Tìm hiểu về kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Kiến trúc nhà sàn được xem là nét đặc trưng trong văn hóa các dân tộc tại Việt Nam. Khám phá ngay nét đặc sắc của kiến trúc này ngay sau đây.

Nếu như kiến trúc nhà cấp 4, nhà ống, biệt thự nhà vườn, nhà phố,... quá đỗi quen thuộc với người Việt thì nhà sàn khá lạ lẫm đối với nhiều người. Hình ảnh những ngôi nhà sàn mộc mạc đơn sơ nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị truyền thống thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo. Vậy, bạn đã biết gì kiến trúc này? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Nhà sàn là gì?

Khái niệm

Nhà sàn được biết đến là kiểu nhà được xây dựng trên những cột phía trên mặt đất. Mục đích ra đời của loại hình nhà ở này đó chính là tránh thú dữ ở những vùng cao, miền núi Việt Nam.

Nhà sàn được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như tre hóp đá, tre luồng, gỗ với kết cấu liên kết vững chắc. Vì được cất cao hơn so với mặt đất nên nhà sàn có gầm để đựng đồ, chứa củi, nông cụ hoặc làm nơi chăn thả gia súc gia cầm.

Không chỉ tồn tại tại Việt Nam, nhà sàn còn rất phổ biến ở một số quốc gia Đông Nam Á.

Kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam 1

Chức năng nhà sàn

Nhà sàn tại Việt Nam ngoài chức năng để ở còn là nơi thực thi các nghi lễ, tổ chức sự kiện trọng đại của buôn làng. Đặc biệt, nhà sàn còn là nơi truyền đạt văn hóa, tập tục cho thế hệ sau giữ gìn.

Vật liệu xây dựng nhà sàn

Vật liệu để xây dựng nhà sàn khá đơn giản, chủ yếu là gỗ, song, mây, tre... khai thác tại các khu rừng nhiệt đới. Mặc dù chỉ là vật liệu đơn sơ, không cần đến máy móc hiện đại nhưng nhà sàn vẫn đảm bảo được kết cấu vững chắc nhờ vào sự hợp lý trong tỉ lệ kết cấu khung gỗ. Mái của nhà sàn có độ dốc lớn với cỏ tranh, lá gồi, ngói âm dương.

Phân loại nhà sàn

Theo kiến trúc, có:

  • Nhà sàn dân tộc: Là loại nhà sàn sử dụng chủ yếu các chất liệu từ thiên nhiên để xây dựng như gỗ, tre, nứa. Phần mái nhà sẽ được làm bằng lá để đem lại sự thoáng mát. Nhà có 3 gian, trong đó gian giữa sẽ rộng nhất và được dùng để tiếp khách.
  • Nhà sàn hiện đại: Được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, có tuổi thọ và độ bền cao hơn so với nhà sàn dân tộc. Nhà sàn hiện đại cũng có nhiều sự cải cách về nội thất bên trong nhằm đem lại sự sang trọng, quý phái và tinh xảo. Loại nhà sàn này thường được chọn để xây dựng tại các khu du lịch, resort nghỉ dưỡng.

Kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam 2

Theo chất liệu, có:

  • Nhà sàn gỗ
  • Nhà sàn tre
  • Nhà sàn bê tông
  • Nhà sàn bằng sắt

Khám phá kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam

Mỗi vùng miền, dân tộc tại Việt Nam sẽ có kiến trúc nhà sàn với các đặc điểm độc đáo riêng biệt. Trong đỏ, nổi bật nhất phải kể đến nhà sàn Tây Nguyên, nhà sàn Tây Bắc (dân tộc Tày, Thái, Mường) và nhà sàn Nam Bộ.

Nhà sàn Tây Bắc

Nói về nhà sàn Tây Bắc, không thể không nói đến những ngôi nhà của người Tày và Thái.

Nhà sàn dân tộc Tày

Đặc trưng của nhà sàn dân tộc Tày đó là số cột nhà phải là số lẻ và nằm trong khoảng từ 24 đến 38. Phần mái nhà được đan từ lá cọ và thường là dạng hai mái. Cầu trang đi lên xây theo hướng Đông Nam hoặc hướng Nam. Nhà được chia làm nhiều gian và có gian chủ yếu đó là phòng khách, khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình. Bàn thờ ông bà tổ tiên sẽ được đặt ngay tại phòng khách để thể hiện sự trang nghiêm, lòng biết ơn con cháu với người đã khuất. Bên trái ngôi nhà là khu vực cho những đôi vợ chồng son, bên phải là con cháu và ở giữa là nơi ở cho người cao tuổi như bố mẹ, ông bà.

Kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam 3

Nhà sàn dân tộc Thái

Đặc trưng của nhà sàn dân tộc Thái đó là có phong cách thiết kế theo hình dạng của sông, núi hay cánh đồng. Nhà được dựng tựa lưng vào núi, mặt quay ra phía thung lũng. Nhà sàn của người Thái sẽ có hai cầu thang, một bên là lối đi cho nữ và một bên là lối đi cho nam. Tương tự như nhà sàn của người Tày, người Thái cũng quan niệm số chẵn là số xui rủi, kém may mắn nên số gian nhà sẽ thường là số lẻ, số lượng ít hay nhiều phụ thuộc vào điều kiện, nhu cầu sinh sống. Mái nhà sàn người Thái trắng thường có hình mai rùa, theo nguyên tắc 4 mái. Trong khi đó, người Thái đen lại thích kiểu mái khau cút - đôi sừng bị cụt của con trâu và hình tượng rất linh thiêng của dân địa phương.

Kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam 4

Nhà sàn Tây Nguyên

Nhà sàn Tây Nguyên thường được xây dựng bởi chất liệu gỗ, nhờ vậy không gian nhà có được sự thoáng mát vào mùa hè, ấm áp khi đông về. Đây cũng được xem là sự sáng tạo của người dân tộc Tây Nguyên so với vùng Tây Bắc. Nhà sàn Tây Nguyên thường được xây theo hướng Bắc - Nam để đón gió mát, tránh ánh nắng gắt. Một nhà sàn tại Tây Nguyên có thể sống nhiều thế hệ với 3-7 gian nhà. Nhà rộng từ 5.6 – 7m, chiều dài 3m.

Kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam 5

Cầu thang của nhà sàn Tây Nguyên thường được làm từ thân gỗ lớn với 7 bậc thang và đẽo bằng tay. Bên trái cầu thang sẽ có hình mặt trăng khuyết, đôi bầu vú tượng trưng cho thế hệ mẫu hệ của các dân tộc như Ê đê. Bên phải cầu thang là hình con rùa, tượng trưng cho sự trường tồn và vĩnh cửu. Ngoài ra, nhà sàn Tây Nguyên còn gây ấn tượng bởi những hình ảnh, biểu tượng nghệ thuật chạm khắc trên thân cột, xà ngang như chim, voi, rùa, kỳ đà, hoa lá. Điều này thể hiện sự sùng bái thiên nhiên và mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người vùng cao nguyên hùng vĩ.

Nhà sàn Tây Nguyên còn được chia thành 3 dạng phổ biến đó là: Nhà sàn kiên cố, nhà sàn dạng bán kiên cố, nhà sàn tạm bợ.

  • Nhà sàn kiên cố: Thường là nhà của người dân tộc Xê Đăng, Ê-đê, Jrai... với chất liệu từ những thân gỗ lớn, sàn cao.
  • Nhà sàn bán kiên cố: Là nhà của dân tộc Ca Tu, Hrê, Triêng...với cột bằng cây gỗ thân vừa phải, mái bằng cỏ và hai đầu mái có thanh gỗ nhọn như sừng trâu. Sàn của dạng nhà sàn này thấp hơn so với nhà sàn kiêng kế.
  • Nhà sàn tạm bợ: Là nhà sàn của người dân tộc Jẻ Triêng, Mnông,… với tập quán du cư. Bởi vậy, với họ nhà sàn thường là dạng nhà trệt, không bền vững.

Nhà sàn Nam Bộ

Ít ai biết rằng khu vực Nam bộ cũng có kiến trúc nhà sàn. Thực tế, kiến trúc nhà sàn Nam Bộ thường được xây dựng trên mặt nước ở sông, kênh, bờ ruộng. So với nhà sàn Tây Bắc và Tây Nguyên, nhà sàn Nam Bộ ít đặc sắc hơn và thường được sử dụng với mục đích ở là chính. Thay vì được làm bằng chất liệu gỗ, tre nứa, nhà sàn tại Nam Bộ thương được xây bằng gạch, xi măng, bê tông. Phần khung cửa và lan can của nhà được trang trí bằng nhiều họa tiết tỉ mỉ, công phu.

Kiến trúc nhà sàn các dân tộc Việt Nam 6

Hình ảnh những ngôi nhà sàn mộc mạc, giản dị với bếp lửa, với khói chiều chắc chắn sẽ còn được lưu giữ đến muôn đời sau. Bởi, đây là những văn hóa tốt đẹp nhất đáng để truyền lại cho con cháu. Hy vọng rằng qua bài viết này, quý bạn đọc đã hiểu hơn về lối kiến trúc nhà sàn các dân tộc tại Việt Nam. Để tìm hiểu thêm nhiều phong cách kiến trúc khác, đừng bỏ lỡ các bài viết mới nhất tại mục Nội - Ngoại thất của website này nhé!

Xem thêm: