Đại gia đổ bộ, bất động sản Long An nổi sóng lớn
Việc những tên tuổi lớn như Vingroup, Nam Long, Vạn Thịnh Phát, Him Lam, T&T Group hay Thaco… công bố đầu tư vào Long An đã khiến thị trường bất động sản tại đây nổi cơn sóng lớn.
Tiên phong trong số đó là “siêu” dự án Waterpoint sẽ được khởi công trong tháng 6 này.
Sôi động dự án “ngàn tỉ”
Tọa lạc tại Bến Lức, Long An, dự án khu đô thị Waterpoint của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long có quy mô 355 héc ta nằm trải dài theo mặt tiền đường 830; ba mặt còn lại được bao quanh bởi sông Vàm Cỏ Đông.
Đây chính là “tọa độ vàng” giữ vai trò cửa ngõ kết nối trực tiếp giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL với tổng cộng khoảng 30 triệu dân.
Theo quy hoạch, Waterpoint bao gồm các sản phẩm nhà phố, biệt thự, shophouse và căn hộ chung cư; khu phức hợp văn phòng; khu mua sắm, dịch vụ và giải trí; bệnh viện; khu giáo dục mầm non - tiểu học; trường đại học; bệnh viện; khu phức hợp thể thao…
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, khẳng định sẽ phát triển của Waterpoint giống như một thành phố thu nhỏ, đầy đủ tiện nghi khép kín nhưng gần gũi môi trường thiên nhiên, sông nước.
Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, thể thao ngoài trời cũng được chú trọng để tăng tính vận động, gắn kết của cộng đồng cư dân.
Đặc biệt, Waterpoint tích hợp khu công viên trung tâm lên đến 21 héc ta kết hợp với hệ thống kênh đào, cảnh quan đang xen các khối nhà xuyên suốt khu đô thị.
Với quy hoạch này, khi hoàn thành, chắc chắn Waterpoint sẽ trở thành một điểm nhấn đô thị độc đáo với môi trường sống tương tự Phú Mỹ Hưng.
Không chỉ Nam Long, nhiều nhà phát triển bất động sản lớn cũng đang “nhòm ngó” bất động sản Long An.
Mới đây, Công ty cổ phần Him Lam đã đề xuất thành lập khu kinh tế mở quy mô đến 32.000 hé ta trên địa bàn Cần Giuộc và Cần Đước.
Trong đó bao gồm khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển quốc tế và khu đô thị.
Vingroup cũng được cho là đã đề xuất cho phép nghiên cứu và đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi giải trí quy mô khoảng 900 héc ta thuộc huyện Đức Hòa.
Các hạng mục sẽ gồm khu nhà ở Vinhomes, trường học Vinschool, bệnh viện Vinmec…Đầu năm 2018, Vingroup đã đưa vào hoạt động dự án Vincom với trung tâm thương mại Vincom 5 tầng và khu shophouse tại thành phố Tân An.
Không đứng ngoài cuộc chơi, tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã được chính quyền Long An chấp thuận chủ trương đầu tư đến 36 dự án.
Tính chung diện tích của các dự án này lên đến hơn 2.100 héc ta. “Đại gia” Thaco cũng được tỉnh Long An chấp thuận đầu tư khu công nghiệp Quốc tế Trường Hải tại huyện Đức Huệ với diện tích 162 héc ta.
Bất động sản bật tăng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết theo đề án Quy hoạch vùng TPHCM thì ba huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TPHCM.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ sẽ là động lực để thị trường bất động sản Long An tăng trưởng trong tương lai gần.
Trên thực tế, thời gian vừa qua bất động sản Long An cũng nằm trong xu hướng tăng giá mạnh như TPHCM và Đồng Nai. Những dự án có thể kể đến như Làng Sen Việt Nam, Cát Tường Phú Sinh, Bella Villa, Vista Land, Phúc An City, Long Phú Villa Residence, Trần Anh Riverside hay Bella Vista… Khảo sát cho thấy, ở nhiều khu vực, giá đất hiện đã tăng khoảng 50% so với năm 2017. Một số dự án có giao thông kết nối thuận lợi, tập trung đông dân cư thì mức giá có thể tăng gấp đôi nhưng vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư giao dịch.
Theo giới kinh doanh bất động sản, bên cạnh những chuyển động theo quy hoạch phát triển vùng đô thị TPHCM và sự đổ bộ của các “đại gia”, tiềm năng bất động sản Long An còn đến từ việc hạ tầng đang được đầu tư mạnh để tạo động lực phát triển kinh tế.
Cùng với quốc lộ 1 và cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, Long An đang có một loạt dự án lớn đang triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 4, Tỉnh lộ 830, cao tốc Tân Sơn Nhất - Long An…
Ngoài ra, còn có bốn dự án khác được công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2016 với số vốn lên tới 14.300 tỉ đồng.
Trong đó gồm Trục giao thông Tiền Giang - Long An - TPHCM với vốn đầu tư 230 triệu USD; Đường Vành đai thành phố Tân An với tổng vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng; Trục giao thông kết nối với đường Mai Bá Hương (TPHCM), đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư tại Bến Lức và Đức Hòa với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng.
Ở đâu hạ tầng được đầu tư thì chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản và thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư.
Gần đây khá nhiều tập đoàn nước ngoài rục rịch đổ về Long An tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chẳng hạn một số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Malaysia đang đàm phán những bước cuối cùng với Nam Long để đầu tư vào dự án Waterpoint.
Một tập đoàn của Trung Quốc cũng muốn hợp tác với Công ty Thái Sơn đầu tư dự án bất động sản công nghiệp khá lớn tại Bến Lức…
Đây chính là lý do thuyết phục các nhà đầu tư rằng thị trường bất động sản Long An sẽ tiếp tục tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn sắp tới.
Cảng quốc tế Long An được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Long An.