Cây cau cảnh phong thủy: ý nghĩa & cách chăm sóc

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Cau là một trong những loài cây khá thân thuộc với đời sống của người Việt. Tuy nhiên, cây cau cảnh phong thủy lại thường dễ gây nhầm lẫn với cây cau thông thường. Chúng có những đặc điểm về hình dáng và điều kiện sinh trưởng khá khác biệt.

Trồng cây phong thủy hoặc sưu tầm các loại cây cảnh phong thủy được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh xu hướng sống xanh phát triển như hiện nay. Bất kỳ môi trường nào, dù là nhà ở, văn phòng, cơ quan làm việc,... sự xuất hiện của cây xanh, cây xanh phong thủy cũng đều mang tới nhiều lợi ích đáng kể, vừa cải thiện chất lượng môi trường vừa tạo ra nguồn năng lượng tích cực.

Thiên hướng tìm kiếm các loại cây cảnh đặt trong nhà, cây phong thủy để bàn,... cũng khá phát triển so với cây phong thủy sân vườn truyền thống. Càng ngày, con người càng ưa thích những thứ có tính ứng dụng cao, nhỏ gọn và linh hoạt. Trong đó, những lựa chọn như cây phong thủy kim tiền, cây phong thủy vạn lộc, cây lưỡi hổ phong thủy,... rất phổ biến. Cây cau cảnh phong thủy cũng là một trong số cây phong thủy đẹp được ưa thích.

Đặc điểm của cây cau cảnh phong thủy

Cây cau cảnh phong thủy hay còn gọi là cau cảnh, còn có những tên gọi khác như cây cau vàng, cau kiểng vàng. Loài cây này thuộc họ Arecaceae, có tên khoa học là Chrysalidocarpus lutescens. Về nguồn gốc của chúng còn khá nhiều tranh cãi, một số quan điểm cho rằng cây cau cảnh có xuất xứ từ Nhật Bản. Tuy nhiên, số khác lại xác định nguồn gốc của cau cảnh là từ hai vùng đảo Morris và Reunion. Hiện nay, loại cây này đang được trồng khá nhiều tại các nước Đông Nam Á và Việt Nam là cái tên nổi bật.

cây cau cảnh phong thủy

Cây cau cảnh phong thủy có thân cây thẳng đứng, chiều cao trung bình từ 0,7 - 2m, phần gốc và thân có nhiều đốt ngắn, màu sắc đặc trưng là xanh ngả vàng. Dù có phần gốc cây khá lớn nhưng lại nhỏ dần về phía ngọn. Các cành của cau cảnh dài, nhỏ, mọc hướng lên phía trên. Lá cau mỏng, dài, mềm và mọc đối xứng với nhau, cuống tròn.

Cây cau cảnh có hoa không? Câu trả lời là có, hoa của chúng có màu trắng, nở thành chùm và mùi rất thơm. Tuy nhiên, hoa cau lại rất ít khi ra, mỗi năm chỉ chừng khoảng 1 - 2 lần. Quả cau mọc thành buồng, có hình trứng, kích thước nhỏ hơn so với cây cau thông thường.

Các loại cau cảnh phong thủy hiện nay

  • Cây cau ta: là loại quen thuộc và phổ biến từ rất lâu đối với người Việt. Một số nơi còn gọi là cau ăn trầu hay cau ăn quả. Loại này có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á, dạng thân cột, cao lên đến 15m khi trưởng thành. Lá cau đơn xài, xẻ thùy như lông chim; hoa màu trắng, thơm ngát; quả cau hình tròn, xanh lúc non và ngả vàng khi chín.
  • Cây cau đuôi chồn: có hình dạng khá đặc biệt so với các loại khác. Lá cau nhỏ dài và có màu xanh, mọc xếp quanh cành dày đặc, tủa ra tựa như hình dáng đuôi của con chồn. Thân thuộc dạng cây gỗ thẳng đứng, màu xám và hình trụ. Cành lá hầu hết tập trung ở phần ngọn nên nhìn có tính thẩm mỹ cao.
  • Cây cau cảnh quả đỏ: tên gọi khác là cau bẹ đỏ, cau đỏ (tên khoa học Cyrtostachys renda). Cau quả đỏ là cây thân gỗ, phân đốt và mọc thành bụi. Như tên gọi, thân cây có màu đỏ đặc trưng, lá mọc đối xứng thành tàu lớn. Là loại cây ưa sáng, có tốc độ sinh trưởng nhanh, thích hợp để trồng ở sân vườn, bố trí tiểu cảnh.
  • Cây cau tứ quý cảnh: hay còn gọi với cái tên cau cảnh lùn, thân cây to khoảng 15 - 20cm, phần gốc và thân to bằng nhau, ở đầu cành có lá kép dạng lông chim. Hoa của cau tứ quý có màu trắng, cánh nhỏ; quả khi non có màu xanh và chuyển vàng khi đã chín. Cây chịu nắng tốt, thích hợp ở môi trường ngoài trời.
  • Cây cau cảnh Thái Lan: cây có tán lá to hình long vũ, chiều cao trung bình từ 0.8 - 1.8m. Các bẹ lá mọc ốp sát vào thân, về già lá sẽ có màu nâu và tự rụng.
  • Cây cau Tiểu Trâm: đây là dạng cây cảnh để bàn được yêu thích. Cây có thân thấp, không có hoa, lá không mọc từ thân chính. Kích thước cây khá nhỏ gọn, xinh xắn.
  • Cây cau cảnh phú quý: là loại cây có thân mọc bụi, chiều cao tối đa khoảng 2m. Cây có phần lá kép chân chim, màu xanh bóng. Đặc trưng của cây là vóc dáng thẳng đứng, thích hợp để trồng trong những chậu men sứ vuông hoặc tròn.

Công dụng của cây cau cảnh phong thủy

Theo kết quả từ các thí nghiệm của NASA, cây cau cảnh có tác dụng rất lớn trong việc loại bỏ các chất như ammonia, giảm lượng kim loại nặng tồn tại trong không khí, xua đuổi côn trùng,... giúp không gian sống trong lành, tươi mát, nhiều năng lượng hơn. Cây cau cảnh cũng có khả năng lọc sạch khí thải từ máy móc, đồ dùng điện tử, thiết bị trong nhà, văn phòng rất tốt. Chính vì vậy, đặt một cây cau cảnh ở bất kể không gian nào cũng tạo ra sự tươi mới, thoáng mát. Màu xanh từ cây là “liều thuốc” để chủ nhân cảm thấy thoải mái, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi từ công việc, áp lực cuộc sống.

Công dụng của cau cảnh

Ngoài ra, quả của cây cau cảnh cũng là một thành phần mang lại rất nhiều công dụng dưới góc nhìn y học, có khả năng hỗ trợ chữa bệnh rất tốt.

Theo nghiên cứu Đông y, quả cau cảnh có tính hạ khí, hành thủy thông đại tiểu trường, nhờ đó mà bài trừ được chứng chướng khí, trướng tích, sát trùng, giải nhiệt cho cơ thể con người. Bên cạnh đó, trong quả cau cảnh có chứa nhiều thành phần như: Alcahoit, Tannin, Arecolin cùng với vị đắng của hạt cau, khi kết hợp mang lại tác dụng: lợi thủy, tiêu tích, thông khí, trị tả lỵ, sốt rét, diệt khuẩn, phù thủng và lợi tiểu.

Bài thuốc chữa bệnh tiểu đường từ quả cau cảnh và quả cóc (mang tính tham khảo):

Trái cau cảnh và trái cóc lấy mỗi thức bảy quả (đối với nam) và chín quả (đối với nữ), đem nấu nước cho người bệnh uống. Uống mỗi ngày 3 lần hoặc dùng thay thế nước uống trong ngày. Trong quá trình áp dụng bài thuốc này, cần kết hợp chế độ ăn uống phù hợp, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.

Ý nghĩa phong thủy của cây cau cảnh

Đã từ rất lâu, cây cau nói chung, cây cau cảnh phong thủy nói riêng đã được xem là loài cây mang lại nhiều nguồn năng lượng tốt, tích cực cho các gia đình, dù là trồng ngoài sân hay trong nhà. Cây cau cảnh được xem là biểu tượng của sự bình yên, những điều tốt đẹp, có khả năng xua đuổi tà ma, ngăn chặn nguồn khí xấu.

Bên cạnh cải thiện cảnh quan cho khuôn viên sống, sự xuất hiện của cây cau còn như sự báo hiệu của giàu sang, thịnh vượng, khai thông tài lộc cho gia chủ. Vì vậy, trồng cau ở trước cửa nhà, hai bên lối đi là hình ảnh rất dễ bắt gặp.

Phân tích kỹ hơn theo phong thủy, thân cây cau thẳng đứng với các tán lá rộng nhìn tựa như chiếc ô che chắn, bảo bọc cho gia đình. Vì vậy, chiếc ô này theo quan niệm của nhiều người sẽ giúp các thành viên tránh được vận rủi, những điều xấu xa. Ngoài ra, cau mọc theo hàng thẳng tắp, thân vững chãi cũng chính là trụ cột chống đỡ khí vận cho gia đình.

Cây cau ta cũng là một trong những đại diện tiêu biểu cho phong tục cưới hỏi và tục ăn trầu của người Việt. Ngoài tính thẩm mỹ, phong thủy thì chúng còn mang đậm nét đặc sắc về văn hóa, truyền thống dân tộc. Những bông hoa cau trắng muốt với hương thơm ngát mang đến cho không gian sự thoáng đãng, tinh khiết, thu hút vận may, thúc đẩy vượng khí, nâng cao phong thủy cho ngôi nhà.

Phong thủy cây cau cảnh

Cây cau phong thủy hợp với tuổi, mệnh nào?

Theo phong thủy, cây cau cảnh thuộc hành Thổ, vì vậy, chúng sẽ phù hợp nhất với người mệnh Thổ, Kim và Hỏa.

  • Gia chủ mệnh Hỏa: trong ngũ hành, Hỏa sinh Thổ vậy nên người mệnh Hỏa trồng cây cau cảnh sẽ giúp gia chủ tốt về tiền tài và danh vọng
  • Gia chủ mệnh Thổ: người mệnh Thổ trồng cây này sẽ giúp gia chủ nhận được nguồn năng lượng hạnh phúc, giúp gia chủ có cuộc sống gia đình vui vẻ và các mối quan hệ xã hội tốt đẹp
  • Gia chủ mệnh Kim: Thổ sinh Kim, vậy nên người mệnh Kim trồng cây cau cảnh sẽ giúp gia chủ tốt về sức khỏe và bình an

Các tuổi thích hợp trồng cây cau cảnh nhất là tuổi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ. Những tuổi này khi trồng cau cảnh sẽ đón nhận vận may, thu hút tài lộc và đạt được nhiều thành công như mong muốn.

Cây cau cảnh phong thủy nên đặt ở đâu tốt nhất?

Tại Việt Nam, đa số các gia đình thường chọn trồng cây cau cảnh phong thủy ở trước cửa nhà, nếu sân vườn rộng sẽ trồng dọc các lối đi, đem lại mỹ quan khá đẹp mắt nhưng vẫn đảm bảo sự thoáng đãng cho không gian.

Ngoài ra, cau cảnh còn được trồng nhiều ở văn phòng, đại sảnh, cửa hàng, công ty, spa, phòng khám,... bởi khả năng hấp thụ khí độc, cấp ẩm và điều hòa không khí rất tốt. Đặc biệt, với những môi trường thường xuyên tiếp xúc với máy tính, cây cau cảnh phong thủy còn giúp bảo vệ mắt của người dùng nhờ khả năng hút các tia bức xạ.

Do đó, góc sân, hành lang, phòng khách,... đều rất thích hợp để đặt cây cau cảnh phong thủy. Dù ở vị trí nào thì vẻ đẹp sang trọng, hiện đại, tươi mát của cau cảnh cũng luôn nổi bật, mang tới sự bừng sáng cho mọi không gian.

Cách trồng và chăm sóc cây cau cảnh phong thủy

  • Nhân giống: cau cảnh có thể trồng bằng hạt. Khi quả cau khô lại, gieo vào đất ẩm và đặt nơi thoáng mát để hình thành cây con. Tuy nhiên, phải mất khá nhiều thời gian để cây trưởng thành. Ngoài trồng bằng hạt có thể chọn cách chiết bẹ lá ngay từ gốc, giâm vào đất.
  • Đất trồng: nên trộn thêm ít tro trấu và xơ dừa vào trong đất, đồng thời cũng giúp đất giữ và thoát ẩm tốt hơn, kết hợp bón phân hữu cơ khoảng 2 – 3 tháng/lần.
  • Vị trí đặt cây: dù có thể phù hợp với nhiều không gian nhưng cần đảm bảo ánh sáng cần thiết cho sự phát triển của cây. Mỗi ngày cần từ 5 - 6 tiếng cung cấp ánh sáng nhưng tránh vị trí nắng gắt, ánh sáng trực tiếp chiếu vào.
  • Nhiệt độ: cây phát triển tốt nhất trong nhiệt độ từ 18 đến 28 độ C, ở nhiệt độ cao hơn, cây vẫn có thể sống nhưng lá sẽ khó đẹp và xanh mướt như ở môi trường nhiệt độ chuẩn.
  • Tưới nước: cau cảnh ưa nước nên cần lượng nước tưới lớn, mỗi ngày nên tưới cho cây một lần.
  • Sâu bệnh: thường xuyên kiểm tra, cắt bỏ lá vàng úa, bẹ lá già, phun thuốc ngừa sâu bệnh.

Cây cau cảnh phong thủy tuy gần gũi, bình dị nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với không gian sống và nguồn năng lượng mà chúng mang lại. Với đặc trưng dễ trồng, dễ chăm sóc, cau cảnh là lựa chọn cho nhiều gia đình.

Nguồn: Trần Anh Group

Xem thêm: