Quý 1/2022: Vốn FDI tăng mạnh ở Bình Dương

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Đầu năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Bình Dương tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy tín hiệu lạc quan của nền kinh tế.

Năm 2022, Bình Dương tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm về khía cạnh đầu tư. Bên cạnh sức hấp dẫn đến từ “thủ phủ công nghiệp” thì trong năm nay tỉnh liên tục đón nhận những thông tin tích cực về sự phát triển kinh tế. Đầu tiên là thông tin Bình Dương sắp khởi công 2 khu công nghiệp lớn (KCN VSIP III và KCN Cây Trường). Tiếp đến những con số ấn tượng về khả năng thu hút FDI.

Tình hình thu hút FDI tại tỉnh Bình Dương đầu năm 2022

Trong nhiều năm nay, Bình Dương luôn là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về khả năng thu hút FDI (Tp. HCM dẫn đầu). Tuy nhiên, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế của tỉnh ít nhiều bị ảnh hưởng. Dù vậy, những tháng đầu năm 2022, tỉnh Bình Dương đã gây bất ngờ khi khả năng thu hút FDI vẫn thuộc top đầu cả nước, thậm chí mức tăng còn ấn tượng hơn trước.

Vốn FDI tăng mạnh ở Bình Dương 1

Thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài cho biết, lũy kế các dự án còn hiệu lực từ ngày 1/1/1988 đến tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 4.033 dự án đầu nước nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn trên 37,7 tỷ USD. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2022 thì tỉnh có 5 dự án đầu tư mới (14,9 triệu USD), 3 dự án điều chỉnh tăng vốn (8,5 triệu USD) và 16 dự án góp vốn (23,8 triệu USD).

Quý 1/2021, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài lên đến 1,6 tỷ USD, tăng 3,6 lần so với quý 1/2021. Đồng thời, tỉnh còn thu hút thêm 36.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh Bình Dương. Trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với 13,6 triệu USD (chiếm 32%), Seychelles đứng thứ 2 với 10 triệu USD (chiếm 23,5%), British VirginIslands đứng thứ 3 với 8,25 triệu USD (chiếm 19,4%),...

Về lĩnh vực đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Bình Dương ở 4 lĩnh vực sau:

  • Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 87,34%)
  • Kinh doanh bất động sản (chiếm 8,81%)
  • Bán buôn và bán lẻ
  • Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, vốn FDI tại Việt Nam đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét trong 5 năm qua thì đây là mức tăng cao nhất của quý 1.

Trong đó, công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm 77,8% tổng vốn FDI; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 8,6%; và hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 7,9%.

Bình Dương với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 37,7 tỷ USD chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Các dự án có vốn FDI tiêu biểu tại Bình Dương

Giới chuyên gia đánh giá, sau dịch, nguồn vốn FDI đổ vào Bình Dương hầu hết là nguồn vốn chất lượng. Đơn cử như một số dự án có quy mô lớn, chất lượng cao đáng chú ý đầu năm 2022 như là:

  • Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (Đan Mạch) tại KCN VSIP III với dự án sản xuất khuôn mẫu, các bộ phận của khuôn mẫu, sản xuất đồ chơi bằng nhựa, các bộ phận của đồ chơi: Vốn đầu tư 1,3 tỷ USD;
  • Các nhà đầu tư BD New City Pte. Ltd. (Singapore) với dự án dịch vụ hỗ trợ hợp tác phát triển thành phố thông minh Bình Dương: Vốn đầu tư 500 triệu USD;
  • Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương với dự án kinh doanh bất động sản tại Thủ Dầu Một: Vốn đầu tư 54,8 triệu USD;
  • Hay mới đây, đáng chú ý nhất là Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với dự án xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích 44 ha tại KCN VSIP III: Vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.

FDI - Động lực để Bình Dương phát triển và thu hút

Trong bối cảnh đại dịch vẫn hoành hành cả nước, việc Bình Dương tăng mạnh vốn FDI đã mang đến mảng màu tươi sáng cho nền kinh tế của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Dưới con mắt của doanh nghiệp, Bình Dương hiện ra như một mảnh đất đầy cơ hội và tiềm năng.

Vốn FDI tăng mạnh ở Bình Dương 2

Bình Dương vốn dĩ là một tỉnh có nhiều điểm sáng để đầu tư. Thứ nhất, vị trí liền kề Tp. HCM mang đến cho tỉnh nhiều cơ hội để phát triển. Thứ hai, cơ sở hạ tầng được đầu tư bải bản với hàng loạt các tuyến đường huyết mạch của khu vực. Thứ ba, Bình Dương trở thành thành viên của Hiệp hội thương mại quốc tế WTC cũng là sự kiện tạo ra sức hấp dẫn cho tỉnh. Thứ tư, là tỉnh đầu tiên của Việt Nam được vinh danh Top 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21) đã tạo động lực cho tỉnh hội nhập và phát triển. Thứ năm, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng là thế mạnh giúp tỉnh trở thành nơi đáng sống và đáng làm việc bậc nhất hiện nay. Và không thể không nói đến vốn FDI - một trong những yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế thu hút đầu tư cho tỉnh Bình Dương.

Sự tác động của FDI, xét về mặt tích cực đã được chứng minh từ năm 1988 cho đến nay.

  • FDI tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm.
  • FDI góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, được hưởng mức lương cao hơn, chú trọng đào tạo chuyên môn và kỹ năng cho người lao động giúp tăng chất lượng nguồn lực, từ đó tăng năng suất lao động.
  • FDI góp phần nâng cao trình độ công nghệ, đặc biệt là khi vốn FDI ngày càng tập trung vào lĩnh vực điện tử, công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học,...
  • FDI góp phần vào quá trình chuyển giao công nghệ xanh, bảo vệ môi trường, chú ý hơn về các vấn đề xã hội và hướng đến nền kinh tế xanh.

Bình Dương tiếp tục thu hút FDI chất lượng

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, việc FDI tăng mạnh đầu năm là dấu hiệu lạc quan cho thấy năm 2022 và những năm sau nữa tỉnh sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút FDI. Tuy nhiên để làm được điều này, chính quyền tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để Bình Dương ngày càng thu hút hơn trong mắt nhà đầu tư. Cụ thể:

  • Hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư để Bình Dương trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định;
  • Tập trung xây dựng thành phố thông minh và khu công nghiệp khoa học công nghệ;
  • Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng và phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao;
  • Hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ và phối hợp với nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng; ưu đãi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bằng việc đào tạo và thu hút nhân tài, tuyển chọn và đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ công nhân,...;
  • Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư và công tác dịch vụ hỗ trợ đầu tư;
  • Cải cách thủ tục hành chính để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.;

Ông Minh cho biết, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đầu tư và thuận lợi phát triển kinh doanh.

Xem thêm: