Phân tích thị trường bất động sản công nghiệp Long An hiện nay

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Thị trường bất động sản công nghiệp Long An trong tầm nhìn dài hạn sẽ là điểm sáng cho khu vực phía Nam với rất nhiều tín hiệu tích cực về nguồn cung, giá và chất lượng.

Những năm trở lại đây, nhất là khi Việt Nam ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế, nền kinh tế công nghiệp trong nước đón nhận nhiều thông tin khả quan về thu hút đầu tư cũng như sự ưu ái của các doanh nghiệp nước ngoài. Có thể nói, sự dịch chuyển dòng vốn đã tạo ra động lực rất lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhu cầu về nhà xưởng, quỹ đất sản xuất tăng lên cũng là lúc đầu tư bất động sản công nghiệp được hưởng lợi.

BĐS công nghiệp lên ngôi

Chuyên gia phân tích thuộc Công ty tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates cho rằng, đại dịch Covid-19 cùng tác động của thương chiến Mỹ - Trung trong bối cảnh này cũng góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển và mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, trước những cải thiện đáng kể về chuỗi cung ứng thời gian qua.

Cùng với miền Bắc và miền Trung, khu vực phía Nam cũng là 1 trong 3 điểm đón sóng đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp. Trong đó, Long An với những gì thể hiện trong giai đoạn vừa qua được giới chuyên môn đánh giá rất cao về tiềm năng và sức bật đối với phân khúc bất động sản này.

Thị trường bất động sản công nghiệp Long An sở hữu điều gì mà lại được đề cao đến vậy? Thị trường này đã làm được gì và trong tương lai, cơ hội sẽ mở rộng ra sao? Cùng theo dõi một vài phân tích chuyên sâu về bất động sản công nghiệp Long An ngay tại bài viết này.

Long An trong sự sôi động của BĐS công nghiệp phía Nam

Những dấu hiệu nóng lên của thị trường bất động sản công nghiệp đã bắt đầu lộ diện rõ nét trong năm 2019, khi nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao. Các khu công nghiệp thuộc những tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng lọt vào tầm ngắm và được lấp đầy với tỷ lệ ấn tượng. Vào cuối 2019, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh,thành phố lớn phía Bắc và phía Nam lần lượt là hơn 92% và 80%.

Tính đến nay, khu vực phía Nam đang sở hữu diện tích đất công nghiệp lớn nhất cả nước với tổng cộng 44.700 ha đất công nghiệp, trong đó tổng diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng là 3,04 triệu. Giá thuê trung bình là 2 - 5 USD/m2/tháng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù không có sự thuận lợi trong vị trí địa lý với Trung Quốc - quốc gia có sự đổ bộ của các doanh nghiệp vào nước ta rất lớn, tuy nhiên, phía Nam vẫn là thị trường sở hữu nhiều yếu tố đòn bẩy cực kỳ tốt để đưa phân khúc bất động sản công nghiệp phát triển. Điển hình như:

  • Quỹ đất đai có sẵn tại các tỉnh trọng điểm (trừ Tp.Hồ Chí Minh) cho các giai đoạn mở rộng trong tương lai;
  • Hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông, hệ thống nhà xưởng đã được thiết lập sẵn.
  • Tp.Hồ Chí Minh là một trong những đầu tàu về kinh tế cả nước cũng góp phần gia tăng sức hút và tạo sự tin tưởng cho nhiều doanh nghiệp lớn; bởi đa số các thương hiệu mới muốn quảng bá, xâm nhập Việt Nam vẫn thường chọn nơi đây làm nơi tiếp cận thị trường đầu tiên.

Đánh giá khách quan, miền Nam với đội ngũ lao động trẻ, điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tiên phong phát triển ngành BĐS công nghiệp mạnh mẽ và năng động thuộc hàng bậc nhất.

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lo ngại về sự rung lắc và đi xuống của nền kinh tế, bất động sản công nghiệp sẽ “thoái trào” hoặc “chết yểu”. Tuy nhiên, đi ngược lại hoàn toàn mọi dự đoán, phân khúc này vẫn kiên cường cho thấy “khả năng sống sót” bền bỉ, thậm chí là khởi sắc.

SSI Research dẫn chứng, trong 5 tháng đầu năm, các thị trường phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đều có tỷ lệ lấp đầy duy trì trên 83%. Thậm chí, giá chào thuê đất các khu công nghiệp phía Bắc rơi vào tầm từ 65 - 260 USD/m2/chu kỳ thuê, thấp hơn mức trung bình từ 80 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp phía Nam.

Đặc biệt, thị trường này sôi động và tăng nhiệt nhanh chóng chủ yếu tập trung tại khu vực vùng ven Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An,... Hiện nay, dịch chuyển về thị trường tỉnh đang là xu hướng kinh doanh nhà đất nở rộ tại phía Nam bởi những vấn đề về quỹ đất, dân số của Tp. Hồ Chí Minh đã giúp các nhà đầu tư thay đổi tư duy, nhìn nhận rõ hơn lợi thế, tiềm năng của các “vùng đất mới”.

bđs công nghiệp Long An

Là một tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, quy hoạch chung của khu vực, Long An được hưởng lợi rất lớn từ làn sóng sôi động trên thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam. Được đánh giá cao về dư địa phát triển, có định hướng đúng đắn trong quá trình cải thiện diện mạo tỉnh nhà, Long An trong sự kỳ vọng sẽ trở thành “thủ phủ công nghiệp” mới bên cạnh hai “đàn anh” là Bình Dương và Đồng Nai.

Mức tăng trưởng công nghiệp tại Long An “thăng hoa”

Sở Công Thương Long An cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An tăng đều trong các năm gần đây: năm 2016 đạt 9,05%; năm 2017 đạt 9,53%; năm 2018 đạt 10,36%; năm 2019 tốc độ tăng trưởng đạt 9.41 %, luôn cao hơn so với GDP toàn quốc.

  • Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tăng tỉ trọng công nghiệp, theo đúng định hướng của lãnh đạo tỉnh.
  • Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 9.41%, KV I tăng 2.64%, KV II tăng 14.45%, KV III tăng 6.12%
  • Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo chiếm 45.51% GRDP của tỉnh, sản xuất công nghiệp tăng 15.04% so với 2018.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Long An

Con số này cho thấy, Long An thực sự đã có cuộc lột xác khá nhanh chóng và ấn tượng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp.

Nhiều chủ khu công nghiệp phía Nam công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với mức tăng trưởng ấn tượng:

  • Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên báo lãi sau thuế đạt 85,3 tỷ đồng trong quý I/2020, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2019, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 5.336 đồng
  • Doanh thu thuần của công ty tăng trưởng 6,4% trong quý đầu năm nay, trong đó, doanh thu từ kinh doanh BĐS khu công nghiệp đạt gần 31,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 75% doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ).
  • Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức báo lãi ròng đạt 53,7 tỷ đồng (tăng trưởng tới 190%);
  • Công ty Cổ phần Long Hậu báo lãi sau thuế tăng 15,1% lên mức 63,2 tỷ đồng;
  • Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo báo lãi 25,4 tỷ đồng (tăng trưởng 341%);
  • Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận đạt 211 tỷ đồng, tăng trưởng 89% so với quý I/2019.
  • Tổng công ty Cổ phần Phát triển khu công nghiệp Sonadezi báo lãi 270 tỷ đồng trong quý I/2020 (tăng trưởng 51%).
  • 03 tháng đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ 2019.

BĐS công nghiệp Long An: thay đổi và khởi sắc

Thời gian gần đây, thay vì Bình Dương hay Tp. Hồ Chí Minh, cái tên Long An được nhắc đến nhiều hơn trên mặt báo, trong các cuộc thảo luận về cơ hội đầu tư tại vùng ven. Vốn không phải là địa phương “đắt khách” ngay từ đầu, xuất phát ở thời điểm và điều kiện có phần thua kém các tỉnh, thành khác nhưng Long An thời điểm này lại là miền đất hứa cho rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, danh sách kể ra không hiếm những cái tên thuộc hàng ông lớn.

Với ưu thế là địa phương nằm trong vùng tam giác vàng đón xu thế giãn dân của TP. Hồ Chí Minh, sở hữu lợi thế về quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất còn khá thấp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đã giúp Long An trở thành điểm thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương trên cả nước đổ về lập nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phát triển.

Hạ tầng “khơi thông” cho dòng vốn

Long An là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có lợi thế giáp ranh với Tp. Hồ Chí Minh, nắm giữ vai trò cầu nối quan trọng của Đông Nam Bộ, thúc đẩy sự phát triển của 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Long An có các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước kề cận với các quận, huyện thuộc Tp. Hồ Chí Minh, thời gian di chuyển nhanh chóng và thuận tiện.

Nhận biết được lợi thế về vị trí “vàng” của mình, thiếu sót lớn nhất của Long An trong nhiều năm về trước chính là chưa tận dụng triệt để bởi hệ thống hạ tầng xuống cấp, rời rạc. Lấy bài học từ Bình Dương, Long An bắt đầu tập trung hơn vào việc hoàn thiện hạ tầng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển chung. Hiện tại, kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông đồng bộ và thông suốt đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế.

Quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Long An đặt ra khá nhiều mục tiêu cũng như dự án hạ tầng trọng điểm cần gấp rút hoàn thành. Cụ thể, Long An đang dần hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62; Quốc lộ N2 nối từ Củ Chi đi xuyên suốt vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị đưa vào khai thác trong tương lai gần; Quốc lộ N1 cũng chuẩn bị được đầu tư xây dựng.

Không dừng lại ở sức mạnh nội lực, Long An còn nhạy bén tận dụng các dự án hạ tầng lớn khác trong khu vực để làm đòn bẩy, tăng cường đấu nối nhằm rút ngắn thời gian di chuyển cũng như phục vụ được lượng phương tiện lưu thông lớn hơn, an toàn hơn. Các tuyến đường trọng điểm điển hình có thể kể đến:

  • Tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương: rút ngắn thời gian di chuyển từ Tây Nam Bộ đi Đông Nam Bộ.
  • Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được đầu tư xây dựng, là trục phát triển mới kết nối Long An với hệ thống cảng quốc tế Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành…
  • Trục động lực Tp. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Long An
  • Tỉnh lộ 830 - tuyến đường huyết mạch của Long An
  • Đường Vành Đai TP.Tân An.

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng Cảng Quốc tế tại Long An cũng sẽ góp công lớn trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm tắc nghẽn giao thông, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - là điểm quan trọng được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao giữa lúc nền kinh tế, dòng tiền có nhiều biến động.

Thị trường bất động sản công nghiệp Long An đang “bám sát” vào những dấu hiệu khả quan của hạ tầng để chứng minh tiềm năng tiến xa. Rất nhiều trường hợp thực tế đã chứng minh và khẳng định rằng, hạ tầng phát triển - giao thông thuận lợi là bệ phóng vô cùng hoàn hảo cho thị trường nhà đất nói chung. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp với đặc thù là giao thương, vận chuyển, gắn kết kho bãi với hệ thống các bến, cảng hàng hóa lại càng không thể bỏ qua yếu tố này. Chính bởi định hướng đúng, dồn lực cho hạ tầng, Long An mới có vị thế hoàn toàn khác biệt như hôm nay.

Trong tầm nhìn xa, nâng cấp và mở rộng hạ tầng sẽ là nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh Long An vạch ra trong quy hoạch nhằm duy trì sức hút ổn định với các doanh nghiệp, mở rộng phạm vi kết nối và “đón đầu” dòng vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp.

hạ tầng tạo bước đệm cho bđs công nghiệp

Dòng vốn khủng đổ vào BĐS công nghiệp Long An

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Long An, trong 5 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã có 56 dự án mới đầu tư vào các khu công nghiệp. Bao gồm: 41 dự án FDI và 15 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới lần lượt là 219,5 triệu USD và 688 tỷ đồng. Đồng thời có 37 dự án khác điều chỉnh tăng vốn 48,2 triệu USD và 2.341 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng tháng 5/2020, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư 11 dự án mới. Trong đó có 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 4 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới 12,6 triệu USD và 275 tỷ đồng.

Đến nay, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.588 dự án đầu tư, gồm 786 dự án FDI và 802 dự án DDI. Tổng số vốn đầu tư lên đến trên 4.468 triệu USD và 89.532 tỷ đồng.. Trong tương lai, những con số này dự kiến tiếp tục tăng, bởi Long An sẽ trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Nam.

Theo ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam: "Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị đã và đang mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam. Các thị trường vệ tinh Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu đang được hưởng lợi rõ nét từ làn sóng này".

Tập trung phát triển nguồn cung BĐS công nghiệp

Những tín hiệu gần đây trên thị trường cho thấy, bất động sản công nghiệp tại Long An đang tạo ra sự khuyến khích mạnh mẽ trong việc ưu tiên chuyển đổi quỹ đất sang phục vụ cho công nghiệp cũng như “sắp xếp” lại các khu, cụm công nghiệp theo tiêu chuẩn hiện đại, phù hợp với quy hoạch địa phương và mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày 3/7/2020, ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết, tỉnh đang khẩn trương thực hiện các thủ tục xin Chính phủ điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp Xuyên Á (giai đoạn 3) với diện tích khoảng 177,09 ha tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa.

Đồng thời, Long An cũng xin Chính phủ giảm diện tích hơn 767ha của KCN Long Hậu 3 tại huyện Cần Giuộc (tổng diện tích 891ha) và xin quy hoạch lại, điều chỉnh bổ sung diện tích KCN này thành 867ha tại vị trí khác ở xã Long Hậu, Tân Tập thuộc huyện Cần Giuộc.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trong vài tháng gần đây, đã có khá nhiều nhà đầu tư khởi công xây dựng hạ tầng KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; điển hình như:

  • Khu công nghiệp Việt Phát với quy mô 1.800 ha, được chủ đầu tư quy hoạch hiện đại, theo mô hình kết hợp giữa KCN và khu đô thị. Diện tích đất dành cho KCN hơn 1.200 ha và đất dành cho đô thị hơn 625 ha.
  • KCN Đức Hòa III - SLICO khởi công giai đoạn 3. Tập đoàn Vingroup đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes cho các công ty con, đánh dấu sự tham gia của tập đoàn này vào phát triển bất động sản KCN.
  • KCN Trần Anh Tân Phú tại Đức Hòa do Trần Anh Group làm chủ đầu tư. Đây là dự án khu công nghiệp xanh với sự kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị - dịch vụ - thương mại.

Trước đó, cũng đã có rất nhiều dự án quy mô khác như KCN Hải Sơn, KCN Thuận Đạo, KCN An Nhựt Tân, KCN IDICO Hựu Thạnh, KCN Tân Tạo, KCN Đức Hòa Đông,... Hiện tỉnh đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng để từ nay đến hết năm 2020 có thêm ít nhất 3 khu công nghiệp có thể thu hút nhà đầu tư trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Nhìn chung, trước sự “rộn ràng” của dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng bắt nhịp, cộng với chính sách hậu thuẫn, khuyến khích của địa phương, bất động sản công nghiệp Long An càng có “bệ đỡ” an toàn.

Mặt bằng giá thuê BĐS công nghiệp liên tục tăng

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2020 của JLL Việt Nam cho thấy, tại khu vực miền Nam, với nhu cầu thuê đất tăng cao, trong khi nguồn cung vẫn đang trong quá trình cải thiện, do đó, các chủ đầu tư tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý I/2020 của khu vực này đạt 101 USD/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2019. Trong quý II, giá thuê rơi vào khoảng 106 USD/m2 trên chu kỳ thuê.

Cũng theo ghi nhận của JLL, mức tăng trưởng giá thuê tại thị trường BĐS Long An đang ở mức cao nhất nhì so với các thị trường bất động sản công nghiệp truyền thống phía Nam. Hiện giá thuê đất khu công nghiệp tại Long An đứng thứ hai trong nhóm thủ phủ khu công nghiệp miền Nam, vượt qua ngưỡng 100 USD/m2/chu kỳ thuê, trung bình 120 USD/m2/kì hạn thuê theo cập nhật gần đây nhất. Trước đó, xét ở các khu vực ven Tp. Hồ Chí Minh, Long An cũng là khu vực ghi nhận mức tăng trưởng giá thuê cao nhất quý 2/2019.

Bà Trang Bùi - Giám đốc thị trường JLL Việt Nam, cho biết: “Lựa chọn hàng đầu để xây dựng nhà xưởng sản xuất của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài chính là các KCN đã được đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng. Giá thuê đất KCN đã bắt đầu tăng nhưng chỉ xảy ra ở những dự án có vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi và quỹ đất hiện không còn nhiều. Những khu vực này sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển nên nhà đầu tư vẫn lựa chọn dù mức giá cao hơn những khu vực khác”.

Với nhận định này, chúng ta cơ sở để kết luận rằng, Long An đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn về giá và tỷ suất sinh lời trên phân khúc bất động sản công nghiệp, thông qua hệ thống hạ tầng đồng bộ, khu công nghiệp hiện đại và quan trọng là đang được rất nhiều ông lớn để mắt đến, thậm chí đã nhanh tay “tranh phần” cho chiếc bánh ngon. Có thể thị trường sẽ được chứng kiến những cuộc bùng nổ mạnh mẽ về cả nguồn cung lẫn tầm giá chỉ trong một thời gian ngắn.

sự phát triển của bđs công nghiệp Long An

Tiếp tục mở rộng phạm vi thị trường

Nguồn cung khu công nghiệp hiện tại của Long An đang hạn chế nhất so với các tỉnh thành như Bình Dương hay Đồng Nai, khi chỉ có hơn 3.800 ha đất cho thuê. Vì vậy, nguồn cung tương lai tại đây dự báo sẽ dẫn đầu với khoảng gần 6.800 ha đất cho thuê; đi cùng với đó là mở rộng phạm vi, khai thác tối ưu tiềm năng công nghiệp ở các địa phương để phục vụ cho mục tiêu chung; đặc biệt là đặt trong bối cảnh diện tích đất có khả năng cho thuê tại một số KCN ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… ngày càng bị thu hẹp.

Cụ thể, theo định hướng phát triển dài hạn, 4 huyện gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An được chọn để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, là những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Chính vì vậy, các khu vực này đã và đang được chú trọng đầu tư hơn cả về hạ tầng giao thông lẫn khuyến khích sự xuất hiện các cụm, khu công nghiệp để góp phần làm thay đổi kinh tế - xã hội của Long An.

Trên thực tế, ngoài quỹ đất lớn thì tại các huyện này giá đất đang còn rất rẻ, dễ dàng tạo được sức hút cũng như những bước nhảy vọt về lợi nhuận và giá trị. Phần lớn các doanh nghiệp muốn đầu tư bất động sản công nghiệp đều rất quan tâm tới những khu vực này, vừa để khai thác hiệu quả sức mạnh hạ tầng, vừa tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào. Theo ghi nhận, rất nhiều dự án khu đô thị đã được triển khai tại đây với lượng khách hàng và cư dân ổn định, như: Khu đô thị Phúc An City, Trần Anh Riverside, Bella Vista, Young Town, Waterpoint, The Pearl Riverside, Solar City,...

Những lợi thế này đã đưa 4 huyện kể trên trở thành địa điểm lý tưởng hàng đầu tại Long An để phát triển công nghiệp lẫn các đô thị nhằm thỏa mãn nhu cầu giãn dân của Tp. Hồ Chí Minh. Những thị trường này phát triển tất yếu sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa và Long An lại sẽ tiếp tục định hình tiếp những cái tên tiềm năng. Nói chung, Long An sẽ tận dụng hết những gì đang có để phát huy sức mạnh nội lực một cách có định hướng.

Sự mở rộng phạm vi này không đơn thuần chỉ là kênh hỗ trợ cho bất động sản công nghiệp, thực tế, đây sẽ là đòn bẩy để đưa toàn bộ thị trường bất động sản Long An khởi sắc đồng đều hơn. Các khu công nghiệp và khu đô thị trong bán kính 5 - 10km sẽ tạo nên chuỗi kết nối chặt chẽ, tác động qua lại trong việc “nâng” giá trị của bất động sản; tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ phục vụ cho nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giải trí của đông đảo lao động làm việc tại các KCN, trong đó có cả đội ngũ chuyên gia và các thành phần lao động.

Những phân tích về thị trường bất động sản công nghiệp Long An là bức tranh toàn cảnh về hiện tại và những dự đoán cho tương lai của phân khúc này tại địa phương. Đây là kênh đầu tư đang được đánh giá rất cao và hứa hẹn nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt cho kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng.

Xem thêm: