vì như vậy người mua sẽ lầm tưởng căn nhà to hơn), nhưng thực tế diện tích thật mà anh chị sử dụng sẽ chỉ là diện tích thông thủy.

Đồng thời, trong hợp đồng anh chị phải nắm rõ chi phí dịch vụ sau này sẽ được tính trên diện tích thông thủy hay diện tích xây dựng.

Ví dụ, khi căn hộ đưa vào sử dụng, ban quản lý tính tiền dịch vụ trên diện tích xây dựng thì coi như mỗi tháng anh chị mất thêm một trăm đến mấy trăm ngàn (theo phí dịch vụ chung hiện tại).

Khá nhiều dự án, chủ đầu tư & ban quản trị chung cư là hai đơn vị khác nhau, anh chị sẽ càng tốn nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề như thế này. Nếu việc nhận nhà có sai khác về diện tích thì phải yêu cầu chủ đầu tư đưa ra phương án xử lý đền bù.

Anh chị cũng nên tự đo theo các kích thước yêu cầu trên bản vẽ.

Phần diện tích tổng thể có thể tính toán sau khi đã chốt các số liệu kích thước đo với bên chủ đầu tư. Đặc biệt, ngày gặp bàn giao anh chị nên in bản vẽ ra khổ giấy A3 cho dễ nhìn. Sau đó, đánh dấu lại các vị trí yêu cầu sửa chữa.

4/ Kiểm tra đường dây điện - ống nước

lưu ý khi nhận bàn giao nhà chung cư 5

- Kiểm tra cẩn thận các ổ cắm điện xem chúng đã có nguồn điện chưa. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra số lượng các ổ cắm điện và có thể yêu cầu bố trí lại chúng hợp lý, phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Dùng bút thử kiểm tra rò điện. Nên kiểm tra ngẫu hứng trên tường, khu xung quanh công tắc và ổ điện.

- Kiểm tra hệ thống điều hoà xem có chạy bình thường và ổn định không, cục nóng của máy có bị rò rỉ nước không, đường ống có bị nhô ra ngoài không.

- Kiểm tra hệ thống đèn trần, đèn nhà bếp, đèn ban công, đèn vệ sinh, xem tất cả chúng có hoạt động tốt hay có bị nứt vỡ không.

- Kiểm tra xem lực nước chảy yếu hay mạnh, nhất là lực nước từ vòi xịt vệ sinh.

- Ở khu vực nhà vệ sinh, bạn nên kiểm tra kỹ hệ thống thoát sàn, xem có đảm bảo nước được thoát đi tốt không, nắp thoát sàn có gặp vấn đề gì không, đồng thời bạn phải đảm bảo khi dội nước thì phải thoát khô sàn không đọng nước.

- Kiểm tra các vòi hoa sen có bị rỉ nước không, nếu bị thì phải yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thay thế ngay.

- Nếu căn hộ bạn được trang bị bình nóng lạnh thì phải kiểm tra ngay đường ống, và xem đường điện đã có dây mát chống giật chưa?

5/ Đối với phần nội thất – thiết bị căn hộ

- Với những căn hộ đã bao gồm phần tủ bếp, tủ áo, kiểm tra các cánh tủ mở có dễ dàng, có bị lệch nhau hay không? Các bản lề bật cho tủ bếp phải bắt chắc chắn và đầy đủ vít. Kiểm tra các ngăn kéo kéo ra nhẹ nhàng. Không tự trôi ra, các ruột ngăn kéo phải được phủ sơn. Cẩn thận nhấc hẳn ngăn kéo ra ngoài nhìn phía trong ruột tủ có sơn hay không (Thường thợ sẽ ăn bớt sơn trong ruột tủ).

- Kiểm tra các ray trượt ngăn kéo xem có bị rỉ, trượt êm hay không để yêu cầu thay thế.

- Các thiết bị có đầy đủ ổ cắm điện hay chưa?

- Các thiết bị nếu có như bếp điện, bếp từ, thùng rác, … có vấn đề gì về kỹ thuật hay hỏng hóc gì không.

- Kiểm tra toàn bộ phần sàn gỗ của các phòng có bị ép, lún, phồng, ọp ẹp, sứt và có khe hở với len tường không, có bị rộp do thấm nước hay không.

- Phần cửa các phòng, cửa sổ lắp có chuẩn chưa. Bản lề có bị vênh không? Tay nắm, ốc vít có bị hoen rỉ hay không?

- Kiểm tra các cửa trượt có bị xước hay chân cửa trượt có bị lỗi hở trên dưới, không cân và bị vênh/lệch không.

- Các ổ khoá cửa ra vào có bị rỉ, kẹt, hỏng hay không.

- Kiểm tra các nẹp, rèm cửa ra vào nhà vệ sinh có khít không, có hở không, nếu có yêu cầu xử lý.

6/ Đối với phần thô

- Tường nhà có bị nứt hay không, nếu nứt phải yêu cầu xử lý ngay tránh ngấm nước làm hỏng sơn tường.

- Kiểm tra phần sơn tường, trần có bị bẩn, bị cào xước, sơn không phẳng hay không.

- Kiểm tra các trần phòng có được xử lý phẳng hay không để yêu cầu sơn lại.

- Trần và tường có màu sơn tương đồng, có lệch màu hay không.

- Phần ban công nên kiểm tra có bẩn không, phần thoát nước có tốt không? Tránh nước tràn vào làm hỏng sàn gỗ.

- Kiểm tra phần bàn đá của mặt bếp, đặc biệt là các căn hộ có tháp bếp, xem gạch ốp có bị sứt vỡ không, các viên gạch có thẳng hàng không, nếu có cho xử lý ngay.

7/ Một số lưu ý khác trong bộ kinh nghiệm giao nhận căn hộ chung cư

Các vật dụng cần mang theo để anh chị có thể tự kiểm tra các khu vực cần thiết:

- Hợp đồng mua bán, phụ lục hợp đồng (có ghi chi tiết các thiết bị của chủ đầu tư khi bàn giao căn hộ)

- Bản vẽ mặt bằng có đủ kích thước (dài, rộng, cao)

- Đèn pin hoặc điện thoại có chức năng đèn pin

- Tô vít nhỏ, bút thử điện hoặc đèn ngủ loại cắm trực tiếp được vào ổ cắm

- Thước dây loại cứng, thước kẻ 30cm, bút bi

Thông thường, phụ lục của hợp đồng mua bán căn hộ sẽ có ghi chi tiết về các trang thiết bị bàn giao kèm theo căn hộ, anh chị có thể dựa vào đó làm căn cứ chính khi nhận bàn giao.

Thời gian bàn giao căn hộ chung cư thường không nhiều, tầm khoảng 1 tiếng đồng hồ, nên nếu có thể nên nhờ thêm vài người cùng đi nhận bàn giao, mỗi người xem xét 1 khu vực để đảm bảo vừa nhanh vừa hiệu quả.

Trên đây là 7 lưu ý khi nhận bàn giao nhà ở chung cư mà anh chị cần phải bỏ túi.

>>>Xem thêm:

Tổng hợp đầy đủ các loại phí dịch vụ cần đóng khi ở căn hộ chung cư

8 bí quyết đầu tư căn hộ cho thuê sinh lời (Chuyên gia tư vấn)

Tổng hợp kinh nghiệm mua căn hộ chung cư ăn ý