Khám phá kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại: những điều đặc biệt

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại được xem là một trong những nền kiến trúc đặc sắc của thế giới. Tìm hiểu về lịch sử, đặc điểm và top các công trình kiến trúc Lưỡng Hà ngay sau đây.

Lưỡng Hà theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vùng đất giữa các con sông”, cụ thể ở đây là sông Tigris và sông Euphrates thuộc miền Nam Iraq (sau này bao gồm Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây nam Iran). Lưỡng Hà cùng với Ai Cập, Ấn Độ và Hoàng Hà là 4 nền văn minh lớn của thế giới, trong đó văn minh Lưỡng Hà nổi bật với các thành tựu về chữ viết, toán học, thiên văn và kiến trúc. Vậy, kiến trúc Lưỡng Hà có gì đặc biệt?

Lịch sử kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại

Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại 1

Trong số các nền văn minh, Lưỡng Hà được xem là nền văn minh xuất hiện sớm nhất trên thế giới, đã mang đến cho nhân loại nhiều đóng góp về khoa học, văn hóa và những công trình kiến trúc tiêu biểu.

Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại được cho là xuất hiện ở giai đoạn 4000 năm trước công nguyên. Theo đó, các công trình sớm nhất được tìm thấy ở Mureybet và Abu Hureyra (Ả Rập), Zagros, Maghzaliyah là nhà ở bán ngầm hình tròn, tường hình tròn, thành đá cư trú,...

Đặc điểm của kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại

Nói đến các phong cách kiến trúc, kiến trúc Lưỡng Hà chỉ là 1 trong số rất nhiều các nền kiến trúc khác nhau. Vậy thì kiến trúc này có gì đặc biệt? Và làm thế nào để phân biệt được kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại với các nền kiến trúc khác (ví dụ như kiến trúc cổ đại phương Đông, kiến trúc Roman, kiến trúc Hy Lạp cổ đại, kiến trúc La Mã cổ đại,...)?

Dựa vào các đặc điểm của kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại chúng ta sẽ phân biệt được nó với các nền kiến trúc khác trên thế giới.

Đặc điểm kiến trúc chung

  • Vật liệu xây dựng: Chủ yếu là đất sét. Người Lưỡng Hà cổ đại dùng đất sét để làm gạch sống, gạch nung, gạch lưu ly và vách trộn rơm. Sử dụng hồ vôi và bitum để làm vật liệu kết dính. Các công trình của Lưỡng Hà cổ đại ít hoặc dường như không có đá và gỗ.
  • Màu sắc, trang trí: Từ năm 3000 TCN trở đi, hình thức trang trí cho công trình đã rất phổ biến tại đây. Đặc biệt là sử dụng gạch ốp lát lưu ly với màu sắc đa dạng và độ bền được đánh giá cao.
  • Kết cấu công trình: Sử dụng gạch sống xây dày để tạo nên kết cấu tường chịu lực, bên ngoài được ốp gạch nung. Tường dày và không có cửa sổ, ánh sáng được lấy qua các cửa đi. Do điều kiện tự nhiên thường xảy ra lụt nên các công trình thường được xây dựng trên nền cao và hướng công trình lệch với trục Bắc - Nam khoảng 45 độ.
  • Đặc điểm đền thờ: Người Lưỡng Hà rất tôn sùng các vị thần linh nên chú trọng vào việc xây dựng các đền đài. Đền sẽ được đặt ở vị trí cao nhất, các công trình phụ bao bọc xung quanh hình thành các sân hướng về đền thờ chính, giữa các sân có tường bao bọc.
  • Đặc điểm đài chiêm tinh: Là nơi để cúng thần và quan sát thiên văn, được xây dựng theo kiểu tầng bậc (3-7 tầng), càng lên cao càng thu nhỏ, các tầng được kết nối với nhau bằng cầu thang hoặc đường dốc.
  • Kiểu nhà: Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại còn thể hiện sự phân chia giai cấp và địa vị xã hội. Nghĩa là mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội sẽ sống trong một điểu nhà riêng. Nếu như người nghèo sống trong những ngôi nhà nhỏ, không có cửa sổ thì tầng lớp thượng lưu, có địa vị, có quyền lực sẽ sống trong những căn nhà có thiết kế chữ U với vườn lớn ở giữa.

Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại 2

Đặc điểm kiến trúc qua các thời kỳ

  • Thời kỳ Protoliterate: Là thời kỳ người Sumer định cư ở Lưỡng Hà vào khoảng 3500 năm TCN. Đặc điểm kiến trúc lúc bấy giờ gắn liền với các đền đài tôn giáo, nổi tiếng nhất là các đài chiêm tinh Ziggurat. Mỗi thành phố đều có 1 hoặc 1 số Ziggurat được xây dựng bằng gạch, bùn, gồm 3 - 7 tầng, mỗi tầng được trang trí một màu khác nhau.
  • Thời kỳ Babylon: Là thời kỳ của 2 tộc người Elma và Amorites, xuất hiện vào cuối thiên niên kỉ thứ 3 TCN. Kiến trúc Lưỡng Hà thời kỳ này có sự kết hợp, pha trộn giữa kiến trúc Địa Trung Hải và văn minh sông Hằng. Nổi bật nhất ở thời kỳ này chính là các cung điện nguy nga, tráng lệ cùng sự xuất hiện của kỳ quan cổ - Vườn treo Babylon.
  • Thời kỳ Assyria: Các công trình thời kỳ này sử dụng nhiều gạch nung, một sô phù điêu làm bằng đá, sử dụng nền móng bằng đá và gạch nung, các bức tường thường được trang trí bằng các phiến đá có chạm khắc và hình vẽ (hình vẽ về đế chế và những chiến thắng của họ).

Các công trình tiêu biểu của kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại

Thành Babylon

Thành Babylon là thành quốc của Lưỡng Hà thời cổ đại. Thành nằm ở Hillah, Babil, Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 85km về phía Nam. Nếu như giai đoạn 1770 - 1670 TCN Babylon là thành phố lớn nhất thế giới thì ngày nay, những gì còn sót lại chỉ là một gò đất, các mảnh vỡ của các công trình và một số di tích sau: Kasr (cung điện, lâu đài), Amran Ibn Ali (gò đất cao 25m nằm ở phía Nam), Homera (gò đất màu đỏ ở phía Tây) và Babil (gò đất cao 22m nằm ở phía Bắc).

Các nhà khảo cổ học cho biết, thành Babylon được xây dựng bằng đất và gạch nung vào khoảng 8.000 năm về trước. Quy mô của nó có thể sánh ngang với các kim tự tháp vĩ đại ở Ai Cập. Toàn thành được bao bọc bởi bức tường thành rộng lớn, cao khoảng 15 - 18m, bên ngoài được ốp bằng gạch nung, đồng thời được bảo vệ bởi một đường hào sâu.

Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại 3

Vườn treo Babylon

Vườn treo Babylon được xây dựng tại thành phố Babylon, nằm kế bên một cung điện rất lớn được xây dựng bởi Nebuchadnezzar II thời Tân Babylon dành tặng cho vợ của mình. Ngoài ra, vườn treo còn gắn liền với vị nữ vương huyền thoại Semiramis - người trị vì Babylon vào thế kỉ 9 TCN.

Vườn treo Babylon là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, là một công trình gồm chuỗi vườn bậc thang có đủ các loại cây trồng trên một cấu trúc cao như ban công hay sân thượng.

Trên thực tế, Vườn treo Babylon đã không còn tồn tại. Việc nó có thực hay không vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp. Có giả thiết cho rằng, công trình chỉ là một huyền thoại không hề có thực. Có giả thiết lại cho rằng công trình này đã từng tồn tại trên thực tế tại thành Babylon trong khoảng thời gian thế kỉ 1 TCN. Dẫu vậy, cho đến nay nó vẫn được tính là một trong những công trình tiêu biểu đại diện cho kiến trúc Lưỡng Hà thời cổ đại.

Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại 5

Đài chiêm tinh Ziggurat

Đài chiêm tinh Ziggurat là một tòa tháp cổ xưa của người Sumer. Công trình được xây dựng chủ yếu từ bùn và gạch theo kiểu tầng bậc, càng lên cao bậc càng thu nhỏ lại. Ziggurat thường có đường dốc trượt hoặc bậc thang, một là thẳng góc, hai là men theo khối xây để đi lên đỉnh, có thể nằm bên trái hoặc bên phải, hoặc thiết kế theo kiểu xoắn ốc.

Trên đỉnh Ziggurat có một đền thờ nhỏ, mặc dù đây không phải là nơi thờ cúng hay diễn ra các nghi lễ công cộng. Người Sumer cho rằng đây là nơi ở của các vị thần, vì vậy mỗi thành phố cần có một đài chiêm tinh để các vị thần đến ở và bảo vệ họ. Ngoài ra, đài chiêm tinh còn được dùng để xem sao, tinh tú trên trời.

Vùng Lưỡng Hà có rất nhiều các đài chiêm tinh, tuy nhiên vì xây dựng bằng bùn và gạch nên đa số đã không còn trong thời đại này. Hiện nay, chỉ còn một vài dấu tích của đài chiêm tinh được bảo tồn như Ziggurat Chogha Zanbil ở Iran - công trình được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại 7

Cho đến nay, hầu hết các công trình kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại đều không còn tồn tại. Tuy vậy, thành tựu nó để lại vẫn còn sức ảnh hưởng và được thế giới ca ngợi, được xem như là cái nôi của kiến trúc nhân loại. Kiến trúc Lưỡng Hà cổ đại không chỉ là sự sáng tạo tài tình của con người mà nó còn là “nhân chứng” của một quá trình hình thành và phát triển nền văn minh tiêu biểu của nhân loại - văn minh Lưỡng Hà.

Xem thêm: