Thực hư đất Bà Rịa Vũng Tàu đang sốt?

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Đất Bà Rịa Vũng Tàu đang sốt tạo nên làn sóng tìm kiếm tăng nhiệt trong thời gian gần đây. Liệu sức nóng này xuất phát từ tiềm năng thực hay có sự can thiệp của các yếu tố khác?

Bà Rịa Vũng Tàu đang trên đà trở thành ngôi sao mới của nhóm thị trường bất động sản khu vực phía Nam, sáng giá trong danh sách “vùng ven” tiềm năng. Khoảng 2 năm về trước, vùng đất này đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo, trong các diễn đàn về cơ hội đầu tư. Số lượt tìm kiếm nhà đất Tp. Vũng Tàu, nghiên cứu, khảo sát về bất động sản Vũng Tàu, các huyện, thị xã trong tỉnh bất ngờ tăng cao.

Cùng với những thay đổi tích cực về hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư, sức hấp dẫn của thị trường này trên thực tế là có thật. Tuy nhiên, thông tin đất Bà Rịa Vũng Tàu đang sốt vẫn đặt ra không ít lo ngại cho khách hàng và nhà đầu tư. Thực hư về cơn sốt đất này ra sao, tất cả sẽ có trong bài viết.

Lượng giao dịch sôi động sau Tết Nguyên đán

Sau kỳ nghỉ Tết, thị trường bất động sản cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn tái sôi động, Bà Rịa Vũng Tàu cũng không là trường hợp ngoại lệ. Đây là thời điểm các chủ đầu tư tung ra nhiều chính sách ưu đãi, kích cầu mua bán đầu năm. Mặt khác, người mua cho rằng đầu năm cũng là lúc lý tưởng để giảm bớt cơ hội cạnh tranh. Tuy nhiên, có lẽ vì ai cũng mang tâm lý này nên số lượng giao dịch bất ngờ tăng vọt.

Lượt giao dịch nhà đất tăng sau Tết

Chị S cùng một số người bạn của mình tranh thủ về huyện Xuyên Mộc vào dịp cuối tuần để tranh thủ “săn” đất. Theo lời kể của khách hàng này, chị và bạn vừa mua chung lô đất tại Tp. Bà Rịa có giá 3,7 tỷ đồng. Bằng cách thức “lướt sóng”, chị bán luôn với giá 4,5 tỷ đồng. Tính ra, trừ đi mọi chi phí, mỗi người lời được 350 triệu đồng trong vòng chưa đến 1 tháng.

Cũng vì khoản lợi nhuận nhanh chóng này nên chị S quyết định bán thêm một lô đất ở Bà Rịa, rút hơn 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm từ ngân hàng để nhắm đến đầu tư ở những khu vực cho tính thanh khoản cao hơn, rút ngắn thời gian sinh lợi. Chị cũng thật tình chia sẻ, vì nghe nói đất Xuyên Mộc đang nóng, có thể mua đi bán lại nhanh nên chị quyết định dồn vốn chuyển về đây tìm mua đất.

Cũng bởi “nghe nói” đất đang sốt nên nhìn đâu cũng thấy biển số xe các tỉnh, thành phố lân cận đổ về Xuyên Mộc hỏi tìm đất. Từ văn phòng, quán nhậu, quán cà phê, công sở,... ai cũng sôi nổi bàn tán về chuyện mua bán đất. Thậm chí, nhiều người chuyển hướng, bỏ hẳn công việc kinh doanh hiện tại để đầu tư bất động sản.

Theo Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Xuyên Mộc - ông Nguyễn Minh Tứ, vì sức nóng các giao dịch nên sau Tết Nguyên đán, huyện phải thành lập thêm 2 văn phòng công chứng để đáp ứng các nhu cầu về thủ tục, hợp đồng mua bán. Những khu vực có nhiều giao dịch hiện nay là thị trấn Phước Bửu, xã Bình Châu, xã Phước Thuận. Gần đây, một số xã như Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bàu Lâm có lượng hồ sơ chuyển nhượng đất đai tăng cao.

Tương tự, nền nhiệt mua bán đất tại Thị xã Phú Mỹ từ đầu năm đến nay cũng nóng lên không ngừng. Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, chỉ trong quý I/2021, văn phòng đã tiếp nhận 47.194 hồ sơ, tăng 29,72% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt hơn 97%. Trả lời về lý do của sự tăng vọt hồ sơ này, ông nhận định: “Sở dĩ số lượng hồ sơ tăng mạnh như vậy phần lớn nguyên nhân là do cơn sốt đất dẫn đến các giao dịch chuyển nhượng tăng cao”.

Giá đất theo sức nóng “leo thang”

Khi các giao dịch tăng lên, mặt bằng giá đất tất yếu cũng có sự xê dịch, một số khu vực tăng từ 2 - 3 lần. Cụ thể:

  • Khu vực huyện Long Điền, giá đất tăng từ 6-12 triệu đồng/m2 lên mức 8-17,5 triệu đồng/m2.
  • Ở Long Sơn, giá đất nông nghiệp từ vốn chỉ từ 250.000 – 800.000 đồng/m2 đã tăng lên 1,5-2 triệu đồng/m2,
  • Trung tâm thị xã Phú Mỹ giá đất tăng gần gấp đôi, từ 5 - 7 triệu đồng/m2 hiện lên mức 9 - 12 triệu đồng/m2.
  • Tại các khu công nghiệp như Phú Mỹ 3, cảng Cái Mép giá đất cũng tăng lên 3,5 - 5 triệu đồng/m2.
  • Tại Tp.Bà Rịa, quanh các tuyến đường đắc địa như Hùng Vương, Hương Lộ 2, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, giá đất mặt tiền ở khu vực này chỉ khoảng 17 - 22 triệu đồng/m2 thời điểm đầu năm thì nay đã tăng khoảng 2 - 2,5 lần, dao động ở mức từ 20 - 25 triệu đồng/m2,
  • Tại TP.Vũng Tàu, các khu vực phường 9, phường 8, phường 2, giá đất từ 16 - 19 triệu đồng/m2 cũng tăng lên 20 - 26 triệu đồng/m2. Thậm chí, ở một số vị trí đẹp, thuận tiện cho kinh doanh và phát triển dịch vụ, giá đất từ 40 - 60 triệu/m2 tăng lên 55 - 68 triệu đồng/m2. Nếu so với năm 2018, mức giá này đã tăng từ 30 - 50%.
  • Tại huyện Xuyên Mộc, giá đất ở các xã ven biển so với đầu năm 2020 đã tăng gấp 2 - 3 lần. Các xã Phước Thuận, Bình Châu và trung tâm huyện là nơi có giá đất tăng mạnh nhất.

Những nguyên nhân ngầm phía sau

Bàn về đất Bà Rịa Vũng Tàu đang sốt, thực ra, việc tăng nhanh về lượng giao dịch và số lượt quan tâm đối với thị trường này là điều có thể dự đoán từ trước.

Nguyên nhân sốt đất

Các chuyên gia bất động sản lý giải, đất Bà Rịa - Vũng Tàu đang sốt có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần lớn chịu tác động từ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, có nhiều lợi thế về du lịch, kinh tế công nghiệp tất yếu sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những dự án khủng như: Dự án hóa dầu Long Sơn, sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,... đang là cơ sở để bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản ven biển tại đây nóng lên từng ngày.

Tuy nhiên, khi nền nhiệt tăng một cách đột biến, làn sóng tìm mua đất trở nên sôi động bất ngờ với hàng loạt thông tin chưa rõ thực hư được tung ra thị trường, người mua cần có cái nhìn về bề sâu nhiều hơn. Nhận định về tiềm năng, nhiều nhà đầu tư có đánh giá cao về bất động sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dựa trên những dự án hạ tầng và dự án bất động sản đang được triển khai. Tuy nhiên, một số đơn vị kinh doanh BĐS cũng thẳng thắn nhận định, việc tăng mạnh giá đất trong thời gian ngắn tại các địa phương ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lại tập trung chủ yếu vào đất nền hoàn toàn có khả năng do “thổi” giá của giới đầu cơ.

Theo ghi nhận, một chủ nhà vừa rao bán căn nhà cấp 4 có diện tích 80m2, trong đó có 40m2 thổ cư tại một hẻm đường 2/9 (TP. Vũng Tàu) với giá 1,88 tỷ đồng. Sau khi mua với giá 1,8 tỷ đồng, nhà đầu tư tên N đã nhanh chóng rao bán trên các trang bất động sản với giá 2,25 tỷ đồng. Nhà đầu tư này tư vấn cho khách hàng của mình rằng, nếu mua tiếp vẫn có lời, làm giấy tờ xong hoàn toàn có thể bán ra với giá được đẩy lên 2,5 tỷ đồng. Thế nhưng, khi kiểm tra quy hoạch căn nhà này thì mới phát hiện toàn bộ diện tích nằm trong diện quy hoạch khu Bắc sân bay. Nếu người mua không tỉnh táo thì có lẽ sẽ nhanh chóng bị khoản lợi nhuận làm cho “mờ mắt”.

Tương tự như những nguyên nhân sốt đất ở các địa phương khác, giới đầu cơ không ngừng thổi giá còn cò mồi thì liên tục tung tin đồn, bám vào các dự án hạ tầng để tô vẽ tương lai bất động sản.

Nhận định về thực trạng sốt đất trên thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng: “nhiều sàn giao dịch bất động sản không chuyên, làm ăn chộp giật, thiếu uy tín, đã đưa ra các thông tin sai lệch về quy hoạch, tạo hiện tượng tranh mua, tranh bán, hết hàng, cháy hàng ảo”. Ông cũng nhấn mạnh thêm, tình trạng này có cơ hội phát triển mạnh mẽ ở những địa phương mới nổi, thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước.

Vì vậy, người giao dịch nhà đất phải cẩn trọng, tỉnh táo để tìm hiểu kỹ càng những thông tin về quy hoạch chính xác, nguồn gốc nhà đất, mặt bằng giá (tham khảo Bảng giá đất Bà Rịa Vũng Tàu 2021) và tiềm năng khai thác của khu vực dự định mua.

Cán bộ địa phương sẽ gắt gao để quản lý sốt đất ảo

Trước hiện tượng sốt đất ảo diễn ra trên nhiều khu vực, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT đã đồng loạt yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất nhằm kiểm soát giá, tránh ảnh hưởng đến đầu tư, gia tăng vi phạm pháp luật. Cụ thể:

  • Thực hiện nghiêm các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, … kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ thuế, các giao dịch ảo, tình trạng thổi giá đất, giá bất động sản.
  • Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về tách thửa đất; đối với các hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định pháp luật đều phải xử lý nghiêm.
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… thông tin kịp thời về quy hoạch địa phương đến người dân để họ hiểu, thực hiện theo luật và phòng tránh các chiêu thức lừa đảo, trục lợi bất chính.
  • Kiểm soát việc tăng giá đất, đảm bảo giá đất phù hợp điều kiện phát triển thực tế của địa phương.
  • Công khai các thông tin liên quan đến quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, nhất là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... Hỗ trợ người dân tiếp cận các thông tin chính thống một cách nhanh chóng, thuận lợi, không bị nhiễu thông tin, tránh bị lợi dụng thổi giá đất lên cao bởi giới đầu cơ.

Bà Rịa Vũng Tàu tăng cường công tác quản lý

Sở TN-MT Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, mỗi lần sốt đất sẽ để lại hệ lụy không nhỏ cho công tác quản lý kinh tế xã hội. Nếu cứ tiếp diễn, tình trạng dự án ma sẽ hoành hành, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp lại gắn mác đất khu dân cư với giá bán trên trời. Sở TN-MT khuyến cáo người dân trước khi giao dịch nhà đất nên liên hệ UBND địa phương tìm hiểu kỹ pháp lý và quy hoạch sử dụng đất.

Đất Bà Rịa Vũng Tàu đang sốt là có thật, nhưng tồn tại cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Người mua không nên vì quá ham lợi nhuận mà giao dịch vội vàng, kẻo “tiền mất tật mạng”. Thị trường này giàu tiềm năng nhưng rủi ro trong đầu tư bất động sản là điều luôn tồn tại.

Nguồn: Trần Anh Group

Xem thêm: