Nhà truyền thống Việt Nam: Những kiến trúc đặc trưng

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Nhà truyền thống Việt Nam là các công trình gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, mang đậm giá trị đặc trưng của các vùng miền.

Nhắc đến nhà truyền thống Việt Nam, hình ảnh quen thuộc nhất là các ngôi nhà 3 gian, nhà 5 gian hoặc nhà ngói xưa, nhà sàn,... Tuy nhiên, trên thực tế, nhà dân gian truyền thống còn đa dạng hơn thế. Việt Nam có 54 dân tộc, mang đến màu sắc phong phú, đa dạng. Nhà ở truyền thống thể hiện được nét đặc trưng trong phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của từng nhóm người.

Thông qua bài viết này, cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các dạng nhà truyền thống Việt Nam.

Đặc điểm chung của nhà truyền thống Việt Nam

Nhà ở là các công trình làm nơi cư ngụ, sinh hoạt của con người. Kiến trúc truyền thống là những gì thuộc về bản sắc văn hóa, sự cảm nhận về mặt thị giác, thẩm mỹ. Nhà ở truyền thống không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn là sự gắn liền với đặc trưng văn hóa, quá trình phát triển của dân tộc.

Ngôi nhà truyền thống

Do đó, các công trình nhà truyền thống thường thể hiện những nét đặc trưng sau đây.

Tính chất cộng đồng trong không gian

Nhà truyền thống Việt Nam được đặt trong không gian sinh hoạt chung của làng, vừa là một kiến trúc riêng nhưng lại tổng hòa với cái chung. Mặc dù mỗi ngôi nhà đều có hàng rào, cổng khép kín nhưng vẫn thể hiện được gắn kết hàng xóm, nghĩa tình. Nhà truyền thống thể hiện được lối sống hòa đồng, “bán anh em xa mua láng giềng gần”.

Sống gắn kết, cân bằng với hệ sinh thái

Sống gần gũi với thiên nhiên là những xuất phát điểm đầu tiên của lối sống xanh ngày nay, cũng chính là giá trị sống cao nhất mà nhiều người muốn hướng đến. Nhà truyền thống Việt Nam có tính đặc trưng và được yêu thích cũng bởi thể hiện khá rõ nét điều này. Mỗi căn nhà dù lớn hay nhỏ cũng bao gồm các phần: nhà chính, nhà phụ, ao cá, vườn cây, khoảng sân phía trước, sân phơi, hàng rào, cổng, chỗ chăn nuôi,...

Vốn xuất phát từ nghề nông nên nhà truyền thống Việt Nam cũng gắn liền với quá trình sản xuất, nhà ở trở thành nơi hài hòa giữa gia đình, môi trường và năng lượng. Có 3 yếu tố chủ đạo, chính là “con người, đất và nước”.

Bố cục tổng thể cho thấy tư duy truyền thống

Tùy vào dạng nhà truyền thống mà có cách bố trí khác nhau, ví dụ như nhà hình thước thợ, nhà hình chữ Môn, hoặc theo các chiết tự Hán khác. Nhìn chung, các ngôi nhà đều có số gian là số lẻ, hiếm khi là số chẵn. Số lượng gian cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế mỗi gia đình, điều kiện hoặc nhu cầu sinh sống. Phần đa nhà truyền thống sẽ cho thấy sự thiên lệch về vị trí của nam và nữ, đàn ông nghỉ ngơi ở những gian chính và ngược lại.

Đặc trưng của nhà truyền thống

Luôn coi trọng nơi thờ cúng tổ tiên

Bất kể là dạng nhà truyền thống nào thì khu vực thờ cúng tổ tiên cũng luôn được chăm chút kỹ lưỡng, bài trí công phu hơn so với các gian còn lại. Tùy vào phong tục của từng dân tộc mà cách trang trí sẽ khác nhau, tương ứng với vị thần mà họ thờ, tín ngưỡng mà họ theo đuổi.

Kết cấu chắc chắn, chất liệu tự nhiên

Ngôi nhà truyền thống Việt Nam thể hiện được sự khéo léo, tài hoa của người thợ, cũng là tình cảm, tâm tư của gia chủ gửi gắm. Vì vậy, ngay từ khâu chọn nguyên liệu đến xem tuổi, xem ngày làm nhà đều rất được quan tâm.

Điểm chung có thể nhìn thấy là phần mái nhà được làm kín, có độ che phủ rộng vì nhiều mưa; cửa sổ và cửa đi đều ít khi mở để ngừa trộm cắp nên đôi khi lấy sáng không tốt. Nhà ưa thích đặt ở hướng Nam để mát mẻ vào mùa hè, trước nhà trồng cau, sau nhà trồng chuối.

Các loại vật liệu tự nhiên được tận dụng, như: lá, tranh, tre, gỗ đẽo, đá kê nền cột, đất sét nung hoặc không nung, bùn trộn rơm,... Lựa chọn sử dụng vật liệu gì còn tùy xem điều kiện của gia đình đó như thế nào. Nhà truyền thống luôn nổi bật trong sự giản dị, mộc mạc vốn có, cho thấy được tư duy, tình cảm của con người, sức sống bền bỉ và mãnh liệt.

Các dạng nhà truyền thống Việt Nam

Nhà sàn ngắn

Đây là loại nhà truyền thống cho các gia đình từ 1 - 2 thế hệ của dân tộc Mường, Thái, Vân Kiều, Kháng, Cống, Khơ Mú, Chứt, Giáy,... Nhà thường được làm dọc theo các con suối, trên sườn đồi hoặc các khu đất dưới thung lũng.

  • Hình dáng kiến trúc: nhà sàn, ba gian hai chái hoặc bốn mái, mái hai đầu hồi khum hình mai rùa
  • Cửa ra vào ở hai đầu hồi nhà, hai bên vách có cửa sổ, hai đầu đốc nhà được trang trí khau cút (dấu hiệu văn hóa nhận biết tộc người).
  • Phía dưới nhà dùng để chăn nuôi gia súc.
  • Vật liệu làm nhà sàn chủ yếu bằng tre, gỗ, mái lợp cỏ tranh.

Vì là nhà sàn của nhiều dân tộc nên sẽ có đôi chút khác biệt:

  • Nhà của người Mường ở phía Bắc sàn rất thấp, chỉ cao khoảng 0,5m
  • Nhà của người Thái lại có nhiều chi tiết trang trí bằng tre, nứa đẹp mắt
  • Nhà của người Bru – Vân Kiều lại có sự phân chia không gian riêng tư của bố mẹ và con cái; nhà người Mường lại chia theo giới tính.

Nhà sàn truyền thống

Nhà sàn dài

Là dạng nhà truyền thống của các dân tộc như: Gia Rai, Hrê, Rơ Măm, Tà Ôi, Xơ Đăng, Ba Na, Cơ Tu, Ê Đê,...

  • Hình dáng kiến trúc: thường có hai mái dốc, đầu hồi khum cong hình mai rùa, trên đầu dốc của mái trang trí hình cặp sừng trâu hoặc có khau cút đơn giản bằng tre hoặc gỗ.
  • Mô phỏng theo hình dáng con thuyền, hai vách của ngôi nhà dọc dựng thượng thách – hạ thu.
  • Phía trước nhà có sàn lộ thiên, trên để cối giã gạo
  • Nhà được chia theo chiều dọc, không gian nam nữ riêng
  • Vật liệu chính dùng làm nhà bằng tre, gỗ, mái nhà lợp bằng cỏ tranh.

Ngày nay, nhà sàn dài gần như đang mất dần, các tộc người chủ yếu sống ở các nhà sàn nhỏ, phù hợp cho gia đình 2 thế hệ.

Nhà sàn kết hợp với nhà trệt

Các dân tộc như Mông, Lô Lô, Dao,... thường sống trong kiểu nhà này, hình thành ban làng ở các khu vực thung lũng gần sông, lưng chừng núi,... Mỗi ngôi nhà đều có khuôn viên riêng gồm nhà chính, bếp và chuồng trại.

Nhà sàn kết hợp nhà trệt

  • Hình dáng kiến trúc: nhà sàn thường có ba gian hai chái dùng để ở; còn nhà trệt dùng làm nhà bếp và kho chứa đồ.
  • Nhà sàn sử dụng các loại vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, mái lợp tranh hoặc tre, vầu chẻ đôi lợp theo kiểu âm dương; sàn được ghép bằng tre, nứa, tường vách phên tre đan.
  • Nhà trệt thì nền đất, phần vách làm bằng đất hoặc tre, nứa, cây gỗ nhỏ đan thành; phần mái lợp tranh.
  • Nhà sàn thường cách đất khoảng 0.7m, cửa lên từ đầu hồi nhà.
  • Nhà trệt có cửa ra vào nhỏ ở phía đầu hồi, mái cong che sát đất.
  • Mặt bằng thường được chia làm 03 gian.

Nhà trệt kiểu pháo đài

Các dân tộc Tày, Nùng thường có kiểu nhà truyền thống này. Những ngôi nhà được dựng trên sườn đồi hoặc ở các thung lũng.

  • Hình dáng kiến trúc: nhà ba gian hai chái.
  • Tường đắp đất hoặc gạch mộc dày 40 - 60cm, vừa sàn vừa trệt, trên tường có nhiều lỗ châu mai.
  • Người Nùng chia nhà ở thành 2 phần dành cho con trai và con gái. Người Tày lại chia làm 3 phần, dùng làm nơi tiếp khách và 2 phần dành cho con trai, con gái (có vách ngăn riêng).

Nhà dạng pháo đài

Nhà trệt

Đây là loại nhà phổ biến của dân tộc Kinh, Chăm, Hmong, Khmer, Hoa,... theo cơ cấu làng, bản, sống đông đúc ven sông suối. Trong đó, nhà ở của người Kinh là hình ảnh nhà truyền thống có nhiều dấu ấn đặc sắc nhất.

Hình dáng kiến trúc ngôi nhà: phần lớn là nhà trệt ba gian hai chái, mái lợp tranh hoặc sử dụng ngói âm dương, tường làm bằng đất dày, cửa ra vào mở ở gian giữa, tiếp đến là hiên nhà, cửa sổ nằm ở 2 bên mở ra hiên hoặc sân trước,...

Nhà ở của người Kinh luôn có khuôn viên sân vườn, mang đậm đặc trưng của nhà truyền thống Việt Nam. Nhà làm từ gạch, gỗ,... luôn có nhiều hoa văn đẹp mắt; mái là mái tranh hoặc ngói.

Nhìn chung, nhà truyền thống Việt Nam trải qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử đã có nhiều đổi khác. Tuy nhiên, những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được coi trọng và gìn giữ.

Xem thêm: