[Chia sẻ] Một vài kinh nghiệm trồng cây phong thủy cho người mới
Trồng cây phong thủy là sở thích của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng cây đối với các loại khác nhau đòi hỏi người trồng phải thật sự am hiểu và có kinh nghiệm trên thực tế.
Sở thích chưng những loại cây cảnh phong thủy, cây xanh phong thủy những năm gần đây có xu hướng nở rộ. Ngày càng đông tìm mua những loại cây có ý nghĩa để bài trí trong không gian sống, như cây phong thủy giúp gia chủ hút tài lộc, cây phong thủy thuận về tình duyên, hỗ trợ công việc,...
Thú chơi cây phong thủy cũng kéo theo số đông người tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc những loại cây này với mục đích kiến tạo không gian sống ngập tràn sắc xanh và nguồn năng lượng tích cực. Tuy nhiên, vì cây phong thủy rất đa dạng về giống, loại, nguồn gốc, đặc tính sinh trưởng nên “người chơi” phải tìm hiểu một cách nghiêm túc và nắm rõ từng loại một.
Bài viết dưới đây tổng hợp một số kinh nghiệm trồng cây phong thủy, chủ yếu là các loại có đặc điểm sinh trưởng đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tuy không phải là toàn bộ nhưng hi vọng có thể mang lại lợi ích cho bạn đọc - những người có ý định trồng cây phong thủy.
Kinh nghiệm chăm sóc cây thủy sinh
Cây trồng thủy sinh là những loài cây sống dưới nước (nước mặn và nước ngọt). Chúng có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh mẽ trong môi trường nước ở khoảng thời gian dài. Cây thủy sinh có thể sống toàn bộ hoặc một phần trong nước, số khác thích ứng với môi trường ngập nước nhưng phần lá nổi lên trên.
Trước đây, nhắc đến cây thủy sinh, chúng ta đã khá quen thuộc với những loại cây như: Trân Châu Nhật, Trân Châu Cuba, Cỏ Ngưu Mao Chiên, Cỏ Thìa, Súng Thủy sinh, Thủy Cúc, Rong Đuôi Chó, Hẹ thẳng, Rêu Java, Rau Má Hương, … Phần lớn chúng được trồng trong bể cá, hồ thủy sinh cùng các động vật khác sống dưới nước.
Các loài cây thủy sinh mang nhiều tác dụng nổi bật cho môi trường:
- Cây thủy sinh giúp loại bỏ các chất thải của những sinh vật trong nước, thức ăn thừa hoặc vật liệu phân hủy cho bể, hồ nước. Đồng thời, chúng giúp bổ sung, lấp đầy khoảng trống ở bề mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi phát triển, giống như bộ lọc sinh học cho bể cá. Cây thủy sinh làm nhiệm vụ cung cấp oxi và hấp thụ lượng carbon dioxide (CO2) mà cá thải ra.
- Là môi trường trú ẩn an toàn cho cá, tôm, tép, cua, ốc,... Sẽ không có sự tranh giành lãnh thổ, đuổi cắn nhau giữa các loài sinh vật. Một số loài sẽ tận dụng cây thủy sinh làm nơi ẩn nấp, sinh sản mà không lo bị loài khác ăn mất trứng.
- Cây thủy sinh là yếu tố quan trọng giúp cho hồ cá, bể cá có cảnh quan sống động hơn. Nếu trồng trong hồ cá, chúng như một bộ phận của tiểu cảnh, hài hòa không gian, trông rất mát mắt và dễ chịu, thư thái.
Tuy nhiên, cây thủy sinh không chỉ dừng lại ở vai trò của một loài thực vật phổ biến tại những hồ, bể cá cảnh. Ngày nay, cây thủy sinh còn là các loại cây xanh phong thủy, cây phong thủy trồng trong nhà cực kỳ được gia chủ yêu thích vì cùng lúc có cả yếu tố “nước” và sắc “xanh”. Trong số những loại cây thủy sinh mang ý nghĩa phong thủy, có thể kể đến: cây Hồng Môn, cây Phú Quý, cây Kim Ngân, cây Phát tài, cây Trầu Bà, cây Lan Ý, … Những loại cây này, ngoài trang trí, còn mang ý nghĩa lớn về sự may mắn, hanh thông, thuận lợi,... khả năng lọc khí, lọc chất độc, chất phóng xạ,... đều rất tốt. Người ta thường trồng các loài cây này vào chậu nước nhỏ để tiết kiệm không gian và dễ dàng điều chỉnh vị trí, đặt linh hoạt ở nhiều nơi.
Tuy có khá nhiều công dụng, giá trị nhưng thủy sinh là những loại cây không đơn giản để trồng, đặc biệt khi bố trí trong không gian sống hoặc làm việc. Nếu không có kỹ thuật, sự quan tâm chăm sóc có thể gây mất cảnh quan và tác dụng ngược về phong thủy.
Cách trồng đối với các loại cây thủy sinh là khác nhau
- Với những cây nổi: chỉ cần tách những nhánh nhỏ hay phần phân cắt của cây và thả lên mặt nước.
- Với cây có có thân cứng mọc thẳng, hoặc bộ rễ phát triển: buộc gốc cây vào đá hay dùng sỏi, miếng xốp đè lên, bao quanh gốc cây để giữ cho cây khỏi bật rễ nổi lên trên mặt nước.
- Với những cây trồng có thể bén rễ ra từ thân: cắm các khúc thân đã cắt (vẫn giữ lá) vào nước, sau thời gian cây sẽ tự ra rễ.
- Có một số loài có thể trồng trực tiếp trên đá và một số cây có hạt khác mọc được trên đá. Do đó, ta có thể gắn chúng trực tiếp lên hòn non bộ trong bể cá hoặc mảnh gỗ bất kỳ. sau một thời gian, chúng sẽ tự phát triển trên đáy bể.
Cách chọn chậu cho cây thủy sinh
- Chậu, bể thủy tinh phải ưu tiên chọn những loại có thân rộng để đảm bảo rễ cây được phát triển tốt nhất, hạn chế tình trạng chèn đè lên nhau, rất dễ khiến cây bị chết. Khi trồng, cần lưu ý để ra khoảng trống giữa phần lá cây và gốc cây, giúp lá không bị ngập lún, bị hỏng và khiến nước bị ô nhiễm.
- Thường xuyên cung cấp dung dịch dinh dưỡng cho cây để đảm bảo sự sinh trưởng tốt nhất.
- Nếu chọn trồng cây thủy sinh trong bể cá, nên chọn số lượng cây phù hợp với kích thước bể và số lượng sinh vật được nuôi. Bể nên được vệ sinh định kỳ, đảm bảo nguồn nước sạch, trong.
- Thả thêm những viên sỏi, bi, hoặc đá màu vào bể hoặc chậu thủy tinh để trang trí thêm phần sinh động, thú vị và đẹp mắt. Nhưng cũng không nên để quá nhiều, đồng thời dùng thêm miếng mút xốp để giữ độ ẩm cho gốc cây, cố định thân cây.
Các bước tiến hành trồng cây thủy sinh
- Rửa sạch cây và rễ; bước này nên làm nhẹ nhàng, tránh làm dập nát lá, loại bỏ một số lá đã bị vàng úa và rễ cây nào đã mục nát; chỉ giữ lại phần lá và rễ khỏe mạnh.
- Vệ sinh bình chậu thật sạch sẽ, cho nước sạch vào kèm theo dung dịch dinh dưỡng (lựa chọn nồng độ phù hợp với từng loại cây thủy sinh).
- Cho cây vào bình, tách rễ cây sao cho chúng không chồng chéo lên nhau. Đối với cây cảnh thủy sinh không thể sống trong điều kiện ngập nước, chỉ cần ngập khoảng 2/3 rễ, chừa phần thân cách lá một khoảng để khỏi úng lá.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây
Ánh sáng
Ánh sáng là một phần tất yếu của cuộc sống, ít nhiều đều có sự tác động đến quá trình phát triển của các loài sinh vật. Tuy nhiên, nhu cầu về ánh sáng của mỗi loài thủy sinh là không giống nhau. Chính vì vậy, người trồng cần hiểu rõ về loại cây, đặc tính sinh trưởng để cân đối độ sáng phù hợp. Một số loài sinh trưởng nhanh sẽ cần ánh sáng mạnh, ngược lại các loài sinh trưởng chậm có thể sống được ở môi trường ít sáng, nhiều bóng râm.
- Đối với các loại cây được trồng trong bể cá, hồ thủy sinh: ánh sáng gần mặt nước sẽ mạnh hơn so với ánh sáng sát dưới nền. Do đó, có thể đặt đèn chiếu sáng cho bể nếu vị trí đặt bể thiếu ánh nắng mặt trời.
- Cây cảnh thủy sinh trồng chậu đặt ở bàn làm việc hay ban công: quan tâm xem cây đó thuộc loại ưa sáng hay sống được dưới ánh đèn huỳnh quang, và cần bao nhiêu giờ tắm nắng mặt trời mỗi ngày để thay đổi vị trí cho phù hợp.
- Nhìn chung, các loài cây thủy sinh đa phần đều cần từ 8 - 10h chiếu sáng liên tục mỗi ngày, nhưng sẽ khác về loại ánh sáng, là ánh mặt trời tự nhiên hay đèn chiếu sáng,...
Cung cấp dinh dưỡng và thay nước
- Với những bể có nuôi cá, tôm, ốc,... thì sau khoảng 6 tháng, chất dinh dưỡng sẽ dần vơi đi. Đây là thời điểm cần cung cấp nước, dung dịch dinh dưỡng cho bể, đảm bảo sự sống cho các loài sinh vật. Tuy nhiên, không ít người cố tình đổ thật nhiều để kéo dài thời gian nhưng thực tế, việc này chỉ làm tăng nguy cơ tồn đọng chất dinh dưỡng bị dư thừa, tạo điều kiện cho rêu, tảo phát triển, gây hại cho cây trồng.
- Với những cây thủy sinh phong thủy, trồng trong chậu thủy tinh nhỏ, lượng nước cũng như chất dinh dưỡng ít hơn nên số lần thay cũng thường xuyên hơn, tầm từ 1 - 2 lần/tháng.
- Về việc thay nước, khoảng 2 tuần nên thay cho các chậu cây nhỏ 1 lần. Riêng với bể cá, thời gian có thể lên đến 1 tháng. Lưu ý, chỉ thay khoảng 50% nước trong hồ, tùy lượng sinh vật ở trong đó và chất lượng của hệ thống lọc nước. Đảm bảo rằng nước mới thay có cùng nhiệt độ, không nóng, không lạnh hơn so với nước trong hồ. Tuyệt đối, không dùng nước máy chưa qua xử lý; nguồn nước này mang nhiều nguy cơ gây hại cho cây và các loài cá.
Sục khí CO2 cho bể cá có cây trồng thủy sinh
Cây luôn cần lượng CO2 thích hợp để phát triển, vì vậy mà chúng ta phải sục khí CO2 cho bể có trồng cây thủy sinh. Tuy nhiên, chỉ chiếm một lượng nhỏ, nếu lượng CO2 trong nước quá đậm đặc sẽ khiến các sinh vật khác vị thiếu O2 cho quá trình hô hấp. Nếu bể đã nuôi nhiều cá thì giảm cung cấp lượng CO2 lại, cá sẽ thải ra khí này nên nước trong bể có thể tự cân bằng, ổn định.
Những lưu ý khác cần quan tâm
- Đá sỏi và cát dùng để trang trí phải được rửa sạch để tránh gây ô nhiễm nước. Cách khắc phục là có thể dùng đất sét trộn lẫn với cát tạo thành một lớp nền ở đáy hồ làm chỗ đính cây vào. Lưu ý, dù là đất hay phân cũng phải là những loại không hòa tan trong nước.
- Cây thủy sinh có dấu hiệu vàng, rụng lá là do thiếu sáng. Với trường hợp này, phải thường xuyên cho cây hấp thụ ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, khoảng 2 tiếng mỗi ngày để tăng cường quá trình quang hợp, trao đổi chất cho cây.
- So với trồng cây trong đất, trồng cây thủy sinh sẽ khiến phần rễ cây trơn, trắng hơn. Nếu có hiện tượng rễ bị nấm mốc hoặc ngay từ lúc chuyển đổi chậu, cần dùng vôi, dung dịch rửa thích hợp để làm sạch đất bám, các mảng mốc. Một số loài cây mọc thành bụi, nên dùng tay nhẹ nhàng tách nhỏ ra để trồng và quan sát rễ được kỹ hơn.
Kinh nghiệm trồng, chăm sóc các dòng sen đá, xương rồng (nhóm thân mọng nước)
Thú chơi sen đá, xương rồng vài năm nay có vẻ như khá phát triển. Sức sống mãnh liệt, bền bỉ của loại cây này mang lại sự thích thú cho người trồng. Chúng cũng khá đa dạng về loại, tên gọi, hình dáng và ý nghĩa phong thủy. Tuy nhiên, sen đá và xương rồng không phải loại nào cũng “dễ chiều” và muốn chúng phát triển đẹp nhất, cần có sự chăm sóc kỹ lưỡng.
Sen đá và xương rồng đều là loài thực vật thuộc nhóm thân mọng nước. Chúng dễ trồng, dễ sống và có khả năng tái sinh thành cây mới từ lá cây, nhánh cây đã rụng xuống. Cả sen đá và xương rồng đều ưa khô, khả năng chịu hạn tốt. Muốn trồng chúng, trước hết phải chuẩn bị đất thật tốt, kỹ thuật trồng đúng cách và bón phân, tưới nước theo quy tắc nhất định.
Cách trộn đất trồng sen đá, xương rồng
- Những yêu cầu bắt buộc đối với đất trồng sen đá và xương rồng: Hỗn hợp đất dùng để trồng sen đá và xương rồng phải đáp ứng được cùng lúc 3 yếu tố, gồm: tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt, đầy đủ dinh dưỡng.
- Nguyên liệu giúp đất tơi xốp bao gồm: mùn cưa, tro, trấu hun, lá cây hoại mục…
- Những nguyên liệu giúp thoát nước: đá perlite, xỉ than,viên đất nung, gạch non, đá nham thạch…
- Nguyên liệu chứa chất dinh dưỡng: phân bò, phân trùn quế, phân dơi, các loại phân hữu cơ đã qua xử lý…
Chuẩn bị nguyên liệu để trộn đất
Những nguyên liệu để trộn đất hoặc có thể tìm mua ở cửa hàng chuyên dụng hoặc từ mình tìm kiếm, xử lý ngay tại nhà, vừa tiết kiệm lại vừa hiệu quả.
Cách xử lý xỉ than
- Bước 1: Xỉ than khi mua về có thể dùng búa để đập nhỏ, nên đập nhỏ vừa đủ, tránh đập quá vụn.
- Bước 2: Để loại bỏ những hạt vụn và bụi có thể dùng rổ có mắt nhỏ, sàng bằng nước những hạt từ 3-4mm có thể dùng để trộn đất, với những hạt to hơn thì dùng lót dưới đáy chậu mục đích làm thoáng đất.
- Bước 3: Ngâm nước từ 1-2 ngày để khử bớt chất dơ và độ chua. Sau đó phơi khô, sàng hạt to và hạt nhỏ là có thể đưa vào sử dụng.
Làm sao để có được vỏ trấu
Nếu như có thời gian và điều kiện, bạn nên mua trấu tươi về hun. Thường trấu mua được hun sẵn ngoài cửa hàng là tro trấu, có thể do người ta đốt lò, đôi khi chứa muối sẽ không tốt cho cây. Đặc biệt, không dùng trấu tươi, vì dễ có nguy cơ mang mầm bệnh, nấm, lúa mọc cây con. Nếu không hun trấu thì có thể đổ chúng vào thùng, ngâm nước trong khoảng 10 ngày. Sau đó, mang những hạt trấu này ủ với trichoderma cho chết mầm bệnh.
Cách xử lý xơ dừa
Trước tiên cần xả nước, sau đó ngâm với nước pha 0,5 kg vôi bột nông nghiệp (dùng cho khoảng 10kg xơ dừa) khoảng một ngày rồi mang ra xả lại với nước, sau đó vắt khô xơ dừa để dùng. Hoặc một cách khác là mở miệng bao xơ dừa để ngoài trời mưa khoảng một tháng, nhưng cách này sẽ không hợp lý nếu có ý định trồng cây vào mùa nắng.
Xơ dừa nếu không được xử lý sẽ khiến rễ cây bị quéo, chết từ từ bởi chất chát vẫn còn trong đó.
Chi tiết tỉ lệ các thành phần trộn đất trồng sen đá, xương rồng
- Hỗn hợp xỉ than, phân bò và trấu hun: Trấu giúp tơi xốp giúp thoáng khí, phân bò nhiều dinh dưỡng và xỉ than có khả năng hút nước cho cây thoát nước tốt. Với hỗn hợp này, cây sẽ không lo bị ứ nước khi lỡ tưới nhiều hay để cây tắm mưa, đáy chậu cây cũng thoáng khí hơn. Ba loại nguyên liệu này trộn với nhau theo tỉ lệ: 50% xỉ than, 25% trấu hun và 25% phân bò.
- Hỗn hợp từ phân bò, tro trấu và xơ dừa: Phân bò nên được ủ mục để có hiệu quả tốt nhất. Trộn các loại nguyên liệu theo tỉ lệ 6 tro trấu – 2 phân bò – 2 xơ dừa.
- Hỗn hợp đất trồng sen đá từ tro trấu, xỉ than và perlite: Perlite có công dụng làm tơi xốp đất trồng đồng thời cung cấp khoáng chất cho cây ra rễ tốt (hay còn gọi là đất trân châu). Trộn theo tỉ lệ 40% tro trấu, 20% Perlite và 40% xỉ than.
- Hỗn hợp đất sạch Namix trộn với đá Perlite Namix: trong đất sạch Namix còn chứa thêm dưỡng chất, phân compost hữu cơ tốt cho cây trồng, không cần phải bón thêm phân cho cây. Một bao đất sạch Namix 10kg, trộn thêm 30% đá Perlite Namix vào hỗn hợp để tạo thêm độ thoát nước tốt.
Lưu ý: Sau khi trộn xong, thử nắm chặt hỗn hợp bằng tay rồi mở ra. Nếu hỗn hợp đó không vón cục mà lại tơi xốp ra thì xem như thành công. Nếu vón cục thì có nghĩa là hỗn hợp này chưa đủ độ tơi xốp, bạn cần cân nhắc bỏ thêm xỉ than hoặc Perlite vào.
Ngoài ra, người trồng cũng có thể chọn đất akadama. Đây là một loại đất sét đỏ nguồn gốc từ đất tro của núi lửa, được sấy khô thành dạng hạt với nhiều kích cỡ và được bán tại các cửa hàng cây cảnh. Đất này sẽ cung cấp dinh dưỡng cho sen đá, giữ ẩm tốt và khiến cây ra màu đẹp nhất. Tại các cửa hàng này cũng sẽ có bán đất trộn sẵn với giá khoảng vài chục ngàn/kg. Thường sen đá hay xương rồng khi mua về đầu có bọc bầu đất nhưng tốt nhất là nên thay đất đã tự trộn để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho cây.
Cách sắp xếp các lớp thành phần trong chậu
Đất trồng sen đá, xương rồng có cấu tạo gồm 3 lớp, đặc điểm chung là giúp thoát nước nhanh, tránh tình trạng ứ đọng nước khiến thân cây bị úng, nhũn.
- Lớp ở đáy chậu (chiếm 1/4 chậu): có thể dùng xỉ than, than củi, sỏi to… những thứ giúp thoát nước tốt, kích thước các hạt của lớp này có thể dao động từ 0.3 -> 2cm và có thể lớn hơn tùy theo kích thước chậu trồng. Lớp này cũng giúp tránh hỏng rễ nếu như lỡ tưới quá nhiều nước.
- Lớp ở giữa: lớp này là lớp để nuôi rễ, nuôi cây, thành phần chủ yếu sẽ là: Xỉ than size nhỏ, trấu hun, trấu tươi, sơ dừa, phân bò… Bạn có thể áp dụng 3 hỗn hợp đã gợi ý ở trên.
- Lớp rải trên mặt: lớp này giúp cho bề mặt chậu thoáng, hạn chế nước đọng lại trên lá gần gốc khi tưới, có thể dùng xỉ than (size 0.2 -> 1cm), hạt đất nung, đá nham thạch hoặc lớp mỏng đá trân châu perlite.
Một số lưu ý khác khi trồng sen đá, xương rồng vào chậu
Nhiều người thường rải một lớp cát trên mặt đất cho các chậu trồng sen đá để trông sạch và đẹp hơn. Tuy nhiên, đây không phải là cách hay, các hạt cát có thể khiến đất bị bí, thiếu sự thông thoáng. Lúc tưới nước, đất sẽ bị ẩm lâu hơn. Do đó, có thể thay bằng các loại sỏi hút nước tốt.
- Sau khi đã trộn đất trồng và trồng cây, nên để chậu cây ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Không nên vội vàng tưới ngay, chỉ tưới sau khoảng 2 - 3 ngày.
- Nên trồng vào những cậu có lỗ thoát nước, chậu đất để có khả năng thoát nước tốt nhất. Nếu vẫn muốn trồng trong chậu thủy tinh thì ngoài hỗn hợp đất trồng ra, bạn hãy cho thêm một lớp sỏi dưới đáy bình và lớp than hoạt tính. Hai thành phần này có chức năng hút ẩm và hạn chế vi khuẩn gây thối rễ cây.
- Không nên tưới nước quá nhiều. Chúng đều là những cây chịu hạn tốt nên tuần chỉ tưới từ 1 - 2 lần tùy điều kiện thời tiết. Khi tưới, lưu ý tưới xung quanh, không tưới quá sát gốc hay từ trên xuống. Một số loại sen đá, xương rồng rất “kén”, tưới nước trực tiếp sẽ khiến chúng dễ bị úng, nhũn thân, rụng lá,... Tuy nhiên có một số loại sen đá vẫn có thể tưới lên lá bình thường như các dòng sedum, sen thơm (nhất mạt hương).
- Sen đá đảm bảo đặt ở nơi có ánh sáng, ít nhất là 4 tiếng 1 ngày, tuyệt đối không phơi nắng trong khoảng giữa trưa. Sen đá khi phơi nắng sẽ lên màu đẹp, các cánh sen xếp khít nhau hơn.
- Thông thường, cách chăm sóc sen đá tốt nhất đó là tưới nước khi đất đã khô hẳn. Tuỳ thuộc vào điều kiện nắng, gió và độ ẩm nơi trồng để có thể điều chỉnh thời gian và lượng nước tưới cho phù hợp. Tưới khi đất đã khô hẳn giúp kích thích rễ cây phát triển rất tốt nhất.
Với một vài kinh nghiệm trồng cây phong thủy cho người mới, hi vọng người trồng sẽ hiểu hơn về các đặc tính và cách chăm sóc những loại cây được ưa thích hiện nay, sở hữu cho mình cây phong thủy đẹp. Trường hợp các loại cây phong thủy không thuộc những nhóm kể trên, bạn đọc có thể tham khảo cách chăm sóc cây xanh, cây cảnh cơ bản trước khi đi vào chi tiết hơn.
Nguồn: Trần Anh Group
Xem thêm: