Bí quyết xây nhà 2 tầng 80m2 đẹp, rẻ từ A - Z

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Bạn đang tìm kiếm các mẫu nhà 2 tầng đẹp 80m2 để tham khảo và lựa chọn? Đồng thời bạn cũng đang phân vân không biết chi phí xây nhà 2 tầng 80m2 hết bao nhiêu tiền? Vậy thì bài viết này sẽ là câu trả lời dành cho bạn.

Có thể bạn quan tâm:

80m2 là diện tích đất được xếp vào dạng tương đối lớn để có thể xây dựng nhà ở. Với diện tích đất này, gia chủ có thể thỏa sức sáng tạo trên căn nhà của mình, đồng thời có thể áp dụng nhiều mẫu, kiểu nhà đang được yêu thích hiện nay. So với các diện tích nhỏ như 40m2, 50m2, 60m2... mà website đã giới thiệu trước đó, thì 80m2 là kích thước phổ biến trong xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, chính vì phổ biến nên các mẫu nhà sẽ có nét đại trà, khó tìm được sự độc đáo và mới lạ.

Những bí quyết được chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm xây nhà hoàn hảo trên diện tích đất 80m2. Hãy đọc hết bài viết để biết bí quyết là gì, đồng thời tham khảo các mẫu nhà đẹp hiện nay và cách tính chi phí chi tiết nhé!

1. Kinh nghiệm xây nhà 2 tầng 80m2 đẹp, tiết kiệm và phù hợp (đọc trước khi xem mẫu)

Để xây được một ngôi nhà hoàn chỉnh và hoàn hảo thì không phải chỉ cần tham khảo mẫu rồi copy nguyên si mẫu vào ngôi nhà của mình là được. Bởi vì mỗi một mẫu nhà khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau về: hình dáng đất, chi phí xây dựng, khu vực xây dựng… Do vậy, ngoài thích bạn còn phải xem xét xem mẫu đó có phù hợp với mình hay không, cụ thể là phù hợp với thế đất, vị trí và tài chính của mình hay không.

Và những chia sẻ dưới đây là điều bạn phải nắm được trước khi xem mẫu và chọn mẫu:

1.1. Kinh nghiệm xây nhà 2 tầng 80m2 đẹp

Nói về cái đẹp thì mỗi ngôi nhà sẽ có một vẻ đẹp khác nhau, và tiêu chí đánh giá của mỗi người cũng mỗi khác. Cùng một mẫu nhà nhưng có người xem là đẹp, có người bảo không, có người đánh giá “cũng được”, nhưng có người lại khen xuất sắc. Vì vậy, khi tham khảo mẫu nhà bạn không nên dựa hoàn toàn vào những lời khen của người khác. Nhà là xây cho chính bạn, có đẹp hay không trước hết phải do chính bạn đánh giá. Được sống trong ngôi nhà mà chính mình cảm thấy đẹp thì bạn sẽ cảm thấy hân hoan hơn là việc sống trong ngôi nhà theo người khác là đẹp nhưng bản thân mình lại không biết đẹp ở đâu.

Tuy nói vậy nhưng không có nghĩa là bạn sẽ chọn mẫu hoàn toàn dựa vào cảm tính và đôi mắt của mình. Bạn vẫn phải biết và dựa vào các tiêu chí đánh giá một ngôi nhà đẹp hiện nay đó là:

+ Kiến trúc đẹp

nhà 2 tầng đẹp 80m2 0.1
Kiến trúc ngôi nhà tân cổ điển đẹp sang trọng

Nhà có kiến trúc đẹp là nhà đảm bảo được 3 yếu tố: 1 - cân đối, hài hòa với cảnh quan xung quanh; 2 - đảm bảo thông gió và chiếu sáng cho ngôi nhà; 3 - phù hợp với phong cách của ngôi nhà (nếu chọn phong cách hiện đại thì kiến trúc phải thể hiện được đường nét khỏe khoắn, đơn giản nhưng vẫn toát lên sự sang trọng, tinh tế; nếu chọn phong cách tân cổ điển hoặc cổ điển thì kiến trúc phải thể hiện được những nét đặc trưng như cổng vòm cách điệu hay hoa văn cầu kỳ).

Mặt tiền ngôi nhà là yếu tố quan trọng để đánh giá nhà có đẹp hay không, vì vậy hãy dành thời gian để thiết kế mặt tiền sao cho đẹp và ấn tượng nhất có thể.

+ Nội thất đẹp

Nội thất là yếu tố đảm bảo nhà đẹp từ ngoài vào trong, đẹp một cách toàn diện và hoàn thiện. Nội thất phải thống nhất phong cách với ngoại thất và tổng thể của ngôi nhà để đảm bảo sự hài hòa. Ngoài ra, nội thất có phải tiện nghi, khắc phục được nhược điểm của kiến trúc ngôi nhà và phát huy được những điểm mạnh.

Bên cạnh đó, nội thất trong từng không gian khác nhau phải thể hiện được tinh thần riêng. Ví dụ nội thất phòng khách cần sang trọng, nội thất phòng ngủ cần sự ấm cúng, còn nội thất phòng bếp cần sự sạch sẽ và khoa học.

+ Phong thủy hợp

Một ngôi nhà có kiến trúc đẹp, nội thất đẹp nhưng không hợp phong thủy thì không được gọi là một ngôi nhà đẹp. Nhà không hợp phong thủy sẽ khiến cho người sinh sống trong gia đình không được thoải mái và hạnh phúc. Cụ thể về phong thủy như thế nào được xem là phù hợp chúng tôi sẽ phân tích chi tiết hơn ở phần 1.2 của bài viết, bạn có thể xem nhanh bằng cách bấm vào đây.

1.2. Kinh nghiệm xây nhà 2 tầng 80m2 phù hợp

Trong hầu hết các bài viết về mẫu nhà đẹp, chúng tôi luôn luôn khuyên người đọc rằng: Hãy xây nhà phù hợp thay vì xây nhà theo mốt hay theo đám đông. Bởi vì nhu cầu, sở thích và hoàn cảnh của mỗi người một khác. Đẹp, rẻ, tốt với nhiều người chưa hẳn là sẽ đẹp, rẻ, tốt với chính mình. Do vậy khi xem mẫu, cần phải biết đâu là mẫu hợp với mình, đâu là mẫu không phù hợp dù được đánh giá cao hay được nhiều người lựa chọn.

Các tiêu chí để đánh giá sự phù hợp như sau:

+ Phù hợp với thế đất

nhà 2 tầng đẹp 80m2 0.2
Có rất nhiều thế đất khác nhau

Cùng diện tích 80m2 nhưng có mảnh đất hình chữ nhật, có mảnh đất hình vuông, có mảnh đất hình thang, có mảnh đất hình chữ L, có mảnh đất hình tam giác hoặc các hình dạng đất khác. Trước hết bạn cần xác định được mảnh đất của bạn có hình dạng như thế nào, chiều dài bao nhiêu, chiều rộng bao nhiêu sau đó mới chọn mẫu để tham khảo. Ví dụ: Đất của bạn sở hữu hình chữ nhật thì mẫu nhà bạn nên tham khảo là nhà ống 2 tầng, hoặc đất của bạn hình vuông thì mẫu nhà bạn nên tham khảo là mẫu nhà 2 tầng hình vuông… Tương tự với các hình dạng đất khác.

phần 2 của bài viết chúng tôi sẽ nói về các mẫu nhà 2 tầng đẹp trên diện tích 80m2 với các hình dạng đất phổ biến. Bạn hãy xác định hình dạng đất mình sở hữu trước, sau đó chọn xem mẫu phù hợp với hình dạng đó.

+ Phù hợp phong thủy

Phong thủy nhà ở liên quan đến sức khỏe, tài vận và hạnh phúc của các thành viên sống tại ngôi nhà đó. Phong thủy có hợp thì vạn sự bình an, và ngược lại, phong thủy không hợp sẽ làm xáo trộn cuộc sống của con người.

Trước khi “chọn đất cất nhà”, bạn cần phải chọn mảnh đất phù hợp phong thủy. Tuy nhiên đây là điều không hề dễ dàng có được trong thời buổi đất đai khai hiếm và đắt đỏ như hiện nay. Nhưng không sao, nếu mua phải mảnh đất không hợp phong thủy thì bạn hãy hóa giải nó trước khi xây dựng.

Sau khi đã hóa giải đất cho hợp phong thủy thì tiếp đến bạn cũng phải xây nhà hợp phong thủy. Từ móng, nền, vật liệu xây dựng cho đến mặt tiền, bố trí các phòng, trần nhà… đều phải đảm bảo hợp phong thủy.

Nhưng như thế nào là hợp phong thủy?

Phong thủy là một bộ môn rất rộng lớn nên trong bài viết này không thể nào đề cập hết được. Hơn nữa, phong thủy trên mỗi thế đất, căn nhà và cho từng gia chủ hoàn toàn khác nhau nên không thể nói một cách chung chung. Do vậy, để hiểu về phong thủy cũng như cách xây nhà phong thủy, bạn hãy tìm hiểu tại các cuốn sách phong thủy nhà đất hay hoặc nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia phong thủy. Trên cơ sở đó để xây nhà phù hợp, hài hòa và đảm bảo phong thủy nhất.

+ Phù hợp với tài chính

Mỗi một mẫu nhà bạn xem sẽ có một mức chi phí khác nhau mặc dù cùng được xây dựng trên diện tích đất 80m2. Nguyên nhân của sự khác nhau này là do: vị trí xây nhà, thời gian xây nhà, vật liệu sử dụng, đơn vị thi công, chi phí phát sinh… Bạn không thể xây nhà theo mẫu mà không biết mẫu nhà đó có chi phí xây dựng bao nhiêu, có phù hợp với khả năng của mình hay không.

Như vậy, kinh nghiệm xây nhà 2 tầng 80m2 cuối cùng đó chính là phải phù hợp với tài chính mình đang có. Bạn cần phải biết mình có bao nhiêu tiền để xây nhà. Với số tiền đó thì mẫu nhà nào sẽ phù hợp. Bạn có thể chọn một vài mẫu yêu thích, sau đó nhờ các đơn vị tư vấn xem xét và tính toán xem có phù hợp với số tiền bạn có hay không. Hoặc chính bạn cũng có thể tự tính toán được nếu như biết cách tính chi phí xây nhà 2 tầng 80m2 (chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết ở phần 3 của bài viết).

Ngoài ra, nếu bạn quan tâm đến chi phí xây nhà thì hãy xem bài viết Bí quyết xây nhà 2 tầng đẹp giá rẻ 2021 để biết được cách tiết kiệm chi phí khi xây nhà 2 tầng, đồng thời xem các mẫu nhà 2 tầng giá rẻ theo chi phí từ 300 triệu đến 600 triệu.

1.3. Kinh nghiệm xây nhà 2 tầng 80m2 tiết kiệm

Xây nhà tiết kiệm không có nghĩa là xây nhà giá rẻ. Tiết kiệm nhưng cần đảm bảo thiết kế nhà phù hợp, diện tích đủ dùng, phong cách đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được sự tinh tế.

Xây nhà sẽ tốn rất nhiều tiền nên tiết kiệm chưa bao giờ là việc làm thừa thãi. Hơn nữa, dù xây nhà không tốn nhiều tiền thì tiết kiệm luôn là “quốc sách” bởi vì trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thứ phải cần đến tiền để giải quyết.

Vậy làm thế nào để tiết kiệm khi xây nhà? Dưới đây là những bí quyết bạn không thể không biết.

+ Chọn đất dễ xây dựng

Nếu bạn đã có sẵn đất để xây dựng thì hãy bỏ qua bước này và đọc tiếp 4 bí quyết còn lại. Nếu bạn chưa có đất xây dựng thì kinh nghiệm chọn đất được chia sẻ sau đây bạn không nên bỏ lỡ.

Hãy chọn một mảnh đất dễ thi công, xây dựng; một mảnh đất thuận lợi về giao thông; đất có đầy đủ pháp lý và đặc biệt phải có thổ nhưỡng, địa chất tốt. Cụ thể: Đất trống bằng phẳng, vuông vức, nền đất tốt để giảm bớt chi phí cho tháo dỡ, san lấp và làm móng. Ngoài ra, nên tìm hiểu về hệ thống thoát nước tại khu vực đó, nên chọn những mảnh đất đã có sẵn hệ thống thoát nước thì bạn sẽ đỡ tốn một khoản làm cống, ống dẫn nước.

Còn đây là những mảnh đất bạn nên tránh: khu đất sét, đất nhão, đất cát, đất có địa tầng yếu, khu vực dễ sụt lún, sạt lở, gần mạch nước ngầm, dễ ngập úng… Xây nhà tại các mảnh đất này gia chủ sẽ phải tốn chi phí để gia cố móng kỹ càng nếu không nhà ở sẽ không được bền vững.

+ Xây nhà đủ dùng theo nhu cầu

Bạn sở hữu đất 80m2 nhưng bạn hoàn toàn có thể không cần dùng hết diện tích đó để xây nhà ở nếu không cần thiết. Bạn có thể xây nhà 50m2, 60m2 hoặc 70m2 nếu với diện tích đó đã đủ không gian để bạn sinh sống. Diện tích còn lại bạn dùng làm sân vườn vừa tiết kiệm chi phí lại vừa tạo nên sự thông thoáng cho ngôi nhà. Hoặc bạn có thể dùng hết 100% diện tích đất để xây nhà nhưng nếu xây 2 tầng thì thừa thãi, bạn có thể xây nhà 1 tầng 1 tum hoặc 1 tầng có gác lửng để tiết kiệm chi phí. Muốn vậy trước hết bạn cần xác định được nhu cầu của mình về các phòng là như thế nào, sau đó lựa chọn diện tích xây phù hợp.

+ Chọn phong cách thiết kế tiết kiệm

Nói đến phong cách của nhà ở chúng ta có 3 phong cách phổ biến nhất đó là: cổ điển, tân cổ điển và hiện đại. Trong 3 phong cách này thì hiện đại được xem là phong cách thi công nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất. Phong cách đơn giản không có nghĩa là nhà không đẹp, không sang, mà ngược lại, có rất nhiều mẫu nhà 2 tầng đẹp hiện đại đã chứng minh rằng phong cách hiện đại đã mang đến cho căn nhà một nét đẹp của sự trẻ trung, hợp thời và tinh tế.

+ Có bản vẽ thiết kế chuẩn

nhà 2 tầng đẹp 80m2 0.3
Bản vẽ chính là “kim chỉ nam” để xây dựng đúng ý và nhanh chóng

Nếu là trước đây, bản vẽ xây dựng là điều ít ai để tâm đến, thậm chí có nhiều đơn vị xây dựng không cần có bản vẽ. Nhưng bây giờ thì khác, bản vẽ là yếu tố quan trọng để tránh được tình trạng chắp vá, sai sót và để có thể chuẩn bị mọi thứ tốt nhất. Một bản vẽ càng chi tiết, rõ ràng bao nhiêu thì càng giúp đơn vị thi công dễ dàng hình dung được ngôi nhà trong tương lai bấy nhiêu, giúp họ thi công đúng và nhanh chóng. Bản vẽ còn giúp gia chủ tính toán và lựa chọn được vật tư phù hợp.

Vì vậy, hãy trao đổi với các kiến trúc sư để có được một bản vẽ hoàn chỉnh và ưng ý. Nếu muốn xây nhà hợp phong thủy thì ngay ở bước này gia chủ nên mời chuyên gia phong thủy cùng làm việc trực tiếp với kiến trúc sư để hoàn thiện bản vẽ, tránh tình trạng bản vẽ không hợp phong thủy sẽ phải sửa đổi trong quá trình thi công.

Với bản vẽ xây dựng hoàn chỉnh, bạn không chỉ tiết kiệm được thời gian thi công mà còn tiết kiệm được chi phí khi tính toán đâu ra đó, tránh phát sinh, tránh sai sót, tránh đập đi xây lại hoặc sửa chữa gây tốn kém.

+ Chọn vật liệu xây dựng tiết kiệm

Tương tự như nhà giá rẻ, thì vật liệu tiết kiệm cũng không có nghĩa là vật liệu rẻ tiền, kém chất lượng. Mà cần phải chọn vật liệu một cách khoa học, mang đến giá trị cao nhất cho ngôi nhà.

Hiện nay trên thị trường, vật liệu xây dựng được chia thành 3 loại với 3 mức giá khác nhau như sau:

  • Vật tư trung bình khá: 5.000.000 đồng/m2
  • Vật tư tốt: 5.500.000 đồng/m2
  • Vật tư cao cấp: 6.000.000 đồng/m2

Để tiết kiệm khi chọn vật liệu, bạn có thể tham khảo các bí quyết sau:

  • Chọn vật tư nội thay vì các vật liệu nhập khẩu, nhãn hiệu nước ngoài: Có rất nhiều loại vật tư trong nước chất lượng tương đương nhưng giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với vật tư nước ngoài. Tuy nhiên cần chọn đúng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để đảm bảo chất lượng.
  • Khảo sát nhà cung cấp trước khi mua: Bạn không nên vội vàng chọn nhà cung cấp khi chỉ mới tham khảo 1 - 2 cửa hàng. Hãy dành thời gian khảo sát thật nhiều nhà cung cấp để tìm thấy nhà cung cấp có mức giá rẻ nhất. Tuy nhiên cũng cần chọn đúng nhà cung cấp uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
  • Mua đúng số lượng vật tư cần dùng: Để tránh lãng phí, bạn chỉ nên mua đúng và đủ số lượng vật tư cần dùng. Nếu bạn không thể xác định mình cần mua bao nhiêu vật tư thì đủ dùng cho ngôi nhà thì đừng ngại ngần hỏi ý kiến của các kiến trúc sư có kinh nghiệm.

+ Chọn thời điểm xây nhà thuận lợi

1 năm có 12 tháng, bạn có biết xây nhà nào tháng nào được xem là thuận lợi và tiết kiệm không?

  • Tháng 1 - 2: thời điểm này nhân công khan hiếm (do tết), không phải là thời điểm thích hợp để xây nhà.
  • Tháng 3 - 7: đây là mùa khô, ít mưa, thuận lợi cho thi công nên sẽ tiết kiệm chi phí tối đa.
  • Tháng 8 - 10: là những tháng mưa nhiều, thi công sẽ bị gián đoạn.
  • Tháng 11 - 12: là thời điểm cận tết, chỉ thích hợp để sửa nhà chứ không phù hợp để xây nhà.

Nói chung, bạn có thể xây nhà bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng muốn tiết kiệm thời gian và chi phí thì nên chọn thi công vào tháng 3 đến tháng 7 dương lịch.

+ Chọn nhà thầu uy tín

Bạn nên chọn nhà thầu uy tín thay vì nhà thầu có báo giá rẻ (nhưng nếu tìm được nhà thầu có cả 2 yếu tố thì càng tốt). Mặc dù giá cả là điều nên quan tâm nhưng sự uy tín mới là mấu chốt để quyết định. Một nhà thầu uy tín sẽ giúp bạn có được một ngôi nhà như ý muốn trong thời gian sớm nhất và tiết kiệm chi phí nhất có thể. Nhà thầu uy tín cũng sẽ đảm bảo với bạn về thời gian thi công, chất lượng, chi phí cũng như bảo hành cho ngôi nhà.

2. Gợi ý các mẫu nhà 2 tầng 80m2 đẹp mê ly theo từng hình dạng đất

Như ở phần 1.1 đã nói có rất nhiều thế đất khác nhau: hình vuông, hình chữ nhật, hình chữ L, hình tam giác… Bạn cần xác định được thế đất của mình trước, sau đó mới chọn mẫu phù hợp để tham khảo. Ở phần 2 này chúng tôi sẽ giới thiệu các mẫu nhà 2 tầng 80m2 đẹp theo từng hình dạng đất. Hãy chọn mẫu đúng với hình dạng đất để tham khảo nhé!

2.1. Nhà 2 tầng 80m2 hình chữ nhật

Đất hình chữ nhật khá đẹp theo phong thủy. Đặc điểm của đất hình chữ nhật là chiều rộng lớn hơn chiều dài. Kiểu đất này thường xuất hiện ở các thành phố hoặc khu vực đất chật người đông. Nhà ống là kiểu nhà phù hợp nhất đối với đất hình chữ nhật.

Dưới đây là một số mẫu nhà 2 tầng 80m2 được xây dựng trên thế đất hình chữ nhật:

nhà 2 tầng đẹp 80m2 1
Nhà ống phong cách tân cổ điển được xây 2 tầng, diện tích 80m2
nhà 2 tầng đẹp 80m2 2
Nhà ống 2 tầng mái bằng hiện đại
nhà 2 tầng đẹp 80m2 3
Nhà ống 2 tầng mái thái phong cách hiện đại

2.2. Nhà 2 tầng 80m2 hình vuông

Nhà 2 tầng hình vuông được xây dựng trên thế đất có hình vuông, chiều dài và chiều rộng bằng hoặc gần bằng nhau. Nhà hình vuông theo phong thủy là kiểu nhà rất tốt, đem đến nhiều may mắn cho gia chủ.

Nếu bạn đang sở hữu đất hình vuông, dưới đây là những mẫu nhà bạn có thể tham khảo:

nhà 2 tầng đẹp 80m2 4
Biệt thự 2 tầng phong cách tân cổ điển
nhà 2 tầng đẹp 80m2 5
Nhà 2 tầng mái thái sang trọng, đẹp hiện đại
nhà 2 tầng đẹp 80m2 6
Nhà 2 tầng mái bằng đang rất được các gia chủ yêu thích hiện nay

2.3. Nhà 2 tầng 80m2 hình chữ L

Theo phong thủy thì thế đất hình chữ L không được đẹp, thậm chí gây tổn hại cho gia chủ. Tuy nhiên bạn có thể khắc phục bằng cách xây mặt tiền hướng ra góc chính của mảnh đất, nhưng phải chừa khoảng cách đủ rộng để không khí có thể lưu thông vào nhà.

Dưới đây là một số mẫu nhà 2 tầng chữ L diện tích 80m2 để bạn tham khảo:

nhà 2 tầng đẹp 80m2 7
Nhà 2 tầng chữ L mái thái sang trọng, cao ráo
nhà 2 tầng đẹp 80m2 8
Nhà 2 tầng mái bằng chữ L đẹp hiện đại, tinh tế
nhà 2 tầng đẹp 80m2 9
Biệt thự 2 tầng chữ L phong cách tân cổ điển vạn người mê

2.4. Nhà 2 tầng 80m2 hình thang

Đất hình thang có 2 dạng: Một là dạng đất có mặt tiền nhỏ hơn mặt hậu và hai là đất mặt tiền to hơn mặt hậu. Cả hai dạng này theo phong thủy đều không được tốt nhưng hoàn toàn có thể hóa giải. Đối với thế đất này, bạn có thể xây nhà theo hình dạng tùy thích (nhưng diện tích xây nhà sẽ không đủ 80m2), phần diện tích còn lại dùng để thiết kế sân vườn.

Dưới đây là một số mẫu nhà 2 tầng 80m2 được xây dựng trên thế đất hình thang để bạn tham khảo:

nhà 2 tầng đẹp 80m2 10
Nhà 2 tầng 80m2 hình thang mái bằng sang trọng
nhà 2 tầng đẹp 80m2 11
Nhà 2 tầng 80m2 hình thang nở hậu dùng mái thái
nhà 2 tầng đẹp 80m2 12
Nhà 2 tầng chữ L được xây dựng trên mảnh đất hình thang

2.5. Nhà 2 tầng 80m2 hình tam giác

Theo phong thủy thì đất hình tam giác không phù hợp để xây nhà bởi vì có nhiều góc nhọn gây tù hãm nội khí. Tuy nhiên đối với diện tích đất lớn như là 80m2 hoặc lớn hơn thì bên trong mảnh đất có thể chia thành nhiều ô nhỏ vuông vắn thì không có vấn đề gì.Ở các góc cạnh nên thiết kế hồ nước, tiểu cảnh nhỏ để giảm bớt ảnh hưởng của các góc và giúp không gian thông thoáng hơn.

Vì là thế đất không đẹp so với các thế đất nói trên nên mẫu nhà 2 tầng 80m2 không nhiều. Nếu bạn đang sở hữu một mảnh đất hình dạng tam giác thì có thể tham khảo các mẫu sau đây:

nhà 2 tầng đẹp 80m2 13
Nhà 2 tầng "siêu mỏng" trên mảnh đất hình tam giác, diện tích 80m2
nhà 2 tầng đẹp 80m2 14
Phối cảnh nhà 2 tầng diện tích 80m2 trên mảnh đất hình tam giác
nhà 2 tầng đẹp 80m2 15
Nhà 2 tầng 80m2 độc đáo, ấn tượng trên mảnh đất hình tam giác

3. Hướng dẫn cách tính chi phí nhà 2 tầng diện tích 80m2 chi tiết nhất

Ở bài viết Cách tính toán chi phí xây nhà dễ hiểu và tiết kiệm nhất chúng tôi đã chia sẻ về các phương án tiết kiệm khi xây nhà, cùng với đó là cách tính chi phí xây nhà dễ hiểu. Bạn có thể đọc lại bài viết đó để hiểu rõ hơn về cách tính chi phí.

Tuy nhiên để bạn đọc hình dung rõ hơn về chi phí xây nhà 2 tầng diện tích 80m2 thì bài viết này sẽ hướng dẫn lại một cách chi tiết nhất. Sau khi đọc hết phần này bạn sẽ biết được xây nhà 2 tầng 80m2 hết cụ thể bao nhiêu tiền để chuẩn bị tài chính một cách tốt nhất.

3.1. Cách tính tổng diện tích cần xây dựng

Nhiều người nhầm tưởng rằng diện tích cần xây dựng là 80m2, tuy nhiên không phải, đó chỉ là diện tích của đất. Còn diện tích xây dựng phải là tổng diện tích được xây dựng tính cho toàn bộ ngôi nhà. Cụ thể là diện tích của các hạng mục: Móng, tầng và mái.

Công thức để tính tổng diện tích xây dựng được tính bằng: diện tích của các hạng mục cộng lại.

Diện tích của các hạng mục cụ thể được tính như sau: Diện tích đất (80m2) x Hệ số tương ứng (đây là hệ số được quy định mặc định trong xây dựng).

Cụ thể:

Diện tích của móng:

  • Nếu móng cọc: 80mm2 x 30% = 24m2
  • Nếu móng đơn: 80m2 x 40% = 32m2
  • Nếu móng bè: 80m2 x 50% = 40m2

Diện tích của tầng:

  • Tầng 1: 80m2 x 100% = 80m2
  • Tầng 2: 80m2 x 100% = 80m2

Diện tích của mái:

  • Nếu mái tôn: 80m2 x 30% = 24m2
  • Nếu mái bê tông cốt thép không lát gạch: 80m2 x 50% = 40m2
  • Nếu mái bê tông cốt thép có lát gạch: 80m2 x 60% = 48m2
  • Nếu mái bê tông dán ngói: 80m2 x 100% = 80m2
  • Nếu mái ngói vì kèo sắt: 80m2 x 100% = 80m2

Sau đi đã có được diện tích của các hạng mục cụ thể, thì bạn sẽ tính được tổng diện tích cần xây dựng. Tuy nhiên tổng diện tích của mỗi kiểu nhà sẽ có một con số khác nhau tùy thuộc vào sự lựa chọn của gia chủ.

Ví dụ:

  • Nếu gia chủ chọn xây nhà móng cọc, mái tôn thì tổng diện tích là: 24m2 (móng) + 80m2 (tầng 1) + 80m2 (tầng 2) + 24m2 (mái) = 208m2.
  • Nếu gia chủ chọn xây nhà móng đơn, mái bê tông không lát gạch thì tổng diện tích là: 32m2 (móng) + 80m2 (tầng 1) + 80m2 (tầng 2) + 40m2 (mái) = 232m2.
  • Nếu gia chủ chọn xây nhà móng bè, mái bê tông dán ngói thì tổng diện tích là: 40m2 (móng) + 80m2 (tầng 1) + 80m2 (tầng 2) + 80m2 (mái) = 280m2.

Như vậy, gia chủ chọn các hạng mục nhân với hệ số càng cao thì tổng diện tích xây dựng sẽ càng lớn. Và ngược lại.

3.2. Cách tính đơn giá xây dựng

Đối với đơn giá xây dựng, trên thị trường hiện đang áp dụng 3 cách tính đơn giá như sau:

  • Đơn giá xây dựng phần thô: dao động trong khoảng từ 3 triệu - 4 triệu đồng/m2.
  • Đơn giá xây dựng hoàn thiện: dao động trong khoảng từ 4 triệu - 7 triệu đồng/m2.
  • Đơn giá khác (gia chủ tự mua vật liệu và thuê nhân công): tính bằng chi phí mua vật liệu + giá nhân công (khoảng từ 900 nghìn - 1.5 triệu đồng/m2).

Lưu ý: Đơn giá chỉ mang tính chất tham khảo. Giá cả sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào vị trí xây dựng, địa chất, vật liệu xây dựng... Bạn nên liên hệ với một số đơn vị thi công để nhận được báo giá chính xác nhất.

3.3. Cách tính tổng chi phí xây nhà 2 tầng 80m2

Đến đây có thể kết luận rằng chi phí xây nhà 2 tầng 80m2 của mỗi gia đình là hoàn toàn khác nhau, tất cả tùy thuộc và sự lựa chọn của gia chủ. Gia chủ có thể chọn các hạng mục mong muốn để quyết định tổng diện tích xây dựng là bao nhiêu. Và gia chủ cũng được chọn đơn giá phù hợp với khả năng để quyết định chi phí xây nhà sẽ nằm trong khoảng nào.

Đây là công thức để tính chi phí:

Tổng chi phí xây nhà = Tổng diện tích xây dựng x Đơn giá

Ví dụ:

  • Gia chủ chọn xây nhà 2 tầng 80m2 sử dụng móng bè, mái bê tông dán ngói với chi phí trọn gói vào khoảng 6 triệu đồng, thì tổng chi phí xây nhà sẽ là: 208m2 x 4 triệu đồng = 832 triệu đồng.
  • Gia chủ chọn xây nhà 2 tầng 80m2 sử dụng móng đơn, mái bê tông không lát gạch với chi phí trọn gói vào khoảng 5 triệu đồng, thì tổng chi phí xây nhà sẽ là: 232m2 x 5 triệu đồng = 1 tỷ 160 triệu đồng.
  • Gia chủ chọn xây nhà 2 tầng 80m2 sử dụng móng cọc, mái tôn với chi phí trọn gói vào khoảng 4 triệu đồng, thì tổng chi phí xây nhà sẽ là: 280m2 x 6 triệu đồng = 1 tỷ 680 triệu đồng.

4. Tổng kết

Như vậy bài viết đã giúp bạn hình dung được mẫu nhà đẹp, chi phí xây nhà, cùng với đó là những kinh nghiệm quý giá khi xây dựng.

Hi vọng bài viết đã giúp bạn biết được bí quyết để xây nhà 2 tầng đẹp 80m2, đồng thời chọn được mẫu nhà phù hợp và tính toán được chi phí cần bỏ ra. Chúc bạn sớm có được ngôi nhà như ý muốn.

Nguồn: Trần Anh Group