Phân tích thị trường bất động sản 2020: nhận định, xu hướng & giá
Thị trường bất động sản 2020 dù đứng trước nhiều thách thức và sự thay đổi nhưng không hẳn là khó khăn với giới đầu tư.
Nhắc đến "lịch sử" đầu tư bất động sản, có lẽ năm 2020 là một trong những cột mốc đáng ghi nhớ nhất. Được xem là năm bắt đầu cho giai đoạn nhà đất đầy mới mẻ nhưng 2020 lại nhanh chóng gặp phải cú sốc lớn ngay khi vừa khởi động. Với niềm tin và sự kỳ vọng rất lớn đặt vào kênh đầu tư này, số đông cá nhân trên thị trường không khỏi hoang mang và dần mất phương hướng. Điều họ lo ngại nhất lúc này chính là trong các diễn biến của nền kinh tế như hiện nay, liệu cuộc khủng hoảng như 10 năm trước có trở lại một lần nữa?
Thời gian qua, rất nhiều cuộc trao đổi và thảo luận được diễn ra nhằm mang đến cái nhìn khách quan nhất về thị trường, bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức. Không thể phủ nhận, bất động sản vẫn tỏ ra chiếm ưu thế hơn các kênh đầu tư khác nhưng sự lo lắng vẫn là điều không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, khi thị trường liên tục dịch chuyển, rất khó để đưa ra nhận định mang tính chắc chắn, hầu hết đều có thể xuất hiện 2 - 3 phương án dự phòng.
Tuy nhiên, bất động sản 2020 vẫn mang các đặc trưng cơ bản của thị trường này, luôn là sự nhìn nhận ở những kế hoạch lâu dài hơn là lướt sóng. Chính vì vậy, đầu tư bất động sản 2020 dưới góc nhìn của giới chuyên môn và những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm thực sự không hề “bi đát” như những gì mọi người vẫn nghĩ.
Không khẳng định sẽ sớm đẩy lùi khó khăn hay một cú chuyển hướng đột phá, thị trường bất động sản 2020 bám sát vào yêu cầu của nền kinh tế để thiết lập lại quỹ đạo của mình một cách an toàn, giảm thiểu mọi rủi ro về nguồn cung, dòng vốn. Muốn biết thị trường nhà đất năm nay sẽ diễn biến ra sao, đừng bỏ lỡ bài phân tích dưới đây.
Nhận định thị trường BĐS 2020 dưới góc nhìn đa chiều
Việc các chuyên gia, giới chuyên môn đưa ra những đánh giá, bình luận về thị trường không phải là chuyện hiếm gặp, nhất là khi đang tồn tại nhiều vấn đề như hiện nay. Những quan điểm này có thể không cùng xuất phát từ một điểm nhìn, dựa trên cảm quan cũng như kiến thức, cách tư duy của mỗi người. Tuy nhiên, chung quy lại đều là sự phản ánh đa chiều về thị trường nhà đất năm nay.
Trong giai đoạn này, càng có nhiều thông tin, giới đầu tư càng có thêm dữ liệu để nhìn nhận về thị trường, vận dụng phù hợp, hiệu quả đối với chiến thuật, phương án dự tính. “Dạo quanh” một vòng các đánh giá nổi bật gần đây, hầu hết đều tập trung xoáy sâu vào những nỗi lo thực tế, bao gồm ảnh hưởng của dịch bệnh, sự chững lại trong các ngành nghề tác động đến nhà đất và cả những thay đổi trong khẩu vị của nhà đầu tư. Dưới góc nhìn đa chiều, thị trường bất động sản 2020 xuất hiện trong những “bộ y phục” mà nếu như đặt trong diễn biến bình ổn, rất hiếm khi chúng ta bắt gặp.
Đánh giá tổng quan thị trường bất động sản các tháng đầu năm
Tính đến thời điểm này, quý 2 năm 2020 sắp khép lại; nửa năm trôi qua nhưng thị trường bất động sản đã có cơ hội chứng kiến nhiều khung bậc cảm xúc khác nhau. Từ tâm trạng háo hức cho các kế hoạch mới, đến sự hụt hẫng vì mọi giao dịch gián đoạn và tâm trạng lo lắng về các diễn biến tiếp theo sau “giãn cách xã hội”,... Mặc dù có một nền tảng khá tốt vào cuối năm 2019 nhưng không thể phủ nhận, bất động sản 2020 vẫn "chao lắc" trước các tác động không ngờ tới.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản bị ảnh hưởng là nguyên nhân khách quan. Đại dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị tác động. Chính điều này tạo ra tâm lý dè dặt của các doanh nghiệp và giới đầu tư, trong khi thực sự bên trong vẫn là dòng chảy âm ỉ của lượng nhu cầu rất lớn.
Trong quý I/2020, Bộ Xây dựng cho rằng, đánh giá dựa trên các yếu tố vĩ mô và chỉ số cụ thể của thị trường thì bất động sản thì chưa có biểu hiện khủng hoảng trầm lắng hay phát triển nóng, mặc dù đây là giai đoạn “làm quen” với dịch bệnh và có thời điểm diễn biến ca nhiễm đạt đến “cao trào”. Nguồn vốn FDI vào bất động sản giảm mạnh ở 03 tháng đầu năm, chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI và đứng thứ 4 về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, đây cũng là lúc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản điều tiết lại nhân sự do ảnh hưởng dịch bệnh, chỉ khoảng 50% giữ lại làm việc trực tiếp tại văn phòng, còn lại làm việc từ xa hoặc cho nghỉ việc. Thời gian này cũng có khoảng 80% sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, số lượng sàn duy trì khoảng hơn 200 đơn vị.
Ảnh hưởng nặng nề nhất chính là du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng. Thông thường, đây là khoảng thời gian đón lượng khách lớn, nhất là khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, lệnh cấm và hạn chế các chuyến bay, người xuất nhập cảnh để ngăn ngừa dịch bùng phát kéo theo sự ngưng đọng toàn bộ các hoạt động liên quan.
Nhận định tổng quan đối với thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm là “rung lắc mạnh” bởi phải thích nghi với sự thay đổi đột ngột, không có phương án dự phòng nào trước. Thế nhưng, điểm tích cực là biến động chỉ xảy ra ở một vài điểm và phân khúc trên thị trường, không ảnh hưởng tới tất cả. Giai đoạn này, đất nền ở một số thị trường tỉnh vẫn duy trì giao dịch tương đối bình ổn.
Bước sang quý 2/2020, mặc dù thách thức chưa hoàn toàn được giải quyết nhưng những gam màu tươi sáng hơn bắt đầu xuất hiện. Một phần vì lượng nhu cầu bị kìm hãm trong quý 1 tiếp tục trỗi dậy, một phần vì sau giãn cách, dịch bệnh được khống chế tốt, các hoạt động kinh tế dần quay trở lại quỹ đạo.
Theo ghi nhận, nguồn cung trên thị trường khả quan hơn, nhất là căn hộ, riêng đất nền vẫn giữ tốt phong độ, là kênh đầu tư được đánh giá cao nhất về độ an toàn lẫn tính ổn định. Trong khi đó, nhà phố lại cho thấy sự sôi động và nhanh chóng trở lại của mình, đây cũng là lựa chọn được đánh giá ít bị tác động trong mùa dịch. Các dự án nhà phố hoặc khu đô thị có sản phẩm nhà phố nhanh chóng bắt tay vào thiết lập lại nền nhiệt cho các giao dịch.
Đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, các nhận định khách quan cho thấy, nguồn cung mới biệt thự biển có thể sẽ lên đến khoảng 200 - 300 căn và khoảng 600 - 800 căn đối với condotel; chủ yếu tập trung tại những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đà Nẵng. Đây là động thái nhằm phát tín hiệu cho sự tái xuất của phân khúc thuộc hàng cao cấp bậc nhất hiện nay.
Như vậy, diễn biến tổng quan trong gần 2 quý đầu năm, thị trường bất động sản 2020 có lúc trầm lúc bổng. Đúng như các nhà chuyên môn khẳng định, mọi sự thay đổi và ảnh hưởng vì Covid-19 đều mang tính tạm thời, thị trường sẽ xoay chuyển theo diễn biến, khả năng khống chế dịch.
Nhà đất đóng băng 2020: liệu có kịch bản nào diễn ra?
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, kịch bản thị trường bất động sản bị đóng băng khó có thể lặp lại ở giai đoạn hiện nay. Trước đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, thị trường năm 2020 rất có khả năng đi lại đường cũ của cuộc khủng hoảng trước đó vào giai đoạn 2011 - 2013.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao của CBRE cũng đồng quan điểm khó xảy ra hiện tượng nhà đất đóng băng 2020, lời giải thích đưa ra rất thuyết phục rằng dù cùng là gặp khó khăn về dòng tiền, nguồn cung - cầu nhưng bản chất của nguyên nhân gây ra sự trầm lắng cho bất động sản 2020 hoàn toàn khác so với 10 năm trước.
Đặc thù của cuộc khủng hoảng năm 2010 là sự chênh lệch cung - cầu trên thị trường, khiến bất động sản phải giảm giá mạnh. Trong khi đó, thị trường như đã đề cập, chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi dịch bệnh. Đặt trong giả thiết không có dịch bệnh diễn ra, năm 2020 với các nhận định từ cuối năm 2019 sẽ là bước chuyển mình đầy ấn tượng về lượng lẫn chất. Điều đó đồng nghĩa, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cơ bản đã định hình chiến thuật, bước đi riêng trong năm nay.
Hơn hết, dịch bệnh không là yếu tố tồn tại lâu dài, tất nhiên với tình hình Việt Nam hiện nay, không chế Covid-19 đang “nhẹ nhàng” hơn so với giải quyết các chính sách để cải thiện cung - cầu trong thời gian ngắn. Do đó, thị trường chỉ đang bị kìm hãm và một khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ trên đà hồi phục trở lại; thậm chí sẽ sôi động và rõ nét hơn vì các kế hoạch bị trì hoãn, nhà đầu tư muốn đẩy nhanh quá trình lấy lại sự bình ổn.
Ông Lê Hoàng Châu khẳng định thêm về khả năng nhà đất đóng băng 2020, toàn bộ thị trường đang nén lại, tâm lý giao dịch chùng xuống, hoàn toàn đúng với diễn biến tự nhiên; chỉ cần dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát tốt, tất yếu nó sẽ tự trở lại với cuộc bùng nổ lớn về nguồn cung và nhu cầu.
Một lý do quan trọng để chứng minh cho nguy cơ đóng băng khó có thể xảy ra trong năm nay chính là thị trường bất động sản đang là điểm đến lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư, khách hàng trong và ngoài nước, thậm chí là từ những kênh khác bẻ lái sang. Theo ông Lê Hoàng Châu, chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn với hơn 5 triệu Kiều bào, làn sóng đầu tư, mua nhà đất từ nhóm khách hàng này sau dịch bệnh sẽ tăng lên đáng kể.
Một số nhà đầu tư cá nhân cũng lạc quan cho rằng, giai đoạn này, tiền sẽ chảy sang kênh đầu tư khác như: bất động sản, chứng khoán. Bất động sản là kênh đầu tư cất giữ tài sản an toàn nên sẽ là xu thế trong tương lai. Còn chờ đóng băng, hạ giá bất động sản thì có lẽ rất khó, nhất là với các thị trường tỉnh, vùng ven đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện nay.
Tuy nhiên, các tình trạng như cắt lỗ, bán tháo sản phẩm trên thị trường thứ cấp chắc chắn vẫn xuất hiện nhưng không phải tất cả, chỉ xuất hiện ở một số điểm nhất định, mang tính nhỏ lẻ. Đây là dấu hiệu thường thấy trong những lúc biến động, một số cá nhân có chiến thuật không tốt sẽ gặp khó khăn; không phải là cơ sở để khẳng định nhà đất đóng băng 2020.
Xu hướng bất động sản 2020
Một trong những sự quan tâm lớn nhất trong giai đoạn đầy rung lắc của thị trường chính là xu hướng đầu tư bất động sản 2020 sẽ chuộng các hình thức và cách thức như thế nào. Vốn dĩ là lĩnh vực chưa bao giờ đứng yên, bản thân bất động sản là quá trình tuần hoàn của trải nghiệm và thay đổi bởi nhu cầu, thị hiếu không phải là thứ “bất di bất dịch”.
Để phù hợp và duy trì trong bối cảnh các chính sách, giao dịch chịu nhiều tác động, khó khăn có nhưng cơ hội cũng không ít, các xu hướng đầu tư bắt đầu dịch chuyển trong cuộc sàng lọc lớn trên thị trường nhằm thiết lập lại hệ thống nguồn cung và bộ tiêu chuẩn đánh giá. Theo đó, một sự thay đổi rõ nét tất yếu phải diễn ra.
Nhận định về xu hướng sắp tới của thị trường bất động sản năm 2020, các chuyên gia dựa trên những nền tảng cốt lõi đã tồn tại, kết hợp với các yêu cầu của bối cảnh thực tại cũng như mức độ bám trụ nếu xét theo tầm nhìn dài hạn. Do đó, xu hướng bất động sản năm nay cơ bản sẽ thể hiện những nội dung sau.
Tập trung xây dựng các yếu tố phát triển bền vững
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam từng cho rằng, năm 2020, dù thị trường bất động sản có những nguy cơ giảm tốc nhất định đến từ các yếu tố nguồn cung, pháp lý, tín dụng thì các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô cộng với nhu cầu về nhà ở cao, thị trường bất động sản về cơ bản vẫn có sự phát triển bền vững.
Trong hơn 3 năm qua, nhờ duy trì và tăng cường đẩy mạnh “lối sống” lành mạnh cho thị trường nên bất động sản duy trì tương đối bình ổn sự chuyên nghiệp, hạn chế bớt các rủi ro trong đầu tư, giao dịch nhà đất. Chính xu hướng “bền vững hóa" này đã thiết lập nên nền tảng tốt cho các phân khúc ở tầm nhìn trung và dài hạn.
Khi đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, xu hướng này một lần nữa được củng cố bởi quá trình đào thải diễn ra có phần khắt khe, mạnh mẽ hơn trước. Điều này tạo ra hệ thống phân hóa rõ nét giữa năng lực thật và sự yếu kém, tăng cường sự minh bạch và chất lượng cho thị trường, cải thiện và đổi mới các chính sách theo chiều hướng tích cực, hướng tới tạo dựng những yếu tố nền móng tồn tại lâu dài với thời gian, đủ sức đề kháng với mọi biến cố xảy ra.
Vai trò của các tiêu chí phát triển bền vững ở giai đoạn này và sắp tới là vô cùng quan trọng, quyết định sức bền của các phân khúc tham gia giao dịch. Để bền vững hóa một cách hiệu quả, không chỉ doanh nghiệp thay đổi tư duy, chiến lược của mình để cải thiện giá trị sản phẩm mà phía Nhà nước cũng cần có động thái rõ ràng hơn.
- Định hướng và nhanh chóng hoàn thiện hướng dẫn triển khai luật Quy hoạch (2017), các vấn đề có liên quan về Luật quy hoạch, Luật quy hoạch đô thị và Luật quản lý phát triển đô thị (dự thảo, sắp ban hành), Luật Nhà ở (2014), Luật Kinh doanh bất động sản (2014) và Luật Đất đai (2013). Đây là hệ thống các văn bản luật tạo nên hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động đầu tư, mua bán bất động sản trong thời gian qua nhưng trên thực tế vẫn còn khá nhiều bất cập.
- Đẩy mạnh tập trung tháo gỡ những rào cản tiếp cận quỹ đất cho các chủ đầu tư bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tiếp cận đất dự án; xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng; giải quyết triệt để các vấn đề có liên quan đến hạ tầng ngoài hàng rào bất động sản công nghiệp; tiến dần đến cơ chế đấu thầu quyền sử dụng đất, dần xóa bỏ triệt để chỉ định giao đất.
- Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tài chính phái sinh bất động sản, đặc biệt là ba nhóm công cụ quỹ đầu tư tín thác bất động sản, hệ thống thế chấp thứ cấp; quỹ tiết kiệm tương hỗ bất động sản; trái phiếu hóa bất động sản – quyền sử dụng đất và cổ phần hóa quyền sử dụng đất. Nghiên cứu trình ban hành các luật có liên quan như Luật thuế tài sản, Luật chống đầu cơ đất đai, bất động sản, Luật sở hữu…
- Tìm kiếm nguồn vốn tạo quỹ hỗ trợ lãi suất cho phát triển nhà giá thấp; hình thành các quỹ hỗ trợ đầu tư bất động sản giá thấp; rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai hoặc không triển khai để thu hồi nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế.
Có thể thấy, xu hướng bất động sản 2020 phải dựa phần lớn vào những nền tảng phát triển bền vững để nâng cấp và hoàn thiện cho bộ mặt chung của thị trường nhà đất.
Mở rộng về các thị trường vùng ven
Đây được xem là sự chuyển hướng nhanh nhạy của các nhà đầu tư. Trước mắt giải quyết được nhu cầu về quỹ đất, sau đó là tận dụng lợi thế tự nhiên và khai thác tốt cơn khát nguồn cung chất lượng tại các thị trường này.
Tại các tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… đều có sự hiện diện của các dự án thuộc những ông lớn trong ngành. Tại Tp. Hồ Chí Minh, có Bình Dương, Long An, Đồng Nai suốt nhiều năm qua giữ vai trò chủ đạo cho làn sóng dịch chuyển về ven đô. Đặc biệt, đây cũng là nhóm thị trường sôi động nhất giữa “tâm dịch”.
Những yếu tố này cho thấy, giới đầu tư đang nhận diện rất rõ tiềm năng tại các thị trường tỉnh lẻ. Không còn là sự đìu hiu, nhỏ giọt về nguồn cung - cầu, giờ đây, các thị trường này cho thấy sức sống mạnh mẽ bởi tính bền vững trước biến động và phù hợp với các chiến thuật dài hạn, thay thế hoàn hảo cho sự chật chội, khan hiếm của vùng nội đô. Đầu tư nhà đất giai đoạn này tiên phong cho xu hướng “khai phá” vùng ven, thậm chí là những huyện, xã xa trung tâm, vùng nông thôn đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng.
Mở rộng về các thị trường vùng ven sẽ tạo ra một không gian đầu tư rộng lớn trong thời gian tới, đáp ứng cho nhu cầu đổi mới trong tâm lý người mua lẫn tư duy, sáng tạo cho chủ đầu tư. Các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả khoản tiền lớn để tìm mua quỹ đất sạch. Những công trình bài bản, quy mô mang đến giá trị thực cho thị trường rất cần quỹ đất, hệ thống cảnh quan, môi trường sạch tại các khu vực này để phát huy, thể hiện trọn vẹn ý tưởng mà số đông người hướng đến.
Định hướng mục tiêu vào bất động sản xanh
Bất động sản xanh không phải là ý tưởng quá mới. Xu hướng này đã tồn tại từ khá lâu nhưng để phát triển một cách đúng nghĩa thì không mấy doanh nghiệp làm được, những điểm sáng của loại hình bất động sản này vẫn còn khá hiếm.
Khi những vấn đề về dân cư, môi trường và điển hình nhất là dịch bệnh bùng nổ, nguy cơ lây lan nhanh vì mật độ dân số quá cao, cư dân đang dần định hướng lại môi trường sống. Họ bắt đầu thay đổi quan điểm, không phải lúc nào sống giữa trung tâm thành phố mới là lựa chọn tốt nhất. Hạ tầng phát triển và mở rộng, người dân hoàn toàn có thể chọn cho mình không gian sống lý tưởng hơn gấp nhiều lần trong khi chỉ đổi thêm vài chục phút di chuyển.
Chọn mua bất động sản xanh vùng ven đang trở thành xu hướng cho nhà đầu tư và nhiều tất nhiên là có giá trị thực tiễn cao với người dân mua với cầu an cư. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư phát triển dự án theo hướng này vẫn tự tin đưa sản phẩm ra thị trường giữa mùa đại dịch. Ngay cả những dự án cũ, ra mắt trước dịch vẫn giữ nguyên độ nóng sốt, nhất là tranh thủ lúc nguồn cung khan hiếm, điển hình như Phúc An Garden hay Phúc An City, tỷ lệ đặt cọc, chốt đơn hàng vẫn đều đặn mỗi tháng, gần như không thay đổi quá nhiều so với trước.
Dự báo thị trường bất động sản 2020
Những gì mà doanh nghiệp và giới đầu tư quan tâm ở thời điểm này là với các nhận định mang nhiều màu sắc tích cực, lạc quan như trên, nếu tiếp tục đặt niềm vào bất động sản thì lộ trình trong thời gian tới nên thực hiện ra sao.
Muốn trả lời cho câu hỏi này, dự báo bất động sản 2020 phải cùng lúc dựa trên nhiều yếu tố thành phần. Vì là giai đoạn của thay đổi, phục hồi và hoàn thiện nên bắt buộc bất động sản phải có sự điều chỉnh ở đa phân khúc, đa góc độ. Dưới góc nhìn của giới chuyên môn, các dự báo về thị trường bất động sản sắp tới sẽ là bức tranh phản ánh rõ nét về thị hiếu khách hàng, tư duy doanh nghiệp và quy luật tất yếu của thị trường.
Nhìn chung, vì là dự báo nên không có sự khẳng định chắc chắn, tuy nhiên, về cơ bản, chúng dựa trên những gì mà thị trường trên thực tế đã xảy ra và các yêu cầu buộc đặt ra trong tương lai nếu muốn bất động sản duy trì, phát triển ổn định.
Giá bất động sản 2020 sẽ tăng hay giảm?
Giá đất giảm mạnh 2020 vì dịch bệnh và không khí trầm lắng trên thị trường hay sẽ tăng, nếu tăng sẽ ở mức bao nhiêu, rơi vào khoảng thời gian nào?
Vào cuối năm 2019, khi lượng giao dịch tốt và khan hiếm nguồn hàng bắt đầu có dấu hiệu, giá bất động sản theo ghi nhận đã đạt mức tăng từ 10 -15%. Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu năm không mấy thuận lợi khiến cho các quan điểm về việc giá đất giảm mạnh 2020 xuất hiện. Bán tín bán nghi, nhiều người cho rằng đây là cơ hội tốt để mua nhà đất giá hời, nhưng số khác lại cho rằng thông tin này không có cơ sở, nhất là khi các phân tích, dự báo về thị trường cho thấy mặt bằng giá có khả năng sẽ tiếp tục “nóng”.
Như ở phần nhận định về nguy cơ đóng băng của thị trường nhà đất trong năm 2020, kịch bản này khó xảy ra chứng tỏ các diễn biến trên thực tế đang ngầm kết luận, giá bất động sản sẽ khó có thể tiếp tục giảm sâu kể cả trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài bởi về bản chất nguồn cung trên thị trường vẫn rất khan hiếm so với nguồn cầu tăng cao.
Từ đầu năm nay, các địa phương đã bắt đầu áp dụng bảng giá đất mới với mức tăng từ 12 - 15% hoặc cao hơn, từ 30 - 35% so với bảng giá giai đoạn cũ. Trong khi đó, giá đất thường chiếm từ 10 - 14% giá thành sản phẩm địa ốc. Vì vậy, cơ bản giá đất tăng như một hệ quả tất yếu của quá trình sắp xếp, cân đối lại thị trường.
Trên thực tế, nhu cầu cao giữa mùa dịch khiến giá nhà đất vẫn âm thầm tăng. Tại Tp. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5%, nhà ở riêng lẻ có giá tăng khoảng 8,3% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, Covid-19 tác động đến lượng sản phẩm, lượng giao dịch nhưng không làm thay đổi nhu cầu, điều này khiến cho giá bất động sản hoàn toàn có cơ sở để tăng.
Giá đất 2020 có tăng không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, không tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát, sự tăng giá giai đoạn này phản ánh đúng thực trạng mua bán và giá trị của sản phẩm.
Khả năng phục hồi của bất động sản sau đại dịch Covid-19
Theo các chuyên gia, bất động sản sau giãn cách xã hội và sau đại dịch có khả năng tự phục hồi tương đối tốt. Cụ thể, sau cách ly xã hội, các thị trường đã có dấu hiệu sôi động trở lại từ giữa tháng 5. Tuy nhiên, cần đến 1 - 2 tuần sau đó để mọi thứ thực sự đi vào ổn định. Riêng với dự báo khả năng phục hồi sau dịch Covid-19 thì đây sẽ là giai đoạn nỗ lực rất lớn trên các phân khúc. Tuy nhiên, kết quả dự đoán là rất khả quan.
Phân khúc đất nền: là lựa chọn sống sót xuyên suốt mùa dịch nên vì thế thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn so với một số lựa chọn khác. Có lẽ tính ổn định của phân khúc này đã bất ngờ tạo ra một ưu thế cực kỳ lớn. Trong lâu dài, đầu tư đất nền vẫn là cái tên sáng giá bậc nhất cho vị trí ngôi vương.
Phân khúc nhà ở: luồng dân cư dịch chuyển và gia tăng dân số tự nhiên đặt ra yêu cầu rất lớn cho vấn đề nhà ở tại các đô thị lớn, tập trung nhiều hoạt động kinh tế, có thương mại - dịch vụ phát triển. Mỗi năm, trung bình nước ta phải xây mới khoảng 100 triệu mét vuông nhà ở, có đến 70% nhà ở phục vụ cho nhu cầu của cư dân đô thị. Đây cũng là phân khúc phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới.
Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng: sự hoàn thiện hành lang pháp lý ngày càng đạt nhiều tín hiệu tích cực, tiến bộ và lợi thế về văn hóa, cảnh quan, đường bờ biển dài đẹp, Việt Nam là một trong số các quốc gia có thế mạnh về du lịch bậc nhất trong khu vực. Dù đây đang tạm thời là phân khúc trầm lắng nhất trong dịch bệnh nhưng xu hướng bền vững hóa tạo ra đòn bẩy rất tốt cho sự quay trở lại, về cơ bản giải quyết được những tồn đọng trước đó.
Bên cạnh đó, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Xét về dài hạn, càng thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, chúng ta càng có cơ hội đón đầu lượng khách du lịch cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nước. Sau khi kinh tế phục hồi, cùng với tiềm năng sẵn có và sự hậu thuẫn, du lịch quay trở lại thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng sôi động theo lẽ tự nhiên của quy luật. Nếu tư duy chính sách được tháo gỡ, bước tiến này còn xa và dài hơn cả kỳ vọng.
Phân khúc bất động sản công nghiệp: đây là phân khúc có nhiều “đất” để thể hiện tiềm năng và sức hút của mình nhất, ít biến động và thay đổi. Đây đang là thời điểm tốt để xây dựng mô hình nhà xưởng xây sẵn tăng khả năng thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ. Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn tăng cao là cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp giai đoạn này.
Sự cởi mở trong các chính sách và sự bình ổn trên thị trường sẽ là yếu tố khuyến khích các dòng vốn nước ngoài tập trung vào phân khúc này. Hệ thống nhà xưởng, đất khu công nghiệp cho thuê tại Việt Nam đang có nền tảng lớn về nguồn cung lẫn tầm giá. Khi kinh tế ngày một khó khăn, chuyển hướng sang bất động sản công nghiệp là bước đi khá khôn ngoan cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, vào quý 4/2020, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và sôi động trở lại. Trên thực tế, dường như quá trình này đang đến sớm và bộc lộ rõ nét hơn dự kiến.
Thị trường bất động sản 2020 - bức tranh muôn màu về các mảng sáng tối. Từ những phân tích, nhận định và đánh giá trên đây, bài viết hy vọng mang tới cái nhìn khách quan hơn cho những ai quan tâm đến đầu tư bất động sản trong giai đoạn này. Là một thời điểm đặc biệt, việc xuống tiền cho nhà đất thời gian này cũng có thể mang tới cơ hội đặc biệt cho lợi nhuận về lâu dài.
Xem thêm: